LTCGVN (27.10.2013)
Đối nghịch
(Chúa
nhật XXX TN, năm C)
Trong cuộc sống (cả đời và đạo), có
nhiều cái đối nghịch hoặc đối lập nhau, từ dạng đơn giản tới dạng phức tạp, từ
điều vô hại tới điều nguy hiểm: Đen – trắng, giàu – nghèo, cao – thấp, hiền –
dữ, khiêm nhường – kiêu ngạo (nổ, chảnh), thiện – ác,… Tâm tính trái ngược nhau
dẫn tới “nghi kỵ” nhau, đối kháng hoặc chống đối nhau, và gièm pha nhau. Sự tuyên
truyền là một dạng đối nghịch – vì phe này nói xấu phe kia, đảng này chê bôi
đảng nọ, nhóm này đàn áp nhóm kia,... Chống đối là do những lối suy nghĩ không
giống nhau, vì cách lựa chọn của người này khác với người kia. Thế là xảy ra
xung khắc, đôi khi có thể ẩu đả hoặc án mạng.
Liên quan vấn đề “trái ngược”, có
lần người ta bảo Chúa Giêsu cậy quyền lực của quỷ Bê-en-dê-bun, Ngài nói: “Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và
ai không cùng tôi thu góp, là phân tán” (Mt 12:30; Lc 11:23). Khi thấy có
người nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, các tông đồ thấy “ngứa mắt” nên đã tìm
cách ngăn cấm họ, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Ai
không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:1; Lc 9:50).
Đôi khi sự đối nghịch vẫn khả dĩ
hữu ích: Nam châm cùng dấu thì đẩy nhau,
trái dấu thì hút nhau. Tình yêu đôi lứa cũng vậy, thế mới là “bình thường”, mới
tạo nên hôn nhân hạnh phúc, nếu hôn nhân đồng giới thì… “lạy Chúa tôi!”, vì như
vậy lại hóa “bất thường”. Cái NGHỊCH lại là cái THUẬN, và ngược lại. Thế mới
lạ!
Trang tin UCAN cho biết: Một giám mục Công giáo người Đức bị chỉ
trích chi tiêu xa hoa, ở biệt thự sang trọng, bị cáo buộc là nói dối trước tòa và phải sang Rôma để
gặp các viên chức Tòa Thánh, cũng có thể gặp cả ĐGH Phanxicô để nhận quyết định
xem có nên tại vị nữa không. Hôm Chúa nhật (13-10-2013), một phát ngôn viên xác
nhận đó là giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst, giáo phận Limburg .
Giám mục “xa hoa” này đã dùng 31 triệu euro (gần 40 triệu USD, gấp 6 lần so với
kế hoạch ban đầu) để nâng cấp và xây dựng mới dinh thự của mình và văn phòng
giáo phận.
Còn ở Việt Nam thì sao?
Liệu có cần nghiêm túc mà “xét lại” chăng? Thiết nghĩ NÊN lắm đấy, dù ít hay
nhiều!
Sống “thoải mái” là lối sống ĐỐI
NGHỊCH với Thiên Chúa. Chúa Giêsu là dân nghèo “thứ thiệt”, nghèo “hàng hiệu”,
nghèo từ Belem
tới Can-vê. Đúng là Vua Nghèo. Thế mà các môn đệ lại “đi ngược đường” với Ngài,
ung dung sống vinh thân phì da, mặc đám dân nghèo khốn khổ sống lay lắt. Càng nguy
hiểm hơn vì người sống ngang nhiên đó lại là một giám mục, thật bất xứng và xấu
hổ thay! Vậy thì đừng chỉ trích và lên án các quan quyền thế tục hối lộ và tham
nhũng. Loài đỉa nào cũng nguy hiểm, vì nó hút máu của người khác để sống.
Vô hình chung, loại “người đỉa” này
đã chất thêm gánh nặng cho người nghèo, cách “bòn rút” của họ rất tinh vi, tự
“ra giá” cho những công việc mà đáng lẽ là bổn phận và trách nhiệm của họ. Chính
họ được học hành đàng hoàng, học đến nơi đến chốn, biết nhiều hơn người, y như
giới thông luật xưa. Nhưng Chúa Giêsu “chỉ tận tay, day tận trán” thế này: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà
thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi,
còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11:46).
Chúa nói thế mà với họ cũng chỉ là “nước đổ lá môn” mà thôi!
Đừng ảo tưởng với “nếp nghĩ phàm
tục” mà cho rằng Thiên Chúa vị nể những người có chức có quyền, “chuyên gia” ăn
trên ngồi trước, được tiền hô hậu ủng. Không hề, Thiên Chúa hoàn toàn khác: “Thiên Chúa cứ theo sự thật mà xét xử”
(Rm 1:2) vì “Thiên Chúa không thiên vị
ai” (Rm 1:11). Vâng, Thiên Chúa rất công minh và chính trực, nói theo giới bình
dân, có lẽ Chúa sẽ nói: “Tôi thật thà thẳng
thắn trừng trị” (7 chữ T).
Thật vậy, tác giả sách Huấn Ca cũng
xác định: “Đức Chúa là Đấng xét xử, Người
chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van
của người goá bụa” (Hc 35:12-14). Thiên Chúa hoàn toàn TRÁI NGƯỢC với quan
niệm hoặc cách xử sự của loài người, phàm phu tục tử, đầu vừa nhỏ bé vừa như
“bã đậu” vậy.
Thiên Chúa rất nhân từ, luôn xót
thương những kẻ khốn cùng, không “kỵ” người nghèo mà lại rất “hợp” người nghèo,
thế mới lạ, họ xin gì Ngài cũng thương ban: “Kẻ
phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng
tới các tầng mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35:16-17a).
Họ liên lỉ cầu nguyện, vì họ coi Ngài là cứu cánh: “Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng. Họ sẽ không rời đi bao lâu
Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công
lý” (Hc 35:17b-18).
Tác giả Thánh Vịnh vừa bộc bạch vừa
kêu gọi mọi người phải biết ca tụng Chúa, nhất là những người nghèo: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát
mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn
nghèo nghe tôi nói mà vui lên” (Tv 34:2-3). Người nghèo thiếu thốn mọi thứ,
có khi thiếu cả những thứ cơ bản nhất, họ cần Chúa hơn và được Chúa ban nhiều
thứ, thế nên họ phải biết ơn Chúa. Người giàu đầy đủ vật chất, không cần Chúa
ban thêm, và họ cũng dễ lãng quên Ngài – cũng là lẽ tất nhiên vậy!
Sự đối nghịch rõ ràng nhất là giữa
cái thiện và cái ác: “Chúa đối đầu với
quân gian ác, xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời, nhưng để mắt nhìn người chính
trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu” (Tv 34:16-17). Chúa thẳng tay với ác
nhân, lũ “đỉa người” nham hiểm, nhưng Ngài xót thương hiền nhân, đám dân đen
thấp cổ bé miệng: “Ai thành tâm kêu xin
đều được Chúa đã nhận lời và giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn, nhất là những
người hèn mọn, đau khổ, thấp cổ bé miệng” (Tv 34:18). Tác giả Thánh Vịnh
xác định: “Chúa gần gũi những tấm lòng
tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 34:19). Quả thật, Chúa
Giêsu sẵn sàng bỏ 99 con chiên lành lặn, béo tốt, để rồi nhọc công tìm kiếm con
chiên gầy gò, ốm yếu, ghẻ lở, hôi hám (x. Mt 18:12-14; Lc 15:4-7).
Tác giả Thánh Vịnh kết luận: “Chúa cứu mạng các người tôi tớ, ai ẩn thân
bên Chúa không bị phạt bao giờ” (Tv 34:23). Thiên Chúa trên cả tuyệt vời!
Quá khứ của Thánh Phaolô đối nghịch
với Chúa, nhưng sau cú ngã ngựa chí mạng đã khiến ông thuận với Chúa. Cuối đời,
Thánh Phaolô nói lời trăn trối đầy niềm tin tưởng: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã
đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm
Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ
cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm
4:6-8).
Thánh Phaolô nói thêm: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất,
thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.
Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc
rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và
tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử” (2 Tm 4:16-18a). Niềm hy vọng dâng cao,
Thánh Phaolô chắc chắn: “Chúa sẽ còn cho
tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người
ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen” (2 Tm 4:18b).
Ước gì mỗi chúng ta cũng có thể nói chắc như vậy!
Một “phong cách” đối nghịch khá phổ
biến là khiêm nhường và kiêu ngạo. Kiêu ngạo hoặc cao ngạo là dạng “tin tưởng
hão huyền”, là tự hào “chảnh”, là hội chứng ảo tưởng quá nặng, là tự đánh lừa
mình. Họ là những người sinh ra gần Thành Tuy Hạ (kho bom đạn ở huyện Nhơn
Trạch, Đồng Nai) và sống gần Kho đạn Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) nên mới có
khả năng “nổ” như vậy!
Một hôm, Đức Giêsu kể dụ ngôn về
một số người tự hào cho mình là công chính
mà khinh chê người khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc
nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng,
nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ
ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc
như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần
mười thu nhập của con” (Lc 18:11-12). Quá “ngon lành”, thật là “đạo đức”,
thật là “tốt lành”, thật là “thánh thiện” biết bao! Nhưng sự thật đâu phải thế,
nói vậy mà không phải vậy. Họ vốn dĩ quen khoe khoang và ỷ quyền cậy thế, ra vẻ
“ta đây”, hống hách với người đời, thế nên họ cũng dám “nổ” mà “khoe mẽ” với
Chúa luôn. Gan cóc tía!
Còn người thu thuế biết thân biết
phận, chỉ dám đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên nhìn ai, nhưng vừa
đấm ngực vừa thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin
thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Dễ thương hết sức! Chúa Giêsu khoái
con-người-tội-nghiệp này lắm. Ngài nói rõ: “Tôi
nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia
thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị
hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ
được tôn lên” (Lc 18:14).
Cầu nguyện là khoảng thời gian kết
hiệp với Chúa, tâm sự với Chúa, cần phải có sự thánh thiện, thế mà người ta lại
cả gan phạm tội ngay trong lúc cầu
nguyện, vậy mà vẫn nhận mình là tốt lành. Thật là nguy hiểm!
Lạy Thiên Chúa, xin tạo cho chúng con một trái tim trong sạch để biết
chắt lọc mà sống yêu thương và khiêm nhường. Xin cho chúng con biết Chúa và
biết mình để không dám kiêu ngạo chút nào. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét