LTCGVN (22.10.2013)
Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh
em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy
ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).
Các ca khúc của NS Trịnh Công Sơn
không cầu kỳ về tiết tấu và giai điệu, nhưng ca từ như thơ và chứa đầy triết lý
sống của kiếp người, có gì đó “bí ẩn”. Khi sinh thời, cuộc sống đời thường của
ông cũng thầm trầm, ít nói. Hầu như những người có tư tưởng “khác người” thì
thường có phong cách như vậy, có lẽ họ “bận” suy tư nhiều.
Thật vậy, văn sĩ William Hazlitt (1778-1830,
Anh quốc) vừa so sánh vừa định nghĩa: “Bản
chất giản dị là kết quả tự nhiên của tư tưởng sâu sắc”. Còn ngạn ngữ Hy Lạp
nói: “Bình dị là nhịp cầu nối nhân ái và cái
đẹp”.
Một trong số ca khúc quen thuộc của
NS Trịnh Công Sơn là bài “Biển Nghìn Thu Ở Lại”. Bài này rất ngắn, chỉ 40 chữ, hiếm
có bài ngắn như vậy, nhưng nó lại có thể “chở nặng” loại triết lý sống tích cực:
Yêu thương và tha thứ. Ca khúc này được viết ở âm thể LA thứ (Am), nhịp 4/4, tiết
tấu cũng hoàn toàn đơn giản.
Ông dùng hình ảnh biển để mô tả,
với những mệnh lệnh cách ở thể phủ định:“Biển
đánh bờ, xôn xao bờ đánh biển. Đừng đánh nhau, ơi biển sẽ tàn phai! Đừng gạch
tên, vì yêu đừng xé nát! Biển là em ngọt đắng trùng khơi”.
Biển luôn có gì đó rất đặc biệt,
rất tĩnh mà cũng rất động, rất hiền dịu mà cũng rất dữ dội, rất mềm mà cũng rất
cứng, rất yếu mà cũng rất mạnh,… Đặc biệt là biển luôn bao la và sâu thẳm, khôn
dò, bí ẩn. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi là biển cả. Chỉ vì yêu thương mà biển
luôn nôn nao, luôn xao xuyến, luôn nổi sóng, lúc thì lăn tăn, lúc thì cồn cào, có
lúc vỗ về bờ cát và vách đá, nhưng cũng có lúc biển biết ghen nên xô bờ dữ dội.
Thủy triều cũng biến động theo con trăng, lúc thì nước ròng, lúc thì nước lớn.
Biển rất kỳ lạ! Và con người cũng vậy…
“Đừng đánh nhau” vì đánh nhau là tự
làm hại mình, tự làm mình tàn phai; “đừng gạch tên” bất kỳ ai và “đừng xé nát” mối
quan hệ nào, thế mới là “vì yêu thương”. Chữ “em” ở đây không có nghĩa là một
cô gái hoặc một phụ nữ, mà là những người lân cận, những người ở bên mình, những
người mà mình gặp gỡ và nhìn thấy hằng ngày – dù người đó cao hay thấp, đẹp hay
xấu, dở hay giỏi, dại hay khôn, mập hay gầy, bình thường hay khuyết tật, già
hay trẻ, giàu hay nghèo, thông minh hay chậm hiểu, nam hay nữ, quen hay lạ, ưa
hay ghét,… Chỉ cần biết một điều: Họ là con người. Họ có đủ nhân vị, nhân phẩm
và nhân quyền cũng như mình. Thế thôi!
Câu cuối được chuyển sang LA trưởng
(A) như một điệp khúc, với 9 chữ được lặp lại 2 lần: “Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi”. Chỉ vài chữ nhưng
khiến lòng lắng đọng, trầm tư, buồn riêng cho phận mình, vừa chịu đựng vừa chấp
nhận thiệt thòi chứ không trách cứ ai khác.
Thật tốt đẹp thay những người có
“tấm lòng của biển”, biết quên mình, biết nhịn nhục và chịu đựng như vậy!
Đức mến rất quan trọng. Đức mến không
chỉ là mến Chúa, mà còn là yêu thương nhau, là thương xót nhau. Tại sao đức mến
quan trọng? Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Giả
như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa,
mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ
xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí
nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà
không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ
nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức
mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” 1 Cr 13:1-3).
Và rồi Thánh Phaolô giải thích
tường tận: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền
hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính,
không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự
gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng
tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn
nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn
hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên
tri cũng có hạn” (1 Cr 13:4-9).
Cón Thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại
ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em
mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga
4:20).
Lạy Thiên Chúa Cha, xin giúp chúng con “thuộc lòng” Bài Học Yêu của
Chúa Con đã dạy, và quyết tâm thực hiện bằng mọi giá. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Đêm 20-10-2013
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét