Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Việc đọc kinh Mai Khôi trong Giáo Hội

LTCGVN (19.10.2013)

VIỆC ĐỌC KINH MAI KHÔI TRONG GIÁO HỘI

            Giáo Hội Công Giáo dành tháng 10 trong năm là tháng Mai Khôi, chính thức khai mạc bằng Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mai Khôi vào ngày 7 tháng 10. Theo cách hiểu phổ thông bình dân, sở dĩ như vậy là vì, trong tháng này, Giáo Hội khuyến khích các tín hữu tập trung cầu nguyện bằng cách lần chuỗi Mai Khôi để xin Đức Maria cầu bầu cho thế giới biết sám hối, cho cõi trần này tránh khỏi tai họa do hệ quả tội lỗi của loài người.
            Các tôn giáo lớn, từ Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo đều dùng chuỗi tràng hạt cho các tín đồ ghi nhớ số lượng các kinh kệ khi tụng niệm cầu nguyện. Chữ Hán gọi đó là “niệm châu”. Nhà Phật có người gọi là “Phật châu” hay “Chuỗi Bồ Đề”.
Cách đây trên 2.000 năm, Đức Thích Ca Mâu Ni thiền định dưới gốc cây Bồ Đề suốt 49 ngày để đắc quả. Chữ “Bồ Đề” có gốc chữ Phạn là “Bodhi”, nghĩa là “tìm thấy chân lý” là “chính giác”. Chuỗi Bồ Đề là một tràng hạt kết xâu 108 trái Bồ Đề tròn nhỏ dùng để cầm tay lần từng hạt liên tục khi tụng niệm.
Do vậy, có thể nói là người Việt Nam xưa đã biết được công dụng của chuỗi hạt trong phụng tự tôn giáo cổ truyền Đông Phương trước khi được tiếp xúc với những nhà truyền giáo Tây Phương đầu tiên trong thế kỷ thứ 16. Riêng với người Công Giáo, Chuỗi Mai Khôi trải qua 6 giai đoạn hình thành dần dần trong suốt giòng lịch sử Giáo Hội:
1. Giai đoạn thứ nhất:
Trong khoảng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 8, Thánh Jean Chrisostome, trong các bài giảng thuyết, có đề cập đến chi tiết: các vị ẩn tu Công Giáo tiên khởi ở vùng hạ Ai Cập đã dùng những hạt cây hay những viên sỏi nhỏ để đếm số kinh muốn đọc. Buổi sáng, khi thức dậy sớm, mỗi người tự quyết định sẽ đọc bao nhiêu Kinh Lạy Cha,nhặt số hạt tương ứng đem bỏ vào một chiếc lọ hoặc trong túi áo dòng. Hễ cứ đọc được kinh nào thì lại lấy đi một hạt.
2. Giai đoan thứ nhì:
Đến thời Trung Cổ, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 11, tại các Tu Viện Âu Châu, đặc biệt ở Ái Nhĩ Lan, đa số các Tu Sĩ đều không biết rành tiếng Latinh, nên khi dự Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thay vì đọc 150 Thánh Vịnh bằng tiếng Latinh thì lại đọc 150 Kinh Lạy Cha. Họ xâu các hạt gỗ tròn và nhỏ thành chuỗi 150 để không bị bỏ sót kinh nào. Đó là Tràng Hạt Kinh Lạy Cha, tiền thân của chuỗi Mai Khôi. Chính Thánh Bernard đã cho dùng Tràng Hạt Kinh Lạy Cha trong Tu Viện Clairvaux do ngài thành lập năm 1115.

3. Giai đoạn thứ ba:
Đến thế kỷ thứ 12, người Giáo Dân bắt đầu bắt chước các Tu Sĩ trong việc lần chuỗi. Họ đọc 150 Kinh Kính Mừng với tràng hạt bằng vỏ ốc hoặc bằng đá quý, gọi là các“Thánh Vịnh Đức Mẹ” hay “Thánh Vịnh Kinh Kính Mừng”. Tài liệu cổ ghi nhận: Tu Sĩ Pierre L’Ermite đã dùng tên gọi này và phổ biến trong Đạo Binh Thánh Giá. Còn vua Louis IV thì đặc biệt sùng kính việc lần chuỗi, cứ đọc Ave Maria là lại cúi đầu.
4. Giai đoạn thứ tư:
Đến thế kỷ thứ 13, Thánh Đa Minh được Thiên Chúa sai đi giảng cho bè rối Albigeois mau trở lại. Vào một ngày trong năm 1213, tại thành Toulouse nước Pháp, Đức Mẹ hiện ra chỉ dẫn cho Thánh nhân 2 phương thế, đó là: giảng thuyết và cầu nguyện bằng chuỗi 150 Kinh Kính Mừng. Trước khi đọc Kinh thì suy niệm các biến cố chính yếu trong đời Đức Giêsu.
5. Giai đoạn thứ năm:
Đến thế kỷ thứ 15, thầy Alain de Roche thuộc Dòng Đa Minh, một Dòng chuyên về giảng thuyết ( Ordre des Prêcheurs ), đã có công chia Chuỗi Mai Khôi thành 15 chục, cứ đọc 1 Kinh Lạy Cha lại đọc 10 Kinh Kính Mừng sau khi suy niệm 1 biến cố trong đời Đức Giêsu. Từ đó, Dòng Đa Minh chuyên lo việc phổ biến việc lần Chuỗi Mai Khôi thông qua Hội Mai Khôi.
6. Giai đoạn thứ sáu:
Đến thế kỷ thứ 16, Đức Giáo Hoàng Piô V, vốn là Tu Sĩ Dòng Đa Minh, đã ra sắc lệnh về Kinh Mai Khôi năm 1569, trong đó có quy định chia làm 3 phần đặt tên là Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng, với 1 Kinh Lạy Cha mở đầu và 1 Kinh Lạy Cha kết thúc mỗi phần, không kể các Kinh Lạy Cha nằm giữa mỗi chục Kinh Kính Mừng. Từ đó đến nay, cách đọc này vẫn là cách đọc chính thức của Giáo Hội.
Gần đây nhất, trong thập niên 70, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đề nghị đọc “Kinh Mai Khôi Sống” gồm 3 bước: Đọc Kinh – Suy Niệm – Sống Đạo”. Ngài kêu gọi các tín hữu lập thành từng Nhóm 5 người, mỗi người chỉ đọc 10 kinh nhưng vẫn hưởng ân huệ như đọc đủ một chuỗi 50 kinh. Trong thực tế, Giáo Hội đưa ra 2 cách đọc:
  • Cứ đọc kinh nào thì suy niệm ngay với kinh đó;
  • Khi lần chuỗi thì suy niệm về một mầu nhiệm trong đạo thích hợp với đời sống hằng ngày.
Chuỗi Mai Khôi là một xâu chuỗi bình thường gồm 59 hạt hoặc 60 hạt tượng trưng cho 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh mở đầu, kế đó là 50 Kinh Kính Mừng để suy gẫm lần lượt 15 Mầu Nhiệm Sự Vui, Sự Thương, Sự Mừng, xen kẽ với 5 Kinh Lạy Cha. Chuỗi của các Tu Sĩ Dòng nhiều gấp ba, với 150 Kinh Kính Mừng tương ứng với 150 Thánh Vịnh Cựu Ước. Người Việt Nam, khi cùng nhau lần chuỗi, còn có thói quen thêm vào đó 5 Kinh “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con...” Cuối cùng sẽ là một Kinh Lạy Nữ Vương và có thể thêm một bài Thánh Ca hướng về Mẹ.
Tựu trung, khi lần chuỗi, người Công Giáo lần lượt suy niệm về các biến cố liên quan đến Đức Giêsu diễn ra trong cuộc đời Đức Mẹ Maria, từ đó ngợi khen chúc mừng Mẹ và khẩn nài xin Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa cho được những ơn cần thiết trong đời Kitô hữu.

Lm. PHẠM VĂN PHƯỢNG, OP.
Theo EPHATA số 582

0 nhận xét:

Đăng nhận xét