Người dân trên khắp năm Châu Lục đang náo nức theo dõi các đội tuyển quốc gia tranh tài cúp bóng đá thế giới được tổ chức tại Brasil. Thể thao luôn thể hiện vai trò cầu nối của các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới. Nó có tiếng nói riêng của mình và là nhân tố tích cực để xây dựng nền hòa bình cho nhân loại. Tinh thần và niềm đam mê thể thao làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Cúp bóng đá thế giới là kiện gây sự quan tâm không chỉ riêng giới cầu thủ hay khán giả của các nước có đội bóng tranh tài, mà còn thu hút sự chú ý của nhiều người trên khắp hành tinh.
Trong khi thưởng thức những màn trình diễn đầy thuyết phục của các cầu thủ mang đẳng cấp quốc tế, nhân loại cũng không khỏi lo lắng với những gì đã diễn ra trong thời gian gần đây tại Châu Âu, Châu Á, hay vùng Trung Đông với chiều hướng không mấy khả quan. Việc xây dựng một thế giới đại đồng lấy sự tôn trọng quyền con người, công lý và bình đẳng giữa các dân tộc và các nền văn hóa làm khuôn vàng thước ngọc vẫn là thách đố của mọi thời đại. Để đạt được mục tiêu này cần phải có sự dấn thân của các cường quốc hàng đầu cũng như các nước thành viên khác của Liên Hiệp Quốc. Đây là chuẩn mực chung cho cách ứng xử giữa các dân tộc trên thế giới.
Sở dĩ nhắc tới nguyên tắc này là vì tình hình thế giới thời gian gần đây đang đang có xu hướng cục bộ: một số cường quốc muốn thể hiện vị trí độc tôn của mình, các nước khác xem ra lại ưu tiên cho việc đặt lợi ích quốc gia lên trên cả những giá trị chung của nhân loại, niềm tin tôn giáo bị lạm dụng trong việc chủ trương lấy xung đột vũ trang của thánh chiến làm cách giải quyết vấn đề. Có thể thấy rõ nhất sự hình thành các phe phái cùng với việc duy trì tầm ảnh hưởng của mình đang tạo nên cục diện mới của thế giới.
Biển Đông dậy sóng
Sau hai thời kỳ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất định để vươn lên vị trí nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, Trung Quốc có số đông dân vào bậc nhất trên hành tinh đang nuôi tham vọng tạo nên một thế lực mới trên trường quốc tế với giấc mơ Trung Hoa. Phần vì khát về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, phần khác có lẽ quan trọng hơn vì toan tính bá quyền, hồi đầu tháng Năm vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên đặt giàn khoa HD 981 trong khu đặc quyền của Việt Nam. Không dừng lại ở đó, đến nay Trung Quốc còn đem hai giàn khoan khác vào hoạt động trên lãnh hải thuộc Việt Nam quản lý. Hành động đầy tính toán của Trung Quốc tỏ ra coi thường Việt Nam và luật pháp quốc tế. Điều này cho thấy Trung quốc muốn đơn phương ấn định luật chơi và tự mình vẽ lại bản đồ thế giới theo tiêu chuẩn của riêng mình. Ngoài miệng, Trung Quốc rêu rao cho thế giới là mình dựa trên chứng cớ lịch sử. Tuy nhiên chứng cứ ấy lại không dựa trên sự thật khách quan. Cách hành xử trong vấn đề Biển Đông của Trung Quốc được áp đặt theo kiểu “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh”.
Số phận Crimea đã được an bài
Sau khi không còn sử dụng được con bài độc tài Viktor Yanukovych để duy trì tầm ảnh hưởng của mình tại đất nước Ukraine mà người dân đang khát vọng cháy bỏng bầu khí dân chủ, Nga tìm cách thôn tính chớp nhoáng Crimea. Lợi dụng trong lúc thay đổi thể chế chính trị, Nga lặng lẽ nhất cử nhất động đem quân ém Crimea. Hành động này làm tê liệt thể chế non nớt của Ukraine và đã che mắt được thế giới. Tiếp theo, Nga sử dụng chiến thuật ném đá giấu tay qua việc hậu thuẫn cho nhóm thân Nga tại Ucraina đứng lên nổi loại chống lại chính quyền Ukraine. Màn kịch lố bịch nhất được diễn vào ngày 16 tháng Ba với chiêu bài trưng cầu dân ý của người dân tại bán đảo Crimea. Bước đi ngay sau đó của tổng thống Putin là sát nhập vùng đất này vào Nga mà trước đó Quốc Hội đã biểu quyết vốn chỉ mang tính chất thủ tục. Có thể nói Putin đã thực hiện một cuộc xâm lược thời hiện đại lãnh thổ Ukraine một cách vô tiền khoáng hậu mà không tốn một viên đạn, không mất mạng một binh lính nào. Không dừng lại ở đấy, Nga còn nhúng tay mình làm nội tình Ukraine trở nên phức tạp và có thể rơi vào tình trạng nội chiến triền miên. Xem ra ngọn lửa về một quá khứ huy hoàng đã mất thời Nga Hoàng và thời anh cả Sô Viết đã được Putin và những người chủ trương chủ nghĩa dân tộc thổi bùng lên một cách mãnh liệt vào thời nay.
Liên Minh Châu Âu rạn nứt
Thời điểm hiện nay suy thoái kinh tế diễn ra khắp nơi trên thế giới đã tác động tiêu cực đối với một số nước và đặc biệt là khối Cộng Đồng chung Châu Âu. Các đảng thuộc phe thiên hữu đã thắng thế trong đợt bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào hôm 25 tháng Năm vừa qua. Với kết quả này, ý tưởng về một nền kinh tế chung Châu Âu bị đe dọa. Pháp là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của công trình chung này đã phải chứng kiến sự lên ngôi của Đảng Mặt Trận Quốc Gia của bà Marine Le Pen, vốn có chủ trương đi ngược lại lợi ích chung của khối Châu Âu, tại cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua. Với thắng lợi ấy, các mục tiêu đề ra nhằm xây dựng cho khối chung Châu Âu sẽ gặp những khó khăn không nhỏ, vì đảng Mặt Trận Quốc Gia cho rằng sở dĩ nền kinh kế của Pháp bị suy thoái là hệ quả của guồng máy cộng đồng chung Châu Âu hoạt động kém hiệu quả. Do vậy chỉ khi Pháp tách ra khỏi khối này thì mới duy trì được sự phát triển xứng với tầm vóc của mình.
Niềm tin tôn giáo bị lạm dụng
Những gì đang diễn ra tại Iraq không khỏi làm cho nhân loại lo lắng, vì nó mang màu sắc tôn giáo. Trong thực tế, tại Iraq vốn tồn tại mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo lớn là Shia và Sunni. Thủ tướng đương nhiệm Maliki thuộc dòng Shia tỏ ra không quan tâm đến quyền lợi của những nhóm sắc tộc Hồi Giáo khác. Đây chính là nguyên nhân làm cho nội tình Iraq bị rạn nứt và châm ngòi cho các cuộc xung đột giữa các nhóm Hồi Giáo với chính phủ leo thang. Nguy hiểm nhất là hành động của phiến quân ISIS, vốn chủ trương thành lập nhà nước Hồi Giáo trải rộng các nước trong khu vực. ISIS trước đây thuộc tổ chức Al-Qaeda, nhưng nay đã hoàn toàn qua mặt cả nhóm khủng bố đàn anh khét tiếng này. Ngay sau khi chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ hai tại Iraq, vào trung tuần tháng Sáu, ISIS đã cho công bố hình ảnh hành hình tập thể các binh sĩ quân đội quốc gia. Mosul thất thủ khiến 500 ngàn người đã phải rời bỏ thành phố để tìm đường lánh nạn.
Như vậy, ISIS không chỉ là mối nguy ngại cho chính phủ của ông Maliki mà còn là mối đe dọa chung cho cả Iran, quốc gia đa phần là người Shia, lẫn đất nước Syria. Một liên minh mới giữa Iraq, Iran và Syria được hình thành nhằm đối phó lại ISIS. Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq không chỉ mang màu sắc chính trị, mà còn đụng chạm đến niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên những ai có niềm tin đích thực sẽ không bao giờ chủ trương dùng bạo lực làm cứu cánh và gieo thù hận như nguyên lý của hành động.
Thay lời kết
Việc duy trì hòa bình không bao giờ có thể dựa trên các loại vũ khí tối tân hủy diệt và giết người hàng loạt. Mâu thuẫn không bao giờ có thể được giải quyết theo kiểu áp đặt. Hạnh phúc và phồn thịnh không bao giờ lại có thể được dành riêng cho một nhóm người, một số dân tộc hay một vài quốc gia nào. Nhân loại sẽ không thể có hòa bình đích thực nếu vẫn còn mầm mống của xung đột. Cũng vậy, sẽ không thể có hạnh phúc đích thực nếu đó đây trên thế giới vẫn tồn còn tại nhiều bất công và cơ cực. Hòa bình và hạnh phúc không phải là thứ đặc ân dành riêng cho một số nơi trên thế giới. Xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc là trách nhiệm của tất cả mọi người, mọi chủng tộc và hết mọi quốc gia. Vì chưng, thực ra thế giới này đúng nghĩa chỉ là một ngôi nhà chung.
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét