Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Toà án xưa và nay




LTCGVN (27.05.2012)    - Sài Gòn - Cách đây hai ngàn năm, những tòa án của Đế quốc La Mã là những tòa án biết tôn trọng nhân quyền. Trong sách Công vụ các Tông Đồ của người Kitô, có kể lại vụ án của ông Phaolô, đồ đệ của Chúa Giêsu.
Phaolô là người trước kia theo đạo Do Thái rất ghét người Kitô giáo. Chính ông đã tán thành việc ném đá đến chết ông Têphanô, đồ đệ của Chúa Giêsu. Ông phá hoại Giáo hội của Chúa. Ông hăm he đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp Thượng Tế xin thư giới thiệu đến các hội đường của người Kitô giáo, bắt trói giao về cho hàng giáo phẩm Do Thái. Nhưng khi ông đã gặp Chúa Giêsu sống lại, khi ông đang trên đường đến thành Đamát để bắt bớ người Kitô giáo, ông đã nhìn nhận biến cố lịch sử Chúa Giêsu đã sống lại và trở thành người đồ đệ nhiệt thành rao giảng Chúa Giêsu sống lại.
Người theo đạo Do Thái rất ghét Phaolô và tìm cách giết ông. Khi Tổng trấn Phéttô lên Giêrusalem. Các thượng tế và thân hào Do Thái đến kiện ông Phaolô. Nhưng vì Phaolô kháng cáo lên Hoàng đế Xêda, nên khi Vua Acrippa đến Xêdarê. Tổng trấn Phéttô đem vụ ông Phao lô trình bày với Vua. Ông nói: “Ở đây có một người tù ông Felix để lại, khi đến Giêrusalem, các thượng tế và các kỳ mục đến kiện và xin tôi kết án người ấy. tôi đã trả lời họ rằng người Roma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo và được cơ hội biện hộ lời tố cáo. Vậy họ cũng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và tuyên điệu đương sự đến. Đứng quanh đương sự các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng. Họ dù tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Phần tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy. Tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Giêrusalem để được xử tại đó về vụ này không. Nhưng Phao lô đã kháng cáo xin dành vụ này cho thánh thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải đến hoàng đế” (Công vụ tông đồ 25, 1-21).
Qua tường thuật mà ta vừa đọc lại, toà án Rôma là toà án biết tôn trọng quyền của người dân, không lên án hồ đồ, xét xử theo luật pháp. Chính luật pháp tố tụng của đế quốc La Mã cách đây hơn hai nghìn năm là căn bản của luật tố tụng của các nước văn minh dân chủ ngày nay. Chỉ lấy vụ án xét xử bốn thanh niên Công giáo hôm qua (24/5/2012) có thể thấy rõ luật tố tụng của CSVN thật man rợ.
Trước hết công an đã bắt các bị can một cách mờ ám – một kiểu bắt cóc – lại còn tước đoạt tài sản và không thông báo ngay cho thân nhân 
gia đình, hoàn toàn sai với luật tố tụng hình sự của Hiến Pháp, đặc biệt của các tuyên ngôn quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Đằng khác công an và viện kiểm sát trong tiến trình giam giữ đã không cho các bị cáo được liên hệ với luật sư và với gia đình. Thậm chí cho đến gần ngày xét xử vẫn không trao bản cáo trạng cho gia đình và luật sư cũng như chẳng gởi giấy thông báo và của thân nhân tham dự phiên toà.
Công an quy kết các sinh viên phạm điều 88 bộ luật Hình sự, không qua bằng chứng thu thập được mà chỉ qua lời khai được ghi trong tại giam với nhiều áp lực. Đây không thể là chứng cứ buộc tội tại toà. Ngoài ra, các thanh niên này có nhận là đã rải truyền đơn đòi đa nguyên đa đảng, chống lại các đường lối của ĐCSVN và phủ nhận cuộc bầu cử quốc hội khoá XIII, thì đó cũng không thể là tội, xét theo điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã xin tham gia ngày 24/9/1982. Bởi lẽ đa nguyên đa đảng là thể chế chính trị văn minh tiến bộ. Các đường lối của ĐCSVN là nguồn của bao đau thương, khủng hoảng, tai hại cho đất nước, cho dân tộc; các cuộc bầu cử Quốc hội chỉ là trò xạo, gian trá.
Hai toà án cách hơn hai ngàn năm khác xa nhau một trời một vực. Người Rôma văn minh dân chủ cách đây hai ngàn năm. Nước VN dưới ách cộng sản đã tụt lùi hai ngàn năm. Do đó, các sinh viên bị án tù đòi hỏi chính đáng một thể chế văn minh, biết tôn trọng các quyền con người mà người dân của các nước văn minh ngày nay cũng như đế quốc Rôma ngày xưa đã và đang tôn trọng.
Lm. Chân Tín, DCCT
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét