Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Tháng mười là của lòng khiêm nhượng



Chào tháng mười với Lễ Thánh Nữ Têrêxa, lễ các Thiên Thần Bản Mệnh, lễ Đức Mẹ Mai Khôi, Lễ Thánh Phanxicô Assisi, đặc biệt sự kiện ngày 11.10.2012 Khai Mạc Năm Đức Tin và Chúa Nhật 21.10 cầu cho việc Truyền Giáo nữa. Mấy hôm nay, đâu đó trên khắp các trang mạng, độc giả đều được thưởng thức những bài suy niệm quí giá, và những sẻ chia lòng yêu mến nồng nàn của quí tác giả về Mẹ, về Têrêxa, về các Thiên Thần. Ước gì mỗi chúng ta, cách riêng, người Tín Hữu Việt Nam, tìm được niềm vui thánh thiện nhất, sâu lắng nhất trong tháng mười này: Niềm Vui của Lòng Khiêm Nhượng.
- Lòng khiêm nhượng của chị Thánh Têrêxa là lòng đơn sơ, niềm tin tưởng phó thác cuộc đời mình vào lòng bàn tay Thiên Chúa, như em bé thơ nép an tâm nép mình vào cánh tay Mẹ hiền. “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi”. Bởi tất cả những gì đang có: một “men sana in corpore sano” “tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện”, một “quyền cao chức trọng”, một “sắc nước hương trời” hay một “kho lẫm” tài sản tinh thần vật chất… kể cả niềm vui, hạnh phúc, và cả những đau khổ bệnh tật, chán chường đày đọa, ngục tù đều là bởi ơn Chúa. Cảm nghiệm được “tất cả là hồng ân”, cả điều thuận ý hay nghịch ý, là cảm nghiệm sâu kín nhất chỉ của người có lòng khiêm nhường tuyệt đối.

- Lòng khiêm nhường của các Thiên Thần Bản Mệnh là sự âm thầm phục vụ chúng ta trong mỗi bước đường đời, chấp nhận sự vô tâm, vô tình và cả sự vô ơn của mỗi chúng ta nữa. Chúng ta vẫn vô tâm vô tình như không có ai bên ta, không có thấy ta, không có ai giúp ta… Anh em chúng tôi vẫn nhớ lời kinh Mẹ dạy thuở nhở: “Thiên Thần đi trước. Tôi bước theo sau. Đường này là Đường Cha tôi. Cha tôi đi đường nào. Thì tôi theo đường ấy. Thiên thần cầm gươm lửa, giữ cửa Thiên Đàng, đánh phá quỷ tan, dẹp đàng quỷ dữ. Giêsu, Maria, Giuse”.
Thời nay, cả người lớn chúng ta vẫn còn quên bẵng sự hiện diện của Thiên Thần Bản Mệnh đi bên ta, ngủ bên ta, làm việc bên ta huống chi là giới trẻ. Thiết thưởng phải tái lập lại ngay những ý thức. Nhớ ngày ấy, mẹ tôi hay nói: “Con có nghe Thiên Thần Bản Mệnh của con đang mỉm cười sung sướng lắm mỗi khi con cầu nguyện, mỗi khi con rước lễ sốt sắng và mỗi khi con làm việc lành không ? Và con có nghe Thiên Thần Bản Mệnh của con thút thít khóc mỗi khi con quên đọc kinh sáng tối, mỗi khi con vô phép, mất lịch sự, hỗn láo ? Và rồi con có nghe được tiếng khóc thảm thiết của Ngài khi con cả lòng phản nghịch Chúa cùng Hội Thánh của Chúa ?… Đừng quên con nhé. Ngài vẫn âm thầm bên con. Ngài hiện diện cách thiêng liêng và Ngài vẫn xin Thiên Chúa giúp đỡ con biết dùng tự do của mình mà sống Đức Công Chính và chiếm hữu Nước Thiên Chúa”. 
 - Lòng khiêm nhượng của Thánh Phanxicô Assisi là không vì tên gọi “hèn mọn” mà nên khiêm nhượng, nhưng vì khiêm nhượng mới biết mình là hèn mọn trước mặt Thiên Chúa. Ngộ được căn tính hèn mọn của mình là ngộ ra cả một công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Sống được đời sống hèn mọn là gặp được nguồn Thiện Hảo của Thiên Chúa. Và chỉ có “tâm tình hèn mọn” ấy mới khởi hứng cho một tinh thần phó thác hoàn toàn để được thuộc về Đấng Chí Thánh, Chí Thiện, Chí Tôn. Lời “Kinh Khiêm Hạ” mà mỗi “anh em hèn mọn” đọc hằng ngày hẳn luôn nhắc nhở mỗi người tiến sâu vào lối hẹp của Đức Khó Nghèo, của Lòng Khiêm Nhượng, của căn tính “hèn mọn” để rồi sẽ gặp được một “lối ra”, hay đúng hơn, là một “lối vào mới” dẫn đến Nước Thiên Chúa. Nếu kế hoạch cứu thế của Thiên Chúa là sai Con Một của Người từ vị thế Con Thiên Chúa xuống làm một phàm nhân “hèn mọn” như ta, chịu mọi sự đối xử cách hèn mọn hơn ta thì hẳn chúng ta phải đồng hình đồng dạng hèn mọn với Ngài, như Ngài, nếu muốn được cứu rỗi.
Chuẩn bị cho tháng 10 này, trong suốt tháng 9, một ca đoàn đã tập bài “Kinh an bình” của cha Xuân Thảo, thay cho Kinh Hòa Bình của Cha Kim Long, không vì bài nào hay hơn bài nào, nhưng theo anh ca trưởng: “Bài của Cha Kim Long đã thuộc lòng. Tập thêm một bài mới, để cùng anh em Phan Sinh mừng Lễ Thánh Phanxicô Assisi, và để khi tập cũng là lúc cùng anh em suy niệm tinh thần hèn mọn của Ngài và tập sống khiêm nhượng như Ngài”. Họ hát sốt sắng từ đó đến nay trong Thánh Lễ, tại nhà, lúc tập hát… và kết quả là: các gia đình được bình an do sống Đức Khiêm Nhượng, chấp nhận “cam lòng chịu chết” cho nhau được sống bình an.
- Lòng Khiêm Nhượng của Mẹ Maria được kín múc từ lòng Khiêm Nhường của Thiên Chúa, khi Mẹ thuận theo Thánh Ý Chúa mọi đàng qua tiếng “Xin Vâng”, để từ đó, chương trình “khiêm nhượng” của Thiên Chúa thực hiện công cuộc chiến thắng thần dữ Kiêu Ngạo và đem lại ơn Cứu Rỗi cho ai có lòng khiêm nhượng. Một Tháng Mai Khôi với Chuỗi Mai Khôi và Kinh Mai Khôi, lời kinh nào, suy gẫm nào, năm sự nào cũng thoảng hương thơm khiêm nhượng tuyệt đối của Đức Mẹ. Cũng mẹ tôi, thường nói: “Người khiêm nhượng mới lần chuỗi sốt sắng được, mới đọc kinh kính mừng sốt sắng được con à: Khiêm nhượng biết mình, khiêm nhượng phó thác, và cả khiêm nhượng để cho người khác lớn lên. Và chỉ khi nào đọc Kinh Mai Khôi, Lần Chuỗi Mai Khôi với lòng khiêm nhượng, ta mới cảm nghiệm được cả một mầu nhiệm Khiêm Nhượng của Thiên Chúa, và mới xứng đáng được hồng ân của Chúa ban cho, qua tay Mẹ”.
Lúc ấy, tôi không hiểu lòng khiêm nhượng “để người khác lớn lên” là thế nào, nhưng rồi, nhớ có một lần trong tháng 10, năm đó tôi mới 12 tuổi, cha bất bình với mẹ, bỏ ra trước hiên nhà ngồi nghe đài không chịu vào đọc kinh tối. Mẹ tôi bảo: “Ông có chịu vì lòng khiêm nhượng mà vào đọc kinh với tôi không ?” Cha tôi vào đọc kinh. Cuối giờ kinh, hai người xin lỗi nhau.
- Ước gì tâm tình Khiêm Nhượng của chị Thánh Têrêxa, của các Thiên Thần Bản Mệnh, của Thánh Phanxicô Assisi và của Mẹ Maria trong những ngày đầu tháng mười, sẽ chuẩn bị lòng chúng ta sốt sắng đón nhận Năm Đức Tin được khai mở ngày 11.10.2012.
Vào Năm Đức Tin, chắc hẳn mỗi người cần Khiêm Nhượng “cử hành một nghi thức đạo đức” riêng cho mình là “sám hối cách sống Đức Tin của chính mình trong thời gian qua”. Một nghi thức rất cá nhân, nhưng nếu mỗi cá nhân đều có cử hành nghi thức sám hối dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần, thì ắt hẳn, sẽ có gia đình, một cộng đoàn khiêm tốn nhìn nhận những lệch lạc về cách sống Đức Tin của mình.
Hãy khiêm nhượng, có thể sẽ nhìn ra: chúng ta đã có một Đức Tin theo kiểu “căn cước công giáo” mà không sống đời sống công chính của Công Giáo.
Hãy khiêm nhượng để thấy chúng ta đã không nuôi dưỡng Đức Tin sống mà bỏ mặc Đức Tin chết, chúng ta không có Đức Tin làm, chỉ có Đức Tin nói.
Hãy khiêm nhượng để can đảm nhận lỗi: chúng ta đã làm cho thiên hạ đang “thấy việc chúng ta làm mà chẳng ngợi khen Cha ở trên Trời”, hoặc tệ hơn nữa, thiên hạ còn chê bai, còn phỉ báng danh Chúa chúng ta.
Và từ việc khiêm nhượng sám hối, dẫn đến việc khiêm nhượng quyết tâm có ý thức sống động biến lời tuyên xưng “Tôi Tin” trong Kinh Tin Kính thành cuộc sống “Tôi Tin” giữa đời thường. Đức Tin của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đạt đến mức sống động làm thành Đức Tin sống động của cả Cộng Đoàn sẽ là lời chứng hùng hồn nhất cho công cuộc Truyền Giáo. Cánh cửa Đức Tin được mở ra cho mọi người bằng chính việc mở ra đời sống công chính của người công giáo trong gia dình, trong giáo xứ, trong làng xóm, trong đất nước và trong lòng thế giới.
Tháng 10 của lòng khiêm nhượng đang mở ra.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con lòng khiêm nhượng của các Thiên Thần, của các Thánh, của Mẹ Maria, và của Thiên Chúa để chúng con tái thiết lập một Đức Tin chân chính sống động nơi mỗi chúng con và cộng đoàn, và để chúng con nên những Nhân Chứng hùng hồn cho Nước Thiên Chúa. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG, 2.10.2012
Theo EPHATA số  530

0 nhận xét:

Đăng nhận xét