Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 4: GIÁO HỘI

LTCGVN (29.05.2012)   

Tôi lớn lên với đất quê ruộng vườn nên kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với đồng lúa ngô khoai. Luỹ tre, bờ đậu là hình ảnh tôi dán trên những trang đầu của cuốn album cuộc đời. Bởi thế, nó chìm sâu.

Một khung trời xanh. Một dòng nước đục lặng lờ. Có gì đâu. Thế mà hơn mười năm đi xa, những hình ảnh ấy vẫn không quên. Rồi tôi nghĩ nếu có một ngày nào đó được nhìn lại bóng dừa xuôi lá. Hơn mười năm tây phương không ánh trăng đêm rằm, nghĩ đến trăng khuya mà nghe như truyện trong cổ tích vậy thôi. Tôi mong một ngày trở lại vùng nhiệt đới, nhìn lại cái nắng hanh, cái mưa rào.

Ước mơ cũng giống như làn sương mỏng. Nó mơ hồ lãng đãng đâu đó nhưng nó có thật. Từ những hạt sương mờ bụi rồi dần dần đọng lên thành những hạt sương sũng nước. Khi thời gian chín tới, những hạt sương sũng nước ấy trĩu nặng cho cọng lá thu trên cành rơi xuống. Đấy là lúc mơ ước thành sự thật.

Máy bay xuống phi trường HồngKông, nắng nhiệt đới chói chang. HồngKông về đêm chỗ nào cũng như trẩy hội hoa đăng. Không thành phố nào rực đèn màu như thế. Nơi đây tôi không bắt gặp bóng dừa êm ả, tiếng dế mèn rỉ rả trong mưa. HồngKông là một thành phố tây phương hơn cả tây phương rời HồngKông qua Macao. Tôi muốn sống lại dấu ấn lịch sử của các vị thừa sai đã một thời dừng chân nơi này như cứ điểm cho  công cuộc đem Tin Mừng vào đất nước Việt Nam. Tôi muốn hình dung lại một chút lịch sử, dù đã khuất bóng nhưng âm vọng vẫn bền bỉ như những hình ảnh mộc mạc của mảnh vườn cũ, quê xưa, cứ chìm chìm mà không mất dạng.

Tường thành cháy đổ của nhà thờ chính toà, nay cỏ và rêu đang im lặng rủ kín bờ đá. Lưa thưa vài ba khách du lịch, chắc cũng đang đi tìm dấu ấn lịch sử như tôi. Có thể họ là con cháu của các anh hùng tử đạo mà thánh tích đã một thời lưu trữ ở đây, nay tìm về nguồn cội của mình. Trời Macao bắt đầu có dáng ít ồn ào. Mênh mông. Tôi gần vùng đất của Phanxicô Xaviê gởi lại thân xác cho đất bụi lắm rồi.

Mơ ước mà mình cứ tiếp tục ước mơ, bền bỉ và kiên nhẫn thì hơi sương của mơ ước rũ nặng cho cánh lá thu phải rơi xuống thành trái. Một lần nữa, mơ ước một ngày nào được thăm viếng mộ của Xaviê nơi vùng đất cấm đã thành sự thật. Rời Macao, tôi vào Trung Quốc, hi vọng tìm đến nơi Phanxicô Xaviê đã chết.



Trời rất trong và rất xanh, rất cao và rất rộng.  Thinh lặng êm đềm làm cho không khí nên dịu và như có chất ngọt trong hơi thở. Đã hơn mười năm sống trong môi trường đường phố ngộp xe cộ, một sự ngột ngạt chật chội trong thiên nhiên làm tôi, hôm nay, như cánh chim đứng trước cửa lồng, nó không muốn bay vội, nó muốn rũ cánh cho rơi xuống những bụi bặm ngày xưa cũ trước đã. Nơi đây giống hệt như miền đất quê hương tôi. Cũng có cánh bướm và hàng đậu với dây mướp hoa vàng. Bụi mía và cánh chuồn chuồn. Mẹ quê phơi thóc bên sân nhà.

Có mái nhà công dáng chùa, đình làng và cổng vào làng nhưng không thấy tháp chuông. Cả miền đất rộng tôi đi qua mấy ngày nay rồi không thấy ngôi thánh đường nào. Nghe nói cách đây khá xa, ngày xưa có một làng Công Giáo, ở đó có nhà thờ, nhưng bây giờ không rõ nó còn dân chúng không.

Người bạn dẫn đường ngỏ ý dẫn tôi đi nếu tôi muốn tham quan. Chúng tôi xuôi miền trên chuyến xe đò của một đường quê mà lâu lắm mới gặp một chiếc chạy ngược chiều. Đồng lúa mênh mông. Thanh thản. Có thể cái không khí ấy vẫn nằm trong tim những người dân này kín đáo, tôi chỉ là khách lạ từ phương xa nên không mang u uẩn của hồn thiêng oan trái mà chưa hẳn là đã vắng bóng đi xa. Chỉ có màu xanh của ruộng vườn, màu vàng của cỏ rạ. Đối với viễn khách lạ như tôi, tôi thấy trời thật đẹp và tôi đang sống trên một quê hương thanh bình.

Người dẫn đường bắt đầu ngơ ngác tìm lại kí ức để chỉ cho tôi dấu tích của lịch sử. Trước mặt tôi là rừng tre, ông ta phân vân, không xác định lắm, chỉ cho tôi một chỗ, bảo rằng ngày xưa ở đây có tượng Đức Mẹ. Ông nhớ trước khi vào làng, có một tượng đài Đức Mẹ mà chính ông cũng không biết từ bao giờ. Đã lâu quá rồi bây giờ ông mời trở lại nơi này. Chúng tôi đã xuống xe đò từ lúc nãy. Để đến nhà thờ, chúng tôi phải theo đường quê mà đi. Từ nãy đến giờ, tôi không gặp ai trên đường. Con đường vẫn còn nhưng không ai săn sóc đã trở thành dấu mòn ít người qua lại. Không thấy nhà nhưng có người ở vì chung quanh chỗ tôi đi là những nương sắn cao xanh đến đầu người. A! kia rồi! có bóng thánh giá.

Gió lùa qua cửa sổ, giáo đường mát dịu từ bờ đá thở ra. Trong nhà thờ không còn dấu vết có người lui tới. Gian cung thánh hoang tàn. Trên nóc cao mấy con chim sẻ rỉa cánh kêu liếp nhiếp. Hoang vu nhưng an bình. Vắng lặng nhưng êm đềm. Chắc lâu lắm rồi không ai lai vãng tới đây ngoại trừ những người làm vườn vào nghỉ trong những trưa hè nóng. Rừng thưa và ngôi thánh đường cổ. Âm âm có lời thơ như man mác một chút nỗi niềm riêng, nhưng trong thinh lặng kỹ lưỡng thanh âm của hồn thơ rất cao siêu thanh thoát. Cái êm đềm ở đây là êm đềm thánh thiện trầm trầm lời kinh cầu của Hàn Mặc Tử: “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu.” Kinh cầu là những bờ đá. Giáo đường không còn lầu chuông vọng về khi chiều xuống. Người xưa đã khuất bóng. Một thủa nơi rừng thưa này chắc đã vui lắm vào những mùa hoa tháng năm kính dâng Mẹ. Tôi đứng trong giáo đường nghe âm u vọng về từ quá khứ đã mờ mịt. Thời gian và biến đổi của dòng đời.
                

Nắng ban trưa rộn rã nhưng không gay gắt. Rừng xanh như tấm thảm thấm hút nắng mặt trời rồi lọc đi sức nóng nào vô lễ quá độ làm cho tháng hạ nên dịu. Tôi ra ngồi nghỉ bên bờ dậu nhìn ngôi giáo đường. Ngôi thánh đường thanh thản không phàn nàn, không thao thức về số phận mình. Hôm nay nhà Chúa không còn nến hương hoa, nhưng là chỗ nghỉ trưa cho những người lao động nghèo khổ. Chúa thành chỗ cho các em chăn trâu có thể vui đùa. Lúc nào và chỗ nào thì Tin Mừng cũng có đất sống. Ở những nghịch cảnh khó khăn, người ta tưởng phải bứng rễ để bảo vệ Tin Mừng. Nhưng thật ra, Tin Mừng đã cho họ năng lực sống để khỏi bị bứng rễ. Tin Mừng như sợi dây leo, đứt từng khúc, thì từng khúc ấy nẩy mầm. Tôi không thấy tâm trạng chua xót cho ngôi thánh đường một thời cang bóng mà nay chìm im. Mỗi nét có vẻ đẹp riêng. Vang cung đàn thì vẻ đẹp thành quí phái sủng mộ. Hoang vu thì nét đẹp trở nên linh thiêng kín đáo.

Đáng nhẽ tôi phải tiếc lắm cho cái thời nguy nga tráng lệ của nền nhà thờ bóng loáng chứ. Không hiểu sao tâm tư tôi phẳng lặng và nghe như câu kinh vẫn còn âm. Ngôi thánh đường tự nó như đang đối thoại với vũ trụ nhân sinh. Không chết. Không hoang vu lạnh lẽo. Cứ nhìn thật kĩ, ngôi giáo đường bình an như một câu văn đẹp đang chờ người biết chữ.

Tôi biết ở đây  sẽ có hoang vu. Trước khi đi, tôi sắp sẵn cho mình một tâm hồn mang màu tím. Tôi muốn đứng bên tường vôi đổ nát để âm vọng về những ngày loạn lạc điêu linh. Tôi muốn đi tìm di tích lịch sử để đem hồn mình vào một quá khứ u uẩn. Tôi như cần những dấu ấn đó cho khơi lửa tin mến trong hồn mình. Bây giờ, trước mặt tôi là dấu ấn lịch sử đó. Hoang tàn điêu linh còn lại. Im và vắng. Đáng lí sự đổ nát ấy phải chùng tim tôi cho nhớ tiếc một thủa vàng son của Giáo Hội. Nhưng không! Tôi không buồn, mà như có một cảm nghiệm thanh bình đang ở một độ rung rất lạ. Tôi yêu cái hoang vu nơi này. Tôi quý mến vẻ đẹp quanh năm chỉ có mưa nắng thiên nhiên rơi trên bờ đá còn lại của ngôi thánh đường.

Có phải cái nuối tiếc trong tôi khi xưa là nuối tiếc của những nghi lễ hoa đèn chứ chưa chắc là nuối tiếc niềm tin?

Tôi vẫn nhìn về giáo hội với cấu trúc của nó, bóng, đen sậm màu gỗ lim. Chúa ơi! Cụ vẫn đến đây để lau những chân cột này sao?


Lạy Chúa, cụ có mơ một ngày nào đó có người linh mục trẻ về đây dựng lại giáo đường? Cụ đã lặng lẽ lau những chân cột này từ bao năm? Niềm tin của cụ có thưa dần như những cánh hoa tháng Năm dâng Mẹ ngày xưa mà nay không còn, hay lời kinh vẫn nở, cứ là đoá hoa lòng? Không có Mình Thánh Chúa, chẳng còn ai đến thưa kinh thì cụ lau những chân cột kia làm gì? Thánh đường thành hoang vu rồi mà. Âm thầm như thể đã bao mùa mưa nắng rồi hả Chúa? Ôi! lửa mến. Ôi! niềm tin.


Năm đó, hè 1989, tôi chuẩn bị lãnh chức Phó Tế. Chỉ một năm sau nữa tôi sẽ là linh mục. Tôi nhớ ngày ấy tôi rưng lệ nhìn cụ già còng lưng lặng lẽ lau từng chân cột nhà thờ. Ở một nơi quá xa xôi, không ai biết tới, có một ngôi thánh đường hoang vu, một niềm tin thiết tha. Tôi biết trong đời mình dù có dâng lễ sốt sắng đến đâu cũng chẳng thế nào đẹp như thánh lễ hàng ngày của cụ. Thánh lễ không bánh và rượu. Thánh lễ bằng một đời quá đỗi yêu mến.

Tôi xa dần khu rừng.

Bầu trời ở đó như lời kinh đang dâng lên cao. Một buổi chiều làm tôi muốn suy nghĩ về thành tố làm nên Giáo Hội và đâu là vẻ đẹp của Giáo Hội. Nhà thờ thì cần thiết nhưng vẻ đẹp của Giáo Hội trong ý nghĩa ơn cứu độ lại không ở những nghi lễ đầy màu sắc, hay đền thờ to lớn. Vẻ đẹp của Giáo Hội quá sâu, nó thầm lặng trong tâm hồn. Thầm lặng đã là khó thấy rồi, lại còn thầm lặng trong tâm hồn nên nó quá sâu cho những dòng chữ có thể viết ra.


Từ trên cao nhìn xuống, Chúa có băn khoăn vì biết bao tâm hồn đang lo âu chỉ vì đền thờ, hay Chúa vì vẫn thấy lấp lánh những vì sao trên những ngôi thánh đường đổ vỡ.

Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét