LTCGVN (25.10.2013)
Tháng ngày hối hả,
đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già! Gió heo may đã về… Chẳng ai dám nói mình
hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, có chăng chỉ là thêm chút kinh nghiệm để hiểu “đời là
thế”, hiểu để khả dĩ chấp nhận thực tế mà sống thanh thản và thoải mái hơn...
Qua một
ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày, lời một ngày.
Ngày mai cứ để ngày mai lo, vì “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34).
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng
là mơ ước của con người, niềm vui ẩn chứa trong những việc nhỏ nhất trong đời
sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là
ở tâm trạng. Hạnh phúc như nước hoa, càng cho đi càng thơm lừng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không
phải không là gì. Nó có một vị trí nhất định nào đó thôi!
Nghịch-lý-thuận hay
thuận-lý-nghịch? Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu
hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân: Khi
sinh ra chẳng mang gì đến, khi lìa đời chẳng mang gì theo. Vua Louis để hai
tay ra ngoài quan tài để cho người ta biết rằng quyền lực và giàu sang như ông
là một Hoàng đế, thế mà chết cũng chỉ còn tay trắng buông xuôi!
Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở
lòng và mở hầu bao, đó là một niềm vui. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm
vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại
thì đáng lắm chứ. Người khôn biết kiếm tiền và biết tiêu tiền. Hãy làm chủ đồng
tiền, đừng làm tôi tớ cho nó!
Tiền mua được ẩm thực, nhưng không
mua được bữa cơm gia đình; tiền mua được nhà cửa, nhưng không mua được hạnh
phúc gia đình; tiền mua được nhà thờ, nhưng không mua được ân phúc; tiền mua
được sách báo, nhưng không mua được kiến thức; tiền mua được chỗ nằm, nhưng
không mua được giấc ngủ; tiền mua được thuốc men, nhưng không mua được sức
khỏe; tiền mua được chiếc ghế, nhưng không mua được chức tước; tiền mua được
địa vị nhưng không mua được uy tín; thậm chí tiền có thể biến lòng người thay
trắng đổi đen, nhưng không thể làm mất niềm tin tôn giáo…
Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng
phải làm cho nó phong phú. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ, hãy chia
tay với “thầy tu khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc
thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ
những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già. Nghĩa là đừng hà tiện quá, con cháu cũng buồn,
chứ không có ý nói “xả láng, sáng về sớm”!
Tiền bạc là của mình, địa vị là tạm
thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình. Cha mẹ yêu con thì vô hạn, con yêu
cha mẹ lại có hạn. Con ốm, cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm, con nhìn một chút rồi hỏi
vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con
chẳng dễ. Cha cho con tiền thì cha con cùng cười, con cho cha
tiền thì cha con cùng khóc! Nhà của cha mẹ là nhà của con,
mà nhà của con lại không phải là nhà của cha mẹ. Khác nhau lắm! Người hiểu đời
coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo
đáp là tự làm khổ mình!
Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con
ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng
tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong,
có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy
sao? Cũng có thể. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền mà hưởng già, và rồi tiền cũng
không cứu nổi mình!
Cái được, người ta chẳng hay để ý,
cái không được thì tưởng nó to lắm, đẹp lắm, giá trị lắm. Thực ra sự sung sướng
và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào cách thưởng thức nó. Người hiểu đời
rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện
thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Cuộc đời không tính bằng chiều dài mà tính bằng chiều sâu và chiều rộng.
Rất cần có tấm lòng rộng mở, biết yêu
cuộc sống và thưởng thức cuộc sống. Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng
ai bằng mình (tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui
(tri túc thường lạc).
Tập cho mình nhiều đam mê tốt, vui
với chúng mà không biết mệt, đó là tự tìm niềm vui, người ta gọi đó là “ngu lạc
trường” của riêng mình. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc
giúp người làm niềm vui. Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu hay nghèo, sang hay
hèn, chỉ lo tận tâm vì công việc và coi đó là cống hiến, có thể yên lòng, không
hổ thẹn với lương tâm là được. Suy cho cùng, ai cũng thế cả, rồi cũng trở về
với cát bụi, về với thiên nhiên. Chiếc ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi
thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao!
Bạn đã dành khá nhiều phần đời cho
sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, cho mơ ước,... Bây giờ thời gian còn lại
chẳng bao nhiêu thì nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui
thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý
thích hay không thích của người khác, nên sống
thật với lòng mình. Sống ở đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết
là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm
mình khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già mà tâm không già, thế là già
mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già.
Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe người già. Bảy mươi phải học bảy mốt, thậm
chí chỉ sinh ra trước 1 phút cũng kinh nghiệm hơn!
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng
quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì
không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu,… Mọi thứ
đều nên “vừa phải”. Đạo trung dung luôn là đạo khó nhất!
Sống ngu gây bệnh (hút thuốc, say
rượu, tham ăn tham uống, háo sắc, hám lợi,…), sống dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi
khám chữa bệnh), sống khôn phòng bệnh (chăm sóc bản thân, sức khỏe, cuộc
sống,…). Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám
chữa bệnh,… Tất cả đều muộn màng!
Chất lượng cuộc sống của người già
cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy. Tư duy hướng lợi là bất cứ việc
gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi
già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị. Tư
duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như
vậy sẽ chóng già và chóng chết.
Chơi là một trong những nhu cầu cơ
bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa
thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng: thua không cay,
thắng không kiêu, chơi là đùa. Về tâm sinh lý, người già cũng cần kích thích và
hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
Hoàn toàn khỏe mạnh nghĩa là thân
thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Thân
thể khỏe mạnh là biết vận động, chơi đúng chỗ, dừng đúng lúc, không sa đà. Tâm
lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức khỏe mạnh
là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm
điều thiện sẽ trường thọ.
Con người là con người của xã hội,
không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, riêng một ốc đảo, mà phải nên chủ
động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong các hoạt động xã
hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cách sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa
nguyên, đa sắc. Có vài người bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già,
tình bạn làm cuộc sống tuổi già thêm đẹp và ý nghĩa, đượm nhiều hương vị. Sống
luôn phải là sống VỚI, sống VÌ, sống CHO,…
Con người ta chịu đựng, hóa giải và
xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Chỉ có thời gian là vị thầy
thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn, bạn chọn cách sống sao cho phù
hợp.
Tại sao khi về già người ta hay
hoài cổ – nhớ chuyện xa xưa? Những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con
đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đứng ở vạch
cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại
những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại
những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trẻ, có như vậy
mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình
trong những tình cảm chân thành là niềm vui lớn của tuổi già. Ký ức đầy kỷ
niệm. Kỷ niệm đã qua nhưng không hề quên.
Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không
thay đổi tình trạng không hài lòng thì cứ mặc kệ nó – không có nghĩa là “vô
tình” mà vì “muốn cũng không được”. Chấp nhận để lòng mình thanh thản. Đó cũng
là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ
ngọt. Sinh-Lão-Bệnh-Tử là quy luật ở đời, không ai chống lại được. Khi thần
chết gọi thì thanh thản mà đi. Chỉ cốt sao sống ngay thẳng mà không hổ thẹn với
lương tâm.
Cuối cùng, hãy cố gắng tạo cho mình
một dấu-chấm-hết thật tròn trịa!
Người đi về cõi ngàn
thu
Tôi còn ở lại vẫn mơ
kiếp người
Nay người, mai cũng
đến tôi
Trở về cát bụi: Khóc,
cười, trắng tay!
Trăm năm gom lại một
giây
Lá âm thầm rụng xa cây lìa cành
Cuộc đời
tưởng dài mà ngắn, thấm thoắt như bóng câu qua cửa. Tuổi già đến nhanh, nghĩa
là cái chết cũng gần kề. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Tất cả đều qua
đi, chỉ còn lại cách sống của mình – còn lâu hay mau trong tâm trí mọi người là
tùy vào chính con người của mình.
Người ta
có cách tính mang vẻ “khôi hài” một chút cho vui khi nói về sự sống của đời
người, nhưng cũng rất đúng, nên lưu ý để tự hoán cải: 50 tuổi tính theo năm, 60
tuổi tính theo tháng, 70 tuổi tính theo tuần, 80 tuổi tính thao ngày, 90 tuổi
tính theo giờ. Và người ta cũng thười nói vui-mà-thật thế này: “Chả biết có
qua nổi con trăng này không!”. Chơi mà thật đấy!
Lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu độ con, xin đừng
giận mà ruồng rẫy con, xin đừng bỏ rơi, xin đừng xua đuổi con khỏi Tôn Nhan
Chúa, dù mọi người bỏ con thì vẫn còn có Ngài đón nhận con. Vì Lòng Thương Xót
của Ngài vô biên và khác thường, xin dạy bảo con cung đường của Ngài và dẫn con
đi trên lối phẳng phiu (Tv 27:9-11). Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô,
Thiên Chúa cứu độ của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét