Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Những nạn nhân của chế độ CSVN


Ngày 30.04.1975, người cộng sản tuyên truyền ‘Việt Nam đã hòa bình’… Sau 37 năm xã hội chủ nghĩa, người Việt vẫn bị bắt cóc và khủng bố… Hòa bình không chỉ là không chiến tranh, nhưng Hòa bình còn phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.


1. Các thanh niên vô tội bị bắt bất hợp pháp.



Ngày 17.05.2012, gia đình bốn thanh niên Công giáo thuộc giáo phận Vinh đã nhận được tin báo về phiên tòa tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An sắp tới dành cho những người này. Đây là một phiên tòa ô nhục do bạo quyền để xét xử người vô tội. Nếu có tội thì sao những kẻ đi bắt không dám mặc sắc phục công an chứng tỏ là đại diện công quyền, không có lệnh bắt và bị bắt vì hành vi gì như luật Việt Nam quy định.



Các nạn nhân là :



- Antôn Đậu Văn Dương, 24 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An, và Phêrô Trần Hữu Đức, 24 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt–Đức, Nghệ An, bị bắt ngày 02.08.2011 ;

- Antôn Chu Mạnh Sơn, 23 tuổi, sinh viên trường Đại học Y khoa Vinh, bị bắt ngày 03.08.2011 ;
- Gioan Baotixita Hoàng Phong, 25 tuổi, cựu sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, bị bắt ngày 29.12.2011.



Tất cả hiện đang bị tạm giam tại trại giam Nghi Kim, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. 



« Cả 9 (số người bị bắt trong cùng một đợt) thanh niên Công giáo này đều là những người con hiếu thảo trong gia đình, hăng say trong các hoạt động của Giáo hội tại các Giáo xứ nơi cư trú hay nơi tạm trú để đi học và đi làm. Họ dấn thân trong các phong trào bảo vệ sự sống thuộc Tổng Giáo phận Hà nội Giáo phận Vinh… » (trích Thông cáo Báo chí số 3/2011 của Truyền thông Chúa Cứu Thế ngày11.08.2011 : ‘Công an phải thả ngay những thanh niên Công giáo đã bị bắt cóc’).



Ngày 05.08.2011, khi trả lời phỏng vấn của Khánh An, phóng viên Đài truyền thanh Á châu Tự do, Luật sư Lê Quốc Quân, Trưởng ban liên lạc của Cộng đoàn Doanh nhân Trí thức Công giáo, nói (tóm lược) : « Có thể đây là một chính sách mang tính chất bắt giữ hay đàn áp khá rõ ràng đối với người dân, đặc biệt là người Công Giáo. Họ đã bắt giam lại cha Nguyễn Văn Lý già và đang bị bệnh nặng. Sau đó, là việc y án đối với TS. Cù Huy Hà Vũ và cấm các cha Dòng Chúa Cứu Thế xuất cảnh vì công tác mục vụ. Những anh em trẻ bị bắt đều là người Công Giáo, trí thức đã tốt nghiệp đại học và đang là những doanh nhân. Họ rất tích cực cộng tác với Dòng Chúa Cứu Thế và tham gia các hoạt động bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật, như ký vào đơn phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên hoặc ký đòi trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ. »



2. Trường hợp điển hình các cuộc thăm người vô tội bị giam.



Trên mạng TNCG ngày 30.11.2011, Bút Quèn viết (tóm lược) : « Sáng ngày 30.11.2011, bố mẹ anh Chu Mạnh Sơn đã được gặp mặt anh tại trại trạm giam Nghi Kim sau hơn 3 tháng Anh bị bắt đi và giam giữ chẳng rõ lý do. 



Cuộc gặp dưới sự giám sát của cả chục an ninh điều tra. Bác Nghiêm, bố anh Sơn, cho biết: Tình hình sức khỏe của Sơn tuy có gầy hơn nhưng vẫn ổn. Sơn nói “Hàng ngày, ngoài việc bị gọi lên hỏi cung, con luôn cầu nguyện, lần hạt, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria, xin bố mẹ yên tâm. Con xin lỗi bố mẹ vì được bố mẹ nuôi nấng khôn lớn mà chưa giúp được gì”. (đây là một trong những ý chí của những thanh niên công giáo bị bắt trong dịp này). 



Nghe lời tâm tư nghẹn ngào của con, bác Nghiêm động viên và khuyên con “là một người đàn ông, con phải biết cứng rắn, biết ngước nhìn Thánh Giá và những đau khổ Chúa Giêsu để vượt qua tất cả, kể cả có phải chết. Ở ngoài, gia đình và rất nhiều anh em bạn bè quan tâm và ủng hộ”. (Đây là một lời khuyên bảo, động viên đầy tinh thần trách nhiệm bậc phụ huynh đối với con cái mình. Thay vì khuyên bảo con là nhắm mặt chấp nhận để được hưởng cái tự do nửa vời và giả tạo kia thì bác làm ngược lại, khuyên con mình phải can đảm. Đây cũng là lời khuyên bảo, động viên đầy ý nghĩa, ý chí đối với người đang bị giam giữ như anh Sơn. Dù là một người dân quê mùa chân chất nhưng bố mẹ anh Sơn cũng hiểu được giá trị sự tôn trong pháp luật, sự thật – công lý trong cuộc sống).



Trước các điều tra viên, Sơn đã cho bố mẹ biết anh không có tội gì để phải ký nhận, trước sau như một. Trong dịp gặp này, anh Sơn đã đề nghị điều tra viên tên Thành trả lại hai bộ chuỗi hạt của anh, đó là vật linh thiêng quý giá anh luôn theo mình. Nếu không trả cho Sơn thì trả lại cho bố mẹ, nhưng họ đã không trả. Ngoài ra các điều tra viên còn cho Sơn và bố mẹ anh biết là họ đã ký tiếp một lệnh tạm giam khác.



Buổi gặp kéo dài khoảng 20 phút thì bị các điều tra viên cắt ngang và lôi anh Sơn vào vì không thỏa mãn việc họ yêu cầu bố mẹ anh Sơn làm trước khi gặp. Bác Nghiêm kể: “trước lúc vào gặp, cán bộ Thành đề nghị hai Bác vào khuyên con khai nhận mọi hành vi phạm tội để được nhà nước khoan hồng nhưng bác Nghiêm đã làm họ thất vọng khi trả lời “Con tôi vô tội, còn nếu có tội xin các anh cứ làm đúng theo luật pháp”.



3. Gia đình các thanh niên vô tội bất bình luật sư bào chữa.



Một ngày sau khi gặp gỡ lần đầu ba thân chủ của mình đang bị giam giữ tại Vinh, ngày 18.05.2012, luật sư bào chữa Lê Đặng Tùng đã có những phát biểu trên đài BBC khiến cho gia đình của các thanh niên này bất bình và lên tiếng phản đối khi ông nói rằng các thanh niên này đã nhận tội và xin được khoan hồng.



Luật sư Tùng thuật lại các thanh niên này đã không nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai nhưng sau khi bị bắt và được giải thích thì đều nhận thức đó là các hành vi sai trái và đề nghị luật sư tận dụng các quy định của pháp luật để xin giảm nhẹ án hầu sớm đoàn tụ gia đình. Theo ông thì hành vi mà các thân chủ ông làm là rải truyền đơn đòi đa nguyên đa đảng, và chống lại các quy định đường lối đảng cộng sản Việt Nam và phủ nhận cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13.



Nghe những lời phát biểu này, ông Trần Đức Trường, cha anh Trần Hữu Đức nói: « Gia đình khẳng định con cái không có những chuyện như thế. Nếu như luật sư nói như vậy thì gia đình cần suy nghĩ, nghiên cứu và có thể mời luật sư khác ». Ông Chu Văn Nghiêm, cha anh Chu Mạnh Sơn, bức xúc bày tỏ:

« Tôi khẳng định rằng con tôi không làm điều gì sai. Con tôi là người rất ngoan đạo, đẹp đời ». Ông cho biết đã trả tiền luật sư một nửa, bây giờ, ông nhất quyết sẽ không trả thêm tiền và sẽ tìm luật sư thay thế.



Trong bản tin RFA ngày 20.05.2012, phóng viên Việt Hà liên hệ với luật sư Lê Quốc Quân, thành viên ban công lý và hòa bình giáo phận Vinh, tư vấn các vấn đề pháp luật cho gia đình các thanh niên bị giam giữ về những lời phát biểu này. Luật sư Quân cho biết ông không hài lòng những phát biểu này và bất ngờ về những nhận định đó vì :

- Về đạo đức thì luật sư ít khi trả lời trước khi diễn ra phiên tòa, đặc biệt họ về các hành vi của các bị can chỉ biết khi đọc hồ sơ ;
- Về nghề nghiệp chuyên môn, cá nhân tôi cho rằng giả sử những hành vi mà luật sư Tùng nói là đúng, thì không vi phạm pháp luật Việt Nam và không vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam đã ký kết các công ước quốc tế về dân quyền, nhân quyền, do đó, họ hoàn toàn không vi phạm các công ước đó. 



Ngôn ngữ luật sư Tùng có vẻ như của công an hoặc một cán bộ đứng hẳn về phía buộc tội hoặc chứng minh tội phạm chứ không phải không của một người bào chữa. Nếu các thanh niên này đã thừa nhận mình sai trái và xin được khoan hồng như lời luật sư Tùng thì còn chi cần luật sư bào chữa.



Cuối cùng, hai luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Vương Thị Thanh thuộc Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các thanh niên này. Tuy nhiên, sau khi các luật sư Nam, Thanh và Tùng trao đổi với nhau để thống nhất bào chữa cho các bạn trẻ theo hướng vô tội thì các gia đình quyết định vẫn giữ lại luật sư Lê Đặng Tùng.



4. Hệ thống hiệu lực Pháp luật tại Việt Nam.



Bốn thanh niên này bị cáo buộc đã vi phạm điều 88 bộ luật hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng họ chỉ hành động theo điều 69 Hiến pháp cho phép : « Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ».



Ngoài ra, điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia năm 1982 quy định : « Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới ».



Luật Việt Nam số 41/2005/QH11 ngày 14.06.2005 về việc tham gia thực hiện các điều ước quốc tế quy định các Việt Nam tôn trọng các điều ước quốc tế.



5. Các vận động can thiệp cho những người vô tội.



a./ Ngày 13.03.2013, nhiều tổ chức quốc tế đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng để bày tỏ lo ngại của năm thanh niên Công giáo (Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, và Paulus Lê Văn Sơn) đã bị giam giữ trên 6 tháng và chưa có chỉ dấu nào được thả. Việc giam giữ ‘vi phạm Điều 7 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị, mô tả về sự hành hạ và tàn bạo, việc đối xử vô nhân đạo và làm mất phẩm giá; cũng như Điều 10 quy định về việc đối xử nhân đạo khi bị giam giữ’.

Các tổ chức ký vào lá thư là ACAT France, Access Now, Article 19, Electronic Frontier Foundation, Front Line Defenders, Index on Censorship, Media Defence - Southeast Asia, Media Legal Defence Initiative và Southeast Asian Press Alliance.



b./ Ngày 21.05.2012, qua kháng thư phản đối việc giam cầm và xét xử, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền chúng tôi:



1- Cực lực lên án việc công an đã bắt các bị can một cách mờ ám, 

2- Cực lực lên án việc công an và viện kiểm sát, trong tiến trình giam giữ, đã không cho các bị can được liên hệ với luật sư (điều 59 Luật TTHS*) và với gia đình (đ. 89 Luật TTHS). 
3- Cực lực lên án việc công an quy kết các em vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự không qua bằng chứng thu thập được mà chỉ qua lời khai được ghi trong trại tạm giam. 
4- Mạnh mẽ tuyên bố rằng các em sinh viên sắp ra tòa (cùng với 13 thanh niên còn lại đang bị giam giữ) là những công dân tốt lành, từng tham gia các hoạt động xã hội (bảo vệ sự sống, chăm sóc kẻ mồ côi), từng tham gia các hoạt động yêu nước (biểu tình chống Trung Quốc tháng 6-8/2011, viết blog bày tỏ các quan điểm dân chủ). Họ đồng thời là những giáo dân Công giáo nhiệt thành, biết sống đức tin một cách can đảm và chân thực.
5- Mạnh mẽ tuyên bố rằng vụ án và phiên tòa này là hành động trấn áp của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với Giáo phận Vinh là cộng đoàn Công giáo có truyền thống bất khuất. 
6- Tha thiết kêu gọi toàn thể Đồng bào Việt Nam, toàn thể Ki-tô hữu Việt Nam, toàn thể các chính phủ và các cơ quan nhân quyền quốc tế tiếp tục đòi lại tự do và công lý cho các sinh viên sắp bị đưa ra tòa, không thể để cho đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục khinh bỉ nhân quyền, chà đạp công lý, trấn áp nhân dân, coi thường công luận.



TTHS*= Tố tụng Hình sự.



c./ Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, ngày 22.05.2012, đưa ra lời kêu gọi Chính quyền Việt Nam nên trả tự do ngay cho 4 nhà hoạt động Công giáo bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước và phiên tòa xét xử sẽ khai diễn ngày 24.05.2012. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Á châu, phát biểu với Ban Việt ngữ đài VOA : 



« Chúng tôi hết sức quan tâm về việc 4 nhà hoạt động Công giáo này bị bắt và bị đưa ra xét xử. Thật đáng xấu hổ cho chính quyền Việt Nam khi đưa họ ra tòa chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm. Việc truy tố 4 nhà hoạt động này chứng tỏ rằng Việt Nam coi thường quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận của công dân. 



Bốn thanh niên thuộc cộng đồng Công giáo Vinh bị bắt từ năm ngoái là những gương mặt tích cực tham gia các công tác thiện nguyện xã hội như vận động phụ nữ không nạo phá thai, tình nguyện giúp trẻ mồ côi và những nạn nhân bị thiên tai. 



Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói Hà Nội thường áp dụng Điều 88 bộ luật hình sự về tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ để tùy tiện bỏ tù những bloggers, những nhà phê bình, và các nhà hoạt động ».


Hà minh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét