Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

SN CHÚA NHẬT THỨ BA MƯƠI THƯỜNG NIÊN: "Ðể Trở Nên Công Chính"

LTCGVN (27.10.2013)


CHÚA NHẬT THỨ BA MƯƠI THƯỜNG NIÊN-BÀI HAI

Ðể Trở Nên Công Chính



Ðể chúng ta cảm nhận đúng nghĩa bài Dụ Ngôn vừa nghe, điều thiết yếu, là trước hết chúng ta chú tâm vào lời dẫn vào dụ ngôn. Thật vậy, thánh sử Lu-ca đã viết lại câu chuyện dụ ngôn này rất chính xác cùng tinh tế. Thánh nhân muốn bài dụ ngôn này quy chiếu vào « những người tự tôn cho mình là công chính rồi khinh dễ những người khác ». Quả thế thánh Lu-ca viết lại câu chuyện dụ ngôn này với một hình ảnh độc đáo, nhằm đặc biệt đến những người thích hợp cho hai vấn đề hệ trọng của họ.

Vấn đề thứ nhất của người Pha-ri-siêu, chính là việc họ tin rằng mình là những người công chính, và họ nghĩ chính bản thân họ trở nên công chính. Có nghĩa là với những cố gắng cùng nỗ lực học hỏi Luật, và tuân thủ các quy khoản Luật trong đời mà họ hoàn tất chu đáo việc này. Quả thế Chúa Giê-su không phủ nhận về hai điểm này của những người Pha-ri-siêu. Qủa đúng người Pha-ri-siêu có một sự hiểu biết vững chắc về Luật, và họ quả là người tuân thủ Luật hoàn mỹ. Chẳng hạn người Pha-ri-siêu tránh làm các sự ác, sự xấu, họ ăn chay, họ bố thí tiền bạc cho người nghèo đói. Tất cả các việc làm này thật là tốt đẹp. Thế nhưng cái sai lầm của những người Pha-ri-siêu, đó là họ vô thức trong lãnh vực ơn thánh của Chúa. Bởi họ tin rằng do bởi các việc làm họ làm đúng, thì họ đã tạo được cái quyền trên Thiên Chúa, và Chúa Trời có bổn phận phải dẫn đưa họ vào trong Vương Quốc của Ngài.

Chính cái điểm vô thức này của những người Pha-ri-siêu làm tổn thương lòng Chúa. Quả không một ai, quả không một ai có quyền trên Thiên Chúa. Con người không thể , với nghĩa nghiêm túc : làm ra, hối lộ, mua bán ơn cứu độ của Thiên Chúa do những hành động tốt của mình. Lý do, ơn cứu độ không thể tự tạo cho mình, con người phải khiêm hạ đón nhận ơn này từ Chúa Trời. Ơn cứu độ không bao giờ đến từ chúng ta. Ơn cứu độ đến từ Chúa Ki-tô, và chỉ duy Ngài ban cho. Lạ thay, chân lý này rất nhiều người đã nghe Chúa Giê-su nói, song họ không chịu hiểu. Thế nên Chúa Guê-su ra công làm cho họ hiểu, bằng cách giới thiệu khuôn mặt khiêm cung của anh Thu Thuế, hạ mình xin lòng thương xót của Chúa Trời đối với tội mình. 

Tuyệt thay anh Thu Thuế biết nhận ra mình không có uy thế hay ảnh hưởng gì trên Thiên Chúa. Anh chỉ có thể khẩn nài lòng thương xót hải hà của Chúa Trời, trong cung cách khiêm hạ đầu cúi xuống tỏ lòng tôn kính Ngài. Tuy nhiên nhờ sự khiêm hạ cùng biết cách cầu nguyện này, anh đã được thành người công chính do chính Chúa ban thưởng. 

Vì thế, xin chúng ta nhớ cho rằng : ơn cứu độ là phải khấn xin một cách thành tâm và khiêm hạ. Với sự cố gắng cùng nỗ lực làm việc thiện hảo của chúng ta, cũng như tấm lòng khiêm hạ của ta hằng sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ của Chúa Trời, thì Ngài sẵn sàng ban cho ta, nhưng không bao giờ do sự nỗ lực cố gắng của ta mà Chúa thưởng công cho chúng ta đâu.

Vấn đề thứ hai, Chúa Giê-su hướng về những người Pha-ri-siêu, là có một số người tự nghĩ mình là cao trọng hơn người khác. Ðể từ điều nghĩ này, họ tự cho phép mình phán xét cùng khinh khi các anh chị em thấp kém hơn mình. Do đó Chúa Giê-su không ngần ngại kể câu chuyện Dụ Ngôn này, để chống lại cái thái độ trịch thượng của hạng người ngạo mạn này. Theo Chúa Giê-su, tất cả những ai tự tôn mình cao trọng hơn anh chị em mình, sẽ dẩn dần bị đánh gục trước mặt Ngài, và họ tự đặt cho mình chỗ đứng sai lầm trước tôn nhan Ngài. Thiên Chúa không bao giờ yêu thích những kẻ kiêu ngạo, khinh đời xem thường anh chị em mình. Chúa Trời yêu thương những kẻ khiêm nhu. Thiên Chúa yêu thương những ai biết mình tội lỗi, khiêm hạ cung kính và xin lòng thương xót Ngài dủ thương. Chúa Trời chán ghét những ai ra vẻ tự đắc kể công lao với Ngài : như con đã xây được mấy cái Nhà Thờ cho Chúa, con đã xây được nhiều trường học và đào nhiều cái giếng giúp cho xứ đạo, cho Giáo Hội vv. 

Chúng ta có là gì trước tôn nhan Chúa Trời ? Vũ trụ này, bầu trời này, trái đất này, không khí hít thở này, thân xác ta, linh hồn ta : tất cả đều do tay Thiên Chúa dựng nên, đều do hơi thở của Chúa Thánh Thần phú cho làm cho ta sinh động. Ta kể công gì với Chúa đây ? Có chăng chúng ta chỉ có tội lỗi, để dâng lên Chúa Trời, xin Ngài thương xót và ban cho ơn cứu độ. 

Chúa Giê-su nhắc nhủ và khuyến cáo chúng ta cùng những người nghe Ngài rằng, để xét đoán giá trị của thiên hạ, thì chúng ta và họ không phải là cách tự so sánh mình với những anh chị em chung quanh ta, song lý hơn hãy đem cái nhìn mình hường vào lý tưởng Tin Mừng, rồi qua Tin Mừng chúng ta được Chúa Trời mời gọi phải sống hoàn hảo từ giây phút này. 

Do đó, chúng ta và họ cần kiểm điểm hồn mình cùng xét lòng mình trước nhãn quan của Lời Tin Mừng nói : « các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành » (Mt.5,48). Chúng ta phải khấn xin Chúa ban ơn phù giúp cho ta trên con đường tìm kiếm sự trọn lành này. Có nghĩa là chúng ta phải đi qua con đường Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta thực thi : như Ngài mời gọi chúng ta tha thứ, quảng đại chia sẻ cơm áo, tài sản cho những anh chị em nghèo khổ. Thêm nữa, ta chớ xét đoán người khác, yêu thương cả kẻ thù mình, luôn tự xét lại các việc mình làm dưới ánh sáng Lời Chúa, kiểm điểm lại lương tâm ta, để rồi đưa tất cả những việc đó ra mà ra công thực hành. Do vậy, hãy xét mình và hằng cho mình là người tội lỗi hơn hẳn các anh chị em mình. Chính ở điểm biết mình ta mới biết người. Chúa muốn chúng ta chớ nên xét đoán người khác trong lúc chính bản thân chúng ta chẳng ra gì. Nhất là chúng ta cần nghiêm túc tôn trọng cái quyền xét đoán của Thiên Chúa trên hết mọi chúng sinh.

Quả Tin Mừng không nói đến thiên hạ phản ứng ra sao khi Chúa Giê-su kể câu chuyện Dụ Ngôn về người Pha-ri-siêu cùng anh Thu Thuế. Bài Dụ Ngôn này thực là tự nhiên cùng tạo cho thiên hạ nghêm chỉnh suy xét lại lòng mình. Bài Dụ Ngôn này cũng đánh thức tâm hồn chúng ta, và nuôi dưỡng cho những suy tưởng của chúng ta hôm nay.

Ðẹp thay chúng ta đón nhận những lời giáo huấn của Chúa Giê-su với niềm vui. Từ đó, chúng ta rút ra những hữi ích của Lời Chúa dạy để áp dụng vào đời sống mình. Lấy Lời Chúa đó làm kim chỉ nam để chúng ta có tâm lòng ngay thẳng, khiêm tốn khi đứng trước tôn nhan Thiên Chúa. Thái độ và cung cách của chúng ta khi đứng trước thánh nhan Chúa Trời, phải là một thái độ khiêm tốn, đơn sơ, nhận ra mình là người bần cùng khốn khổ, đáng thương. Quả Thiên Chúa là tất cả, chúng ta chẳng có gì. Chúa Trời là Thánh Thiện, còn chúng ta là kẻ tội lỗi. Ðiều nói này không chỉ cho ta nhớ lại minh hèn kém hay tội ta quá lẽ, tầy trời, nhưng là để cho chúng ta hiểu ta là ai thực sự trước tôn nhan Chúa Trời. 

Sự thực, đó chính là lúc chúng ta đứng trước tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta tự biết mình chỉ là những người khốn cùng, mang thân xác tội lỗi, nhưng được Chúa Trời yêu thương. Bởi khi chúng ta biết mình như thế, chúng ta mới chính thực là người kính yêu Thiên Chúa, từ đó tất chúng ta có thể đặt tất cả hy vọng vào Ngài để nhận lãnh ơn cứu độ : « người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được trở nên công chính ». Amen !

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng, 
Tác giả gửi trưc tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét