LTCGVN (31.10.2013)
Họ là những dân oan vô gia cư đúng nghĩa, mặc dù họ từng có nhà cửa, nghề nghiệp và thu nhập ổn định trước đây. Nhưng nay thì màn trời chiếu đất, mỗi ngày nhặt đồng nát, đi làm thuê khắp nẻo, từ lau bàn, rửa chén cho đến quét dọn phòng vệ sinh. Mỗi ngày, may mắn thì họ kiếm được chừng 100 ngàn đồng. Không may thì họ kiếm chừng 30 ngàn đồng, đủ mua gạo thổi cơm!
Chị Phạm Thị Ngọc, một lao động chính trong gia đình 5 người gồm ba đứa con và người chồng bị bệnh, cả gia đình sống lây lất hết gốc cây này sang gốc cây khác từ vườn hoa Mai Xuân Thưởng đến công viên Lý Tự Trọng. Mỗi ngày của chị bắt đầu từ 4h30 sáng cho đến 8h30 chiều để kiếm từ 80 đến 100 ngàn đồng.
Chị Ngọc kể: “Mấy đứa nhỏ đi nhặt đồng nát trong thành phố, có ngày kiếm được 30 ngàn đồng, có ngày kiếm mười mấy ngàn, hiện tại, chúng nó thất học vì vợ chồng cháu không đủ tiền để ăn lấy gì cho con đi học, giữa thủ đô này, đụng thứ gì cũng phải có nhiều tiền!”.
"Đất nhà chúng cháu bị mất, chúng cháu phải đi kiện, chúng cháu đã sống suốt ba năm nay ở vườn hoa này. Nhà là những gốc cây này đây" Ngọc
|
“Đất nhà chúng cháu bị mất, chúng cháu phải đi kiện, nhưng muốn tồn tại để kiện, chúng cháu đã sống suốt ba năm nay ở vườn hoa này, kiếm sống bằng đủ thứ. Nhà là những gốc cây này đây!”.
Theo chân chị Ngọc, chúng tôi đến những nơi chị lau nhà thuê cho người giàu, mỗi lần lau được trả 25 ngàn đồng. Xong, chúng tôi lại theo chị đi gặp mấy đứa nhỏ, lúc này, ba đứa con chị Ngọc đã nhặt được một số giấy vụn, vỏ hộp, vỏ lon bia… Chị Ngọc tập trung, phân loại từng thứ để đi bán. Tổng cộng ngày hôm đó, gia đình chị Ngọc Thu nhập được 125 ngàn đồng.
Chị mừng lắm, hồ hỡi nói: “Lâu lắm rồi mới kiếm được một ngày trên 100 ngàn đồng như thế này. Sáng mai đi chợ, mua mấy con cá rô phi về chiên xù cho tụi nó ăn, cả nhà cải thiện được bữa ăn rồi đây!”
Cùng sống trong công viên Lý Tự Trọng như chị Ngọc, có rất nhiều gia đình từ mọi miền đất nước, họ đến đây để kiện đất đai, kiện nỗi bất công mà gia đình họ đang gánh chịu. Và, trong điều kiện nghèo khổ, khốn khó, họ tìm mọi kế sinh nhai để tồn tại, từ làm thuê trong nhà cho đến bốc vác ngoài bến xe… Miễn sao có được vài đồng mua gạo sống qua ngày.
Cũng giống như gia đình chị Ngọc, họ chọn những gốc cây kín gió một chút, đợi công an nghỉ trưa, hết giờ làm việc, họ đun bếp nấu cơm dưới gốc cây. Giữa một thủ đô rộng lớn,. nhìn những chiếc bếp dã chiến lén lút cháy, nhìn những con người ăn vội vì sợ công an ập đến bất ngờ, đạp đổ nồi cơm, không còn cái để bỏ vào bụng… Thật chẳng còn biết gì hơn là buồn!
Chị Phạm Thị My, đến từ Kiên Giang cùng chồng và hai đứa con nhỏ, gần mười năm nay sống đắp đổi qua ngày, không khác con chị Ngọc, hai đứa con chị My cũng không được đến trường, suốt ngày phụ mẹ nấu cơm, đi nhặt củi, không nấu cơm, nhặt củi thì đi nhặt đồng nát về bán kiếm tiền mua gạo.
Chị My kể: “Cháu cũng cố gắng làm thật tốt công việc, nhưng cũng có chủ nhà họ trả tiền đàng hoàng, cũng có nhà họ trả tiền không được lịch sự cho mấy, thậm chí ép giá, mình lau nhà cả buổi, họ đưa có 20 ngàn đồng, thậm chí họ còn để dời sang bữa khác mới trả tiền, cháu mua gạo bữa mà họ trả vậy chỉ biết khóc thầm thôi!”.
"bữa nào được yên thì thôi, có bữa công an đến đạp đổ, tịch thu hết áo quần, mùng mền, nồi niêu của mình đem đổ bãi rác. Xe công an chạy trước, mình theo, họ đổ thì mình bới lại" My
|
“Mấy đứa con của chúng cháu cũng không được đi học, gia đình cháu vừa nghèo lại vừa bị lấy đất oan uổng nên vừa kiện vừa chờ đợi, lấy tiền đâu mà cho con đi học, ngay cả chỗ ở cũng nương tựa vào mấy gốc cây này, bữa nào được yên thì thôi, có bữa công an đến đạp đổ, tịch thu hết áo quần, mùng mền, nồi niêu của cháu đem đổ bãi rác. Xe công an chạy trước, cháu chạy theo sau, ra đó, đợi họ đổ thì cháu bới rác mà tìm lại đồ của cháu rồi xuống Hồ Tây mà giặt giũ, rửa ráy để dùng lại. Khổ trăm bề chú ơi!”.
Những ngày gần đây, thời tiết Hà Nội xuống thấp, cái rét kéo về, những người lao động nghèo, những dân oan ngủ trên công viên sẽ khó mà ngủ cho trọn giấc. Cái nghèo làm họ thao thức, cái đói làm họ thấy lạnh và tủi thân. Nỗi tủi thân của những người không may mắn giữa thủ đô!
Hồng Hạc,Lao Động Việt
31/10/2013 chao@laodongViet.org
GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
- Hết-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét