LTCGVN (28.05.2012) - Trong vụ xét xử 4 thanh niên công giáo tại tòa án
Tỉnh Nghệ An hôm 24/5 vừa qua, 3 luật sư đều đề nghị hội đồng xét xử
tuyên trả hồ sơ để điều tra lại. Việc luật sư phát hiện về vi phạm tố
tụng trong quá trình bắt giữ và điều tra các bị can này dẫn đến việc
chứng cứ không đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đầy đủ là một phát
hiện bất ngờ đã gây một cú sốc cho tòa án hôm đó. Bởi lẽ các cơ quan tư
pháp của Tỉnh Nghệ An tưởng đã rất vui mừng khi cho rằng hồ sơ đã rất “khép kín”. Chúng ta thử tìm hiểu về vấn đề này và lý do tại sao.
“Chúng tôi đã họp và xin ý kiến bí thư”
Bắt đầu từ việc có lẽ các bên buộc
tội tưởng quá trình đã chặt chẽ, khép kín, các em đã khai đầy đủ và thừa
nhận tội nên có vẻ muốn bắc loa cho phép mọi người vào dự. Thế nhưng
các luật sư đã phát hiện ra những vi phạm tố tụng, chủ tọa phiên tòa đã
đề nghị viện kiểm sát tranh luận lại. Thay vì tranh luận lại, đại diện
VKS đã buột miệng mà nói rằng: “chúng tôi đã họp và xin ý kiến của bí thư…”.
Khi đó chủ tọa phiên tòa buộc phải giật lại micro và mọi người ồ lên.
Qủa thật phiên tòa bỏ túi nhưng cũng có những kịch tích vì sự xuất hiện
những tình tiết mà bên công tố không thể tranh luận lại. Đó là những
điểm sau:
Một là sai phạm trong việc bắt và giam giữ người.
Qua xét hỏi tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều xác nhận rằng họ bị bắt
một cách đột ngột, không được giải thích về quyền và nghĩa vụ theo đúng
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS). Qủa thật Khoản 2 Điều 80 BLTTHS quy
định: “Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại
diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị
bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải
có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến”.
Trong trường hợp không phải bắt quả tang hoặc bắt khẩn cấp vì hành vi
rải truyền đơn là vào ngày 19 và 20 tháng 5 trong khi đó các em bị bắt
vào tháng 8, tức là 3 tháng sau đó.
Ngoài việc đề cập đến BLTTHS, luật sư đã nói đến một văn bản quan trọng
do chính Bộ công an ban hành là thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày
10/10/2011, trong đó tại Khoản 1, Điều 4 ghi rõ: “Khi giao Quyết định
tạm giữ cho người bị tạm giữ Quyết định khởi tố bị can cho bị can, Điều
tra viên phải đọc và giải thích cho họ biết rõ về quyền, nghĩa vụ của
người bị tạm giữ, bị can theo Quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật tố
tụng hình sự và lập biên bản giao nhận Quyết định. Trong biên bản phải
ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa
hay không".
Trường hợp Chu Mạnh Sơn là người bị vi phạm nghiêm trọng nhất. Anh là
sinh viên tốt nghiệp đại học Y Vinh và đang làm tại bệnh viện nhưng cơ
quan điều tra đã tìm cách đến dụ dỗ và bắt cóc đi chứ không làm thủ tục
bắt tại nơi làm việc. Hồ sơ tại tòa ghi nhận rằng khi bắt có một người
láng giềng làm chứng nhưng tại tòa Chu Mạnh Sơn đã khẳng định là hoàn
toàn không biết người đó và thực tế là người đó sống ở xã khác (không
phải xã Phúc Thành). Như vậy cơ quan điều tra đã làm sai tố tụng dùng
một người ở xã khác mạo danh là láng giềng của Sơn để ký trong hồ sơ.
Tại phiên tòa Luật sư Trần Thu Nam cũng đã hỏi Trần Hữu Đức về việc bắt
giữ và liệu các em có được giải thích quyền và nghĩa vụ, cũng như là ý
kiến mời luật sư hay không thì Trần Hữu Đức đã nói là "không hề được giải thích quyền và nghĩa vụ, cũng không được hỏi là có việc người bào chữa hay không".
Hành vi bắt Trần Hữu Đức và các em là hành vi bắt cóc, sau đó là dụ dỗ
và lừa gạt để khai nhận một sự việc đã làm 3 tháng trước là hoàn toàn
sai tố tụng.
Hai là sai phạm trong việc không tổ chức đối chất:
Trong tài liệu của vụ án và qua hỏi đáp tại phiên tòa có nêu một tình
tiết trái ngược mà chưa được điều tra làm rõ, không được tổ chức đối
chất theo đúng quy định của pháp luật. Đó là Đậu Văn Dương khai 4 người
vào thăm Cha Nguyễn Văn Lý và được nghe Cha hướng dẫn việc in và rải
truyền đơn, Trong khi đó Trần Hữu Đức nói rằng không có việc đó. Đây là 2
lời khai khác nhau trong cùng một sự việc. Theo quy định tại Khoản 1
Điều 138 của Bộ Luật TTHS thì phải có đối chất giữa 2 bị can khi lời
khai của Đức và Dương là mâu thuẫn nhau nhưng Cơ quan điều tra đã không
tiến hành để làm rõ sự việc. Như vậy đã vi phạm nghiêm trọng quy trình
điều tra theo BLTTHS. Theo quy định tại Điều 138 BLTTHS thì “trong
trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì
Điều tra Viên tiến hành đối chất…đối chất phải lập thành biên bản”.
Khoản 4 Điều 138 BLTTHS ghi rõ: “Biên bản đối chất phải lập theo quy định tại điều 95,125 và 132 của BLTTHS”.
Nghĩa là phải đối chất phải tiến hành theo một quy trình chặt chẽ và
được lập thành biên bản nhưng trong hồ sơ hoàn toàn không có việc này.
Ba là sai phạm trong việc thu giữ tài sản, tang vật:
Điều 145, BLTTHS quy định: “Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ
đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án….việc
tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản.
Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ
vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm
sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm
giữ.”
Thế nhưng trong trường hợp của Chu Mạnh Sơn, có người chú bán nước ở gần
nhà sơn cho biết có 2 anh thanh niên đến “đóng giả” người mua máy tính
cũ và vào nhà Sơn lừa và lấy máy đi mà không hề có một giấy tờ biên bản
gì. Trong hồ sơ cũng có một bản tường trình về sự việc này do mẹ Chu
Mạnh Sơn viết về việc này. Hồ sơ điều tra cũng cho thấy máy tính, máy
ảnh và xe máy của Chu Mạnh Sơn không hề liên quan đến hành vi rải truyền
đơn. Khi bị lấy đi là bất minh nhưng trong hồ sơ thì lại có biên bản
bàn giao máy tính đó cho chơ quan điều tra và bản án sơ thẩm cũng đã
tuyên trả máy tính và xe máy của Chu Mạnh Sơn. Như vậy trong suốt gần 1
năm qua kẻ nào đã giả danh đến nhà Chu Mạnh Sơn để lấy tài sản.
Vì không tuân thủ quy trình tố tụng và có những vi phạm tố tụng nghiêm
trọng trong việc thu giữ tài sản cho nên có thể làm phát sinh ra một vụ
án mới đó là “ăn cắp tài sản”. Nếu gia đình Chu Mạnh Sơn làm đơn
tố cáo việc này, cơ quan sẽ phải tiến hành điều tra ai đã đến nhà lấy
máy một cách bất hợp pháp.
Bốn là sai phạm về thu thập chứng cứ và chứng minh động cơ phạm tội:
Tại phiên tòa và trong bản án tất cả các bên đều biết rằng ngoài 4 anh
em bị bắt, còn một số người khác cũng tham gia hoạt động rải tờ rơi này
là Nguyễn Xuân Kim, Đặng Xuân Tương, Trịnh Văn Thương và Hoàng Đức Áí
đều là đồng phạm tham gia mà chưa bị bắt. Vì thiếu những người quan
trọng như vậy và còn nhiều lời khai cần phải kiểm chứng cho nên chứng cứ
buộc tôi đưa ra là không toàn diện và đầy đủ. Ngoài ra một số lời khai
của các bị can còn mâu thuẫn và có những tình tiết không được cha Nguyễn
Văn Lý thừa nhận.
Cũng vì chưa được làm rõ các tình tiết khác của vụ án cho nên động cơ
mục đích của hành vi rải truyền đơn không được suy diễn theo kiểu chống
nhà nước. Chính vì vậy luật sư Vương Thị Thanh đã nhấn mạnh “động cơ mục đích ở đây chưa được làm rõ.”. Một
trong những yếu tố cấu thành tội phạm là mặt chủ quan của hành vi. Và
khi chưa rõ động cơ, mục đích chống nhà nước thì không thể coi nó là tội
phạm được.
Đề nghị chính đáng và phù hợp pháp luật của các luật sư:
Điều 168 của Bộ Luật TTHS quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có 3 yếu tố:
1) Thiếu những chứng cứ quan trọng của vụ án mà Viện Kiểm Sát không thể
tự mình bổ sung được; 2) Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm
khác hoặc có người đồng phạm khác; 3) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố
tụng.
Trong trường hợp này đã có vi phạm 2 trong 3 điểm trên là thiếu những
chứng cứ quan trọng của vụ án và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Không chỉ căn cứ vào Điều 168 của BLTTHS mà còn căn cứ vào một Thông Tư
Liên Tịch Số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27 tháng 8 năm 2010
của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an và Tòa Án Nhân Dân Tối
Cao về hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều
tra bổ sung.
Như vậy theo đúng BLTTHS và các văn bản dưới luật do chính Bộ Công An
ban hành, các luật sư đã đưa ra một đề nghị hoàn toàn chính đáng, phù
hợp với các quy định của pháp luật là “trả hồ sơ để điều tra lại”.
Có nghĩa là các hành vi theo hồ sơ chưa cấu thành tội phạm và chính các
em chưa thể bị coi là tội phạm. Hồ sơ phải được điều tra thêm hoặc hủy
bỏ nếu không tìm thấy thêm những căn cứ buộc tội khác. Chúng ta hy vọng
khi các em kháng cáo, sẽ có một bản án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ
thẩm và trả tự do cho các em.
Luật sư Thái Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét