Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

CHỨC DANH và DANH XƯNG Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

LTCGVN (29.10.2013)

CHỨC DANH và DANH XƯNG
Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Bài viết này trước hết xin gửi đến hai anh Bartholomeo Phan Xuân Cường, gx Công Chính và anh Thomas Aquino Trần Minh Sáng, GX Chi Lăng, thuộc GP Buôn Ma Thuột. Cũng xin gửi đến tất cả những anh chị em có cùng thao thức về đời sống đạo hôm nay; những thao thức này chẳng phải là những vấn đề to tát, cao siêu, mang tính thần học hay những chuyện trên mây trên gió mà các đấng thỉnh thoảng họp nhau bàn luận, và kết thúc cũng ‘vũ như cẩn’ muôn năm, vì vậy những nguyện vọng của dân Chúa chả bao giờ được đoái hoài. Không nói ra, nhưng hầu hết các đấng đều mong muốn rằng: giáo dân đừng xía vào chuyện của bề trên, cứ chịu khó đi lễ, năng “chịu” các “phép”, nhất là “rộng tay” trong mọi cuộc quyên góp và thế là đủ cho được rỗi linh hồn.

Anh X. Cường và anh M. Sáng thân mến, đọc Bức Tâm Thư (BTT) của hai anh, tôi rất tâm đắc và đồng cảm với các anh. Chúng ta có ít nhất hai điểm chung: là giáo dân và là giáo lý viên dự tòng. Tôi theo đuổi công việc này từ nhiều năm nay và rất yêu thích công việc này. Mong rằng từ hai điểm chung này chúng ta dễ chia sẻ với nhau những tâm tình trong đời sống Giáo Hội hôm nay. Cũng xin được nói thêm là tôi mượn hai anh mấy câu đầu trong phần ngỏ với độc giả để làm tiêu đề cho bài viết này: Chức Danh và Danh Xưng trong Giáo Hội Công Giáo VN.


Những lá thư không hồi đáp
Tôi không hề ngạc nhiên khi các anh cho biết đã gửi BTT cho Đức giám mục Buôn Ma Thuột hơn 3 tháng mà không được sự trả lời. Tôi có nhiều lý do để nói rằng đa số các đấng không hề có thói quen biết hồi đáp cho người gửi thư cho mình, ngay cả khi nhận được những tặng phẩm!… Tốt nhất là những giáo dân như chúng ta, cứ viết lên những thao thức cũng như những góp ý mang tính xây dựng và chia sẻ cho tất cả anh chị em bốn phương, rồi với thời gian lâu dài ít nhiều cũng có người nhận ra vấn đề, chứ đừng viết gửi cho các đấng. Trong lời ngỏ các anh nhắc đến việc “thực hiện những tâm tình mà vị giám mục Rô-ma đang sống và là tấm gương soi chiếu cho cộng đoàn dân Chúa trên toàn thế giới”, đây cũng là ước mong của mọi ki-tô hữu khi Thiên Chúa đã thương ban cho Hội Thánh một vị Giáo Hoàng đầy lòng nhiệt thành với quyết tâm canh tân Hội Thánh. Người ta mong chờ một “thông điệp” mà bất kỳ vị Giáo Hoàng nào cũng ban hành sau khi đăng quang, thế mà sau hơn nửa năm rồi chẳng hề có một thông điệp hay tông huấn nào. Nhưng đến nay thì toàn thể Giáo Hội mới ngộ ra rằng: chính đời sống và những công việc Đức Phan-xi-cô đã và đang làm là một thông điệp hết sức phong phú với giá trị vô song. Những lời giáo huấn, những bài giảng thẳng thắn, mạnh mẽ nhắm thẳng vào những mục tử còn đang sống trong thói quen tự mãn, xa hoa. Đọc bài “Chín ưu tiên của ĐGH Phan-xi-cô trong việc cải tổ Giáo Hội” (đăng trong báo Công Giáo và dân tộc, số 1929, ngày 11-10-2013, trang 30-31), thì hai ưu tiên đầu: chấm dứt chủ nghĩa giáo sĩ bước ra với vùng ngoại biên đáng cho các mục tử trong Giáo Hội Việt Nam hôm nay suy nghĩ. Chính vì chủ nghĩa giáo sĩ đã ăn vào máu của nhiều giám mục và linh mục, nên đừng ngạc nhiên khi BTT của anh Cường và anh Sáng không có hồi âm. Và trong cái ưu tiên thứ hai, ĐGH Phan-xi-cô phê phán thái độ thoả mãn của các linh mục là chỉ lo lắng cho các con chiên lành lặn sạch sẽ của mình, thay vì cũng phải đi tìm con chiên ghẻ lở... Nếu ĐGH dùng ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, thì cụm từ các con chiên lành lặn sạch sẽ, được thay bằng: các đại gia hào phóng. Và những người cứ hay góp ý như chúng ta được các đấng coi là những con chiên ghẻ lở nên không cần phải lịch sự hồi âm.

Những phân biệt đối xử gây chia rẽ và thiếu bác ái
 Trong phần mở đầu thư gửi cho Đức giám mục BMT, hai anh đề cập đến thông báo của TGM mời các “ông bà cố” (dĩ nhiên là của các linh mục, tu sĩ) tham dự ngày gặp mặt trong tháng 7… Có lẽ đây chính là giọt nước làm tràn ly… nên mới có bức tâm thư này. Cũng như nếu không có BTT của hai anh thì cũng không có bài viết này. Tôi xin chia sẻ với hai anh thế này: Cái việc tổ chức ngày gặp mặt của những vị thân phụ mẫu của các lmts trong giáo phận, cho đi là có mục đích tốt, nhưng cách làm thiếu tế nhị, bởi vì trong một giáo xứ có được mấy gia đình có con em là lmts, xứ lớn cũng chỉ có vài ba chục “ông cố, bà cố”, cũng có xứ chỉ vài ba người. Thế thì cần gì phải đọc thông báo trong nhà thờ mà chỉ cần gửi thư mời cho từng cá nhân là đủ rồi. Thông báo như vậy, trong cộng đoàn có người chẳng quan tâm gì đến vì không liên quan gì đến mình, cũng có người lại tỏ ra ganh ghét, khó chịu. Về phía các “ông bà cố”, có người khiêm tốn đón nhận, có người lại tỏ ra mình hơn người với thái độ tự mãn. Nói tóm lại một cái thông báo như thế, chỉ gây một sự chia rẽ trong cộng đoàn, ấy là chưa nói đến có những “ông bà cố” có con là linh mục nhưng đã hồi tục đang sống bậc gia đình, sẽ cảm thấy tủi thân, vậy có còn tình bác ái không? Trong BTT còn cho biết ngay cả nơi nghĩa trang cũng phân biệt mộ phần đặc biệt dành cho các “ông bà cố” hay những kẻ có chức có quyền trong giáo xứ thì thật là vô đạo, không biết cha xứ hay người nào có thể nghĩ ra một hình thức vô đạo như vậy! phải chăng đã bị tiêm nhiễm cái não trạng của tà quyền, phân biệt đối xử cả đến lúc chết. Thế ra những người này còn may mắn hơn cả Chúa Giê-su, chết trần truồng, không có đất chôn, may là được ông Giu-se A-ri-ma-thê nhường cho ngôi mộ (x. Mt 27,60). Đúng như nỗi trăn trở của hai anh khi đọc câu Tin Mừng Lc 16,25: Áp-ra-ham đáp: (với ông nhà giàu dưới âm phủ) “Con ơi, hãy nhớ lại rằng suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu những bất hạnh…”.

Một người làm quan cả họ được nhờ
            Đây là ý tưởng rất quen thuộc trong xã hội VN, ngày xưa một người được “phong chức” linh mục được gọi là “đỗ cụ”, không chỉ gia đình, họ hàng mà ngay cả làng xóm cũng vinh dự, vui lây. Những tâm tình này tự nó không có gì xấu, đó là tình cảm tự nhiên. Nếu một người được lãnh sứ vụ linh mục hay giám mục, và nhờ đó, gia đình, họ hàng trở nên đạo đức hơn, yêu thương đoàn kết hơn, dẹp mọi tranh chấp để sống chan hoà hơn, thì đó là “được nhờ”, nhờ phước đức, nhờ gương sáng, chứ không phải nhờ chức danh để mưu cầu ích lợi riêng tư. Trong thực tế, nhiều gia đình lấy đó là niềm tự hào, thích những danh xưng “ông cố, bà cố”, “quan bác, quan chú, quan cháu, quan chít”, để được trọng đãi, được “lở mặt lở mày” với thiên hạ. Ở Garden Grove  một phụ nữ có con mới thụ phong linh mục, cậu em vợ của tôi vừa nói: “Chúc mừng cô…” liền bị chỉnh: “Sao cháu lại gọi bằng cô, phải gọi bằng “bà cố” chứ!”. Chuyện thật 100%. Hoặc linh mục B. sau vài ba năm làm việc, tìm mọi cách để có tiền “xây nhà cho ông bà cố”, tạo nhiều cảnh huống đánh động lòng hảo tâm của bá tánh để quyên góp cho đủ tiền xây nhà!

Tôi rất đồng ý với suy nghĩ của hai anh qua câu: “Toàn thể các tín hữu VN luôn kính trọng và yêu mến các vị chủ chăn ( dùng từ mục tử hợp hơn) và nam nữ tu sĩ các dòng tu. Đồng thời quý trọng những bậc sinh thành các vị đó. Nhờ họ mà GHCGVN có những chủ chăn và tu sĩ hiến mình phục vụ cộng đoàn Dân Việt trong gian nan thử thách”. Tôi xin thêm một ý là ông bà mình có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nhưng nếu ăn phải quả chua lè chua loét, nuốt những quả đắng ngắt hay sâu ăn kiến đục, thì người ta nghĩ gì về người trồng cây; hay lúc ấy người ta theo cách của Chúa Giê-su đã dạy là Cứ xem quả biết cây (x. Mt 6,15-20). Một chuyện có thật: Trong lễ an táng một “bà cố”, cha giảng lễ cứ nói những câu quen  miệng: nào là “bà cố” là người hiền lành, phúc hậu, đạo đức, tần tảo nuôi con, dạy con nên người…toàn là những điều tốt lành nhất hội tụ nơi “bà cố” . Nhưng người nghe rất ngượng, vì cả giáo xứ đều biết bà cụ nghiện rượu nặng, và thường xuyên chửi con mắng cháu, với những lời rất khó nghe…Và còn rất nhiều chuyện liên quan đến chức danh “ông cố, bà cố”…

Có thể nào thay đổi được không?
            Rất khó để thay đổi một thói quen lâu đời, dù có cả trăm bài viết góp ý cũng không thể một sớm một chiều mà thay đổi được. Có chăng phải khởi đi từ các đấng bề trên, hưởng ứng lời kêu gọi của ĐGH Phan-xi-cô  dám can đảm canh tân, cải tổ tận gốc rễ để bứng đi mọi thói quen, mọi danh xưng sáo rỗng, không hợp với tinh thần Tin Mừng. Phải làm theo tinh thần của ĐGH chứ không chỉ nhại lại vài câu nói của Ngài. Tôi rất tâm đắc khi nghe rằng ĐGH đã bãi bỏ chức ‘đức ông’, một chức danh vô nghĩa, làm rối ren và tạo thêm dịp cho những tiêu cực mua danh bán chức, bỏ cũng phải, chứ nếu để chức “đức ông” mà không có chức “đức bà” thì nó cọc cạch quá!  Bao lâu não trạng giáo sĩ trị nơi các linh mục, giám mục còn tồn tại thì Giáo Hội VN vẫn chỉ là một thứ tôn giáo lễ hội, nặng hình thức mà nội dung rỗng tuếch. Trong bài giảng “Đồng hành với Mẹ La-vang trong niềm tin”, Đức cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Long, Australia, nói: “…Nếu chỉ sống đạo bằng kinh kệ, rước xách, trống kèn hoành tráng… chỉ chú trọng tới hình thức bên ngoài như xây sửa nhà thờ, tượng đài… mà không xây dựng một xã hội công bằng, một cộng đoàn bác ái yêu thương, thì chúng ta có hơn người Pha-ri-sêu không?  Não trạng giáo sĩ trị, bản chất Pha-ri-sêu thể hiện rõ ràng trong câu chuyện cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh kể cho nhiều người nghe (tôi có xin phép ngài cho ghi lại với điều kiện không nêu tên vị giám mục này): Trong một dịp lễ, cha bề trên một cộng đoàn Phan-xi-cô đến gặp đức cha và mời ngài dự lễ và thăm cộng đoàn anh em, vị giám mục lạnh lùng trả lời: “Cha lấy tư cách gì mà mời tôi”!  Có lẽ ý muốn nói, phải cỡ giám tỉnh mới đủ tư cách mời ngài. Dĩ nhiên là đức cha này không tới dự. Một cha xứ, cứ lên toà giảng là lôi ra đủ chuyện để la mắng giáo dân, nào là đi lễ đứng ngoài, nào là đi lễ trễ… mà bài giảng thì rỗng tuếch, dài dòng, chẳng hề có tư tưởng Kinh Thánh. Thật ra ông chỉ la mắng để khoả lấp bộ óc rỗng của mình và thể hiện cái não trạng giáo sĩ trị một cách lố bịch. Dân ngán lắm nhưng chả ai muốn dây vào, đi lễ cho xong còn về đi làm.
           
Ngoài câu chuyện về vị giám mục “có tư cách” trên đây, cha Pascal Tỉnh còn chia sẻ một chuyện trong gia đình của ngài: Cách nay không lâu, anh chị em ngài bàn chuyện xây mộ cho hai cụ thân sinh của ngài, khi xem nội dung sẽ khắc trên bia mộ các cụ, cha Pascal nhất quyết bỏ đi hai từ “ông cố, bà cố”. Bản thân cha Pascal, khi nói đến các cụ thân sinh cũng chỉ nói “mẹ của tôi”, hoặc “bố tôi”, nếu mọi mục tử đều bắt đầu từ những việc nhỏ này thì lâu dài cũng sẽ tạo được ảnh hưởng lớn.

            Vấn đề danh xưng và chức danh còn nhiều chuyện để nói, từ ngữ tiếng Việt rất phong phú, nhưng đừng lạm dụng và dùng không đúng chỗ, người ta sợ những điều không đáng sợ, có trường hợp khi xây lại mộ cho người thân của mình là một người lính quốc gia trước 1975, người nhà chỉ ghi ngày chết.. mà lẽ ra phải ghi là “tử trận” mới đúng để không làm tủi vong linh người chết, bởi lẽ họ chết cho lý tưởng, cho chính nghĩa. Trong những buổi lễ lạt, sợ mất lòng các đấng nên phải thưa gửi bằng những sáo ngữ như trọng kính, rồi xuống một cấp kính thưa, sau đó xuống cấp thứ ba là thưa cộng đoàn. Đúng là có nhiều loại kính quá! Thôi thì kính thưa các loại kính cho xong chuyện.

Kết luận
Gửi đến hai anh X. Cường và M. Sáng những suy nghĩ trên đây chỉ mong được chia sẻ với hai anh nỗi trăn trở mà các anh nói trong lời kết: ao ước cho mọi thành phần dân Chúa VN luôn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời mình để xứng đáng được Chúa gọi là “anh chị em tôi, là mẹ tôi” trong ngày chung thẩm của cuộc đời mình thay vì những tước vị mang tính phản Tin Mừng hoặc những danh vọng hão huyền tạo nên khoảng cách…”. Thật là những trăn trở chính đáng phát xuất từ những tấm lòng tha thiết với Giáo Hội, lời lẽ chân tình, thẳng thắn nhưng vẫn trân trọng, thế mà không được đoái hoài, quả là đáng tiếc. Mỗi người có cách bày tỏ khác nhau, cách nói của tôi có thể gây mất lòng cho người này người khác, mong hai anh thông cảm. Bản thân tôi khi dạy giáo lý cho anh chị em dự tòng tôi cũng cho họ thấy “Hội Thánh thánh thiện, nhưng lại ôm ấp những kẻ có tội trong lòng” (x. LG 8c) để những anh chị em đó không ngỡ ngàng khi đối diện với thực tế. Rất nhiều người trẻ đã không đến nhà thờ vì thấy những gương mù nơi các mục tử. Các mục tử có bao giờ đoái hoài đến những con chiên lạc bầy này đâu?
Xin cầu chúc các anh sức khoẻ dồi dào và ơn Chúa luôn tràn đầy trên hai anh,  để đóng góp cho Giáo Hội Việt Nam cũng như giáo phận Buôn Ma Thuột bằng tất cả con tim và khối óc của mình.
Chào các anh trong tâm tình yêu mến và xây dựng.

An Lạc, ngày 25-10-2013
Phêrô Nguyễn Tuấn Hoan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét