Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Lòng can đảm và từ bi của một Phật tử cựu tù nhân lương tâm




LTCGVN (22.05.2012) - Sài Gòn - Trong thời gian đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do tôn giáo, tôi có quen một số cựu tù nhân lương tâm.
Hôm nay, một cựu tù nhân lương tâm, sống theo lòng từ bi của đạo Phật mà tôi miễn nói tên, để tránh nguy hiểm cho người bạn Phật tử ấy, đã viết cho tôi một lá thư sau đây để nói lên quyết tâm đấu tranh cho một nước tự do dân chủ và nói lên lòng từ bi của mình đối với những người đày đọa mình. Lá thư được viết như sau:
“Thấm thoát đã hai năm, kể từ ngày tôi rời nhà tù… Ba năm sáu tháng tù giam, rồi hai năm tiếp theo với án quản chế, biết rằng ra tù về nhà khó khăn sẽ còn tiếp tục bủa vây, thậm chí còn nhiều tình huống phải đối phó hơn khi còn ở trong bốn bức tường nhà giam. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Với chính kiến và lý tưởng không thay đổi cũng đồng thời là không phải chấp nhận sự giám sát khắc nghiệt của nhà cầm quyền, không phải là lúc nào tinh thần cũng tỉnh táo và vững vàng. Tuy nhiên, niềm an ủi lớn nhất đối với tôi, đó chính là sự động viên của gia đình, các bậc trưởng thượng và anh em chiến hữu. Khi tôi không thể rời khỏi nhà vì qui định quản chế thì mọi người đã đến thăm tôi. Tôi xin được cảm ơn đến tất cả quí niên trưởng và thân hữu đã luôn bên cạnh tôi, ủng hộ tôi, từ khi tôi còn đang trong nhà tù hay khi đã ra ngoài.
Công cuộc đấu tranh cho một nền chính trị dân chủ thật sự và một xã hội tôn trọng các quyền căn bản của con người tại Việt Nam còn nhiều cam go. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực của mình. Sẽ còn nhiều và nhiều người hơn nữa bị bắt bớ, giam cầm hay bị sách nhiễu, gây khó khăn cho các nhà bất đồng chính kiến, blogger, nhà tranh đấu… và đó là cái giá phải chấp nhận cho một Việt Nam không còn chế độ độc tài toàn trị. Tôi vẫn tin tưởng rằng không một thế lực nào ngăn cản được sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh trong và ngoài nước, mặc dù không được thừa nhận chính thức, nhưng một xã hội dân sự tại Việt Nam đang được hình thành và ngày càng có nhiều hình thái xã hội dân sự ra đời để phản kháng lại sự độc tài toàn trị. Những thành quả đạt được không làm cho chúng ta tự mãn, còn phải cố gắng làm việc nhiều hơn nữa, còn phải lên tiếng nhiều hơn nữa thay cho người dân. Đó là trách nhiệm thời đại mà chúng ta đã tự nguyện gánh vác cho đất nước và cho dân tộc.
Có người bạn hỏi tôi rằng: tôi có thù ghét những người tối ngày bám theo tôi, kiếm chuyện với tôi? Tôi đã trả lời: tôi không có một ác cảm nào đối với những người vẫn là đồng bào của tôi, dù cho có đồng hay khác quan điểm, ngay như cả những người ra lệnh bắt tôi, thì tôi cũng không có thái độ thù ghét, thì tại sao tôi có thể thù ghét những người chỉ là “sai đâu đánh đó”? Tôi không hận thù ai, công việc của tôi là làm việc vận động, thuyết phục, cho những gì mà mình tin là giá trị cần phải đạt được. Tôi thật sự không có hận thù, nên trong lòng tôi rất thanh thản trước tất cả những gì được gọi là nguy hiểm.
Sau ngày…, cuộc sống của tôi không chắc là bình thường. Vì trong thực tế, nhiều nhà tranh đấu đã bị giám sát, sách nhiễu… còn gắt gao hơn sau khi án quản chế chấm dứt. Tuy nhiên, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần đón nhận tất cả. Chúng ta xin nguyện cùng tranh đấu bên nhau cho công cuộc phát triển đất nước. Xin được gửi lòng yêu thương đến tất cả mọi người. Kính chúc quí niên trưởng và thân hữu của tôi nhiều sức khỏe”.
Đó là thư của một Phật tử yêu nước, rất sáng suốt, rất can đảm và đầy lòng từ bi. Đây là gương sáng cho mọi người Việt Nam noi theo trên con đường đấu tranh cho đất nước và dân tộc – can đảm và tha thứ.
Lm. Chân Tín DCCT
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét