Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Cầu nguyện không thay cho hành động



LTCGVN (01.05.2012) - Sài Gòn – Bài giảng lễ cầu cho Công lý và Hòa bình tại DCCT Sài Gòn 29/4/2012 của cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong:
Hôm nay lễ Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
Như đã thành thông lệ, hôm nay cũng là ngày chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho sự thật được tôn trọng trên quê hương ViệtNam.
Cầu nguyện cho công lý và hòa bình, đó là một việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh quê hương đất nước hiện nay, khi sự ác lan tràn, khi sự bất công ngày càng thể hiện một cách ngạo ngược.

1. Chúng ta phải cầu nguyện cho công lý, vì cầu nguyện có sức mạnh hoán cải và đổi mới con tim nhân loại
Năm 2008, hàng ngàn giáo dân Hà Nội xuống đường đòi công lý cho Giáo hội và cho các đồng đạo bị xét xử bất công.
Trong những lần xuống đường, bài hát chủ đạo được mọi người không ngừng lặp đi, lặp lại là bài “Kinh hòa bình”. Nhiều nhân viên công lực, sau khi nghe hát, đã thuộc lời bài hát này và khi cả ngàn người cùng hát, nhiều người trong số họ, đã nhún nhảy theo điệu nhạc, khiến mọi người hết sức ngỡ ngàng.
Nhiều giáo dân chứng kiến cảnh tượng ấy đã phải thốt lên: “Kìa nhìn xem Chúa đang làm nhưng việc lạ lùng. Ngài hoán cải con người nhờ lời cầu nguyện.!”
Chúng ta ai cũng biết, trong số các bí mật tạiFatima, có lời hứa của Mẹ rằng: “Nước Nga sẽ trở lại”. Trước năm 1989, không ai nghĩ chế độ cộng sản sẽ sụp đổ tại Đông âu, nhưng điều xem ra không thể xảy ra ấy, lại đã xảy ra và không chỉ Nước Nga đã trở lại mà cả thế giới được chứng kiến sự thay đổi thần kỳ của những quốc gia khác tại Châu lục này.

2. Chúng ta phải cầu nguyện cho công lý, vì Thiên Chúa là chủ của lịch sử
Những ngày này, trong khi người Việt khắp nơi trên thế giới nhớ về ngày 30 tháng Tư với những tâm trạng và cảm xúc khác nhau; ngày mà nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã từng nói: “ngày triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”; ngày mà những người cộng sản vẫn tự hào rằng “đã thống nhất đất nước, giải phóng người dân khỏi lầm than”, thì cũng chính những ngày này, người dân Việt khắp nơi trên thế giới lại được nghe súng nổ tại Văn Giang, Hưng Yên. Hàng ngàn công an đã được chính quyền Hưng Yên huy động, với súng và lựu đạn cay, để – nói như Báo người cao tuổi: “Cưỡng chế trái luật” trong một cuộc giải phóng khác: “giải phóng mặt bằng” đẩy người dân tới chỗ “đất mất, nhà tan”.
Những năm vừa qua, chuyện cưỡng chế đất đai trái luật diễn ra rộng khắp trên quê hương đất nước. Chuyện xảy ra ở Văn Giang, thực chất, chỉ là sự tái diễn một cách có hệ thống hiện tượng “cướp đất” của người dân để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó. Chúng ta có thể kể ra những vụ việc nổi cộm như: Dương Nội – Hà Đông, Bắc Bình – Bắc Giang, Tiên Lãng – Hải Phòng, Cồn Dầu – Đà Nẵng và nhiều nơi khác nữa.
Trong tất cả những sự kiện ấy, người ta thấy rõ quyền lực nhà nước, kết hợp với quyền lực sự ác đang thắng thế. Những người nông dân chân lấm tay bùn, với ruộng vườn là phương tiện sản xuất duy nhất, nay trở nên trắng tay và phải tha hương trên mảnh đất quê hương mình.
Trong tất cả những sự kiện ấy, hình ảnh người công an nhân dân, thay vì bảo vệ người dân theo đúng chức năng và nhiệm vụ, thì lại tiếp tay cho cái ác, quay lưng lại với người dân – trong đó có cha mẹ, họ hàng của mình,  là những người đã nai lưng đóng thuế nuôi dưỡng mình.
Trong những sự kiện ấy, tiếng kêu đau xót của những dân oan, tiếp tục bị nhấn chìm bởi bạo lực, trước sự vô cảm của đồng bào.
Tại sao vậy? Nguyên nhân bởi đâu khiến sự ác tiếp tục thắng thế, bất công tiếp tục lan tràn, sự vô tâm, vô cảm trở thành thứ căn bệnh chưa có thuốc chữa?
Trong Chiếu Dời đô, Lý Công Uẩn đã viết những lời này: “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên, vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không được thích nghi.”
Hơn 1000 năm trước, Lý Công Uẩn, khi dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đã xác quyết rằng, có vâng mệnh trời vận nước mới dài lâu; có theo ý trời, đất nước mới phồn thịnh, lòng dân mới yên hàn.
Vậy mà, hơn 60 năm trước tại Miền Bắc và hơn 30 năm sau tại Miền Nam, với ý thức hệ vô thần, những người lãnh đạo đất nước đã tìm mọi cách để “xã hội chủ nghĩa hóa cả tôn giáo”, biến tôn giáo thành công cụ phục vụ cho chế độ và hệ lụy tất yếu, với những sự xuống cấp về mọi mặt, nhất là sự xuống cấp về đạo đức đã diễn ra như đang thấy hiện nay.
Trong một bối cảnh xã hội như thế, việc cầu nguyện cho công lý thật sự là cần thiết. Ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho công lý, thì không còn chỉ là cầu nguyện trong tư cách cá nhân, mà là cầu nguyện trong tư thế của một dân tộc đã lạc mất một niềm tin; chúng ta cầu nguyện là cầu nguyện thay cho tất cả mọi người – cầu xin Thiên Chúa, Đấng là Chủ lịch sử, là Chúa Chiên lành, hướng dẫn mỗi người dân trong đất nước cùng chung tay xây dựng quê hương giầu đẹp. Chúng ta cầu nguyện như thế, cũng là một lần nhìn nhận quyền của Chúa trên đất nước chúng ta. “Sông núi nước Nam VuaNamở, rành rành đã định tại sách trời”. Chúng ta có thể khoan dung với người ác, nhưng không thể khoan dung với tội ác.
Trong một bối cảnh như thế, cầu nguyện là cần thiết. Tuy nhiên, để giải phóng con người toàn diện, thì cầu nguyện thôi chưa đủ, chúng ta còn cần phải dấn thân cho chính những điều chúng ta khao khát cầu xin.

3. Cầu nguyện thì không thay cho hành động
Thiên Chúa là Chủ lịch sử, nhưng Ngài đã trao lịch sử ấy vào tay chúng ta, để chúng ta cộng tác với Ngài và cộng tác với nhau để cùng nhau làm nên lịch sử.
Nói cách khác, chúng ta không thể phó mặc cho Thiên Chúa những bộn bề của cuộc sống là hậu quả của sự lạm dụng sự tự do mà Chúa đã ban cho con người. Chúng ta cầu nguyện để xác tín vào quyền năng Chúa, nhưng cũng là để với quyền năng Chúa chúng ta lên đường xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương.
Công đồng Vaticano II, trong Hiến chế Ánh sáng Muôn dân đã viết: “Khi các cơ chế và hoàn cảnh sống trong thế gian gây nên dịp tội, giáo dân phải hiệp sức làm cho các cơ chế và hoàn cảnh sống đó nên lành mạnh, phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người” (LG 38).
Thư chung của HĐGM Việt Nam năm 1980 gửi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cũng đã nói rõ về sứ mạng của người tín hữu Chúa Kitô ở Việt Nam: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.”
Nhắc lại những lời dạy của huấn quyền của Hội thánh, là để nhắc nhau nhớ rằng, ngoài bổn phận cầu nguyện, chúng ta còn có một sứ mạng khác là tích cực dấn thân xây dựng đất nước quê hương.
Thực tế cho chúng ta thấy, người dân Đông Âu sẽ không có được những thành tựu của công lý, dân quyền, nếu như họ chỉ nhắm mắt cầu nguyện. Chính họ đã phải lên đường, từng người tích cực dấn thân cho những giá trị tinh thần cao quý mà họ biết rằng tạo hóa đã ban cho họ và không ai có quyền tước đoạt.
Thành ra, cần phải nhắc lại điều này, cầu nguyện không thay cho hành động. Cầu nguyện giúp con người ra khỏi sợ hãi để hành động hữu hiệu hơn. Cầu nguyện là minh xác quyền của Chúa trên vũ hoàn để mọi người thấy việc bảo vệ quê hương, bảo vệ những giá trị nhân linh, là một sứ mạng linh thánh.
Nói một cách bình dị nhất, không có cái này, thì sẽ không có cái kia. Không có công lý nếu những người Kitô hữu không yêu chuộng công lý. Không có hòa bình nếu chúng ta không là những con người của Hòa bình. Chúng ta cầu nguyện cho công lý, cho sự thật được tôn trọng, thì trước hết chúng ta phải có công lý, phải có sự thật.
Nói một cách cụ thể hơn, việc cầu nguyện cho công lý và hòa bình chỉ thực sự mang lại một kết quả trọn vẹn, khi mỗi người công dân giáo dân phụng sự công lý và dấn thân cho công lý ngay trong hoàn cảnh sống của mình, trong gia đình, nơi phố chợ, trong buôn bán làm ăn…


Cộng đoàn lắng nghe chia sẻ của cha Nam Phong
4. Kết luận
Hôm nay, ngày lễ Chúa Chiên Lành. Đức Giê-su là mục tử nhân lành hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Hôm nay cũng là ngày chúng ta dành để cầu nguyện cho công lý và hòa bình.
Chúng ta một lần nữa xác tín rằng cầu nguyện là cần thiết và phải làm một cách tích cực nhất là trong bối cảnh xã hội ViệtNamhôm nay, một xã hội coi trọng vật chất, chạy theo lối sống hưởng thụ, mất phương hướng, khủng hoảng về tư tưởng, sự vô cảm đang thắng thế.
Chúng ta cũng xác tín rằng, Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, chính Ngài sẽ uốn nắn lịch sử và hướng dẫn lịch sử tới mức thập toàn.
Hôm nay, chúng ta cầu nguyện là để một lần nữa minh xác quyền Chúa của Ngài trên dân tộc này, nhưng cũng là để cầu xin cho mỗi người dân Việt có thêm nghị lực, lòng nhiệt huyết và tình yêu mới mẻ để dấn thân, canh tân bản thân và canh tân đất nước.
Cầu nguyện không thay cho hành động, trái lại, như hôm nay, trong ngày lễ Chúa Chiên lành, chúng ta cầu nguyện để Giáo hội có thêm những mục tử như lòng Chúa mong ước, thì cũng cầu nguyện cho mỗi chúng ta, những tín hữu của Chúa, biết sống sứ vụ của người mục tử nhân lành, hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, hy sinh vì những giá trị cao đẹp của Tin mừng, hầu góp phần xây dựng Giáo hội, Đất nước, Quê hương giầu đẹp.
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R,
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét