Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

CON ĐƯỜNG


“Tìm một con đường, tìm một lối đi, ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi. Lạc loài niềm tin sống không ngày mai, sống quen không ai cần ai, cứ vui cho trọn hôm nay.” là tâm sự của nhạc sỹ Đức Huy trong bài “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” khi anh phải bôn ba và tha phương nơi xứ người. Với ca khúc này, nhạc sỹ Đức Huy như đã nói hộ biết bao con tim đang thao thức tìm kiếm cho mình một con đường và một lối đi đúng đắn hầu tới được bến bờ hạnh phúc và bình an thật giữa một thế giới có quá nhiều con đường và lối đi dẫn đến chỗ lầm lạc và khổ đau như ngày nay.
Con đường gắn kết với hành trình sống của từng người chúng ta như máu huyết và hơi thở vậy. Từ khi chập chững bước đi đầu tiên ở cái buổi bình sinh của đời mình đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta đã và luôn gắn kết với con đường rồi, thế nên nó trở nên vô cùng thân quen và gần gũi.
Có những con đường ta rất thích đi, đi hoài mà không biết chán, bởi nó gắn kết với ta nhiều kỷ niệm vui buồn khác nhau của một thời vang bóng nào đó, tựa như con đường đến trường quen thuộc trong suốt thời học sinh, hay con đường tình mà hai người yêu nhau thường đi dạo ngang qua ấy để đến điểm hẹn vào những ngày nắng đẹp hay những ngày mưa lãng mạn.

Cũng có những con đường mà hễ nhắc tới là gợi đến trong ta một sự chán chường và buồn sầu đến vô hạn bởi nó gắn liền với những biến cố gây chấn động cho ta thuở nào, đó chính là con đường mà người thân ta đã tử nạn nơi ấy bởi tai nạn giao thông, con đường ta gặp rủi ro, con đường ta đưa tiễn một linh hồn về với lòng đất.
Đã là con đường thì chắc chắn đưa ta đến một đích điểm nào đó, đích điểm ấy quyết định ta chọn lựa con đường nào để dẫn tới đó. Thế nên, điều ta băn khoăn và luôn trăn trở trong hành trình đi về đích điểm của ta thật là một hành trình gian nan và cam go. Bởi nếu ta biết đích điểm thì ta mới biết tìm đến con đường nào dẫn ta tới.
Song điều cay đắng mà đa số nhân loại này, nhất là những người trẻ gặp phải đó là họ lại không biết đâu là điểm mà mình cần tới trong cuộc đời, thế nên họ cứ lang bang hoài trên những con đường khác nhau, đi từ hứng thú đến thất vọng, đi từ ngạc nhiên đến tuyệt vọng, đi từ niềm vui đến bất an, đi từ sung mãn đến bất mãn, đi từ sôi nổi đến chán chường, đi từ hoan lạc đến loạn lạc, đi từ tình yêu đến tình thù, đi từ sôi động đến bất động, và đi từ sự sống đến sự chết…
Nhiều khi ta biết đích phải đến, song chính vì cái đích ấy chẳng rõ ràng nên ta lại đi vào những con đường vòng vo, luẩn quẩn, và như một ma trận lại đưa ta đến đích khác với cái mà ta đã chọn dù nó đã mập mờ, song đích này còn tan nát và mập mờ hơn.
Ta đã dành cả cuộc đời để nỗ lực, để phấn đấu, để yêu và để nhớ, để thương và để giận, để học và làm, để nhận và cho, để vui và buồn, để sinh và để dưỡng… thế nhưng cuối con đường ấy lại là một điều mà ta lại thất vọng khi trong một khoảnh khắc ánh sáng nào đó ta được biết rằng ta chẳng đi về đâu cả, ta vẫn cứ đang đi trong cái mê cung kia, và thế là ta hối hận, ta tiếc nuối, ta sợ hãi, ta lạc lối, ta băn khoăn, cuối cùng là bỏ mặc con đường.
Trong tác phẩm “Những Lời Dạy Của Don Juan – The Teachings of Don Juan” nổi tiếng của nhà nhân chủng học Carlos Castaneda, ông đã được thầy mình là nhà phép thuật nổi tiếng ở Mexico chỉ cho biết cái khái niệm về con đường. Qua đó, ông chia sẻ cảm nghiệm một đời của mình về con đường với Carlos Castaneda: 
“Tất cả mọi con đường đều giống như nhau cả: chẳng dẫn tới đâu hết. Đó là những con đường đưa ta đi qua bụi rậm, hoặc đi vào bụi rậm. Nơi chính của sống của mình, tôi có thể nói rằng tôi đã đi qua rất nhiều con đường dài, nhưng giờ thì tôi cũng chẳng đang ở đâu cả. Giờ tôi mới thấy câu hỏi của thầy tôi có ý nghĩa. Liệu con đường này có trái tim không ? Nếu nó có, thì đó là con đường tốt; còn nếu không thì con đường ấy vô ích.
Cả hai con đường đều chẳng đưa ta đến đâu cả; nhưng một bên có trái tim, còn bên kia thì không. Một con đường cho ta một hành trình tràn ngập niềm vui; và bao lâu chúng ta đi theo con đường ấy ta sẽ nên một với nó. Còn con đường kia thì chỉ đem tới cho ta sự nguyền rủa cả đời. Một con đường cho ta sức mạnh; còn con đường kia làm cho bạn hao mòn.”
Trong bộ phim nhiều tập mà ai cũng biết dựa trên tác phẩm cùng tên của Ngô Thừa Ân – Tây Du Ký, nếu ai biết tiếng Hoa sẽ nghe bài hát quen thuộc mỗi khi phim được chiếu, trong đó có đoạn nói thế này: “Thử hỏi con đường ở đâu, xin thưa con đường ở dưới chân ta”. Đây là một cách nói theo nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì đòi buộc ta phải luôn luôn nhìn xuống chân mình, nhìn hướng phía trước và dò tìm, phân định, để nhận biết mình đang đi về đâu và đích điểm là gì.
Và kết quả của một quá trình đấu tranh không mệt mỏi với không chỉ những lực cản trên đường đến Tây Thiên, mà cả với chính bản thân mình với muôn vàn ước muốn thấp hèn, khuynh hướng xấu, ý riêng mình… thầy trò Đường Tăng cũng đã có thể mỉm cười hạnh phúc khi đặt chân đến Đất Phật và nhận bộ kinh tu luyện thành Phật đem về giúp cho chúng sanh.
Còn trong Kinh Thánh, ta gặp một Thầy Giêsu nhân lành và thánh thiện, chính Ngài đã xác quyết: “Chính Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” ( Ga 14, 6a ). Từ đây, qua Ngài trong tư cách Thiên Chúa Làm Người đã đồng hóa Con đường với Ngôi vị – Thiên Chúa, Sự thật với Ngôi vị, và Sự sống với Ngôi vị.
Không ai trong dòng lịch sử nhân loại đã dám khẳng định ngôi vị của mình với con đường, với sự thật, và sự sống như chính Ngài đã đầy tình yêu để đồng hóa với chính mình. Từ đây ta có thể hiểu thứ tự đồng hóa của Ngài thế này “Thầy đây là con đường, con đường hoàn toàn là sự thật, và con đường này hoàn toàn là sự sống thật, và đưa các con đến sự sống muôn đời trên Nước Trời”.
Lời xác quyết của Thầy Giêsu dẫn ta đến một sự thật toàn vẹn là nếu ta quyết định chọn Ngài thì ta phải đi trên con đường mà Ngài đã mở ra cho chúng ta, con đường của hy sinh, từ bỏ mình, yêu thương, bác ái, và đầy thử thách gian nan nhằm tôi luyện ta trở nên giống Ngài hơn để có thể bước vào Nước Ngài như đã hứa. Nếu ta thường xuyên đi trên Con Đường Thánh này ta sẽ trở nên một với Ngài, được niềm vui dù cuộc sống có nhiều cái khổ đau, và tràn đầy sức mạnh để lướt thắng hết mọi cám dỗ ở đời và vinh quang bước vào Nước Ngài như lời Ngài cầu nguyện 
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.
Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

 Joseph C. PHAM
Theo EPHATA số 618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét