Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

RFI: Việt Nam: Trận chiến cuối cùng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng



Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong ngày bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, ngày 19/1/11 tại Hà Nội.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong ngày bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, ngày 19/1/11 tại Hà Nội.
Reuters

Nhân sự kiện đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, ngày 02/10/2012, có bài nhận định về cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng, với đối tượng chính là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài viết có tựa « Việt Nam: Trận chiến cuối cùng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những người ủng hộ ông ? - Showdown for Prime Minister Nguyen Tan Dung and his Supporters? ». RFI trích dịch.

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương 6 (Khoá 11)
Ngày 01/10/2012, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 6. Hội nghị này có thể kéo dài đến tận ngày 15/10. Theo bài diễn văn khai mạc của tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị sẽ xem xét nhiều vấn đề trong đó có tình hình xã hội-kinh tế, cải cách năng lực các doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo phê và tự phê của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư và các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Đảng và Nhà nước sẽ được quyết định trong Đại hội lần thứ 12 (2016-2021). *
Tên chính thức của Ban Trung ương này là Ban Chấp hành Trung ương. Danh từ “chấp hành” có nghĩa là Ban này là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian 5 năm giữa hai kỳ Đại hội toàn quốc. Tất cả các ủy viên Bộ Chính trị đều là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và từng ủy viên Bộ Chính trị cũng như Bộ Chính trị với tư cách là một tập thể phải chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương.
Điều này quan trọng bởi vì đa số các bài viết của các phóng viên nước ngoài và giới quan sát, khi nói về cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng ở Việt Nam chỉ tập trung vào những lãnh đạo cấp cao – thủ tướng, chủ tịch nước và tổng bí thư đảng. Ngược lại, truyền thông ngoại quốc ít chú ý đến Ban Chấp hành Trung ương.
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương có quyền bãi miễn bất kỳ ủy viên nào trong hàng ngũ Đảng cũng như trong Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương cũng có quyền bổ sung ủy viên mới, chỉ định các ủy viên mới trong Bộ Chính trị. Điều lệ của Đảng quy định là Ban Chấp hành Trung ương họp hội nghị ít nhất mỗi năm 2 lần. Các Hội nghị Trung ương được họp kín.
Truyền thông Việt Nam sẽ khá im lặng về những thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương trong 15 ngày tới. Thông thường, truyền thông chính thức chỉ nói về bài diễn văn trong lễ khai mạc và bế mạc của tổng bí thư Đảng, về các nghị quyết được thông qua và thông cáo cuối cùng của Hội nghị. Dường như các bài diễn văn và tài liệu được soạn thảo lại. Một số nghị quyết quan trọng có thể không được công bố trong một thời gian dài.
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 được gọi là một hội nghị bất thường. Hội nghị được tổ chức vào thời điểm đang có đợt phê và tự phê trong nội bộ Đảng. Tất cả các ủy viên Bộ Chính trị được yêu cầu phê và tự phê trách nhiệm của mình. Ban Chấp hành Trung ương sẽ nhận được bản báo cáo về kết quả sơ bộ của chiến dịch phê và tự phê. Các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có ủy viên Bộ Chính trị, có quyền chất vấn về bản báo cáo này và về tính trung thực của việc tự phê bình của cá nhân và/hoặc đề nghị phải có biện pháp khắc phục.
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 họp vào lúc đang có đấu tranh quyết liệt trong nội bộ Đảng về việc ai phải chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng lan tràn trong các tập đoàn của Nhà nước, trong các doanh nghiệp Nhà nước và tình trạng yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng và kinh tế.
Những vụ việc xấu xa của Việt Nam được phát tán trên các blog cung cấp những chi tiết công khai về nạn tham nhũng và tình trạng thiên vị do mạng lưới thân hữu và các thành viên trong gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến hành. Tính xác thực của những thông tin được đăng tải trên các website này không thể kiểm chứng được, nhưng đa số mọi người đều nghĩ rằng chỉ có những người trong Đảng thì mới tiếp cận được loại thông tin này. Có tin đồn đại là một số thông tin này thuộc các hồ sơ đang do bộ Công an nắm giữ.
Cho đến nay, đa số những nhân vật hàng đầu bị cáo buộc tham nhũng là do thủ tướng bổ nhiệm, nằm dưới quyền của ông hoặc được nhận diện là trong số những người ủng hộ ông.
Các câu chuyện xuất hiện trên các websites có tiếng tăm dường như nhằm triệt hạ quyền uy của thủ tướng Dũng. Ông đã phản công lại bằng cách ra chỉ thị cấm các websites có liên quan, như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và Biển Đông. Có thể Hội nghị Trung ương 6 sẽ chứng kiến một cuộc đọ sức giữa thủ tướng và những người chỉ trích ông. Ít ra thì đảng Cộng sản Việt Nam dường như sẽ tìm cách giảm bớt quyền lực rất lớn tập trung trong tay thủ tướng và văn phòng của ông. Ví dụ, diễn văn khai mạc Hội nghị của ông Nguyễn Phú Trọng nói đến khả năng tái lập các ban kinh tế trung ương dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương dường như sẽ kỷ luật một số ủy viên. Một số tin báo chí đã nói rằng nhiều ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật hoặc bị chuyển sang các công tác mới trong tháng qua. Có nhiều tin đồn rằng thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình có thể bị mất chức.
Khi Bộ Chính trị được bầu ra trong Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011, các nguồn tin Việt Nam đã đánh giá là « không ổn định » bởi vì có 14 ủy viên hoặc một số chẵn các ủy viên, làm nẩy sinh khả năng cân bằng số phiếu đối với những vấn đề tranh cãi. Có thể Hội nghị Trung ương 6 bầu thêm một ủy viên Trung ương vào Bộ Chính trị.
Câu hỏi lớn nhất là liệu những người chỉ trích thủ tướng sẽ ép ông phải từ chức hay không. Tụy nhiên, mọi việc phụ thuộc nhiều vào việc liệu đa số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương không chỉ chấp nhận việc tự phê bình của thủ tướng Dũng là trung thực mà còn đồng ý với các đề nghị của ông về những biện pháp khắc phục. Trong quá khứ, ông thủ tướng đã chứng minh có đủ khả năng nhận trách nhiệm về vụ tham nhũng ở Vinashin và « hy sinh » chính những người mà ông đã bổ nhiệm.
Bãi nhiệm thủ tướng Dũng sẽ là việc chưa từng có tiền lệ. Điều này cũng có thể gây mất ổn định cho nền kinh tế và phản tác dụng đối với các mục đích của những người chỉ trích ông.
(*)Các chủ đề khác sẽ được thảo luận tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương 6 là kế hoạch phát triển xã hội-kinh tế, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, cải cách giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ và « một số vấn đề quan trọng khác ».

Ai có thể thay Nguyễn Tấn Dũng nếu ông bị bãi nhiệm?
Kể từ khi thống nhất đất nước, phó thủ tướng thứ nhất luôn luôn trở thành thủ tướng khi vị thủ tướng về hưu. Hiện nay có bốn phó thủ tướng, tất cả đều do thủ tướng Dũng lựa chọn : Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân và Vũ Văn Ninh. Không một ai trong số bốn người này được chỉ định làm phó thủ tướng thứ nhất. Đứng đầu danh sách này, ông Phúc, nguyên chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, là người thân cận với thủ tướng và cũng là phó thủ tướng duy nhất là ủy viên Bộ Chính trị.
Nếu thủ tướng Dũng bị loại, liệu những người chỉ trích ông có chấp nhận việc bổ nhiệm một trong những người được ông đỡ đầu hay không ? Có tin đồn là cựu phó thủ tướng, hiện là chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy viên Bộ Chính trị, ông Nguyễn Sinh Hùng, có thể được chỉ định làm quyền thủ tướng. Khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới được bổ nhiệm, ông đã tìm cách giảm số lượng phó thủ tướng và bổ nhiệm thêm hai ứng viên của ông (Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân). Đề xuất của ông Dũng đã gây ra bất đồng và cuối cùng, số lượng phó thủ tướng tăng từ ba lên thành năm. Một trong những phó thủ tướng mà ông Dũng tìm cách gạt bỏ là ông Nguyễn Sinh Hùng. Là ủy viên Bộ Chính trị, theo tin báo chí, ông Hùng là người chỉ trích cách thức xử lý của ông Dũng đối với cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 – 2008 ; cuộc khủng hoảng này bắt đầu với tình trạng lạm phát phi mã và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét