LTCGVN (23.10.2013)
Sự thật là gì ?
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban
cho Người, là Con Một đầy tràn ÂN SỦNG và SỰ THẬT” (Ga 1:14).
Sự thật không là cảm giác, mà là ý
nghĩ. Sự thật là điều minh nhiên hợp đạo lý mà không ai có thể chối cãi, dù
người ta cố ý khước từ hoặc không muốn chấp nhận. Sự thật có tính vĩnh cửu, mãi
mãi là sự thật. Kinh Thánh là Sách Sự Thật, trong đó chứa đựng tất cả sự thật.
Khi bị tra khảo tại dinh Tổng trấn
Philatô, Đức Giêsu xác định: “Tôi đã sinh
ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm
chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).
Ông Philatô hỏi: “Sự thật là gì?” (Ga
18:38). Chúa Giêsu KHÔNG trả lời! Ông Philatô thực sự không biết? Ông ta “giả
nai” hay muốn trốn tránh sự thật?
Sự thật là chân lý, chân lý là con
đường dẫn tới sự sáng, và sự sáng thông truyền sự sống. Vừa là “bộ ba”, vừa là
“ba trong một”. Chúa Giêsu nói: “Chính
Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).
Và Ngài xác định: “Kẻ sống theo sự thật
thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3:21). Không ai có thể che giấu được điều gì,
như tục ngữ Việt Nam
nói: “Cái kim lâu ngày trong bọc cũng lòi
ra”.
Đôi khi người ta cần hoặc phải NHẮM
MẮT mới có thể NHÌN THẤY Sự Thật. “Nhắm mắt” và “nhìn thấy” là hai động từ hoàn
toàn khác nhau, “nhắm mắt” thì không thể “nhìn thấy”, chỉ “mở mắt” mới có thể
“nhìn thấy”. Hai động từ này thể hiện hai động tác trái ngược, thế nhưng lại không
hề trái ngược nhau. Lạ thật!
Phải “thấy” được sự thật thì người
ta mới thực sự tự do thanh thản, vì Chúa Giêsu bảo: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8:32). Đó là sự giải phóng đích thực,
là sự giải thoát đúng nghĩa. Sự thật là chân lý. Không ai có thể làm lu mờ chân
lý, không ai có thể bóp méo sự thật. Thế mà, trong cuộc sống (cả đời và đạo),
người ta vẫn ngang nhiên BÓP MÉO SỰ THẬT, ngấm ngầm xuyên tạc sự thật, không
ngần ngại đổi trắng thay đen, lật lọng còn nhanh hơn trở bàn tay. Khủng khiếp
quá! Thánh Phaolô cũng đã từng phải thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7). Còn Thánh
Phêrô tiên báo: “Con đường sự thật sẽ bị
phỉ báng” (2 Pr 2:2).
Về việc nộp thuế cho Xê-da, người
ta sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức
Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết
Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên
Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì
Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá
người ta” (Mt 22:16; Mc 12:14). Dù họ chỉ có ác tâm, muốn gài bẫy để hại
Ngài, nhưng chính họ cũng đã phải công nhận sự thật nới Chúa Giêsu.
Một lần nọ, Chúa Giêsu nói với đám
người Do Thái: “Cha các ông là ma quỷ, và
các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát
nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật,
vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi
vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian
dối” (Ga 8:44).
Tại dinh Cai-pha, bọn thủ ác tìm
cách vặn vẹo Chúa Giêsu, nhưng Ngài thẳng thắn nói: “Tôi không hề nói điều gì lén lút” (Ga 18:20). Tức thì có một người
trong nhóm họ vả vào mặt Ngài. Và Ngài đã chất vấn họ: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”
(Ga 18:23). Họ câm họng!
Đó là những luận điệu của những
người-không-ưa-sự-thật, quen thói giả đối, quen xu nịnh, tâng bốc, ăn tục nói
phét. Thấy vậy, những người “yếu bóng vía” sẽ sợ, những người hèn nhát sẽ luồn
cúi. Loại nào cũng bị Chúa ghét, dù là kẻ chủ động hoặc nịnh bợ. Chúa Giêsu thích
thẳng thắn thành thật, Ngài muốn người ta cũng phải như Ngài để bảo vệ sự thật,
bảo vệ chân lý, dù có phải thiệt thân. Thật vậy, Ngài vừa động viên vừa truyền dạy
người ta phải can đảm “công khai nói
giữa ban ngày, chứ đừng có sợ” (x. Mt 2:26-33; Lc 12:1-9). Còn Thánh Phaolô
khuyên: “Mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì
chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4:25).
Ma quỷ rất mánh khóe, rất “đểu” –
đểu thật chứ không đểu giả. Ai nịnh bợ, ai gian dối, ai lọc lừa,... đều là
“thân nhân” của ma quỷ. Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc” (Mt
16:6). Còn Thánh nữ “hoa hồng nhỏ” Têrêsa (thành Lisieux) nhận định: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những linh hồn
quảng đại bằng cách thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại
sức khỏe vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận, đồng thời lại lấy đó làm tự
mãn”. Rất nên “giật mình” khi đọc câu này để mà kịp tỉnh ngộ!
Thiếu sự thật có bóng dáng của lòng
kiêu ngạo, vì kiêu ngạo mà không chấp nhận sự thật. Không thích sự thật thì
không thể có sự thật, không có sự thật thì không thể sống thật. Nói về các
“thầy giả hiệu” (những người lẻo mép và lẻo bút, dạng Pha-ri-sêu, kiểu hợm hĩnh),
Thánh Giuđa nói: “Khốn cho họ, bởi họ đi
vào con đường của Ca-in; vì chút tiền công, họ đã ngã theo sự lầm lạc của
Bi-lơ-am, và bị diệt vong vì làm loạn như Cô-rắc” (Gđ 1:11).
Ca-in, Bi-lơ-am và Cô-rắc là ai?
– Ca-in là con trai lớn của ông
A-đam và bà Eva. Tính khí Ca-in ngang ngược, xấu thói. Khi không được Chúa nhận
của lễ, Ca-in đã “giận và sa sầm nét mặt” (St 4:5), mà không tự xét mình. Và
rồi vì ghen tức mà Ca-in đã nhẫn tâm giết chết A-ben, đứa em ruột của mình. Khi
Chúa hỏi: “A-ben, em ngươi đâu rồi?” (St
4:9a), Ca-in chối phăng và còn hỏi vặn lại: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?” (St 4:9b). Nhưng
Chúa bảo: “Từ dưới đất, tiếng máu của em
ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há
miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra” (St 4:10-11). Quen thói
bướng bỉnh, Ca-in vẫn hung hăng cãi: “Hình
phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con
khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang
phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con” (St 4:13-14).
Nhưng Chúa hứa chắc: “Không đâu! Bất cứ
ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy” (St 4:15). Chúa vẫn thương!
– Bi-lơ-am không nghe lời Chúa nên
sai lầm là làm theo mưu đồ của các kỳ mục Mô-áp và các kỳ mục Ma-đi-an. Sứ thần
chặn đường, con lừa chở Bi-lơ-am thấy thế thì tránh đi. Bi-lơ-am nóng gáy đánh
con lừa, Chúa cho con lừa nói được và cãi lại Bi-lơ-am. May thay, Bi-lơ-am biết
phục thiện và thưa với Sứ thần: “Con đã
trót phạm tội, vì con không biết là Ngài đứng chặn đường không cho con đi. Bây
giờ nếu Ngài thấy là không được, con sẽ quay về nhà” (Ds 22:34).
– Cô-rắc là con trai của ông Ê-xau
và bà O-ho-li-va-ma. Cô-rắc đã cấu kết với Đa-than và toa rập với A-vi-ram để
nổi loạn chống lại ông Mô-sê và ông A-ha-ron, thế nhưng “đất đã mở họng nuốt chửng chúng và Cô-rắc, khiến cả bọn phải tiêu
vong, và lửa đã thiêu huỷ 250 mạng để làm gương” (Ds 26:10).
Sự thật luôn “thẳng như ruột ngựa”.
Danh nhân W. Goethe nói: “Ai thẳng thắn
với bản thân và thẳng thắn với người khác thì bao giờ cũng có phẩm chất vô cùng
quý báu của những tài năng vĩ đại”. Thẳng thắn cũng là một dạng tính tốt.
Nhưng người ta lại ghét người thẳng thắn, như dân gian thường ví von: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc
lừa lươn lẹo lại lên lương”. Cổ nhân nói: “Nhân dục thắng, thiên lý vong” [Ham muốn của con người thắng, lẽ
công (trời) sẽ bị mất]. Sự đời ngán ngẩm quá!
Trong vài hạng người gian tà, có
loại người “ăn gian nói dối” là những người không ưa sự thật, dám xuyên tạc
hoặc bóp méo sự thật. Họ bị Thiên Chúa nguyền rủa: “Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng,
cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài” (Kh
22:15). Bị đuổi “ra ngoài” thì họ đi đâu? Chắc hẳn ai cũng biết!
Kinh Thánh là Lời Chúa, vì được
chính Chúa Thánh Thần linh hứng. Lời Chúa được tôn kính ngang với Thánh Thể.
Đọc Kinh Thánh thì phải suy niệm. Suy niệm là lắng nghe Tiếng Chúa. Nhưng người
ta chỉ thích nghe điều “hợp” ý mình, điều gì “không hợp” ý mình thì... bỏ qua.
Như vậy có đúng Ý Chúa? Điều gì “đụng chạm” thì không muốn nhắc tới, cũng không
muốn người khác nói tới, thậm chí người ta còn “cắt tỉa” hoặc “cắt bỏ” vì sợ –
sợ người có quyền sẽ hành mình, sợ khó đến mình! Đó là nhát đảm (nếu không muốn
nói là hèn nhát) và tâng bốc nhau. Mà tâng bốc nhau thì đâu phải là dìu nhau
tới Bến Lành Thánh của Thiên Chúa, không tới Bến đó thì không thể hoàn thiện
theo đòi hỏi của Chúa Giêsu: “Hãy nên
hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).
Thấy điều “trái tai, gai mắt” mà
không dám nói là đồng lõa. Đó là tính liên đới trong hệ lụy tội lỗi. Tục ngữ
Việt Nam
nói rõ: “Thuận ngôn nghịch nhĩ”.
Chính cái “nghịch” đó có thể làm người ta “nên người”, gọi là thành nhân, cũng
như “thuốc đắng dã tật” vậy. Sự thật luôn gây “mích lòng”, nhưng không thể
không nói!
Ngày nay người ta cấu kết với nhau
rất tinh vi, móc ngoặc với nhau rất khéo. Thời @ mà! Đáng sợ thật! Ngày nay,
virus không thể dò bằng kính hiển vi, vì nó chỉ là loại “ngôn ngữ lập trình”
xuất hiện trong máy vi tính; ma quỷ thời @ cũng vậy, chúng ranh mãnh rất khó
nhận biết!
“Cái đáng kinh hãi nhất ở đời là
chính công lý bị tách khỏi lòng nhân ái” (F.Mauriac). Phải cố gắng tập luyện để
có thể tinh tế và nhạy bén khi nhận xét điều gì đó, nhờ đó mà có thêm khôn
ngoan. Hiền triết Socrate xác định: “Biết
mình là đầu mối sự khôn ngoan”. Thật vậy, “biết đủ không nhục, biết dừng
không nguy” (Lão Tử). Biết là đúng mà không theo thì là dở, biết là sai mà
không sửa thì là mê. Cái “mê” nguy hơn cái “dở” – “mê” ở đây là “mê lầm”, là
“si” (ngu si).
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con! Xin giúp chúng con biết yêu mến Sự
Thật, can đảm nói sự thật và bảo vệ công lý theo đúng đường lối của Ngài. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét