LTCGVN (28.10.2013)
HÀ NỘI (NV). - Tuy báo chí tường thuật, đa số đại biểu Quốc hội CSVN “tán thành dự thảo hiến pháp”, trong đó có hiến định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, nhiều cựu viên chức vẫn phản đối.
Trong thư ngỏ gửi Quốc hội Việt Nam ghi ngày 23 tháng 10, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, 76 tuổi đảng, cựu thiếu tướng, cựu đại sứ CSVN tại Trung Quốc, cựu Phó Ban Tổ chức Trung ương và hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhấn mạnh, chính yếu tố “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” mang tính chất tước đoạt, rất vô lý đã là nguyên nhân sinh ra biết bao tệ hại, tiêu cực.
Ông Vĩnh kể lại chuyện cũ, theo đó, Đảng CSVN từng hứa hẹn “độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày” để lôi kéo nông dân theo mình. Năm 1955, cải cách ruộng đất tuy sai lầm nghiêm trọng nhưng ruộng đất vẫn là tư hữu. Sau 1975, vì chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Stalin, Hiến pháp 1980 mới hiến định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.
Ông Vĩnh nêu thắc mắc, sự kiện Liên Xô tan rã, cả hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chứng tỏ xã hội chủ nghĩa kìm hãm phát triển, không hiện thực, vậy chúng ta vẫn giữ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” còn có ý nghĩa gì?
Theo ông, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là nguyên nhân đẻ ra tham nhũng tràn lan. Chính quyền từ cấp xã trở lên đã có thể nhân danh “nhà nước” cấp đất, thu hồi đất, bán đất làm giàu. Ông Vĩnh xem đó là tội ác khiến nhiều gia đình nông dân mất nguồn sinh kế trở thành cầu bơ cầu bất. Đó cũng là sự oán hận chất chứa trong lòng dân chúng, nếu tiếp tục có thể “tức nước vỡ bờ”.
Ông Vĩnh kêu gọi Quốc hội lắng nghe ý kiến thực của dân, vì lợi ích của dân mà hủy bó ý định duy trì “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, sửa lại thành “đất đai gồm đa sở hữu”, có sở hữu nhà nước, có sở hữu tư nhân và sở hữu tập thể.
Hồi giữa tháng 9, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, tìm tới phòng làm việc của Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh Thái Bình, lần lượt bắn từng người, trong đó, có hai là Phó Giám đốc, ba là cán bộ của Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh Thái Bình vì bị thu hồi đất. Ông Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học, người đã từng khảo sát về cuộc nổi dậy của hàng chục ngàn nông dân Thái Bình hồi 1997, trả lời phỏng vấn trên đài BBC cho rằng, đó là biểu hiện của việc người dân bị dồn đến cùng đường.
Theo ông Tương Lai, trường hợp ông Viết hay trường hợp anh em ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, cho thấy, người dân bị dồn nén tới mức buộc phải hành động như thế vì không còn cách nào khác.
Ông Tương Lai dẫn thêm phản ứng của giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên và vụ đàn áp những phản ứng này để kết luận: Bạo lực đang gia tăng và dẫn tới những đột biến không thể lường trước.
Theo ông Tương Lai, khi chính quyền và dân cùng lấy bạo lực làm phương tiện để xử lý các vấn đề thì rõ ràng cả hai bên đều đã lâm vào tình trạng bế tắc. Phía chính quyền thì bối rối, bất lực, không tự̣ tin vào tính chính danh, chính nghĩa của mình nên dùng bạo lực để đàn áp. Phía dân thì dù biết rõ là đối đầu với chính quyền sẽ đi tù hay mất mạng nhưng bởi bị đẩy tới cùng đường, họ mất sự sáng suốt và hành động bột phát. Hành động bột phát cho thấy những uất ức đã tích lũy từ lâu và bây giờ là lúc bộc lộ.
Ông Tương Lai khuyến cáo, một chính quyền có trách nhiệm với dân, vẫn còn nghĩ rằng nhà nước này là của dân, do dân, vì dân thì phả́i thấy tại sao mà người dân uất ức đến độ phải dùng súng bắn lại rồi tự tử.
Về nguồn gốc của mâu thuẫn, giáo sư Tương Lai nhấn mạnh, “đất đai là vấn đề của mọi vấn đề”. Do tấc đất là tấc vàng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và “người ta” cũng biết là “không bền” nên cố “ngoạm” nhanh rồi “chuồn”, do vậy “họ” đã dùng mọi thủ đoạn để “ngoạm” nó bằng mọi danh nghĩa.
Tuy luật đất đai ở Việt Nam đã được xác nhận là vô lý nhưng theo giáo sư Tương Lai, việc sửa bộ luật này vẫn phớt lờ nhu cầu của thực tế cuộc sống. Hồi đầu, “người ta” tính thông qua luật sửa đổi luật đất đai trước nhưng bị chỉ trích nên “lồng” bộ luật này vào kế hoạch sửa hiến pháp và muốn thông qua cả hai trong cùng một lúc. Đáng chú ý là những vấn đề cơ bản cần sửa đổi trong hiến pháp vẫn không được sửa thì luật đất đai cũng sẽ vẫn theo lối cũ.
Ông Tương Lai cả quyết, nếu hiến pháp mới vẫn xác lập đất đai là sở hữu toàn dân và không có tam quyền phân lập thì sẽ “không giải quyết được gì”. Trong khi lẽ ra, cần thực hiện các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp một cách mạnh mẽ trung thực. Tương tự, nếu không giải quyết một cách cơ bản các quy định trong luật đất đai thì không thể bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội được.
Vụ ông Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình không chỉ được những người như giáo sư Tương Lai cảnh báo. Hôm 12 tháng 9, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, để thảo luận về dự luật sửa đổi luật đất đai, nhiều thành viên của Ủy ban này đã lấy vụ ông Viết bắn năm cán bộ tại Thái Bình như một dẫn chứng để yêu cầu phải xem xét kỹ các qui định về thu hồi đất và bồi thường.
Lúc đó, Chủ tịch Quốc hội CSVN thừa nhận, luật đất đai liên quan mật thiết đến đời sống dân chúng và có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Các vụ khiếu kiện về đất đai, chống đối thu hồi đất như vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình có dấu hiệu gia tăng và cho thấy mâu thuẫn leo thang có thể biến thành bạo lực, gây ra hậu quả khó lường.
Thế nhưng sau Hội nghị Trung ương 8 hồi đầu tháng này, đa số các đại biểu Quốc hội Việt Nam lại tán thành duy trì hiến định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” trong hiến pháp mới. (G.Đ)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=175966&zoneid=430#.Um2VEL7n99A)
đả đảo cộng sản
Trả lờiXóa