Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Bị bách hại nhưng vẫn luôn cầu nguyện


Bị bách hại nhưng vẫn luôn cầu nguyện
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói với hơn 50.000 tín hữu và du khánh hàng hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung tại Quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 18-4-2012: “Điều Giáo Hội xin trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa không phải là lời xin được bảo vệ, được tha khỏi bị thử thách, khổ đau. Nó không phải là lời cầu được thành công, mà chỉ là lời cầu xin có thể loan báo Lời Chúa với lòng thẳng thắn, với sự tự do và với lòng can đảm (Cv 4,29)”.
Đó là lời Đấng kế vị thánh Phêrô dành cho những con người bị bách hại, trong muôn vàn cách thức đàn áp con người của mọi hệ thống chính trị, dù ở dưới bất kỳ chế độ nào của thời đại hôm nay. Đó có phải là “liệu pháp gây sốc” khó hiểu, hoặc là chiêu bài an dân “có định hướng” như các hãng thông tấn “lề phải” mà quần chúng đã quá quen hay không? Đang khi những người cô thân cô thế lao đao trong những hành trình vô vọng vì không được luật pháp bảo vệ, những nông dân bị đàn áp, khủng bố, và bị “cưỡng chế” một cách bất nhân và “đền bù” một cách bất công khỏi mảnh đất tổ tiên để lại đã từng nuôi sống họ, là tương lai sống còn của họ, của gia đình họ? đang khi những công nhân hằng ngày “bán” cuộc đời, tương lai và “bán rẻ” cả những quyền căn bản của con người, để đổi lấy thậm chí chỉ là một ước mơ đơn giản nhưng cần thiết là có được một cuộc sống ổn định, có được một người yêu, có được một gia đình, có được một cuộc sống ổn định? đang khi mọi thành phần trí thức, những con người am tường mọi giá trị làm nên con người, cố gắng phát triển con người và nỗ lực thăng tiến cộng đồng, đang ra sức cống hiến mọi khả năng, sức lực bản thân một cách vô điều kiện, bất chấp những hành vi đe dọa, cô lập, giam cầm, tù tội và tương lai “đen như mõm chó”, cố gắng thắp lên một ngọn nến, chứ không ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, thì… lại như những “tiếng kêu trong sa mạc”? Những “oan sai” ngày ngày tụ tập, vây bủa tại những “nơi quy định” như Phòng tiếp dân của xã, phường, tỉnh, thành và trung ương, không phải để gây rối làm mất trật tự xã hội, dù vẫn luôn bị chụp mũ như thế, bi bêu riếu, rêu rao là thế, nhưng họ vẫn nhẫn nại, kiên cường đội đơn đến các “cửa quyền” mong được “cứu và xét”…

Tất cả mọi thành phần ấy mong mỏi điều gì, nếu không phải là “được bảo vệ” để nói lên tiếng nói “oan ức” của mình? để “đòi được công bằng”, để làm sáng tỏ “chân lý”, giúp mọi người thoát mọi cảnh áp bức, bất công và mọi hệ lụy khổ đau của nó?
Tất cả mọi thành phần “khổ đau” ấy mong mỏi điều gì, nếu không phải là “thành công” trong cuộc chiến không cân sức để giành lại mọi quyền bị tước bỏ?
Đức Thánh Cha ghi nhận thái độ nền tảng quan trọng của tín hữu Giáo Hội thời khai sinh như sau: Đứng trước hiểm nguy, khó khăn, đe dọa, cộng đoàn Kitô tiên khởi không tìm phân tích xem phải phản ứng thế nào, tìm các chiến thuật, tự vệ làm sao, dùng các biện pháp nào, nhưng cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa trước cơn thử thách.Lời cầu nguyện ấy có sắc thái là sự hiệp nhất và đồng tâm của toàn cộng đoàn đang đương đầu với tình trạng bị bách hại vì Chúa Giêsu ( Cv 1,14; 2,46). Sự đồng tâm này là yếu tố nền tảng của cộng đoàn Kitô tiên khởi, và phải luôn luôn là yếu tố nền tảng đối với Giáo Hội. Như thế, nó không phải chỉ là lời cầu nguyện của Phêrô và Gioan đang gặp nguy nan, mà là của toàn cộng đoàn, bởi vì những gì hai Tông đồ sống không chỉ liên quan tới các vị, mà liên quan tới toàn thể Giáo Hội. Trước những bách hại phải chịu vì Chúa Giêsu, cộng đoàn không những không sợ hãi và không chia rẽ, mà còn hiệp nhất sâu xa trong lời cầu nguyện, như là một người duy nhất, để khẩn nài Chúa. Có thể nói đó là điềm lạ đầu tiên xảy ra khi các tín hữu bị thử thách vì lòng tin: sự hiệp nhất được củng cố, thay vì bị thương tổn, bởi vì nó được nâng đỡ bởi một lời cầu nguyện không thể lay chuyển nổi. Giáo Hội không được sợ hãi sự bách hại phải chịu trong lịch sử, nhưng, như Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani, luôn luôn tin tưởng nơi sự hiện diện, sự trợ giúp và sức mạch của Thiên Chúa được khẩn nài trong lời cầu nguyện.
Đó là sự “khác biệt” căn bản của người Công giáo. Phải chăng vì vậy mà người Công giáo luôn chọn thái độ đấu tranh bất bạo động “theo Tin mừng” chứ không tuân theo nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng”? Và “sự khác biệt” này được minh họa rất ấn tượng qua những ngày tháng cầu nguyện kiên trì, liên lỷ cho “công lý và sự thật”, như ở Thái Hà, Tòa Khâm sứ, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Con Cuông… còn kéo dài cho đến nay, trong những thánh lễ cầu nguyện “thường kỳ” ở Dòng Chúa Cứu Thế cho công lý hòa bình, cho dân oan bị áp bức. Chỉ có những “buổi cầu nguyện trong hiệp nhất và đồng tâm” như vậy, mà chuyện của các Bloggers “Nhà báo tự do”: Điếu cày, Anh Ba Sài gòn, chị Tạ Phong Tần, của Paulus Lê Sơn và các bạn sinh viên Vinh, của những dân oan mất đất, của Bauxit Tây nguyên, của biển đông… không còn là chuyện cá nhân riêng tư, nhưng là “chuyện của toàn thể Giáo hội”, không phải “chịu mọi bách hại” vì mình, vì công danh sự nghiệp, lợi lộc của mình mà là “vì Đức Giêsu”, tức là những ai đang đấu tranh cho “con đường chính nghĩa”, cho “sự thật”, cho “sự sống còn” của những người cùng khổ. Những ai đã từng tham dự “những buổi cầu nguyện” như thế, hẳn đã có trải nghiệm rất lỳ lạ và rõ ràng về sức mạnh của lòng tin là “không sợ hãi và không chia rẽ, mà còn hiệp nhất sâu xa trong lời cầu nguyện, như là một “con người duy nhất”, để khẩn nài Chúa Công minh cứu độ.
Đức Thánh Cha còn nói đó là “điềm lạ đầu tiên xảy ra khi các tín hữu bị thử thách vì lòng tin: sự hiệp nhất được củng cố, thay vì bị thương tổn, bởi vì nó được nâng đỡ bởi một lời cầu nguyện không thể lay chuyển nổi. Giáo Hội không được sợ hãi sự bách hại phải chịu trong lịch sử, nhưng, như Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani, luôn luôn tin tưởng nơi sự hiện diện, sự trợ giúp và sức mạch của Thiên Chúa được khẩn nài trong lời cầu nguyện”.
Các lực lượng được trang bị công cụ ngăn chặn người dân tham dự phiên tòa công khai tại Nghệ An ngày 26/9/2012
Điềm lạ ấy đang xảy ra giữa chúng ta, là dấu chỉ “Đức Chúa hiện diện giữa dân Người”. Sự hiệp nhất được củng cố khởi từ những con người là nạn nhân của chế độ áp bức bạo tàn này, được sự đồng tâm của những người yêu sự thật, công lý và hòa bình đã lôi kéo nhiều người, không phân biệt dân tộc hay quốc gia, đảng phái hay tôn giáo, chính kiến hay quan niệm… nhưng luôn tin tưởng vào sức mạnh của lương tâm ngay chính, của sự thật và sự đồng tình của những người khát khao tự do, phẩm giá và quyền con người được tôn trọng.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: “Cộng đoàn Kitô xin gì nơi Thiên Chúa trong lúc bị thử thách này?. Họ không xin bằng an cho sự sống trước bách hại, cũng không xin Chúa đánh trả lại những người đã bỏ tù Phêrô và Gioan; mà chỉ xin được“loan báo Lời Chúa với tất cả sự thẳng thắn (x. Cv 4,29), nghĩa là cầu xin đừng mất đi sự can đảm của đức tin, lòng can đảm làm chứng cho đức tin, nói khác đi là cầu xin cho đừng để một ai trong các chiến sỹ đang đấu tranh cho sự thật và công lý “gãy đổ” trước bạo quyền, vì phút yếu lòng mà “nhận tội, xin khoan hồng”, cũng như ra sức “nguyền rủa” những kẻ gian ác, vốn đã không thoát được sự trừng phạt của Chúa, của lịch sử, nhưng trung kiên với chọn lựa chính đáng “vị nhân sinh” của mình. Chính những hoàn cảnh éo le, tù tội, đọa đày ấy là tiếng nói mạnh nhất để binh vực người yêu lẽ phải và tố cáo những bất công, những sự gian ác. Và đó là lời loan báo Lời Chúa khẳng khái kiên cường nhất.
Đức Thánh Cha còn mời gọi mọi người “Tuy nhiên, trước hết cộng đoàn Kitô tìm đọc các biến cố dưới ánh sáng đức tin qua Lời Chúa giúp hiểu được thực tại của thế giới. Cộng đoàn khởi hành bằng việc nhớ lại và khẩn cầu sự cao cả vô biên của Thiên Chúa, khẩn cầu Đấng Tạo Hóa, vì biết rằng mọi sự đến từ Người và mọi sự ở trong tay Người. Tiếp đến là nhìn nhận những gì Chúa đã làm trong lịch sử là luôn luôn gần gũi dân Người, lo lắng cho họ và không bỏ rơi các thụ tạo”.
Đừng nghĩ rằng mọi sự dữ đến từ Chúa nhưng nên hiểu mọi sự không ngoài sự tiên liệu của Chúa, không ngoài tầm tay của Chúa, vì Chúa luôn gần gũi dân Người, lo lắng cho họ và không bỏ rơi các thụ tạo của Người. Đó quả là niềm an ủi vững vàng cho những ai đang gặp cảnh sầu khổ, gian truân.
Đức Thánh Cha tiếp: “Chính khi đọc Thánh Kinh là Lời Chúa, cộng đoàn có thể nói với Chúa trong lời cầu nguyện của mình: “Đúng thế, trong thành này… họ đã cùng nhau toa rập chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu, để thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước” (Cv 4,27). Điều đã xảy ra được đọc dưới ánh sáng của Chúa Kitô là chìa khóa giúp hiểu biết cả sự bách hại nữa. Thập Giá luôn luôn là chìa khóa cho sự Phục Sinh… Và ở đây người ta cũng tìm thấy ý nghĩa kinh nghiệm bách hại, mà cộng đoàn Kitô tiên khởi đang sống. Cộng đoàn đầu tiên này không phải là một hiệp hội đơn thuần, mà là một cộng đoàn sống trong Chúa Kitô. Vì thế điều xảy ra cho cộng đoàn là phần chương trình của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu, các môn đệ cũng găp chống đối, hiểu lầm và bách hại. Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau: Chính vì thế, lời xin mà cộng đoàn Kitô Giêrusalem thưa lên với Chúa trong lời cầu không phải là lời xin được bảo vệ, được tha khỏi bị thử thách, khổ đau. Nó không phải là lời cầu được thành công, mà chỉ là lời cầu xin có thể loan báo Lời Chúa với lòng thẳng thắn, với sự tự do và với lòng can đảm (Cv 4,29).
Chống Chúa ư? Xin lỗi! Cứ coi lại việc chống thiên tai bão tố, triều cường, biển xâm thực đất liền hoặc cứ thử chống các chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, chất bảo quản, chất chế biến thực phẩm, chất gì đổ vào xăng dầu… thì biết, hoặc nếu cố gắng “trám” thành công những chỗ nứt của thủy điện Sông Tranh, của hầm Thủ Thiêm đã thì hãy nói. Toa rập chống những người Chúa đã xức dầu tấn phong như từng chống Đức cha Điền, Đức cha Thuận, Đức cha Kiệt, Đức cha Oanh ư?, rồi sẽ biết. Chống những người Công giáo được xức dầu ư? Đó là “niềm kiêu hãnh” của họ đấy, vì nhờ đó mà họ được trở nên giống Đức Giêsu bị bách hại hơn lúc nào hết, vì “Thập giá luôn là chìa khóa cho sự phục sinh”. Họ thấy mình như “cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Họ sống nhưng không phải là họ sống mà chính Đức Kitô sống trong họ” (Gl 2,19b-20). Họ rất vui mừng và hãnh diện vì những gian nan thử thách họ phải chịu, như “những gì còn thiếu trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, vì lợi ích cho Thân thể Chúa là Hội thánh” (Cl 1, 24).
Đức Thánh Cha còn nói: “Rồi cộng đoàn xin cho việc loan báo đó được bàn tay Thiên Chúa đi kèm để cho các vụ khỏi bệnh, các dấu chỉ và điềm thiêng được thực hiện (Cv 4,30), nghĩa là lòng lành của Thiên Chúa được hữu hình như sức mạnh biến đổi thực tại, hoán cải tâm trí, cuộc sống con người và đem đến sự mới mẻ triệt để của Tin Mừng”. Những dấu chỉ ấy luôn có, đó là bàn tay Chúa chữa lành những tâm hôn “vô cảm”, là ngày càng thúc đẩy nhiều người yêu chân lý và sự thật dũng cảm đồng lòng hiệp lực đứng lên công bố tiếng lương tâm ngay chính, thức tỉnh những ai còn u mê trong xác tín sai lầm, cống hiến những giải pháp cứu thế giới.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: “sau cùng Thánh Luca ghi nhận, nơi họ họp nhau cầu nguyện rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31). Nơi đó rung chuyển nghĩa là đức tin có sức mạnh biến đổi trái đất và thế giới. Cùng Thần Khí đã nói qua Thánh vịnh 2 trong lời cầu nguyện của Giáo Hội ùa nhập vào trong nhà, và tràn đầy con tim của tất cả những người đã khẩn cầu Chúa. Đó là hoa trái của lời cầu nguyện chung, mà cộng đoàn Kitô dâng lên Thiên Chúa: việc đổ Thần Khí xuống, ơn của Chúa Phục Sinh Đấng hỗ trợ và hướng dần việc tự do can đảm loan báo Lời Chúa, thúc đẩy các môn đệ Chúa ra đi mà không sợ hãi đem Tin Vui đến tận cùng thế giới”.
Một buổi cầu nguyện tại gia đình sinh viên công giáo Trần Hữu Đức trước ngày bị đem ra xét xử phúc thẩm
Phải hội đủ “các điều kiện trên” thì sức mạnh Thánh Thần mới cho thấy tỏ tường sự hoạt động âm thầm nhưng rất hiệu quả của Người trong Giáo hội một cách “nhãn tiền”. Và  khi đó việc biến đổi mọi sự trở nên mới chỉ là thời gian. Mọi sự bắt đầu bằng việc đồng tâm nhất trí trong sự cầu nguyện, cầu cho công lý và hòa bình, cầu cho dân oan trên đất nước, cầu cho Dân tộc và Quê hương, cầu cho mọi trái tim biết yêu thương và đồng hành với vận mệnh của Đất nước. Lời cầu nguyện loại trừ được căn bịnh trầm kha có tên là “sợ hãi và hèn yếu”… Và đó là lời công bố tin mừng cho con người hôm nay.
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ: “Anh chị em thân mến chúng ta cũng phải đem các biến cố của cuộc sống thường ngày vào trong lời cầu nguyện của chúng ta để tìm ý nghĩa sâu thẳm của chúng. Như cộng đoàn Kitô tiên khởi, chúng ta cũng phải để cho mình được soi sáng bởi Lời Chúa. Qua việc suy niệm Thánh Kinh, chúng ta có thể học nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống, cả trong những lúc khó khăn, và tất cả, kể cả những điều không thể hiểu được, đều là phần của một chương trình tình yêu cao siêu hơn, trong đó chiến thắng cuối cùng trên sự dữ, tội lỗi và cái chết thực sự là chiến thắng của sự thiện, của ơn thánh, của cuộc sống của Thiên Chúa. Cũng như cộng đoàn Kitô tiên khởi, ước chi lời cầu nguyện giúp chúng ta đọc lịch sử cá nhân và lịch sử tập thể trong viễn tượng đúng đắn và trung thành hơn, trong viễn tượng của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng muốn canh tân lời cầu xin ơn Thánh Thần, Đấng sưởi ấm con tim và soi sáng trí tuệ để nhận ra Chúa thực hiện các lời khẩn cầu của chúng ta như thế nào, theo ý muốn yêu thương của Người, chứ không theo các tư tưởng của chúng ta”.
Phải chăng lời giáo huấn đó cưu mang những “gợi ý mang tính cách mạng”, thời sự, trong hoàn cảnh hiện nay, để không rơi vào cạm bẫy của sự thù hận và bạo lực?, để thấy sự chiến thắng tất yếu của sự thiện và sự thật trên sự giả trá và gian ác?, của sự phục sinh trên sự chết? Trong hoàn cảnh nhiễu nhương này, chương trình cứu độ và hoạt động giải phóng của Chúa được nhận ra ngang qua những biến cố của lịch sử chúng ta, khởi từ Thái Hà cho đến Văn Giang, Con Cuông và nay là những Bloggers Nhà báo tự do, những thanh niên Công giáo Vinh…đếu là những “vết thương trên Thân Mình Đức Giêsu” (Gl 6,17), nhưng phải cần phải trung thành với sự cầu nguyện và cầu nguyện liên lỷ trong mọi hoàn cảnh, để nhận ra “cách” Chúa đã nhậm lời.
Ngô Văn
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét