Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Mẹ Fatima mến yêu

LTCGVN (17.10.2013)

MẸ FATIMA MẾN YÊU

“Tháng Mười thắm sắc Mân Côi.
Kính mừng Mẹ Đức Chúa Trời hiển vinh.
Hoa lòng thắm sắc Đức tin.

Xin dâng kính Mẹ Đồng Trinh từng ngày”.

Kính Đức Mẹ Mân Côi – Trầm Thiên Thu )

Đã qua gần nửa thế kỷ đời người, nhưng hình ảnh Mẹ Fatima thánh du Việt Nam vẫn in đậm trong hồn tôi. Khi Mẹ đến Xứ Đạo, tôi chỉ vừa đủ trí khôn, mới được rước lễ lần đầu. Thời gian vào khoảng năm 1965, không còn nhớ Mẹ đã đến tháng nào năm đó, nhưng nhiều chi tiết về cuộc cung nghinh Mẹ vẫn như từng thước phim đậm nét trong ký ức tôi, là những hồi ức tuyệt vời khi nhớ về kỷ niệm với Mẹ Maria.
Gia đình tôi gốc Địa Phận Bắc Ninh, một Địa Phận Dòng, được các cha người Tây Ban Nha, Dòng Đa Minh, đến truyền giáo. Việc sùng kính Mẹ Mân Côi và Thánh Đa Minh thành truyền thống gia đình, ảnh hưởng từ truyền thống Giáo Phận. Mẹ Mân Côi là bổn mạng Giáo Phận Mẹ ngoài Bắc, Giáo Xứ Bỉ Nội nơi cố hương, và Giáo Họ tôi sau ngày di cư về miền Nam đều nhận Lễ Mân Côi ( 7 tháng 10 ) là ngày Bổn Mạng. Điều đó phổ biến đến nỗi đa số những người phụ nữ trong họ đều mang tên Thánh Maria, còn cánh nam nhi đều nhận Thánh Đa Minh làm quan thầy. Khi còn nhỏ, tôi đã đem câu hỏi này thắc mắc hỏi bà, bà trả lời một cách đơn giản: chọn tên Thánh giống nhau mừng lễ cho long trọng, dễ nhớ và phần nào biết ơn các cha Dòng Đa Minh mang hạt giống Đức Tin đến quê hương.
Đại đa số gia đình trong làng tôi, bàn thờ ngoài tượng Chịu Nạn, hầu như nhà nào cũng có ảnh Đức Mẹ Mân Côi tay cầm tràng hạt trao cho Thánh Đa Minh. Từ khi còn nhỏ, tôi nhận thấy lòng sùng kính Đức Mẹ nơi các tín hữu nhiệt thành hơn bây giờ, đặc biệt nơi tín hữu gốc Bắc Ninh. Tôi thầm thán phục các bà, các mẹ, các cô… có người không biết chữ, nhưng kinh sách thuộc làu làu, nhiều kinh có những từ cổ, Hán tự rất khó nhớ, còn đổi theo Mùa Phụng Vụ, từ trong Nhà Thờ ra đến các đám rước, đám tang, vào mọi gia đình kinh hạt rất sốt sáng. Bọn trẻ như tôi, ông bà bắt buộc phải học kinh, bắt đọc thật to trong các buổi nguyện giỗ gia đình, nhưng hầu hết các kinh không có trong sách, tam sao thất bổn, mỗi đứa đọc mỗi kiểu chẳng biết đúng sai thế nào. Đi Nhà Thờ biết bao mùa Mân Côi Tháng Mười, nhưng vẫn không thể thuộc được phép ngắm Rôsa, chỉ nhớ loáng thoáng được mấy câu đầu:
“Phép ngắm Rôsa nguyên cội rễ.
Suy ơn chuộc tội loài người thế.
Tự sinh nhi tử, tư nhi sinh.
Công nghiệp vô cùng khôn xiết kể...
Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vị sự nhiệm mầu này rủ thương
Cho con lòng vững đá vàng
Vâng theo Ý Chúa mọi đàng chẳng sai...
( Văn Côi Thập Ngũ Sự Thi Ca )
Trong tháng Mân Côi, trước khi lần hạt năm chục, còn phải ngắm Rôsa, lũ trẻ con rất sốt ruột vì không thuộc kinh phải ngồi yên lặng nghe người lớn ngân nga. Vào tháng Mân Côi hay tháng Năm đi lễ lâu hơn, với những trẻ em lười biếng, cứ vào thứ bẩy hàng tuần lại đọc kinh “Dâng mình cho Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ”. Kinh này rất dài nhưng chẳng hiểu sao bọn trẻ lại thuộc lòng, có lẽ vì đây là kinh quan thầy, hay tại thời đó sống trong cảnh chiến tranh gia đình ly tán, chết chóc, đọc kinh này cảm thấy thật thấm thía và sốt sáng: “Lạy Nữ Vương rất thánh Mân Côi, hay cứu giúp bổn đạo, hay hộ vực loài người và hằng thắng các kẻ nghịch cùng Chúa… Lạy Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con và cả thế giới khỏi giặc giã, được bình an là điều muôn dân mong ước, bình an trong sự thật, trong lẽ công chính, trong đức mến yêu Chúa Cứu Thế…”
Tháng Mân Côi lại về, nhắc đến Mẹ Mân Côi là nhắc đến Thánh Đa Minh, nhắc đến biến cố Mẹ hiện ra năm 1917 tại Fatima với ba trẻ Luxia, Giaxinta, Phanxicô lần cuối cùng vào ngày 17 tháng 10. Như bao tín hữu yêu mến Mẹ, ao ước ngày nào được đặt chân đến Fatima trực tiếp diện kiến nơi Mẹ hiện ra cách nay gần 100 năm, nhưng với hoàn cảnh đại đa số tín hữu Việt Nam chỉ là ước mơ cao vời !
 “Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúa Trời hiện ra uy linh sáng chói. Mẹ nhắn nhủ người đời hãy mau ăn năn đền tội, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi”.
Riêng tôi cũng tự an ủi mình, thật hạnh phúc trong cuộc đời hai lần được diện kiến Mẹ Thánh Du Fatima: vào năm 1965 và 1974. Lần đầu tiên năm 1965 ( xem ghi chú ) để lại nhiều ấn tượng trong tôi cũng như nuôi dưỡng Đức Tin thời thơ ấu. Năm đó, Mẹ đến Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước đang xảy ra nội chiến, riêng miền Nam còn bị xâu xé bởi các phe phái đảo chánh, chỉnh lý… chia rẽ giữa Công Giáo và Phật Giáo. Xứ Đạo tôi được may mắn cung nghinh Mẹ nhờ cha quản hạt Phêrô Đoàn Cung Nhượng, thời gian Mẹ đến vắn vỏi không thể đi hết từng Giáo Xứ, nên Xứ tôi được đại diện thay cho cả Hạt vinh dự được Mẹ thăm viếng.
Cha Đoàn Cung Nhượng là cha xứ từ cố hương miền Bắc, Giáo Dân cũ di cư cùng với cha nên Giáo Họ tôi cha đặc biệt quý mến. Lần cung nghinh này, Giáo Họ được chỉ định làm kiệu Đức Mẹ, bắt đầu từ ngày làm kiệu, ngoài những người có bổn phận cưa đục những miếng gỗ, lúc nào bọn trẻ cũng tụ tập khi có thời gian rảnh rỗi xem xét những thay đổi hàng ngày. Từ những miếng ván, miếng gỗ thô sơ gần đến ngày cung nghinh Mẹ được sơn phết trở thành chiếc kiệu lộng lẫy như bốn con rồng đỏ uốn lượn chính giữa tạo thành ngôi tòa Mẹ ngự với những ngọn đèn lấp lánh, chiếc kiệu sơn son thiếp vàng chất đầy hoa, đăng-ten tuyệt đẹp để chuẩn bị tiếp đón Mẹ.

Những ngày đầu đến Việt Nam, Mẹ đã thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà, thăm Dòng Carmêlô, Dòng Thánh Phaolô, Mẹ đến với những người đau khổ trong nhà tù Chí Hòa, với thương bệnh binh Tổng Y Viện Cộng Hòa, rồi đến với dân nghèo Giáo Hạt Xóm Mới.
Căn nhà tôi ngay cuối Nhà Thờ, từ những chuẩn bị ban đầu đến những rừng cờ xanh trắng vàng tung bay khắp sân, từ lúc bắt đầu làm kiệu, đến khi đón tiếp Mẹ về trong ngôi Nhà Thờ Giáo Xứ đại diện cho Giáo Hạt, bọn trẻ chúng tôi không lúc nào bỏ qua xem xét mọi chi tiết hằng ngày. Chiều hôm đón rước Mẹ, đại diện các Giáo Xứ tề tựu trước sân, cờ quạt rợp trời. Những người bán ảnh tượng đến thật sớm, họ trải những chiếc bạt bầy la liệt: sách kinh, ảnh tượng, tràng hạt… vất vả lắm, cứ lâu lâu lại bị giải tán, chỉ khi đoàn rước vào đầy đủ trong Nhà Thờ Họ mới được ngồi yên. Nhóm trẻ con không được tham dự đoàn rước, lúc này cứ đứng lấp ló chung quanh Nhà Thờ, lâu lâu lại phải chạy vì mấy ông quản giữ trật tự.
Trước cửa nhà, ngay từ chiều, bà nội đã múc sẵn hai chum nước mưa cho những người cần lấy nước mang vào Nhà Thờ làm phép. Cùng với mấy ấm nước nụ vối dành cho những người đi bộ đến từ xa. Từ phía nhà tôi nhìn về lễ đài, chung quanh Mẹ những hộp nến, chai nước các loại, hàng đống hoa huệ, lay-ơn… chất đầy chân Mẹ, chờ cha làm phép để mang về nhà, ngoài những lời cầu nguyện âm thầm, nhiều bài thánh ca được hát lên với lòng sùng kính:
“Kính mừng Nữ Vương, Nữ Vương hòa bình, Nữ Vương hòa bình.
Đây bao tâm hồn thao thức, con dân nước Việt nao nức.
Cất tiếng ca mừng vui, kính mừng Nữ Vương, Nữ Vương hòa bình”. ( Hải Linh )
Một sự kiện đáng nhớ, như phép lành của Mẹ dành cho những người con đến kính viếng hôm đó. Khi đoàn cung nghinh Mẹ về đến Giáo Xứ Bắc Dũng khoảng 15 phút, có một tiếng nổ lớn, ban đầu mọi người nghe thấy tưởng ai đó làm pháo bị phát nổ, Xóm Mới là vùng có nghề làm pháo nổi tiếng, khoảng 10 phút sau xe cảnh sát đến ngay sân Nhà Thờ giữ trật tự, người người rỉ tai nhau: một thanh niên chở một trái mìn định hướng đi chiếc xe đạp trên con đường đoàn rước vừa ngang qua cách Nhà Thờ Bắc Dũng khoảng mấy trăm thước, ngay trước cổng Nhà Thờ Trung Bắc, chẳng hiểu vì lý do gì mà phát nổ nơi đó, anh chàng khủng bố chết tan xác, bọn trẻ lúc này lại nhốn nháo rủ nhau đi xem, nhưng khu vực đó đã bị phong tỏa. Ai cũng bảo Đức Mẹ gìn giữ, nếu không biết bao người mắc nạn ngay hôm đó.
Đón Mẹ Thánh Du năm 1974, lần này Mẹ về Giáo Xứ Trung Bắc, vì cha Giuse Nguyễn Văn Tạ làm quản hạt. Giáo Xứ tôi được phân công đứng đoạn đường ngã ba ngay trước thành Cổ Loa, căn cứ chỉ huy pháo binh thiết giáp. Từ hai giờ chiều, các đoàn thể phải tập trung và đi bộ lên đó, giữa trời nắng chang chang, chờ đợi cả tiếng, đoàn rước đầu tiên đón Đức Mẹ từ Tổng Y Viện Cộng Hòa đi ra, qua đoạn đường chúng tôi đứng sẵn, thế là tuần tự đi theo, ban đầu còn trật tự hàng bốn, dần dần gần đến điểm cuối Giáo Xứ Trung Bắc, không còn phân biệt xứ nào, đoàn thể nào, mọi người dồn hết lên để mong được vào sân Nhà Thờ, nhóm bạn tôi đi chậm, khi đến cổng các ông trật tự đã dàn hàng ngang không cho vào, sau đó về nhà và sáng hôm sau tôi mới trở lại kính viếng Mẹ.
Lòng tôn sùng Đức Mẹ thật đặc biệt trong nhiệm kỳ Giáo Hoàng Phanxicô: “Giáo Triều của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được dâng hiến cho Đức Mẹ Fatima tại Bồ Đào Nha ngày 13.5.2013, nhân ngày kỷ niệm lần thứ nhất Đức Mẹ hiện ra ( 13.5.1917 ) theo thỉnh cầu của Đức Thánh Cha. Kinh cầu dâng hiến, được Đức Hồng Y Policarpo viết, đã được đọc vào cuối Thánh Lễ quốc tế, tại Thánh Địa Fatima: “Lạy Đức Mẹ, chúng con xin dâng lên Mẹ, là Mẹ của Giáo Hội, sứ vụ của Đức Tân Giáo Hoàng: xin Mẹ đổ tràn đầy trong trái tim Ngài tình thương của Thiên Chúa, mà Mẹ đã cảm nghiệm rõ ràng hơn bất cứ một ai, để ngài có thể ôm lấy tất cả những người nam và nữ của thời đại này với tình yêu của Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.” ( Le Monde Vu de Rome ).
Và gần đây theo tin tức mới nhất, Đức Thánh Cha đã chọn ngày 13 tháng 10 tới đây như một phần của lễ kỷ niệm Ngày Thánh Mẫu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.
“Đức Giáo Hoàng mong ước mãnh liệt rằng Ngày Thánh Mẫu có thể giới thiệu, như một dấu chỉ đặc biệt, một trong những bức tượng có ý nghĩa nhất về Đức Maria cho các Kitô hữu trên toàn thế giới, và vì lý do đó, chúng tôi nghĩ đến bức tượng gốc của Đức Mẹ Fatima yêu quý” ( theo Đức Hồng Y Rino Fisichella ).
Vài năm gần đây Giáo Hội Việt Nam đang khởi sắc về việc xây Nhà Thờ, Đền Thánh, nở rộ các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, hoạt động bác ái, nhiều người cho rằng đã có tự do tôn giáo hay như vậy là đã khá hơn những năm trước, chưa hẳn đã như vậy ! Niềm vui trong sinh hoạt tôn giáo với những mặt nổi có phủ lấp được chăng những đau thương gần đây trên khắp mọi miền đất nước bất công lan tràn, xã hội băng hoại về đạo đức !?!
Không một tín hữu nào có lòng yêu Giáo Hội thực sự không khỏi buồn đau khi một phần chi thể của Giáo Hội đang bị bách hại, những người yêu chuộng đấu tranh cho tự do, công lý, hòa bình bị trù dập. Những cái tên Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Giáo Hoàng Học Viện, Tam Tòa, Loan Lý, Cầu Rầm, Mỹ Lộc, Đồng Chiêm, Con Cuông và gần đây nhất là Mỹ Yên… là những chứng tích về bách hại tôn giáo tại Việt Nam. Xin mọi người hãy lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo đúng nghĩa vì “Tự do tôn giáo là quyền lợi, chứ không phải ân huệ xin-cho”, đúng như lời khẳng định của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.
Những biến cố xảy đến trong Giáo Hội vài năm gần đây là tiếng nói ngôn sứ thức tỉnh mọi người hãy cứu lấy Giáo Hội và quê hương Việt Nam. Trong tháng Mai Khôi năm nay chúng ta cùng dâng lên Mẹ tràng hoa Mai Khôi, cùng ăn năn đền tội, hy sinh, cầu nguyện cho Giáo Hội, quê hương thân yêu và hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ như lời vị Cha chung mong ước. Đó là tâm tình Mẹ đã nhắn nhủ trong những lần hiện ra tại Fatima, ước nguyện lần chuỗi Mai Khôi Mẹ đã truyền cho Thánh Đa Minh như một phương thức cứu rỗi nhân loại.
Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã có lần nói: “Người ta không thể làm người mà không có luân lý đạo đức. Người ta không thể làm Kitô hữu mà không có lòng ăn năn hoán cải và đền bù tội lỗi”. 
Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam !
Chú thích:
Đây là tác phẩm quý giá của một điêu khắc gia nổi tiếng Bồ Đào Nha, không phải là tượng chính thức đặt tại Đền Thánh Fatima với hình Mẹ chắp tay. Tượng được tạc bằng gỗ sồi, thực hiện ngay tại Fatima, dưới sự hướng dẫn Chị Lucia, người được diễm phúc xem thấy Đức Mẹ.
Tượng cao 1m20, nét mặt dịu hiền, đầu đội triều thiên, tỏ trái tim nơi ngực, có vòng gai cuốn chung quanh trái tim; tay phải cầm tràng hạt rũ xuống, tay trái giơ ra như mời gọi mọi người hãy đến với Mẹ nhân lành. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã làm phép Thánh Tượng với mục đích đem đi thăm viếng ủi an các bệnh nhân trên khắp thế giới…
Đạo Binh Xanh cùng với các đoàn thể, đã tổ chức cuộc tiếp đón và cung nghinh Thánh Tượng Mẹ từ phi trường Tân Sơn Nhất về Công Trường Hòa Bình, trước Vương Cung Thánh Đường Sàigòn một cách hết sức trọng thể.
Vị Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Cha Angelos Palmas, sau khi chủ sự nghi lễ cung nghinh chào mừng Thánh Tượng, sáng kiến phát động ngay chiến dịch "toàn quốc hiến dâng đau khổ" làm bó hoa thiêng dâng kính Trái Tim Mẹ, trong suốt thời gian Mẹ ở lại Việt Nam.
Khắp nơi khao khát được rước Thánh Tượng Mẹ đến an ủi viếng thăm, làm cho thời gian Thánh Du không còn là vài ba tháng, nhưng là dài tới 3 năm: 1965 – 1967. Thánh Tượng Mẹ đi tới đâu, mang ơn phúc cho con cái Mẹ, nhất là bằng an tâm hồn.
Trong thời gian ở tại Việt Nam, Thánh Tượng Mẹ đã lần lượt được rước đi thăm viếng hết giải đất Việt Nam tự do, từ Bến Hải đến tận mũi Cà Mau: các tỉnh, Giáo Phận, Giáo Xứ, Chủng Viện, Dòng Tu, bệnh viện, trụ sở, căn cứ và cả tới những lao tù cũng được Thánh Tượng Mẹ tới thăm an ủi con cái đau thương của Mẹ. Những miền thiếu an ninh, đường xá nguy hiểm thì đã liệu cho trực thăng đem Thánh Tượng Mẹ tới tận nơi an toàn.
Những năm gần đây, Thánh Tượng được tôn kính tại Trung Tâm Quốc Tế Đạo Binh Xanh Fatima.
HẠNH NGUYÊN, Boston, 7.10.2013
Theo EPHATA số 582

0 nhận xét:

Đăng nhận xét