Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

[Video] Thế giới nhìn từ Vatican 19-25/5/2012 Cầu nguyện cho Giáo Hội bị bách hại tại Trung Hoa

LTCGVN (26.05.2012)  



1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 23/5



Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng nói về việc cầu nguyện với Thiên Chúa và tham chiếu về Ngài trong hình ảnh một người Cha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trích dẫn Thánh Phaolô và nói rằng: "Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng việc cầu nguyện của các Kitô hữu không chỉ đơn giản là công việc của riêng chúng ta, nhưng chủ yếu là của Thánh Thần, Đấng khẩn cầu cùng Chúa Cha trong chúng ta và với chúng ta."



Ngài nói:



Anh chị em thân mến,



"Tiếp tục loạt bài suy tư của chúng ta về lời cầu nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô, giờ đây chúng ta xem xét hai đoạn văn trong đó Thánh Tông Đồ đề cập đến Chúa Thánh Thần, Đấng tác động để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Abba", Cha của chúng ta (x. Gal 4:06; Rom 8:05).



Từ "Abba" đã được sử dụng bởi Chúa Giêsu để bày tỏ mối quan hệ thân thiết của mình với Chúa Cha, việc sử dụng từ này của chúng ta là hoa trái thu được nhờ sự hiện diện của Thánh Thần Chúa Kitô trong chúng ta. Thông qua những ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội, chúng ta đã trở thành con cái của Thiên Chúa, chia sẻ hồng ân nghĩa tử đời đời của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng lời cầu nguyện của các Kitô hữu không chỉ đơn giản là công việc của riêng của chúng ta, nhưng chủ yếu là của Thánh Thần, Đấng khẩn cầu cùng Chúa Cha trong chúng ta và với chúng ta



Với lời cầu nguyện, chúng ta bước vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi như là các thành viên sống động của Thân Thể Chúa Kitô, là Giáo Hội. Lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta luôn luôn là một phần của bản giao hưởng tuyệt vời là lời cầu nguyện của Giáo Hội. Chúng tôi hãy mở rộng trái tim của chúng ta hơn bao giờ cho hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, để lời cầu nguyện của chúng ta có thể dẫn chúng ta tới sự phó thác mạnh mẽ hơn nơi Chúa Cha giống như Chúa Giêsu Con Ngài.



2. Đức Thánh Cha cám ơn Hồng y đoàn trong cuộc chiến chống sự ác



Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cám ơn Hồng y đoàn vì sự hỗ trợ dành cho ngài trong cuộc chiến đấu chống sự ác trên thế giới.



Ngài đã nói như trên trong bữa ăn trưa ngày 21 tháng Năm 5 để khoản đãi Hồng y đoàn, và cám ơn các vị vì những đã chúc mừng ngài nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 85 và 7 năm Giáo Hoàng.



Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay, thành ngữ ‘Ecclesia militans’ (Giáo Hội chiến đấu), có phần lỗi thời, nhưng trong thực tế, chúng ta có thể ngày càng hiểu rõ thêm rằng thành ngữ ấy là thực, là rất đúng. Chúng ta đang thấy sự ác muốn thống trị trên thế giới và cần phải chiến đấu chống sự ác. Chúng ta thấy sự ác không chỉ hành động qua nhiều cách thức, tàn ác, như các hình thức bạo lực khác nhau, nhưng cả dưới hình thức che đậy bằng sự thiện và chính vì thế, nó phá hủy nền tảng luân lý của xã hội.”



Đức Thánh Cha nhắc lại lời thánh Augustino nói rằng “toàn thể lịch sử là một cuộc chiến đấu giữa hai tình yêu: yêu bản thân đến độ coi rẻ Thiên Chúa, và yêu Thiên Chúa đến độ coi rẻ bản thân trong cuộc tử đạo. Chúng ta ở trong cuộc chiến đấu này và trong cuộc chiến, điều rất quan trọng là có bạn hữu. Và đối với tôi, tôi được các bạn thuộc Hồng y đoàn quây quần, họ là các bạn hữu của tôi và tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà, tôi cảm thấy được an ninh trong cộng đoàn các bạn thân tín ở với tôi và tất cả chúng ta ở với Chúa”.



Trước đó, trong lời chào mừng, Đức Hồng Y Sodano nhận định rằng “trong 7 năm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha không ngừng mời gọi mọi tín hữu hãy tái khám phá nội dung đức tin, một đức tin được tuyên xưng, được cử hành, sống và cầu nguyện, như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng con trong Tông Thư “Cánh Cửa đức tin”.



“ĐTC cũng luôn nhắc nhở cho một thế giới đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn rằng sức mạnh duy nhất của sự tiến bộ chính là sức mạnh thay đổi tâm hồn con người, trong niềm trung thành với các giá trị tinh thần không bao giờ tàn lụi.”



“Và ngoài ra, như người Samaritano nhân lành trên các nẻo đường thế giới, Đức Thánh Cha tiếp tục thúc đẩy chúng con phục vụ tha nhân, luôn nhắc nhở chúng con những lời của Chúa Giêsu: ‘Điều mà anh em làm cho người bé mọn nhất trong các anh em của Thầy, là anh em làm cho Thầy” (Mt 25,40).



3. Những yếu tố then chốt để hiểu Công Đồng Vatican II dưới cái nhìn của Đức Thánh Cha 



Tháng Mười sắp đến là dịp kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II. Để đánh dấu dịp này, Vatican phát hành một cuốn sách nhan đề "Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16: Những yếu tố then chốt để diễn dịch Công đồng Vatican II"



Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto là một trong các tác giả cuốn sách cho biết



“Những yếu tố này rất quan trọng để hiểu đầy đủ suy tư của Công Đồng. Đó là về cải cách và sự liên tục chứ không phải gián đoạn hoặc tách biệt. "



Tại thời điểm này, cuốn sách chỉ có phiên bản tiếng Ý, với 3 tác giả bao gồm Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto và Cha Nicola Bux, là những người cùng nhau tập hợp những điểm chính trong những lời giải thích của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 về Công Đồng Vatican II.



Các tác giả nhận định rằng trong trường hợp Công Đồng Vatican II, đổi mới và truyền thống có thể đi đôi với nhau, theo một dòng diễn dịch liên tục. Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha đã nêu bật tầm quan trọng của Công Đồng và vai trò của Công Đồng trong Giáo Hội Công Giáo.



4. Vatican ra mắt trang web cho người Công giáo ở Châu Mỹ La Tinh



Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh đã chính thức ra mắt trang web mới. Mạng lưới này bao gồm tất cả các tin tức mới nhất của 20 hội đồng giám mục ở châu Mỹ Latinh. Vatican hy vọng trang web mới này sẽ tăng cường kết nối giữa Vatican và các giám mục, các dòng tu và các phong trào trong Giáo Hội tại Mỹ Châu La Tinh.



Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh là Đức Hồng Y Marc Ouellet và thư ký của ngài là Đức Cha Guzman Carriquiry. Một trong những trách nhiệm chính của ủy ban là cố vấn và trợ giúp cho Giáo Hội Công Giáo ở các nước Mỹ châu Latinh.



Ngoài phần tin tức, trang web này còn bao gồm các thông điệp của Đức Giáo Hoàng, tin tức về Tòa thánh Vatican đang chuẩn bị cho Năm Đức Tin và thông điệp audio của vị chủ tịch của ủy ban này là Đức Hồng Y Ouellet. Ngoài ra còn có một bộ sưu tập ảnh bao gồm những hình ảnh từ chuyến thăm gần đây của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba.



5. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng "Liên đới có nghĩa là tất cả mọi người, không chỉ Nhà nước, chịu trách nhiệm cho tất cả"



Hôm thứ bảy 19 tháng 5, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có cuộc gặp gỡ với 8.000 người, là thành viên của các hiệp hội Ý trong ba lĩnh vực văn hoá, thiện nguyện và lao động.



Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nhận định "ba lĩnh vực khác nhau này được liên kết bởi một mẫu số chung là cho đi chính mình".



"Liên đới đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm về phần mình của tất cả mọi người đối với mỗi một người, và do đó, không thể đơn giản là khoán trắng cho Nhà nước".



Đức Thánh Cha nhận xét: “Hoạt động của các bạn được linh hoạt bởi lòng bác ái. Điều này có nghĩa là học biết để nhìn với con mắt của Chúa Kitô và ban tặng cho tha nhân nhiều hơn những gì là cần thiết bề ngoài, và đem lại cho họ những cử chỉ yêu thương mà họ cần,”.



Cụ thể, Đức Thánh Cha đã nói về “việc cho đi thời gian, khả năng, kiến thức, và tính chuyên nghiệp của mình, tóm lại, là chú ý đến những người khác mà không mong được hồi đáp trong thế giới này. Qua đó, con người không chỉ là làm điều thiện cho những người khác, nhưng họ cũng khám phá ra niềm hạnh phúc, theo luận lý của Chúa Kitô Đấng cho đi tất cả những gì thuộc về Ngài” .



Các hiệp hội có mặt trong buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha gồm có Liên đoàn các tổ chức Kitô giáo tình nguyện viên quốc tế (FOCSIV) trong đó tập hợp 65 nhóm tại Italia, Phong trào Giáo Hội Dấn Thân Văn hóa hoạt động trong lĩnh vực văn hóa Ý, và phong trào công nhân Kitô giáo, một tổ chức xã hội thúc đẩy các nguyên tắc Kitô giáo trong văn hóa, đời sống và pháp luật.



6. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho người Công giáo tại Trung Quốc. 



Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 20 tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện cho các nạn nhân của một vụ đánh bom chết người xảy ra bên ngoài một trường học ở miền Bắc nước Ý. Ngài cũng cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi một trận động đất ở phần phía bắc của đất nước.



Cùng với hàng ngàn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi người Công giáo cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc vào ngày thứ Năm 24 tháng 5.



Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:



"Thứ năm ngày 24 tháng 5 là một ngày dành riêng trong lịch phụng vụ để kính nhớ Đức Bà phù hộ các tín hữu. Mẹ được tôn kính với lòng sùng mộ long trọng tại đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn tại Thượng Hải: Chúng ta hãy hiệp ý trong lời cầu nguyện cùng với tất cả các người Công giáo ở Trung Quốc ".



Tháng Năm năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một bức thư cho 12 triệu người Công giáo ở Trung Quốc, nơi người Công giáo bị phân hóa thành hai nhóm. Một là 'Giáo Hội Yêu nước’, do nhà nước Trung quốc khống chế và ‘Giáo Hội Thầm Lặng’ vẫn trung thành với Đức Giáo Hoàng.



Đức Giáo Hoàng cũng nhân dịp này đưa ra lời chia buồn đến các nạn nhân của vụ đánh bom tại một trường học ở Brindisi. Ngài cũng cầu nguyện cho hàng ngàn người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất, gây ra cái chết của bảy người.



Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:



"Hôm nay tôi nhớ đến các trẻ em tại trường Brindisi, nơi ngày hôm qua đã xảy ra vụ tấn công hèn nhát. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị thương nghiêm trọng. Trên tất cả, chúng ta hãy cầu nguyện cho Melissa, là nạn nhân vô tội của bạo lực tàn bạo, và gia đình của bé là những người đang gánh chịu đau khổ. Tôi cũng nhớ đến những anh chị em thân yêu tại Emilia-Romagna, là những người đã bị ảnh hưởng bởi một trận động đất cách đây vài giờ. Tôi gần gũi trong tinh thần với những người đang gánh chịu tai họa này. "



Trong số những người tham dự, có các thành viên của một nhóm ủng hộ sự sống Ý, là những người dấn thân bảo vệ phẩm giá con người và quyền của thai nhi. Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu họ tiếp tục công việc của mình trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống.



7. Vatican đề cập cách thức ngăn chặn nạn buôn người



Việc buôn bán con người là một vấn đề nghiêm trọng có ảnh hưởng đến mọi người khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, để chống lại nó, cần phải tập hợp các chuyên gia quốc tế.



Hội đồng Giáo hoàng về Hòa bình và Công Lý đã làm điều đó, bằng cách mời đại diện Giáo Hội, các vị đại sứ, các tổ chức phi chính phủ, các lực lượng thực thi pháp luật và các nạn nhân để cùng xem xét làm thế nào họ có thể kết hợp các tài nguyên của mình chống lại tai ương này của thế giới.



Ông John G. Iannarelli thuộc cơ quan FBI Hoa Kỳ nói:



"Việc buôn bán con người ảnh hưởng đến mọi người trên thế giới. Không có biên giới. Cùng với các cơ quan thi hành pháp luật, chúng tôi làm việc với các đối tác của mình để đấu tranh chống nạn buôn người. "



Đức Hồng Y Peter Turkson chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình nói:



"Đây là việc cảnh sát cộng tác với Giáo Hội để đối phó với một vấn đề xã hội. Đó là một sự công nhận của cả hai bên rằng họ không thể làm tất cả một mình. "



Trên quy mô toàn cầu, Internet đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho bọn tội phạm buôn bán người. Trong khi vẫn giữ được hành tung của mình, chúng có thể phối hợp việc mua, bán, vận chuyển nạn nhân, và tìm kiếm các nạn nhân mới qua mạng lưới điện toán toàn cầu. Trong một số trường hợp, việc buôn bán được ngụy trang hoàn hảo đến mức đáng kinh ngạc.



Ông John G. Iannarelli cho biết:



"Những tội ác được thực hiện trên internet. Những nạn nhân của chúng được tuyển dụng qua Internet và cả những tên muốn tham gia vào những tội ác này cũng được tuyển dụng qua Internet. Các cơ quan thực thi pháp luật đã làm việc với nhau để trên quy mô toàn cầu, chúng ta có thể tấn công vấn nạn này. "



Việc buôn bán người thường được liên kết với tệ nạn mại dâm, nhưng các chuyên gia nói rằng còn có những lý do khác nữa. Ở một số nước, nhiều người bị buộc làm việc không có lương cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như trong thị trường đánh cá ở các vùng nước sâu nguy hiểm. Lý do là vì thường không dễ dàng để tuyển dụng hợp pháp những công nhân trong các công việc nguy hiểm như thế. Khi nói đến mại dâm, các sự kiện lớn như Cúp Bóng Đá thế giới thường đặt ra những thách đố.



Ông John G. Iannarelli cho biết: 



"Buôn người đang xảy ra mỗi ngày trên toàn thế giới. Nhưng trong những biến cố đặc biệt, ta có thể thấy một làn sóng của những nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Nhưng khi những biến cố đó đã qua đi, những người này vẫn tiếp tục là nạn nhân của các lạm dụng khác.”



Bằng cách kết hợp các tài nguyên trên quy mô toàn cầu, các chuyên gia hy vọng họ có thể làm việc cùng nhau để đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý trong khi giúp đỡ các nạn nhân đòi lại cuộc sống của họ.



8. Đức Hồng Y Raymond Burke viết cuốn sách về bí tích Thánh Thể: "Tình yêu Thiên Chúa hoá thân làm người '



Thánh Thể là trung tâm của đạo Công giáo. Mỗi ngày, hàng triệu người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đón nhận Bí Tích Thánh Thể trong các Thánh Lễ. Đức Hồng y Raymond Burke, người Mỹ, hiện là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao đã đưa ra một số nhận xét độc đáo trong cuốn sách mới của ngài có nhan đề "Tình yêu Thiên Chúa hoá thân làm người” 



Ngài nói: 



"Tôi nhận ra một cuộc khủng hoảng về Thánh Thể trong đức tin và thực hành."



Vì vậy, để khích lệ độc giả củng cố đức tin của họ, ngài quyết định viết một cuốn sách bao gồm suy tư về mối liên hệ giữa Thánh Thể và các Bí tích và con đường tu đức nói chung. Đức Hồng Y cho biết ngài cũng lấy cảm hứng từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Gioan Phaolô II.



"Đức Gioan Phaolô II đã công bố một năm Thánh Thể. Ngài đã viết thông điệp cuối cùng của mình về Thánh Thể. Ngài cũng kêu gọi một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã chủ toạ thay cho ngài. "



Đức Hồng Y Burke, là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, giám sát khoảng 1.000 tòa án khắp nơi trên thế giới. Trong số những trách nhiệm khác, Tòa Ân Giải Tối Cao có nhiệm vụ bảo đảm rằng ở cấp địa phương các thẩm phán đầu tiên là các giám mục và các toà án này thực thi đúng giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội.



Đức Hồng y Raymond Burke giải thích thêm:



"Phần lớn các trường hợp được xét xử bởi tòa án Giáo Hội là các trường hợp tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Vì vậy, điều cấp bách là các phán quyết được các toà án đưa ra phải chính xác và công minh bởi vì các tòa án này đụng chạm đến căn cơ của đời sống Giáo Hội là hôn nhân và gia đình. "



Tòa Ân Giải Tối Cao cũng đưa ra các phán quyết về các vấn đề hành chính, như đóng cửa các giáo xứ, hoặc treo chén các linh mục. 



Đức Hồng y Raymond Burke nói thêm:



"Nếu không phải vì Thánh Thể, vì sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, tôi không biết làm sao có thể thực hiện trách nhiệm được trao cho tôi."



Đức Hồng Y Burke nói rằng ngài hy vọng cuốn sách của ngài sẽ là một cách để kích hoạt các nỗ lực Tân Phúc Âm Hóa. Cuốn sách sẽ được xuất bản tại Mỹ vào cuối tháng Năm. Cuối cùng, nhà xuất bản Vatican sẽ dịch ra tiếng Ý.



9. Ngày Thế giới Truyền thông



Ngày 20 tháng Năm, Giáo hội Công giáo kỷ niệm Ngày Thế giới Truyền thông. Năm nay, chủ đề do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chọn là "Im lặng và Lời Chúa: Con đường Truyền Giáo."



Ngày Thế giới Truyền thông là một cách để các thành phần trong Giáo Hội nhận ra khả năng của mạng lưới toàn cầu như một phương tiện để truyền giáo.



Cha Juan ANTONIO Martinez sinh viên đang theo học môn Truyền Thông đại chúng tại Vatican nhận định:



"Điều cơ bản đằng sau tất cả những điều này là vấn đề con người. Nếu có những người thực sự cảm thấy có trách nhiệm để truyền bá Tin Mừng qua mạng lưới toàn cầu, thì Internet có thể biến thành một cơ hội thực sự để truyền giáo. Internet là một cách tuyệt vời để thực hiện điều này, nhưng mục tiêu cuối cùng là Chúa Kitô. "



Hàng trăm linh mục và giáo dân đã chọn mạng lưới toàn cầu để nói về Thiên Chúa. Hiện có hàng ngàn các blog và các trang web tập trung vào đức tin và tôn giáo. Cha Antonio Montero đã quản lý một trang web trong nhiều năm qua, để xuất bản những câu chuyện liên quan đến giáo phận của ngài ở Tây Ban Nha.



Ngài nói:



"Giáo Hội có thông điệp lớn nhất và tốt nhất để truyền thông, và Giáo Hội đã làm như vậy từ 2000 năm qua. Giáo Hội loan truyền thông điệp đó trong một cách thế trung thành với Tin Mừng. Ta phải mở rộng cửa cho công nghệ mới và các phương tiện truyền thông mới để Tin Mừng có thể đến được với nhiều người hơn một cách hiệu quả. "



Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói rằng kết hợp giữa sự im lặng và Lời Chúa là rất cần thiết, vì những nhà báo trước hết phải thật sự lắng nghe và tiếp nhận thông tin trước khi thông truyền cho những người khác.



10. Mùa xuân Ả Rập có thể học hỏi từ lịch sử của Giáo Hội Công Giáo và dân chủ



Lịch sử lâu dài của Giáo Hội cho thấy Giáo Hội luôn cổ vũ cho dân chủ. David Forte là một sử gia và là giáo sư luật, ông nói sự hỗ trợ của Giáo Hội cho các nền dân chủ đã giúp tạo ra nhiều đảng phái chính trị hiện đại của Châu Âu.



Giáo sư David Forte của Cleveland State University đã gặp gỡ với các thành viên của Viện Acton của Rome, là một viện nghiên cứu về việc thúc đẩy các quyền tự do cá nhân cùng với các nguyên tắc tôn giáo.



Các thành viên của Viện Acton nói rằng sự hỗ trợ của Giáo Hội cho các nền dân chủ có thể được xem như là một ví dụ cụ thể cho các quốc gia đang chuyển từ chế độ chuyên quyền sang một chính phủ dân cử. Tại Ai Cập, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo đang thắng thế sau những cuộc bầu cử gần đây. Điều này có thể gây ra những mối quan hệ căng thẳng với nước láng giềng Israel.



Giáo sư David Forte nhận xét:



"Như tôi được biết, tất cả các ứng cử viên tổng thống đều được sự ủng hộ của Hamas là nhóm bài Israel dữ dội trong quá khứ. Thành ra, với sự phát triển mạnh của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, nền hòa bình với Israel trông rất mong manh "



Ai Cập cũng có một số lượng lớn các Kitô hữu Coptic, chiếm khoảng 9% trong tổng số 80 triệu dân Ai Cập. Việc bảo vệ tự do tôn giáo và duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng là hai điều mà Giáo sư Forte và các nhà quan sát khác kỳ vọng nơi các nền dân chủ mới nổi lên gần đây.



11. Đại học Rôma thêm khóa học về Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục



Đại học là môi trường tốt nhất cho học tập. Với suy nghĩ này, một trường Công Giáo ở Rôma, vừa đưa thêm một chương trình mới vào danh sách các môn học.



Bắt đầu vào tháng Mười, Đại Học Libera Maria, sẽ đưa vào chương trình một môn học trong đó tập trung vào những giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.



Đức Hồng Y Giovanni Battista Re /Giô-van-ni ba-tis-ta rê/ nói:



"Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục quan tâm đến việc đào tạo giáo dân. Tất nhiên, không chỉ là sự hình thành lương tâm, sự hình thành về mặt tôn giáo của con người, nhưng cả các trách nhiệm dân sự nữa."



Giáo sư Guiseppe Dalla Torre nói:



"Trên tất cả mọi thứ, chúng ta nghĩ đến những nhà nghiên cứu trẻ không chỉ ở Ý mà còn cấp các quốc gia và quốc tế. Có rất nhiều sinh viên nghiên cứu lịch sử Kitô giáo và đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo. "



Triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục kéo dài từ 1964 đến 1978. Có rất nhiều đã xảy ra trong thời gian này từ Công đồng Vatican II đến chiến tranh tại Việt Nam. Những diễn giả này nói rằng Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã có thể cân bằng giữa truyền thống với thời hiện đại.



Mặc dù chương trình giảng dạy chưa được chính thức nêu ra, nhà trường đã lên kế hoạch giảng dạy ở nước ngoài. Tháng Tám tới đây trường đại học Công giáo tại Nairobi ở châu Phi sẽ tổ chức một chương trình hai ngày về giáo huấn của Đức Phaolô VI do Đại Học Libera Maria đảm trách.



12. Đức Giáo Hoàng đề cập đến vấn đề nhập cư và các nữ tu với các giám mục Hoa Kỳ



Đức Thánh Cha đã có cuộc tiếp kiến với các giám mục đại diện cho Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương tại Hoa Kỳ hôm 18 tháng Năm. Cuộc họp này đánh dấu chuyến thăm Ad Limina của các vị.



Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tầm vóc vấn đề nhập cư ở Mỹ.



Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:



"Tôi muốn bắt đầu bằng việc ca ngợi những nỗ lực không mệt mỏi của các hiền huynh, trong các truyền thống tốt nhất của Giáo Hội ở Mỹ, để đối phó với hiện tượng người nhập cư vẫn đang diễn ra ở đất nước anh em."



Một báo cáo của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ vừa cho thấy ngày nay số trẻ em sơ sinh da mầu tại Mỹ đã vượt qua số trẻ em sơ sinh da trắng.



Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã ca ngợi các nỗ lực của anh chị em Công Giáo nghi lễ Đông Phương hướng đến tới việc hiệp nhất người Công giáo tại Hoa Kỳ.



Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ghi nhận:



"Trong suốt cuộc họp của chúng ta, các hiền huynh đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo tồn, bồi dưỡng và thúc đẩy hồng ân hiệp nhất Công giáo như là một điều kiện cần thiết cho việc thực hiện sứ mệnh của Giáo Hội tại Hoa Kỳ."



Đức Thánh Cha cũng bày tỏ "lòng biết ơn sâu sắc", đối với các nữ tu tại Hoa Kỳ và cầu nguyện cho "phúc lợi xã hội". 



13. Đức Giáo Hoàng tiếp tân đại sứ Pháp Bruno Joubert



Hôm 18 Tháng 5, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp ông Bruno Joubert, tân đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh đến trình quốc thư.



Cùng đi với ông có gia đình và đại diện của Đại sứ quán Pháp.



Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã trao tặng cho ông tân đại sứ và đoàn đại biểu Pháp những huy chương triều đại giáo hoàng của ngài cũng như một số tràng hạt đặc biệt mang con dấu của Vatican.



Vị Tân Đại sứ đã có một thời gian dài phục vụ trong ngoại giao đoàn. Trước khi được bổ nhiệm tại Vatican, ông đã là đại sứ tại Ma-rốc. Vị Tân Đại sứ nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Pháp.



14. Làn sóng rò rỉ nghiêm trọng các tài liệu mật của Vatican



Việc rò rỉ các tài liệu mật của Vatican vẫn đang tiếp tục diễn ra với hàng chục các thư từ và các báo cáo mật gởi cho Đức Giáo Hoàng vừa xuất hiện trong một cuốn sách được phát hành tại Ý. Nội dung các tài liệu này không có gì đặc biệt nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng là vì các tài liệu này là những tài liệu mới nhất, và đến từ phủ Quốc Vụ Khanh.



Các tài liệu đề cập đến những tin tức đã được công bố rộng rãi về cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, các lời khai của các vị nguyên là thư ký của cha Marcial Maciel người sáng lập hội Đạo Binh Chúa Kitô, sự bất bình của thủ tướng Đức Angela Merkel khi Đức Thánh Cha tha vạ tuyệt thông cho một Giám Mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô 10, các tài liệu liên quan đến tài khoản ngân hàng của Đức Giáo Hoàng, chi tiết về một cuộc họp với Tổng thống Ý, cũng như thoả thuận ngưng bắn với nhóm khủng bố ETA tại Tây Ban Nha.



Những tài liệu mới sẽ cung cấp cho đầu mối cho Đức Hồng Y Julian Herranz và ủy ban do ngài lãnh đạo hiện đang điều tra về nguồn gốc gây ra việc rò rỉ các tài liệu mật của Vatican.



Phủ Quốc Vụ Khanh cũng đang tiến hành một cuộc điều tra riêng của mình.



Bình luận về việc công bố trên sách báo các tài liệu mật của Vatican, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi nói rằng việc công bố các tài liệu của Tòa Thánh và các tài liệu riêng tư của Đức Thánh Cha không thể được coi là một vấn đề thuộc nghiệp vụ báo chí, nhưng là một hành vi phạm tội vì vi phạm quyền tư ẩn và tự do thư tín của Đức Thánh Cha và các quan chức Tòa Thánh.



15. Cộng đồng Shalom cảm ơn Đức Thánh Cha đã phê duyệt quy chế



Hôm 17 tháng 5, Tòa Thánh đã phê duyệt quy chế của Cộng đồng Shalom, sau 30 năm tổ chức này được hình thành. Với lòng biết ơn, 1.500 thành viên của phong trào Công giáo này đã đến Rôma để cảm ơn Đức Giáo Hoàng.



Đức Thánh Cha nói với anh chị em thuộc cộng đoàn Shalom:



"Anh chị em thân mến, anh chị em đang mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Cảm ơn sự hiện diện của anh chị em. Cầu xin cho việc công nhận và phê duyệt quy chế của anh chị em có thể khuyến khích anh chị em tiếp tục làm chứng cho Tin Mừng. Tôi có thể nhìn thấy sự nhiệt tình của anh chị em đang hiện diện nơi đây. "



Cộng đồng Shalom đã được hình thành tại Brazil vào năm 1982, gồm sinh viên các trường đại học, những người muốn đề cập đến Thiên Chúa với những bạn bè chung quanh, nhưng thấy rằng thật là khó khăn để mang họ đến nhà thờ. Sau đó, họ quyết định mở một quán cà phê nơi mọi người có thể tụ tập và trao đổi ý kiến.



Ba mươi năm sau, họ xuất hiện đông đảo nơi các nhà thờ, và hiện diện sống động trong nền văn hóa, trong các phương tiện truyền thông, trong các công việc bác ái như xây các viện mồ côi và giúp đõ thanh thiếu niên gặp khó khăn. Giáo Hội công nhận công việc của họ với sự phê chuẩn quy chế của cộng đoàn Shalom.



Maria Emmir Oquendo Nogueira người sáng lập cộng đoàn Shalom cho biết:



"Đó là một dấu hiệu cho thấy Giáo Hội chấp thuận và công nhận Shalom như công việc của Thiên Chúa. Nó là một nguồn cảm hứng từ Thiên Chúa và cũng là một con đường nên thánh. Vì vậy, nói cách khác, Giáo Hội cho chúng ta biết: bạn có thể đi đến bất kỳ quốc gia nào, Giáo Hội sai bạn đi, lối sống của bạn là một cách để nên thánh thiện ".



Cộng đoàn Shalom hiện đã có hơn 5.000 thành viên và hơn 30.000 cảm tình viên tham gia vào các hoạt động của cộng đoàn. Họ cũng có những nhà truyền giáo rời khỏi quê hương để giúp các Giáo Hội ở các nước khác. Bây giờ họ hiện diện tại 17 quốc gia.



16. Tiêu chuẩn xác định các cuộc hiện ra



Khi nói đến các cuộc hiện ra, làm cách nào Giáo Hội có thể xác định đó là những sự kiện chân thật? Quá trình này khá phức tạp, vì vậy giờ đây, trang web của Vatican đã liệt kê các chuẩn mực cần thiết cho sự hiểu biết các cuộc hiện ra và các mạc khải.



Các chuẩn mực này thực ra đã được công bố trong một tài liệu phát hành năm 1978 trong đó đưa ra các phương thức để chứng minh nếu cuộc hiện ra là thật sự, hay không. Tài liệu này gồm cả các điểm tích cực và tiêu cực.



Trong số những chuẩn mực tích cực có sự trung thực của người cho rằng đã thấy sự xuất hiện. Ngoài ra, còn có việc người ấy sống một cuộc sống ngay thẳng, tỉnh táo về tinh thần và các cuộc hiện ra đã đem lại những ơn ích thiêng liêng cho họ.



Trong số những chuẩn mực tiêu cực, tài liệu lưu ý đặc biệt đến những sai lầm tín lý do người cho rằng đã thấy sự xuất hiện đề ra, việc lạm dụng những cuộc hiện ra này để kiếm lợi nhuận, và những hành vi vô đạo đức của người đó và những người đi a dua theo.


VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét