LTCGVN (25.05.2012)
Nếu có ai bỗng dưng xuất hiện ở đất nước Việt Nam ta theo kiểu “ở trên trời rơi xuống”, hẳn phải đánh giá cao chế độ xã hội Nước ta hiện nay. Bởi được nghe chế độ đó suốt ngày rao giảng sự quyết tâm xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Lại thêm, đi bất cứ đâu cũng thấy ‘nhân dân’ xuất hiện: ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân, tòa án nhân dân, thày thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, rạp hát nhân dân, báo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân…vv… – mấy đứa bạn cứ nói đùa “chỉ có ngân hàng và kho bạc nhà nước”. Thế nhưng, nếu sống trên đất nước này dăm ba năm thôi, người ta sẽ thấy không phải vậy.
Bất cứ ai sống quan tâm đến người khác và để ý theo dõi thời sự xã hội, đều có thể thấy rõ người dân ở Việt Nam hiện nay sống như thế nào. Có thể nói, nếu là người dân thuần túy, không có dính líu, móc ngoặc gì với công quyền, không nằm trong các nhóm lợi ích, thì đại bộ phận là người nghèo, mà nghèo nhất là nông dân. Nghèo thì hèn, như các cụ bảo “đói ăn vụng, túng làm liều”, dân ta đúng là không còn thiếu chước nào không sử dụng để mưu sinh, kiếm miếng ăn bỏ miệng. Người nông dân đã nghèo mà còn bị o ép đủ điều: bị nhũng nhiễu, hạch sách, bị lấy hết đất, nhà cửa, rộng vườn…, nhưng phần đông chỉ biết ngậm miệng kêu trời, gần đây mới có một vài “con giun xéo lắm cũng quằn”.
Chính quyên nhân dân? Công an nhân dân? Quân đội nhân dân?
Ai đã o ép nhân dân? Thưa rằng chính quyền. Đích thị chính quyền, nhiều người là nạn nhân, nhiều người nhìn thấy, nhiều người làm chứng, thế giới cũng thấy. Chính quyền của nhân dân đã dùng công an nhân dân và quân đội nhân dân đi đàn áp nhân dân. Lạ thay ở xứ Việt Nam ta bây giờ, chính quyền tự xưng là đầy tớ nhân dân, đáng ra phải bảo vệ nhân dân – ông chủ của mình, thì lại đàn áp, đánh đập ông chủ như kẻ thù. Mà ông chủ ở đây chỉ muốn được sống yên ổn làm ăn trên mảnh đất và cái nhà của cha ông để lại “Cái nhà là nhà của ta/ Công khó ông cha lập ra/ Cháu con phải gìn giữ lấy/ Muôn năm giữ nước non nhà” mà, chứ có dám ho he hay to tiếng sai bảo đầy tớ bao giờ.
Hỏi rằng những người dân Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản – Nam Định (quê tôi) có giống người nông dân mà cụ đồ Chiểu đã ghi nhận: “ Nhớ linh xưa côi cút làm ăn, Toan lo nghèo khó” trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” không? Tại sao chính quyền lại đẩy họ vào hoàn cảnh như Cụ Phan Bội Châu miêu tả dưới thời Pháp thuộc “Cha con khóc lóc, vợ chồng thở than. Cũng có lúc bầm gan tím ruột, Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra” (Á tế á cá). Chính quyền hiện nay đang làm khổ nhân dân (hành dân là chính…), họ không phải của dân, có thể nói họ đã mạo nhận danh ‘nhân dân’ để làm tay sai cho những đại gia, những chủ đầu tư kếch xù và nhóm lợi ích, để tàn phá ruộng vườn, vật nuôi của nhân dân chẳng khác chi lời than “Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ, Nheo nhóc thay kẻ góa bụa bần cùng” (Nguyễn Trãi – Bình Ngô Đại Cáo). Đến như TS Chu Hảo, một đảng viên uy tín, đã phải nhận định“dân nghèo ở nhiều nơi trên đất nước này đang bị dồn ép vào cảnh khốn cùng bằng các luật lệ phi lý và các biện pháp trấn áp tàn bạo […] Chính quyền này hình như không biết sợ dân nữa rồi!”
Cho nên, đã đến lúc phải trả lại chính quyên đúng tên của họ “chính quyền đại gia”, “chính quyền nhóm lợi ích”…, cho nó chính danh, các cụ vẫn dạy rằng “danh không chính, thì ngôn chẳng thuận” mà. Tương tự như thế nếu công an và quân đội không biết kính trọng và bảo vệ nhân dân như lời Bác Hồ dạy, mà đi làm công cụ để bảo vệ Đảng và chính quyền một cách phi lý theo kiểu “công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” thì cũng phải trả lại tên cho họ “công an đảng”, “quân đội đảng”… Chứ cứ để mãi theo kiểu gọi hiện nay, riết rồi đâm quen chứ xem ra nó khiên cưỡng, giả hình và nực cười lắm lắm…! Bởi vì khi nhân danh ai làm việc gì, thì anh phải làm theo ý người đó. Ở đây việc làm của chính quyền, công an và quân đội chẳng những hoàn toàn không theo ý nhân dân mà còn đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của người dân. Thế mà cứ để họ mang danh ‘nhân dân’, rồi nếu họ có làm những điều sai trái như cụ Lê Hiền Đức tường thuật về hành vi của họ tại Văn Giang “Chúng túm vào đánh hội đồng người mặc áo trắng hung hãn như một lũ khát máu, lâu lâu mới được đánh đồng loại”, hay như cụ thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh phải thốt lên “Sao mà chính quyền bất nhân, vô đạo đức đến thế? Sao công an tàn ác dã man thế, đánh dân như kẻ thù?”, họ sẽ có cớ đổ vấy tội cho ‘nhân dân’, như thế lại tạo dịp cho họ thêm thói “gắp lửa bỏ tay người”, như ông Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên thì thật đáng sợ…!
Hội đồng nhân dân? Tòa án nhân dân? Báo nhân dân?
Ngoài ra, còn nhiều danh xưng ‘nhân dân’ khác cũng cần phải nghiêm túc xét lại xem có chính danh không. Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương… Thế nhưng cơ quan này có thực sự thi hành vai trò và trách nhiệm của mình? Điều 11 khoản 1 trong Quy định luật tổ chức hội đồng nhân cấp tỉnh đã xác định rõ “Trong lĩnh vực kinh tế, Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế – xã hội, sử dụng đất đai, phát triển ngành và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn trong phạm vi quản lý”. Thế nhưng, tại Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, hội đồng này đã là gì trong việc quy hoạh và xử dụng đất, tại sao nhân dân phải chịu uất ức nổi loạn lên như vậy?
Tòa án nhân dân có tiến hành xét xử các vụ án đúng pháp luật, đúng người, đúng tội để mang lại sự công bằng và yên ổn trong nhân dân hay không? Nếu xử án túi, án tiền, án quyền… thì cũng đáng bị tước đi danh hiệu ‘nhân dân’. Những năm gần đây, đã xảy ra biết bao vụ án gây ra nhiều làn sóng bức xúc, bất bình ghê gớm trong nhân dân và bạn bè quốc tế: vụ án bà Ba Sương – giám đốc nông trường Sông Hậu, luật sư Lê Công Định, Giáo dân Cồn Dầu, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ…
Nhà nước ưu ái có một tờ báo dành riêng cho nhân dân, mà chẳng thấy trong đó có tiếng nói thực lòng của nhân dân, báo cũng chẳng nói về nhân dân theo nghĩa đầy đủ như thực tế hiện nay: nhân dân sống ra sao, ăn uống thế nào? Nhân suy nghĩ và nói năng gì, nguyện vọng của họ ra sao? Nhất là nhân dân bị bắt bớ, đàn áp, đánh đập, hàm oan, uất ức khắp nơi mà chớ hề nói đến, chẳng lời bênh vực… Như thế, báo này cũng lại mạo danh ‘nhân dân’ nốt.
Xét cho cùng, nói đã nhiều nhưng vẫn phải nói, không thể coi thường hai tiếng ‘nhân dân’, càng không thể lợi dụng nhân dân, mạo danh nhân dân để làm điều bất chính. Ngay cả thời quân chủ, Mạnh Tử đã dạy “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, huống chi thời dân chủ hiện nay. Phải chân thành học hỏi tư tưởng “duy dân” của cụ Phan Bội Châu, hay của Đức Khổng Tử “Thân dân – gần gũi với dân; Chỉ ư chí thiện – dừng nơi chí thiện”để đối xử với nhân dân, xây dựng và điều hành đất nước, thì một nhà nước của dân, do dân và vì dân mới ra đời.
Fx. Long Thành
Bình Dương, 24/05/2012
Nguồn: NVCL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét