Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Vài mốc lịch sử đưa đến Vatican II



California, USA - I.
Buổi chiều 28.10.1958 Ðức Hồng Y Angelo Giuseppe Roncalli, Thượng Phụ Venezia (Venice) được Mật Hội Hồng Y suy cử lên Tòa Thánh Phêrô để kế vị Ðức Cố Giáo Hoàng Piô XII. Ngài nhận danh hiệu Gioan XXIII.
Phải nói rằng trong các giới được coi là thông thạo tình hình Giáo Hội lúc ấy, nhiều người không đánh giá cao vị tân giáo hoàng. Ngài được tiếng là người bình dân, nhân hậu, xuề xòa, vui tính, nhưng không được coi là đủ tầm cỡ để kế vị một vị giáo hoàng được tiếng là thánh thiện, trí tuệ siêu vời và “tiên phong đạo cốt” như đức Piô XII. Người ta không coi ngài là một trí thức lớn. Hồng Y Ðoàn đưa một cụ già 77 tuổi lên ngôi xem ra có ngụ ý dành cho Giáo Hội Công Giáo một vài năm nghỉ ngơi, bình an vô sự, sau một triều đại quá lẫy lừng.
Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau, vị tân giáo hoàng có những động thái gây ngạc nhiên. Ðiện Vatican náo động vì mấy lần không báo trước ngài đã xuất hành bỏ cung điện, khi thì đi thăm các thiếu nhi trong bệnh viện, khi lại thăm nhà tù, nói chuyện với các phạm nhân, khi thì đến một xứ đạo bình dân. Ðối với một tông đồ của Chúa, đang lẽ những động thái như thế phải được coi là rất bình thường. Nhưng vì nhiều lý do, lịch sử, tâm lý, nghi lễ…. đã từ lâu không ai thấy các đức giáo hoàng làm như thế. Báo chí trong nước, ngoài nước đua nhau loan tin sốt dẻo, những người dân thấp cổ bé miệng thì rất vui mừng, họ gọi ngài là “il papa buono” (đức giáo hoàng tốt lành). Dư luận bắt đầu nói đến một “làn gió Tin Mừng mới” thổi ra từ Ðiện Vatican. Nhưng cung cách của vị tân giáo hoàng  không phải chỉ có thế. Không đầy ba tháng sau ngày lên ngôi, Ðức Gioan XXIII dành cho Giáo Hội một sự ngạc nhiên lớn nữa.

II.
Ngày 25.1.1959, sau một nghi lễ tại Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành, Ðức Gioan XXIII triệu tập riêng các vị hồng y và thông báo quyết định triệu tập Công Ðồng Chung của toàn thể Giáo Hội.
Sự bất ngờ lớn đến nỗi chính Ðức Thánh Cha hồi tưởng như sau: “Thường tình thì có thể chờ đợi sau khi nghe lời chúng tôi, các vị hồng y sẽ xúm xít lại để bày tỏ sự ủng hộ và cầu chúc thành công. Nhưng thay vào đó chỉ có một sự yên lặng thẳm sâu và thành kính…” Chính các hồng y chẳng biết phải nói gì về biến cố đột ngột này. Theo Ðức Gioan XXIII, quyết định của ngài xuất phát từ một hứng khởi ngay từ những ngày mới lên ngôi. Ngài kể lại vào cuối năm 1958, ngài đang lo lắng trao đổi với vị Quốc Vụ Khanh của mình là Hồng Y Tardini về tình hình thế giới và hoạt động của Giáo Hội trên thế giới. Ðó là một thời cao điểm của Chiến Tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đua nhau thử vũ khí hạt nhân, và tranh giành ảnh hưởng ráo riết đối với các nước nghèo. Ðức Thánh Cha ghi nhận tình trạng lo âu bồn chồn trên thế giới cùng những khát khao vô vọng của dân nghèo về hòa bình và công lý. Ngài hỏi vị Quốc Vụ Khanh nên làm gì để nêu một tấm gương bình an và hòa thuận cho thế giới. Thế rồi bỗng nhiên ngài buông tiếng “Công Ðồng !” Chính ngài cũng không thể dự đoán vị Quốc Vụ Khanh của mình sẽ phản ứng ra sao, có thể Ðức Hồng Y Tardini là một người lão luyện sẽ đưa ra một loạt những thắc mắc, vấn nạn, nhưng hóa ra vị hồng y già lại xúc động thưa ngay: “Si, si un Concilio” (dạ, vâng một Công Ðồng).
Ðức Gioan XXIII  là một tâm hồn lạ lùng, một người rất gần gũi với cuộc sống, rất hồn nhiên, và tư duy rất tự do. Nhưng trong gần 80 năm cuộc đời, ngài âm thầm giữ những đức tính ấy trong đáy lòng. Ngài khiêm tốn chân thành “không lấy mình làm trọng”, dẫu bất đồng ý kiến cũng không tranh cãi với ai, sẳn sàng nhường nhịn yên lặng, vui vẻ và bình an. Nếu ngài không lên ngôi Thánh Phêrô một cách bất ngờ, thì ngài sẽ giữ cái cung cách ấy cho đến chết. Thế nhưng một khi đã được đặt vào địa vị lãnh đạo tối cao trong Giáo Hội, thì ngài cũng cứ đơn sơ hồn nhiên làm theo cảm hứng của mình.
Ðiện Vatican khi đó gồm đa số các vị hồng y già, tinh thần bảo thủ, rất e ngại công đồng sẽ gây xáo trộn trong Giáo Hội. Nhưng càng nhiều người khuyên ngài trì hoãn triệu tập, thì ngài vui vẻ lắng nghe rồi lại gia tăng chuẩn bị. Có vẻ như ngài linh cảm rằng, ở tuổi gần 80, thời gian của ngài không còn dài, và nếu ngài không khai phá e rằng sẽ không có người khác….
III.
Ngày 18.6.1959 người được chỉ định làm Tổng Thư Ký Công Ðồng, Ðức Tổng Giám Mục Pericle Felici, chuyển một bức thư của Ðức Hồng Y QuốcVụ Khanh Tardini đến 2500 vị giám mục trong Hội Thánh, đến Bề Trên Tổng Quyền các dòng tu, và đến các đại học Công Giáo để xin góp ý kiến về các vấn đề nên bàn trong Công Ðồng. Vatican nhận được gần 2000 phản hồi và một đội ngũ đông đảo các nhân viên phân loại các vấn đề thành chừng 2000 bộ hồ sơ, sau đó cố gắng đúc kết và tổng hợp để có thể trình bày về tình hình Giáo Hội trong từng địa phương, cũng như các vấn đề chung mà Giáo Hội phải đối phó
IV.
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 5.6.1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII thành lập Ban Trù Bị Công Ðồng, gồm 11 ủy ban và 3 văn phòng chuyên trách dưới sự điều động của Ủy Ban Trung Ương do Ðức Thánh Cha đích thân chủ tọa. Ban Trù Bị này dựa vào khối lượng khổng lồ các tư liệu đã tổng hợp để soạn ra các dự thảo văn kiện sẽ trình lên Công Ðồng.
V.
Lễ Giáng Sinh 1961 Ðức Gioan XXIII công bố Tông Hiến  Humane Salutis chính thức triệu tập Công Ðồng  vào năm 1962.
Mở đầu là những lời tuyên xưng đức tin:
Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô, trước khi về trời, đã truyền ban cho các tông đồ nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc. Ðể nâng đỡ và bảo đảm sứ mạng của các ngài, Chúa đã ban một lời hứa khiến cho ta phấn chấn: “Này, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho dến tận thế” (Mt 28,20). Sụ hiện diện thần linh đó thời nào cũng sống động trong Hội Thánh, mà càng vào những thời kỳ nghiêm trọng của nhân loại thì càng hiện rõ hơn hết”. Bởi vì chính trong những thời điểm đó, Hội Thánh “phát huy tất cả sức mạnh của lòng mến, của cầu nguyện và hy sinh gian khổ, đó là những phương cách thiêng liêng bách chiến bách thắng, cũng là những phương cách mà chính Chúa là Ðấng Sáng Lập Hội Thánh đã dùng: vào giờ phút nghiêm trọng trong đời, Chúa đã dạy: “Anh em hãy có đức tin, vì Thấy đã thắng thế gian” (Gioan 16, 33)
Ðoạn sau đây ngày nay đọc lại tưởng như viết cho chính chúng ta. Hình như cuộc sống hôm nay cung cấp cho ta những hình ảnh rất cụ thể để minh họa cho những điều Ðức Gioan XXIII nói lên trong Tông Hiến này:
Ngày nay Hội Thánh đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng lan tràn trong xã hội. Nhân loại đang ở trước ngưỡng một kỷ nguyên mới. Những nhiệm vụ vô cùng nghiêm trọng và rộng lớn đang chờ đợi Hội Thánh, chẳng khác nào trong những thời kỳ bi đát nhất của lịch sử. Vấn đề cụ thể là đưa những năng lượng ban Sự Sống Ðời Ðời của Tin Mừng cho thế giới hiện đại; cái thế giới ấy đang tự hào vì những gì đã chinh phục được trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật; nhưng nó cũng mang những biểu hiện của một trật tự trần thế ai đó đã muốn tổ chức lại mà loại trừ Thiên Chúa. Chính vì thế xã hội hiện đại tiến bộ rất mạnh về vật chất, nhưng bình diện tinh thần thì không tiến ngang tầm. Do đó mà khát vọng về các giá trị tâm linh đã suy yếu; do đó mà người ta chỉ còn muốn tìm những thú vui trần thế nhờ các tiến bộ về công nghệ rất dễ dàng đưa vào vừa tầm tay mọi người; do đó mà nảy sinh một sự kiện mới rất đáng lo ngại: có một phong trào vô thần đang muốn thoán đoạt cả thế giới.

Những nhận định đau lòng trên đây nhắc nhở chúng ta bổn phận phải cảnh giác, tinh thần trách nhiệm phải tỉnh thức. Trong khi nhiều tâm hồn hoang mang không còn thấy gì khác ngoài bóng tối bao phủ mặt đất, chúng ta lại muốn tuyên xưng  một lần nữa niềm tin tưởng vào Chúa Cứu Thế, Người không bỏ thế gian Người đã cứu chuộc. Quả vậy, chúng ta hãy tâm lãnh lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu rằng phải học biết “các dấu chỉ của thời tiết” (Mt 16,4). Giữa bao nhiêu tăm tối, thiết tưởng chúng ta có thể nhận ra không ít những chỉ dẫn cho phép ta hy vọng vào tiền đồ của Hội Thánh và của nhân loại. Thời đại chúng ta với những cuộc chiến tranh đẫm máu nối tiếp nhau, những đổ vỡ tâm linh do nhiều ý thức hệ gây nên, với biết bao trái đắng kinh nghiệm, không phải là không để lại những bài học hữu ích. Cả đến tiến bộ khoa học đã cho con người nắm được cái khả năng tạo ra thảm họa tự mình tiêu diệt mình, cũng làm nổi lên những thắc mắc âu lo. Con người từ đấy suy nghĩ nhiều hơn, ý thức hơn về những giới hạn của chính mình; người ta dấn bước tìm đến một sự cộng tác bền chặt hơn, liên kết với nhau hơn nữa giữa các cá nhân, giai cấp và dân tộc; mặc dù còn trăm nghìn bấp bênh, gia đình nhân loại đã đi về hướng ấy. Tất cả sự thể như vậy rõ ràng mở lối cho sứ vụ tông đồ của Hội Thánh, bởi nhiều người trước đây chưa nhận ra tầm quan trọng của sứ vụ Hội Thánh nay nhờ bài học kinh nghiệm, đã sẵn sàng hơn trước để đón nhận điều Hội Thánh rao báo.

Nếu ta nhìn về Hội Thánh, ta lại thấy rằng Hội Thánh đã không hững hờ chứng kiến những biến cố xảy ra trước mắt, nhưng đã từng bước theo dõi những biến chuyển của các dân tộc, những tiến bộ khoa học, và những cách mạng xã hội. Hội Thánh đã dứt khoát phản biện các ý thức hệ duy vật phủ nhận đức tin. Sau nữa, Hội Thánh đã thấy lớn lên ngay trong lòng mình vô số những năng lượng về sứ vụ tồng đồ, về cầu nguyện và hành động trong mọi lãnh vực; trước tiên hàng giáo sĩ được trang bị ngày một tốt hơn về kiến thức và đức độ để phục vụ sứ mệnh, kế đó giáo dân ngày càng ý thức về trách nhiệm của mình trong Hội Thánh, cách riêng về nhiệm vụ chung sức với hệ cấp giáo quyền trong Hội Thánh. Cần phải thêm vào đó những đau khổ vô bờ bến của từng mảng lớn trong thế giới Kitô, qua đó một đội ngũ tuyệt vời các giám mục, linh mục và giáo dân đã gắn chặt bản thân mình với đức tin, chịu cấm cách bắt bớ đủ kiểu, anh dũng sánh ngang với những giai đoạn vinh quang nhất của Hội Thánh. Cho nên nếu thế giới xem ra đã biến đổi sâu sắc, thì một phần lớn cộng đồng Kitô cũng đã biến chuyển và đổi mới, thế là tình hiệp nhất đã gia tăng, khả năng trí tuệ đã mạnh hẳn lên, và nội tâm thì đã được thanh luyện, nay đã sẵn sàng cho mọi thử thách”

Vì thế Ðức Thánh Cha “cảm thấy có nhiệm vụ khẩn thiết phải gọi tất cả con cái lại với nhau,  cùng chung sức cố gắng để Hội Thánh càng ngày càng thêm khả năng giải quyết những vấn đề của người thời đại.” Ðức Thánh Cha mong đợi Hội Thánh mãi mãi tươi trẻ, tiến đến hợp nhất và thế giới được hòa bình.
Ngài nhắc lại quá trình chuẩn bị Công Ðồng suốt hai năm qua. Ngài kêu gọi mọi người cấu nguyện.
Sau hết ngài thông báo triệu tập Công Ðồng chung Vatican II vào năm 1962.
Trên kia chúng tôi có nói rằng đọc lại văn kiện này, ta thấy như chính là tình hình của thế giới hôm nay. Nhưng nghĩ lại thấy một điều rất đáng lo lắng: liệu chúng ta ngày nay, cách riêng ở Việt Nam có còn được phần nào như Ðức Chân Phước Gioan XXIII đã mô tả Giáo Hội 51 năm trước. Cho nên Năm Ðức tin sắp khai mạc để kỷ niệm Công Ðồng Vatican II cũng là một lời kêu gọi chúng ta tỉnh giấc và tìm lại tinh thần chân chính nguyên sơ của Hội Thánh.
Vũ Khởi Phụng
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét