Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Thế hệ Cuội

LTCGVN (24.10.2013)

 Theo báo cáo hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” do Sở Giáo Dục – Đào Tạo tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt, sáng ngày 24.9.2013, Giáo Sư TSKH Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Học Lý Luận và ứng Dụng, Đại Học Quốc Gia Sàigòn ), cho biết những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tâm lý của học sinh trung học hiện nay là do sự thay đổi nhanh chóng của môi trường, điều kiện sống của các em ngày càng đầy đủ hơn.


Bên cạnh đó, những tác động tích cực cũng đã dẫn tới những tác động tiêu cực, như giá trị trong xã hội bị đảo lộn và thâm nhập vào giới trẻ. Cũng theo Gs. Thêm, kết quả của một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, tỉ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80% ( Phan Thành, Tuổi Trẻ, 24.9.2013 ).

Như thế, cứ tính theo lũy tiến thì khi tốt nghiệp Đại Học, thanh niên bước chân vào đời với hành trang nói dối 100% chăng ? Điều này ai cũng có thể kiểm chứng chính xác trên chính con cái mình. Vậy xin dành cho các bậc cha mẹ đáng kính tự tìm kiếm kết quả và tự hành xử.

Tác giả Nguyễn Quang Thân đi tìm nguyên do và ảnh hưởng hiện tượng “Cuội hóa”, phát hiện thực trạng không thể vui nổi. Xin lược trích như sau:

Các bậc cha mẹ, từ người ít học đến học vấn cao siêu, từ dân thường đến người có chức phận xã hội, dù thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào, không ai dạy trẻ con hoặc người lớn nói dối. Nhà trường lại càng không. Các đoàn thể thì luôn “nâng cao phẩm chất thành viên”, tổ chức học tập, trau dồi đợt này qua đợt khác, năm này qua năm khác. Chúng ta không dạy con nói dối, dạy con sống lương thiện bằng sức lao động của mình, đối xử tử tế với đồng loại, thương yêu người nghèo khổ. Bằng khen, huân chương ta khuân về treo chật tường. Nhưng con cái biết ta xài bằng giả vì chúng chưa bao giờ thấy ta đi học.

Ta nói với con ta là người lương thiện với lương tháng mươi triệu đồng. Vậy mà ta có ba bốn ngôi nhà, sắm ôtô siêu hạng, mỗi năm bỏ hàng trăm triệu chơi gôn và khi nổi nóng có thể đánh ngất một người giúp việc trên sân “để trêu đùa”.

Nhà trường không dạy học sinh nói dối nhưng dùng mọi cách để có tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất đến mức chính học sinh của trường cũng biết là chuyện khôi hài. Đài báo luôn đề cao lòng trung thực, nhưng chỉ các bà nội trợ mới biết đích xác cái thứ giá cả đang được coi là hạ giá đang lên phi mã như thế nào ngoài chợ.

Con cái và ngay cả chúng ta vẫn được nghe những lời hứa hẹn chung chung, hoa mỹ nhưng ngay người nói ra cũng biết chắc là sẽ không được thực hiện. Hệ lụy là cuộc sống thiếu minh bạch, thật và giả lẫn lộn không biết đâu mà lần. Trẻ con được lớn lên trong cái ma hồn trận hư hư thực thực, đến lượt chúng nó học được cách nói dối cha mẹ để yên thân hoặc tự do quậy phá từ hành vi của chính chúng ta ! Thay đổi tình trạng đáng lo ngại này không thể trong một đêm. Không ai có thể giết chết sự thật. Nhưng để có sự thật không phải dễ.

Trước đây khá lâu, cảnh báo thói nói dối bị coi là cấm kỵ vì “trên nguyên tắc” xã hội chúng ta không thể có chuyện nói dối. Nhưng bàn tay không che nổi mặt trời, dù muốn hay không sự thật phũ phàng đang được công nhận một cách chính thức trên các diễn đàn quan trọng nhất.

Đó là một tiến bộ về mặt đạo đức và đáng mừng bởi vì, dù chưa triệt tiêu được thói nói dối nhưng thấy được nguy cơ nó đang tiếp tục làm băng hoại mọi thứ cũng là điều tích cực. ( Nguyễn Quang Thân, Tuổi Trẻ, 27.9.2013 ).

BOMBO
Theo EPHATA số 583
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét