LTCGVN (28.10.2013)
Sài Gòn – “Trong vụ án của ông Khởi và ông Hải nhà cầm quyền đã tách một vụ án ra để xét xử và 3 vụ án còn lại [chưa xử]. Điều này cho thấy, đây là một sự cân nhắc của họ để thăm dò xem phản ứng của giáo dân cũng như của Giáo hội Công giáo đối với vụ xét xử này như thế nào. Nếu như, giáo dân cũng như Giáo hội Công giáo chấp nhận bản án vô lý đối với ông Khởi và ông Hải thì chắc chắn khi ông Khởi và ông Hải thi hành gần xong bản án của hai ông, thì tòa án tiếp tục đưa ra xét xử các vụ án tiếp theo và hai ông tiếp tục từng bước nhận lãnh những bản án vô lý với 3 tội danh còn lại.” Luật sư Nguyễn Văn Đài sống ở Hà Nội bình luận về kết quả bản án trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 23.10.2013 của ông Nguyễn Văn Hải và ông Ngô Văn Khởi, giáo dân giáo xứ Mỹ Yên.
Trong vụ án của ông Khởi và ông Hải cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án hình sự 4 tội danh: “gây rối trật tự công cộng”, “bắt giữ người trái pháp luật”, “hủy hoại tài sản” và “cố ý gây thương tích”.
Tuy nhiên, trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã tách riêng ra từng vụ án để xét xử. “Đối với các hành vi “bắt giữ người trái pháp luật,” “cố ý gây thương tích,” “hủy hoại tài sản,” cơ quan điều tra sẽ tách ra để xử lý riêng, do đó các vật chứng, yêu cầu bồi thường sẽ được xử lý theo vụ án tách ra.” Theo Thông tấn xã Việt Nam.
Việc tách riêng từng vụ án ra để xử, sẽ gây bất lợi gì cho ông Khởi và ông Hải mà vốn dĩ hai ông vô tội trong vụ án do nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An dàn dựng?
Để hiểu rõ hơn xin mời Quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VRNs với Luật sư Nguyễn Văn Đài, sống ở Hà nội.
VRNs: Thưa luật sư, luật sư bình luận như thế nào về diễn biến phiên tòa cũng như kết quả bản án của ông Khởi và ông Hải vào ngày 23.10.2013 vừa qua?
Ls Nguyễn Văn Đài: Vào ngày 23.10.2013, tòa án nhân tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án ông Khởi và ông Hải đem ra xét xử nhưng tòa án không thông báo cho gia đình của hai bị cáo biết, nên khi phiên tòa diễn ra không có sự tham dự của thân nhân [ông Khởi và ông Hải] cũng như là không có luật sư [tham gia bào chữa]. Cho nên, đây là vụ án bất công bởi vì theo quy định pháp luật VN, bị can và bị cáo có quyền có luật sư trong suốt quá trình điều tra cho đến quá trình xét xử nhưng trong vụ án này hoàn toàn không có luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Khởi và ông Hải.
Kết thúc phiên tòa, tòa tuyên án ông Khởi 7 tháng tù giam và ông Hải 6 tháng tù giam với tội danh “Gây rối trật tự công cộng,” vi phạm điểm c, d, khoản 2, Điều 245, Bộ luật Hình sự. Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát đưa ra truy tố (theo thông tin của nhà cầm quyền) thì khung hình phạt thống nhất là từ 2 năm – 7 năm tù giam nhưng nhà cầm quyền đã tuyên án khung hình phạt cho ông Khởi và ông Hải rất thấp. Do không có nhân chứng tham dự phiên tòa nên không thể đánh giá được hết nguyên nhân và lý do thực sự như thế nào để nhà cầm quyền quyết định đưa ra một bản án với mức án thấp nhất như vậy. Chỉ có thông tin của nhà cầm quyền đưa ra cho biết, ông Khởi và ông Hải đã ăn năn nhận tội nhưng chúng ta không tin các thông tin do nhà cầm quyền đưa ra.
VRNs: Thưa luật sư, theo TTXVN đưa tin, “Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt ông Ngô Văn Khởi 7 tháng tù, ông Nguyễn Văn Hải 6 tháng tù; thời hạn tù của các bị cáo tính từ ngày 27-6-2013. Đối với các hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”, “cố ý gây thương tích”, “hủy hoại tài sản”, cơ quan điều tra sẽ tách ra để xử lý riêng, do đó các vật chứng, yêu cầu bồi thường sẽ được xử lý theo vụ án tách ra.” Vậy thưa luật sư, luật sư nhận xét như thế nào về thông tin này?
Ls Nguyễn Văn Đài: Ngay từ khi nhà cầm quyền tiến hành bắt ông Khởi và ông Hải, họ đã vi phạm pháp luật. Họ đã không bắt hai ông theo một thủ tục thông thường đó là phải đưa hai ông về gia đình có sự chứng kiến của hàng xóm, tổ trưởng dân phố và nhà cầm quyền địa phương nhưng ông Khởi và ông Hải đã bị bắt đang khi hai ông trên đường đi công việc. Mấy ngày sau, nhà cầm quyền thông báo cho gia đình ông Khởi và ông Hải biết là hai ông đã bị bắt giữ. Cho nên, khi nhà cầm quyền đưa ra một bản điều tra, bản truy tố cho đến phiên tòa xét xử mà họ đưa ra 4 tội danh nhưng chỉ xử với một tội danh “gây rối trật tự công cộng” thì đây là điều hết sức bất thường.
Cách đây không lâu, người dân giáo xứ Mỹ Yên đã phản ứng rất mạnh mẽ về việc bắt giữ người trái pháp luật đối với ông Khởi và ông Hải và tạo ra một làn sóng cầu nguyện khắp Giáo hội Công giáo trên khắp cả nước. Đây là sự phẫn nộ lớn của người dân với sự hành xử bất chấp pháp luật của nhà cầm quyền. Trong vụ án của ông Khởi và ông Hải nhà cầm quyền đã tách một vụ án ra để xét xử và 3 vụ án còn lại [chưa xử]. Điều này cho thấy, đây là một sự cân nhắc của họ để thăm dò xem phản ứng của giáo dân cũng như của Giáo hội Công giáo đối với vụ xét xử này như thế nào. Nếu như, giáo dân cũng như Giáo hội Công giáo chấp nhận bản án vô lý đối với ông Khởi và ông Hải thì chắc chắn khi ông Khởi và ông Hải thi hành gần xong bản án của hai ông, thì tòa án tiếp tục đưa ra xét xử các vụ án tiếp theo và hai ông tiếp tục từng bước nhận lãnh những bản án vô lý với 3 tội danh còn lại.
VRNs: Thưa luật sư, ở câu trước luật sư khẳng định đây là vụ án bất công với ông Khởi và ông Hải. Vậy để bảo vệ quyền lợi cho ông Khởi và ông Hải cũng là để tránh tiền lệ oan sai về sau theo luật sư hai ông hoặc rộng hơn là gia đình hai ông và những người khác cần làm gì?
Ls Nguyễn Văn Đài: Với bản án [7 tháng tù giam cho ông Khởi và 6 tháng tù giam cho ông Hải] và việc bắt giữ hai ông ngay từ đầu đã vô lý và bất chấp pháp luật. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hai ông, gia đình nên gặp và thuyết phục hai ông chấp nhận thuê luật sư để luật sư giám sát quá trình điều tra, truy tố và xét xử những tội danh tiếp theo. Nếu như cơ quan của Viện kiểm sát cũng như của tòa án tỉnh Nghệ An không tiếp tục điều tra, truy tố và xét xử 3 tội danh còn lại thì tốt. Nhưng nếu nhà cầm quyền vẫn tiếp tục khởi tố thì khi đó luật sư sẽ biết được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử có điều gì khuất tất luật sư sẽ loan tin ra bên ngoài để người dân cũng như Giáo hội Công giáo và các tổ chức bảo vệ Nhân quyền biết và họ kịp thời lên tiếng bênh vực cho hai ông.
Đối với trường hợp của những người khác để bảo vệ quyền lợi cho họ khi họ bị bắt cóc trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy mà nhà cầm quyền không thực thi đúng pháp luật thì họ kiên quyết không hợp tác với cơ quan điều tra trong mọi hoàn cảnh, cho dù có bị đe dọa hay bị dụ dỗ bất kỳ điều gì thì họ không có trách nhiệm hợp tác với nhà cầm quyền. Trừ khi nào nhà cầm quyền thông báo cho gia đình của họ biết và họ được tiếp cận với luật sư trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử khi đó luật sư mới bảo vệ được họ. Bởi vì, một người bị bắt cóc hay bị bắt vì một bất kỳ lý do nào đó mà người này cứ làm việc với cơ quan điều tra và sau khi hồ sơ hoàn tất rồi, thì cho dù luật sư có tài giỏi như thế nào đi chăng nữa cũng không bao giờ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho họ. Chỉ có họ kiên quyết bảo vệ chính họ cho đến khi có luật sư bào chữa thì mới phát huy được tác dụng bảo vệ quyền hợp pháp cho họ.
VRNs: Xin cám ơn Luật sư Nguyễn Văn Đài.
Vào ngày 22.05.2013, nhiều người dân chứng kiến “một số người lạ mặt” ngang nhiên chặn xe, giữ xe và lục soát hành lý cá nhân của khách hành hương đến tham dự lễ cầu nguyện cho phiên tòa phúc thẩm của các anh Thanh niên Công giáo và Tin Lành ở Nghệ An (23.05.2013), được tổ chức tại Trại Gáo, thuộc giáo xứ Mỹ Yên, Nghệ An.
Trước hành vi trái pháp luật của “những người lạ mặt” này, nhiều người có cả người công giáo và lương dân đã bắt giữ và phát hiện “những người lạ mặt” này chính là công an.
Sau đó, vào ngày 27.06.2013, ông Khởi và ông Hải bị bắt cóc khi hai ông đang đi trên đường. 8 ngày sau đó, công an mới thông báo cho thân nhân ông Khởi và ông Hải biết hai ông bị “khởi tố và bắt tạm giam” với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”.
Đỉnh điểm của sự việc hồi ngày 04.09.2013, là cuộc đàn áp của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 3000 cảnh sát cơ động, công an, CSGT, an ninh, dân phòng, được huy động trang bị súng ống, lựu đạn cay, dùi cui điện, lựu đạn khói, chó nghiệp vụ… hành hung, đánh đập bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Yên, khiến nhiều người bị thương nghiêm trọng và ảnh tượng thánh bị đập vỡ…
Sau đó, các báo đài của nhà cầm quyền đã bịa đặt, vu khống và lên án Đức Cha Nguyễn Thái Hợp cũng như các linh mục Đoàn đã không hợp tác với nhà cầm quyền để giải quyết mọi việc cho ổn thỏa nhưng chính nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã gây khó khăn và khước từ các cuộc đối thoại này.
“Tóm lại, vụ đàn áp tại Mỹ Yên là do chính quyền tổ chức và trực tiếp chỉ đạo, nên chính quyền phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Các Giám mục, Linh mục, bà con Giáo dân và Nhân dân trong vùng chỉ là nạn nhân của vụ đàn áp nên cần được bảo vệ.” Hơn 200 vị, gồm các Linh mục và các Giám mục thuộc linh mục Đoàn giáo phận Vinh nhấn mạnh.
Huyền Trang, VRNs thực hiện
0 nhận xét:
Đăng nhận xét