Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Qua cơn mê


LTCGVN (22.10.2013)

Cuộc đời như một “bến mê”. Chữ “mê” ở đây không có nghĩa là “đam mê” hoặc “say mê” theo nghĩa tích cực, mà là “mê lầm”, là “si mê”, là “ngu si” – một trong “tam độc” theo quan điểm Phật giáo: Tham – Sân – Si. Sở dĩ gọi là “tam độc” vì ba thứ này nguy hại, làm cho sự vô minh bị che lấp, dẫn đến phiền não. Chúng luôn xuất hiện trong mỗi con người chúng ta. Vì thế mà luôn phải cẩn trọng, cảnh giác, vì có nhiều thứ khiến con người bị vướng vòng mê lầm, khiến chúng ta mất tự do!
Người ta phải không ngừng cố gắng vượt qua chính mình, vượt qua những cơn mê trong cuộc sống, rõ nét là khi lầm lạc, sống trong tội lỗi. NS Trịnh Lâm Ngân (*) đã viết ca khúc “Qua Cơn Mê”. Trong đó, niềm hạnh phúc được thể hiện rõ nét khi người ta thoát khỏi vòng kim cô của cái xấu, ra khỏi quãng đời tăm tối.

Ca khúc này được viết ở âm thể Em, nhịp C (4/4), theo “phong cách” Rumba, không buồn, không vui. Giai điệu đơn giản nhưng mượt mà và có sức thú hút. Lời ca cũng mộc mạc, chân chất, nhưng vẫn đẹp như một bài thơ, và đặc biệt là đầy tính nhân bản.
Tác giả mô tả: “Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, anh lại về bên em. Ngày gió mưa không còn, nên đường dài thật dài, ta mặc tình rong chơi. Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ thăm bao nơi xưa, vui một thuở lênh đênh. Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà”.
Những chi tiết thật thú vị. Người ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi thoát vũng lầy của cơn mê, tức là được tự do. Niềm vui ngập lòng, người ta rong chơi khắp chốn, đi thăm mọi người, nối kết tình người cho thêm chặt.
Ai cũng đã từng hơn một lần lầm lạc, đám mình trong cơn mê nào đó, nhưng dù thế nào thì sau đó, khi đã thức tỉnh, đã giác ngộ, trở về chính lộ, tình người vẫn chan hòa: “Tình người sau cơn mê vẫn xanh, dù bao tháng năm đau thương dập vùi. Trường xưa vắng ta, nay ta lại về, cùng theo lũ em học hành như xưa”. Tất cả vẫn đẹp!
Thoát khỏi vũng lầy đam mê, cuộc sống càng đẹp hơn, hình ảnh thêm vẻ sống động: “Rồi đây sau cơn mê, sông cạn lại thành dòng, xuôi về ngọt quê hương. Mười ngón tay em dài, vun cuộc tình thật đầy, mơ toàn chuyện trên mây. Còn tôi như cánh chim, ngỡ vui nên bay xa, sẽ trở về ăn năn. Tôi sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương đầy cành, hái đem cho mọi người”.
Đẹp quá! Tuyệt vời quá! Vì người ta biết yêu thương nhau hơn, cụ thể là hái tặng nhau những trái yêu thương. Chắc chắn không gì có thể ngọt ngào hơn loại trái đó!
Trong dụ ngôn Người Gieo Giống (Mt 13:1-9; Mc 4:1-8; Lc 8:4-8), Chúa Giêsu có đề cập “cái mê” của con người qua hình ảnh những hạt rơi vào bụi gai. Đó là “những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì” (Mc 4:18-19).
Thánh Phaolô khuyên nhủ và phân tích: “Hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5:16-17).
Tuổi nào cũng có những “cái ngu” riêng, nhưng đặc biệt là tuổi trẻ, vì tính bồng bột và háo thắng. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hoà cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (2 Tm 2:22).
Lạy Chúa, xin dẫn chúng con đi trên đường ngay nẻo chính, xin chăn dắt chúng con trong Đồng Cỏ xanh rì Ơn Chúa, và cho chúng con được uống Nước Cứu Độ của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Trịnh Lâm Ngân là ghép tên ba người: Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân. Lâm Đệ không sáng tác nhạc, chỉ có Trần Trịnh và Nhật Ngân. Trần Trịnh là tác giả bài “Lệ Đá”, Nhật Ngân là tác giả bài “Xuân Này Con Không Về”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét