Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Thiên Đàng - Địa Ngục, ở đâu?




Đức Kito đã nhiều lần nói đến Địa Ngục và Ngài còn răn dạy chúng ta phải làm hết cách để khỏi sa vào chốn khốn nạn đời đời ấy “ Nếu tay ngươi vấp phạm hãy chặt nó đi. Vì lấy làm tốt cho ngươi thà cụt một tay mà vào sự sống còn hơn là đủ cả hai tay mà sa xuống Địa Ngục trong lửa chẳng hề tắt, là nơi sâu bọ chẳng hề chết. Lại nếu chân ngươi…..( Mc 9, 43 -48).


Dĩ nhiên những lời Chúa nói đây không thể hiểu theo nghĩa…đen, vì như thế là vô lý. Thế nhưng cũng chẳng có  cách hiểu nào khác ngoài ra là Chúa muốn ám chỉ Thiên Đàng và Hỏa Ngục như là hai nơi chốn hoàn toàn khác biệt = một nơi toàn là hạnh phúc, một  nơi toàn là bất hạnh. Từ bao đời nay tín hữu chúng ta vẫn tin Thiên  Chúa là Đấng công thẳng vô cùng Ngài thưởng kẻ lành trên Thiên Đàng và phạt kẻ dữ trong Hỏa Ngục. Tin sự hiện hữu của Thiên Đàng cũng như Hỏa Ngục là điều hết sức cần thiết cho việc sống đạo, bởi lẽ chỉ như thế con người mới có thể cố gắng làm lành lánh dữ. Mặc dầu niềm tin ấy là  rất cần thế nhưng trong thời đại ngày nay người ta đã bác bỏ sự hiện hữu của cả Thiên Đàng lẫn Hỏa Ngục như là một nơi chốn có thực “ Rõ ràng sứ vụ rao giảng của Giesu Đức Chúa là “ Nước Trời” chứ đâu có là Hỏa hay Địa ngục nào đâu ? Ngục thất trần gian nào mà có lửa để luyện trui những tội và tội. Đức Chúa của ta đâu có mặc khải những chuyện tiêu cực, khiến ta cứ hết lo lắng  rồi lại bối rối. Ngài có bao giờ nói đến Thiên Đàng theo nghĩa không gian nơi chốn. Cũng tội, Ngài vẫn chỉ rao giảng về “ Nước” mà thôi. “ Nước” của Ngài chẳng bao giờ định vị ở đàng Thiên hoặc đàng Trời theo nghĩa không gian ba bốn chiều đâu…..

Tóm lại suốt đời  giáp mặt với loài người Đức Giesu chỉ  nói và loan truyền duy nhất có một điều là Vương Quốc của Ngài mà thôi. Sở dĩ các đấng bậc cứ đem cảm tính người đời vào lời rao giảng về Nước là vì các cụ vẫn còn lẫn lộn về đặc thù không gian và thời gian. Nước của Chúa đây không có các tưởng tượng  về nơi chốn như  thời điểm để diễn ra….” ( Nguồn Dũng Lạc – Trần Ngọc Mười Hai  - Thiên Đàng Hỏa Ngục ba bốn bên).

Nói rằng “ Nước” của Chúa đây không có các tưởng tượng  về nơi chốn cũng như thời điểm để diễn ra….” Như vậy chẳng hóa ra tất cả những gì mà Giáo Hội tin tưởng giảng dạy  từ bấy lâu nay về Thiên Đàng, Hỏa Ngục chỉ là….tưởng tượng  hay sao ? Tưởng tượng có nghĩa  điều không có lại tưởng là có. Không có Thiên Đàng lại …tưởng là có Thiên Đàng. Hỏa ngục không có lại…tưởng là có Hỏa Ngục !!! Thật sự nếu  nói Thiên Đàng Hỏa Ngục chỉ là tưởng tượng  thì đó không còn là việc phê phán Giáo hội  mà  là  chính Chúa Kito và toàn thể các Thánh. Tại sao ?  Bởi vì nếu không có Thiên đàng Hỏa Ngục thì Chúa đâu có  nói thà cụt một tay mà vào Thiên Đàng còn hơn  đủ hai tay phải xuống Hỏa Ngục ?

Lại nữa nếu không có Thiên Đàng Hỏa Ngục thì thử hỏi toàn bộ cuộc sống đạo của chúng ta chẳng phải  vô ích lắm sao ? Bất cứ làm một việc gì cũng cần  có mục đích của nó. Sống đạo làm lành lánh dữ là  để  lên Thiên Đàng chứ đâu có phải  vu vơ không mục đích “ Nếu chúng ta chỉ có hy vọng trong Đức Kito ở đời sống này mà thôi thì trong cả mọi người chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” ( 1C 15, 19 )  Có biết đến mục đích của việc sống đạo thì mới sống cho tốt được. Mục đích ấy trước đây đã được thể hiện cách rõ ràng trong hầu hết  kinh nguyện. Vả lại xét cho cùng thì ý nghĩa  vừa thiết thực lại vừa sâu xa  của việc cầu nguyện là gì nếu không phải là nguyện vâng làm tất cả những điều Chúa truyền dạy để được hưởng phúc Thiên Đàng đời đời ?  Cầu xin được lên Thiên Đàng  thì phải tin Thiên Đàng là một nơi chốn có thực  Chúa đã hứa ban cho những kẻ yêu mến Ngài “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin Đức Chúa Trời thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ, bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi,  Ta đi để sắm cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó.” ( Ga 14, 1 -3).

Tin có Thiên Đàng, có Hỏa Ngục tức là tin cả hai nơi ấy  có thực. Thế nhưng cũng chính cái sự tin…có thực ấy đã bị  Thần học đặt ra một cách gay gắt “ Trong thời đại ngày nay ai là người xác tín nói về  Hỏa Ngục và về án phạt đời đời ? Và nếu trường hợp có người còn can đảm dám làm chuyện đó thì người ấy sẽ quả quyết thế nào về Hỏa Ngục = Là một nơi chốn, một tình trạng hay chỉ là một cảm giác ?” ( Nguồn Lamhong.Org Lm Nguyễn hữu Thy Có Hỏa Ngục không ? ).

Thần học không dám xác tín Hỏa Ngục  cũng như án phạt đời đời, điều ấy khiến cho đức tin Công Giáo không thể không sụp đổ. Lý do bởi vì nó trái với niềm tin nơi Đấng Chí Công thưởng phạt vô cùng. Tin nơi sự  thưởng phạt của Thiên Chúa tức cũng là tin vào lẽ nhân quả = làm lành sẽ  hưởng quả lành, làm ác  sẽ  chịu quả ác. Tin lẽ nhân quả là điều hết sức cần thiết,  tin có sâu thì lòng nguyện mới thiết tha. Trái lại, đạo nghĩa chỉ là  việc hờ hững qua ngày đoạn tháng, đến khi giáp mặt với cái chết thì run rùng sợ hãi, chẳng còn biết bám víu vào đâu !!!

Tại sao một việc hết sức cần thiết  như thế mà thần học lại không dám xác tín ? Tất cả nguyên nhân đó là bởi Đấng Thiên Chúa của thần học trước sau cũng chỉ là một thứ quan niệm chứ không phải thực tại. Với Thiên Chúa của quan niệm như thế thì làm gì  có nhân quả thưởng phạt ? Chẳng những chẳng có nhân quả mà ngay đến cả Thiên Chúa cũng bị  người ta khai tử bằng cái gọi là thần học về cái chết của Thiên Chúa ( Théologie de la mort de Dieu ).

Thiên Chúa  của quan niệm thì không thể có thưởng phạt, trái lại chỉ với Đấng Thiên Chúa của thực tại Ngài Là ( Ego sum qui sum ) mới có thưởng  có phạt bởi vì Thực Tại ấy chính là Bản Tâm  mỗi người. Hiểu như thế thì không có đấng thần linh ngoại tại nào có thể  đưa ta lên Thiên Đàng hay đẩy ta xuống Hỏa Ngục,  tất cả  đều do tâm tạo.

I/-  Duy Tâm  tạo

Nói tâm tạo có nghĩa tất cả mọi việc đều do ở nơi tâm. Thực vậy chúng ta có nghĩ đi thì mới đi, nghĩ đi lên mới đi lên, nghĩ đi xuống mới đi xuống. Có nghĩ quẹo sang trái mới sang trái, nghĩ quẹo sang phải mới sang phải..v.v…Với việc đi đã vậy còn muôn vàn sự việc khác kể cả việc làm lành lánh dữ cũng do ở nơi tâm. Tâm có nghĩ lành mới làm lành, tâm có nghĩ ác mới làm ác. Không ai nghĩ lành mà làm ác, ngược lại không ai nghĩ ác mà có thể làm lành bao giờ. Đức Kito đã nặng lời quở trách bọn Pharisieu  vì sự giả hình của họ “ Ớ dòng dõi rắn độc kia, các ngươi vốn là ác sao có thể nói điều thiện được. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác” ( Mt 12, 34 -35).

Tất cả đều do tâm tạo và cái việc..tạo ở đây không phải ngày một ngày hai mà như Chúa nói là do có sự chất chứa. Tâm được ví như một cái kho ( Tạng Tâm ) dồn chứa tất cả việc lành việc dữ cũng như việc không lành không dữ. Chính do  sự chất chứa ấy mà đã tạo thành cái nghiệp cho con người. Nghiệp chẳng qua là thói quen có chủ ý được lập đi lập lại nhiều lần. Chúng ta nói  nghề nghiệp  thì nghiệp ở đây chính là một thứ công việc  gắn liền với cuộc sống mỗi người. Công việc của người làm nghề dạy học là người  tốt nghiệp sư phạm tức là đã chất chứa những kiến thức cần thiết  cho việc  dạy học v.v…Với bất cứ nghề nào cũng vậy cũng cần phải do tập tành, nghiên cứu trong một thời gian nào đó mới có thể thành thạo  và khi đã thành thạo trong nghề đó rồi thì trở thành nghiệp.

Trong lãnh vực đời thường  đã vậy mà tâm linh cũng thế, nghiệp tạo thành là do bởi tập quán ( huân tập ). Tuy nhiên có sự khác biệt này là tập quán của nghề nghiệp là để thành thạo trong công việc. Còn nghiệp trong tâm linh thì đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho con người. Như đã nói nghiệp là do thói quen, tập quán có chủ ý ( tác ý ) mà thành. Chính bởi vậy mà nói con người phải  hoàn toàn chịu trách nhiệm về những ý nghĩ lời nói cũng như hành động của mình chứ chẳng có đấng hay người nào chịu thay cho mình. Thi hào Nguyễn Du đã phát biểu chân lý này  cách xác đáng “ Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”

Không thể trách trời trách người,  tất cả là do mình. Một anh nghiện xì ke khi đói thuốc thì vật vã khốn khổ thế nhưng khi  có thuốc chích vào thì…phê phê bay bổng  tận chín tầng mây. Chính là cái sự…phê đó tuy rằng chỉ trong một chốc một lát mà đã khiến cho y cứ phải tìm hết cách kể cả giết người để thỏa mãn cơn ghiền. Ghiền xì ke, ghiền bài bạc nhậu nhẹt v.v..tất cả cũng đều là một thứ nghiệp và nghiệp này là nghiệp dữ. Hễ đã là nghiệp thì đều được tạo bởi thói quen có chủ ý và như thế đâu có thể đổ lỗi cho ai được ? Nếu trước khi lâm vào con đường nghiện ngập  mà người đó cương quyết không nghe lời rủ rê của bạn bè xấu thì đâu nên nỗi ?

Làm lành làm ác tất cả đều do mình. Về nguyên tắc là vậy nhưng thực tế cả trong đời thường cũng như đời đạo. Con người bởi sống trong vòng vô minh tăm tối thế nên không ai có thể tự biết đâu là nẻo dữ để tránh, nẻo lành để theo. Tôn giáo được lập ra mục đích  là để dẫn dắt con người hòng thoát khỏi đường dữ, bước vào đường lành để được sống.

II/-  Con đường tạo lập nhân lành của Đạo Chúa.

Đạo Chúa là con đường sống và đường sống ấy là Đường Tình Yêu “ Vậy nên phải nhận biết rằng Giehova ĐCT ngươi ấy là ĐCT thành tín giữ sự giao ước  và nhân từ đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến, vâng giữ các điều răn Người và báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài mà hủy diệt chúng đi. Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét Ngài đâu sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó” ( Đnl 7, 9 -10). Yêu mến thì được sống trái lại ghét bỏ Ngài sẽ bị hủy diệt. Đây là Giao Ước Thánh đã được ban ra cho toàn thể Dân Chúa. Đức Kito cũng đã nhắc lại Giao Ước ấy khi Ngài trả lời cho một luật sĩ Do Thái giáo “  Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi. Ấy là điều răn  lớn  hơn và đầu nhất. Còn điều răn thứ hai cũng vậy, ngươi hãy thương yêu kẻ lân cận như mình. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 36 -40).

Chúa nói điều răn thứ hai xũng vậy có nghĩa việc mến Chúa và yêu người tuy  hai nhưng chỉ là một. Bởi vì mến Chúa ở đây là mến Chúa ở nơi người và yêu người là yêu người ở nơi Chúa. Nói hai giới răn ấy tuy hai mà một, tuy một mà hai đó là đạo lý của Đức Kito mạc khải về Đấng Cha nội tại. Chỉ trong Đấng Cha nội tại mà con người  mới thực hiện được con đường Tình Yêu của Đạo Chúa. Lý do bởi vì làm sao ta có thể yêu mến Chúa đồng một trật với yêu người nếu Chúa không có ở nơi người ?” Vì có ai nói rằng tôi yêu mến ĐCT mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối. Vì kẻ nào chẳng thương yêu anh em mình là người đã thấy thì thể nào có thể thương yêu ĐCT là Đấng mình chẳng từng thấy được ư ?) aGa 4, 20).

Giơi  răn  Mến Chúa yêu người là  Giao ước Mới do Đức Kito thiết lập và để thực thi  Giao ước này Ngài luôn đòi hỏi con người khi làm bất cứ công việc gì cũng phải quay trở vào bên trong nơi nội tâm  vô phân biệt = yêu người thì đừn g có phân biệt kẻ thân người thù “ Ta nói cùng các ngươi hãy yêu kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi ( Mt 5, 43 -44). Khi làm phúc bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 1 -6).

Giao Ước là một thứ hợp đồng được ký kết bởi một bên là Thiên Chúa, một bên là  Dân Riêng của Ngài. Yêu mến Thiên Chúa thì được sống, trái lại sẽ bị hủy diệt. Hễ đã là Hợp Đồng thì cả hai bên đều  có nghĩa v ụ thực hiện. Thiên Chúa là Đấng trung thành trong mọi lời hứa và thánh thiện trong mọi việc làm, bởi đó cho nên không có..vấn đề gì phải đặt ra với Ngài. Nhưng còn về phần  con người chúng ta có thi hành Giao Ước Thánh tức  thực lòng mến Chúa yêu người hay không ? Nếu quyết tâm và cố gắng thực hành thì đó là chúng ta đã tạo cho mình một thứ nghiệp lành tối thượng và như thế phần thưởng Nước Thiên Đàng đời đời ắt hẳn sẽ được dành cho mình. Ngược lại chẳng những không tin vào Lời Chúa lại còn làm cớ cho người khác vấp phạm không tin thì cái nơi để đến ấy  chỉ có thể là Hỏa Ngục  mà thôi.

Vì lòng thương xót vô bờ mà Chúa Giesu lúc đương thời Ngài đã nhiều lần cảnh giác con người về Hỏa Ngục để đừng có ai phải sa vào chốn cực dữ ấy. Ngày nay trong thời tục hóa khốn khổ này Chúa cũng như Đức Mẹ lại nhắc nhở  đến điều vô cùng đáng sợ ấy nhưng người ta cũng vẫn chẳng tin. Ngày 20/10/1936 Chúa Giesu đã mạc khải cho Thánh Nữ Faustina “ Con viết điều này theo lệnh của Chúa để không một linh hồn nào có thể chữa mình nói rằng không có Hỏa Ngục hay không người nào đã từng ở đó nói rằng chưa có ai cho biết nó như thế nào. Con là nữ tu Faustina theo lệnh Chúa truyền đã viếng thăm các vực thẳm Hỏa Ngục để có thể nói với các linh hồn về nó và chứng thực về sự hiện hữu của nó. Giờ đây con không thể nói về nó nhưng con được lệnh Chúa viết nó ra. Ma quỷ  cảm thấy tràn đầy hận thù với con nhưng chúng phải vâng phục con theo  lệnh Chúa.  Những gì con viết ra chỉ là một bóng mờ của những gì con đã thấy. Thế nhưng con nhận thấy một điều là hầu hết các linh hồn ở đó là những người không tin rằng có Hỏa Ngục” ( Nguồn Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh – Một thoáng suy tư trong tháng các linh hồn ).

Không tin điều đáng phải tin để rồi đâm đầu vào chốn khốn nạn ấy thì  thật  đáng tiếc ./.

Trà Cổ - Đồng Nai  ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi 7/10/2012.
Phùng  Văn  Hóa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét