Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 5: THÀNH CÔNG

Trong cả bốn Phúc Âm không thấy có danh từ thành công, dù là chỉ một lần nhắc đến. Giữa lúc con người băn khoăn về thành công thì Phúc Âm lại không nhắc tới thành công. Phúc Âm chỉ nói tới những danh từ tương tự giống như thành công. Chẳng hạn bảo chúng con phải ra đi và sinh nhiều hoa trái (Yn. 15:16). Bao nhiêu là nhiều? Mà nhiều thì có nghĩa là thành công không?
Xây được một căn nhà, người ta bảo đó là thành công. Làm ăn phát đạt giàu có, người ta gọi là thành công. Học hành thành tài, đó là thành công. Một người hoàn thành một công việc nào đó thì người ta bảo là thành công.
Nhìn vào thành công, ta thấy một trong những đặc tính của thành công là sự lo âu. Trước khi thành công, người ta lo âu về không thành công. Khi thành công, người ta lo âu giữ để không mất thành công đang có. Khi mất thành công, người ta lo âu để lấy lại thành công đã mất, rồi buồn khổ và nuối tiếc. Thành công và lo âu dường như luôn luôn đi với nhau.
Mục đích của thành công là gì? Trong đời sống, tôi đi tìm thành công vì tôi muốn hạnh phúc. Hạnh phúc là đích điểm. Như thế, mục đích chính xác của thành công có phải là hạnh phúc tôi nhằm tới? Tôi muốn có cơ nghiệp vì cơ nghiệp đó cho tôi cuộc sống thoải mái. Tôi nỗ lực học hành thành đạt vì tôi tin rằng sự học đó cho tôi tương lai tốt đẹp. Tôi đầu tư nhà cửa, đất đai vì tôi sẽ tìm hạnh phúc trong hoa lợi ấy. Vậy, có phải qua thành công, tôi bắt gặp hạnh phúc?
Như vậy, một người giàu có, được ca tụng bởi những kết quả thành đạt trong cuộc đời, nhưng để đạt được thành công mà người đó luôn sống trong khổ sở dằn vặt thì có gọi là người đó thành công không? Nếu chỉ vì băn khoăn đến thành công mà cuộc sống luôn luôn âu lo thì còn đâu là hạnh phúc nữa? Có phải, qua thành công tôi tìm hạnh phúc, nhưng tôi lại sẵn sàng đánh mất hạnh phúc để được thành công?
Có thể gọi một người nghèo, không địa vị quan trọng trong xã hội, nhưng hạnh phúc, bình an trong tâm hồn, là một người thất bại?
Thành công là lời cầu chúc cho nhau. Ai ai cũng nói đến thành công. Nhưng thành công là gì? Câu trả lời không rõ và ngay khi con người đi tìm thành công, dường như họ cũng không biết chắc họ tìm gì.
Vì xã hội đề cao, tìm cách chiếm đoạt thành công nên thành công đã trở thành bóng ma đóng dấu trên khắp lối đi và hương khói thành công bay vào nhà Chúa, trong cả lối đi của đời sống thiêng liêng nữa.
Có thành công trong đời sống tu đức không? Nếu hiểu thành công là leo lên được một bậc thềm nhân đức thì có thành công. Nhưng nếu thành công là đạt trọn vẹn, hay thoả mãn với nhân đức mình có thì không thể có thứ thành công này. Hành trình tới Chúa là một hành trình dài. Vì dài nên không thể có thành công nếu hiểu là ai đã đi cạn tới cùng của lòng mến trọn lành.Thành công chỉ là những bậc thềm nho nhỏ tôi đi từng ngày. Tôi biết mình cần đi mãi thì tôi không kết án tôi sao không đạt được trọn hoàn hảo, và tôi không vội vã khắt khe bắt mình phải “thành công”. Thành công là lối đi chầm chậm với từng chiều cố gắng sẽ không làm tôi lo âu. Tôi kiên nhẫn đi. Chúa kiên nhẫn chờ.
Chúa không nói tới thành công, nhưng hôm nay các môn đệ Chúa lại luôn luôn thao thức về thành công. Danh từ này im bóng trong Phúc Âm nhưng lại ồn ào trong lời giảng và ám ảnh tâm hồn người rao giảng. Nếu xét thành công trong quan niệm xã hội hôm nay thì Chúa là người thất bại nhất trong các lãnh tụ thế giới. Chẳng có lãnh tụ nào nghèo như thế. Chẳng có thành công nào mà bị đóng đinh trên thập tự. Chẳng có thành công nào mà chỉ có 12 người theo, một người lại phản bội. Người tông đồ hôm nay bị ám ảnh phải thành công trong cuộc đời, rồi phải thành công trong khía cạnh thiêng liêng, rồi từ ám ảnh đó dẫn tới khía cạnh phải thành công trong việc tông đồ.
Đức Kitô nói thà chột mắt, cụt chân mà vào Nước Trời còn hơn là lành lặn mà bị loại ra ngoài (Mt 5:29-39). Như vậy, có nghĩa thà mất “thành công” mà được hạnh phúc thì vẫn hơn. “Được cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì” (Mt 16:26). Đức Kitô từ chối tất cả vinh quang trần thế khi Satan cám dỗ Ngài chọn lựa (Mt 4:1-10). Đức Kitô không nói đến thành công, nhưng đời của Ngài là tấm gương soi cho các môn đệ hiểu thành công là gì.
Nếu chấp nhận thà cụt một chân mà được vào Nước Trời vẫn hơn thì các tông đồ Chúa hôm nay phải đặt lại nhiều vấn đề. Người tông đồ dường như đang đánh giá sự thành công của việc tông đồ qua những thành đạt hữu hình hơn là siêu nhiên. Một xứ đạo xây xong một nhà thờ nguy nga. Lập tức xứ đạo đó hãnh diện và thành công. Cha xứ và ban hành giáo được ca tụng là thành công. Điều đó xét về phương diện sản xuất là thành công. Nhưng ngay bên cạnh là một giáo xứ khác nghèo rách thiếu thốn. Trong một địa phận mà có giáo xứ cờ xí tưng bừng đến dư thừa, và những giáo xứ hẻo lánh thì thiếu thốn đến cơ bần. Như vậy, có là thành công trong việc tông đồ? Chúa ở nhà thờ bên cạnh rách rưới là thất bại thì Chúa trong ngôi nhà thờ sang trọng kia có là thành công?
Quá đặt vấn đề thành công qua phương diện hữu hình có thể đánh mất ưu tư về khía cạnh siêu nhiên. Nguy hiểm là thành công này sẽ che mờ tất cả thao thức cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Nhiều khi vì nghèo về đời sống siêu nhiên nên cành cân fnhững hình thức bên ngoài để tạo một dáng vẻ thành công. Vì muốn thành, nên ngay cả các đoàn thể tông đồ cũng cạnh tranh nhau để phong trào mình thành công hơn phong trào khác. Thiên Chúa bị biến thành những sản phẩm kinh tế thị trường. Một sự cạnh tranh Thiên Chúa của địa phận mình, của xứ đạo mình, của nhóm mình phải huy hoàng hơn Thiên Chúa của xứ đạo kia, địa phận khác. Nếu muốn công việc tông đồ của mình, của đoàn thể mình thành công hơn người khác thì định luật dễ bị cám dỗ là cần việc tông đồ của người khác kém thành công hơn mình. Mong việc tông đồ của kẻ khác kém hơn mình có thể xảy ra dưới ba hình thức:
- Một là ao ước họ đừng thành công như mình.
- Hai là không giúp để họ ngang bằng mình.
- Và xấu xa nhất là phá hoại  công việc của họ cho họ thua kém mình.

Lạy Chúa, trên quê hương, chúng con đã kéo đường dây điện Bắc Nam, thắp sáng đèn đường. Chúng con có thể xây đường cao tốc mênh mông. Nhưng xây một xa lộ lương tâm không phải một sáng là xong như đổ xi măng làm đường. Ngăn sông nước lũ của những quan niệm sống vô luân, kéo đường dây thắp sáng lương tâm không phải là công việc một chiều là hoàn tất. Chúa đặt con vào dân tộc con để từ dân tộc ấy con rao giảng Tin Mừng. Con phải yêu mến dân tộc con và lấy Tin Mừng làm tiêu chuẩn cho một sự xây dựng nghiêm túc.
Vì sống trong xã hội nên con ảnh hưởng tất cả những gì  xã hội này sống. Chúa bảo con sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Yn. 15:19). Điều đó có ý nghĩa là những quan niệm thành công trong thế gian chưa chắc là thành công mà Chúa muốn con áp dụng cho Nước Trời. Con phải tinh tế lắng nghe để biết đâu là thành công của Tin Mừng.


Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét