LTCGVN (02.10.2013)
TỪ “TÔI TỚ CHÚA” ĐẾN “ĐẤNG ĐÁNG KÍNH”: ĐHY NGUYỄN VĂN THUẬN
Trong Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ, đặc biệt từ năm 1983, tiến trình phong thánh cho một tín hữu phải trải qua nhiều giai đoạn và trong mỗi giai đoạn có một danh xưng khác nhau:
1. Tôi Tớ Chúa (Servant of God)
2. Đấng Đáng Kính (Venerable)
3. Chân Phước, trước đây còn được gọi là Á Thánh (Blessed)
4. Thánh (Saint)
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện có bốn vị đang thuộc một trong các giai đoạn kể trên:
1. Chân Phước Andrê Phú Yên, Thày Giảng thuộc Dòng Tên (Jesuit Catechist), vị Tử Đạo đầu tiên ở Việt Nam (Protomartyr of VN), 1624-1644.
2. Tôi Tớ Chúa Phanxicô Trương Bửu Diệp, Linh Mục, Địa Phận Cần Thơ, 1897-1946.
4. Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y, 1928-2002.
Chân Phước Andrê Phú Yên đã được kể là Vị Tử Đạo (Martyr) nên tiến trình phong thánh của ngài khác với ĐHY Thuận và Thày Marcel Văn, hai vị này được gọi là các “Đấng Tuyên Xưng Đức Tin” (Confessors). Riêng Cha Bửu Diệp đang được thỉnh cầu để cũng được Tòa Thánh chấp nhận là Vị Tử Đạo.
Mặc dù qua đời sau, nhưng tiến trình phong thánh của ĐHY Nguyễn Văn Thuận đã đạt kết quả sớm hơn Cha Diệp và Thày Văn. Giai đoạn điều tra cấp địa phận ở Roma (Diocesan Inquiry) của ngài đã kết thúc ngày 5 tháng 7, 2013. Từ đây, vị Cáo Thỉnh Viên (Postulator), ông Hilgeman Waldery, sẽ tổng hợp tất cả các hồ sơ về ĐHY Thuận trong một “tập luận án” (Positio) để trình lên Bộ Phong Thánh (Congregation for the Causes of Saints). Sau những nghiên cứu thêm và nhiều cuộc hội họp của một ủy ban gồm các Hồng Y và Giám Mục trong Bộ Phong Thánh, nếu mọi sự xuôi thuận, ủy ban này sẽ đệ trình lên Đức Giáo Hoàng để phong danh xưng Đấng Đáng Kính cho ngài. Từ thời điểm này, tiến trình phong Chân Phước cho ĐHY Thuận sẽ bao gồm một phép lạ, được Bộ Phong Thánh điều tra kỹ lưỡng và Tòa Thánh chấp nhận phép lạ đó là có thật, do Đấng Đáng Kính Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bầu cử. Kế đó, Đức Giáo Hoàng sẽ ban sắc chỉ (decree) tôn phong ngài là Chân Phước. Nghi thức phong Chân Phước sẽ được cử hành cách trọng thể tại Đền Thánh Phêrô (Saint Peter Basilica) ở Roma. Một phép lạ thứ hai sẽ “nâng” ngài lên bậc Hiển Thánh.
LỊCH SỬ CÁC VỤ ÁN PHONG THÁNH
a. Các Đấng Tử Đạo (Martyrs)
Một điều hiển nhiên là Giáo Hội Công Giáo không tạo ra các “chúa” mới trong việc phong thánh. Giáo Hội chỉ đơn thuần ghi nhận những tín hữu đã có một đời sống đức tin sâu thẳm và những nhân đức anh hùng. Những vị ngày, theo GHCG, chỉ đơn thuần là những bạn hữu và tôi tớ của Chúa, xứng đáng được Ngài yêu thương cách đặc biệt vì cuộc sống đức tin ở trần gian của họ.
Các tín hữu Công Giáo thờ phượng (latia) Chúa và chỉ một Chúa duy nhất mà thôi, nhưng vẫn kính mến (dulia) các thánh vì những ân thiêng mà họ được Chúa ban đã đưa họ tới cuộc sống đời đời mà qua đó họ cùng trị vì với Chúa trên nước Trời như những tôi tớ trung thành và thân hữu của Ngài. Sự kính mến cao nhất (hyperdulia) được dành cho Đức Mẹ Maria.
Dĩ nhiên, Giáo Hội Công Giáo tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tim. 2:5-6), nhưng Ngài không chỉ là Đấng Trung Gian (Mediator) duy nhất, cũng không phải là Đấng Bầu Cử (Intercessor) duy nhất. Ở Công Đồng Chalcedon, năm 451, các nghị phụ đã tung hô: “Flavianus sống sau khi chết, xin Đấng Tử Đạo cầu cho chúng tôi!” Thực ra việc tôn kính Đấng Tử Đạo đã được ghi nhận từ thời thánh Polycarp, tử đạo năm 155, trong Giáo Hội ở Smyrna. Tuy nhiên vào thuở ấy, các việc tôn kính này vẫn còn trong vòng cục bộ, đồng thời GHCG không “tự động” ban phép tôn kính trong phụng vụ cho tất cả các Đấng Tử Đạo. Các Đức Giám Mục địa phương, sau khi điều tra cẩn thận, được quyền ban phép tôn kính những Đấng đã chịu tử đạo trong giáo phận của các ngài. Việc tôn kính (cultus) này đôi khi còn lan đến các giáo phận lân cận hay cả Giáo Hội hoàn vũ nữa như trường hợp của các thánh Lawrence, Cyprian of Carthage, Giáo Hoàng Sixtus of Rome.
b. Các Đấng Tuyên Xưng Đức Tin (Confessors)
Việc tôn kính các Đấng Tuyên Xưng Đức Tin đã bắt đầu sau sự tôn kính các Đấng Tử Đạo. Ngày nay, các thánh được gọi là “Đấng Tuyên Xưng Đức Tin” đơn giản chỉ vì các ngài đã không Tử Đạo. Nhưng từ thuở đầu, danh xưng này chỉ được dùng để tuyên dương những vị đã can đảm và anh dũng tuyên xưng đức tin trước sự bách đạo từ những kẻ thù của Giáo Hội, các ngài đã bị tra tấn hành hạ dã man nhưng không chết vì đạo Chúa. Đến khoảng thế kỷ thứ IV, việc tôn kính các Đấng Tuyên Xưng Đức Tin đã trở nên khá thông dụng, thánh Cyprian đã ca tụng rằng các ngài được ân thưởng dồi dào (multiplex corona), tuy nhiên mãi đến thế kỷ thứ VIII việc chính thức tôn kính các ngài trong phụng vụ của Giáo Hội mới được ghi nhận.
Qua nhiều thế kỷ, các Đức Giám Mục bản quyền có thể cho phép tôn kính các thánh, thuộc cả hai hình thái, một cách chính thức và công khai trong giáo phận của mình, nhưng chỉ Đức Giáo Hoàng mới có quyền cho phép tôn kính cách rộng rãi trong toàn Giáo Hội. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ XI, việc tôn kính các thánh phải được các nghị phụ của một Công Đồng Chung (General Council) chấp thuận, sau khi đã điều tra kỹ lưỡng. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Urban, năm 1634, đã ra tông thư (Bull, Apostolic Letter) quyết định rằng chỉ Tòa Thánh (the Holy See) mới có quyền tuyên phong Chân Phước (Beatification) và Hiển Thánh (Canonization).
c. Tiến trình phong thánh cho một vị Tử Đạo
Để phong thánh một vị Tử Đạo, Giáo Hội vẫn giữ hai giai đoạn đầu như tiến trình phong thánh cho một vị Tuyên Xưng Đức Tin, đi từ danh xưng Tôi Tớ Chúa đến Đấng Đáng Kính và từ cấp địa phận đến cấp tòa thánh. Để được tôn vinh là Đấng Đáng Kính, vị Tử Đạo phải được một ủy ban đặc biệt (particularis), gồm nhiều Hồng Y và Giám Mục từ Bộ Phong Thánh cũng như do chính Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm, cùng khẳng định là xác thực, sau khi đã điều tra về ba phương diện: bằng chứng của cuộc tử đạo, nguyên nhân của việc tử đạo và các phép lạ (Constare de Martyrio, causa Martyrii et signis). Tuy nhiên, ở hai cấp Chân Phước và Hiển Thánh, tiến trình này có thể diễn tiến rất nhanh vì Đức Giáo Hoàng có quyền “miễn” các phép lạ cho vị Tử Đạo.
d. Tông Hiến “Divinus Perfectionis Magister”
Như đã nói ở trên, ngày 25 tháng 1 năm 1983, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (sẽ được tôn phong hiển thánh ngày 27 tháng 4, 1014) đã công bố tông hiến (apostolic constitution) “Divinus Perfectionis Magister” bản tiếng Anh được dịch là “Divine Teacher and Model of Perfection” (Thày Dạy Thánh và Gương Mẫu của Sự Trọn Hảo). Vài tuần sau, Bộ Phong Thánh cũng công bố những qui luật để hướng dẫn các địa phận về tác vụ thánh thiêng này. Thực ra, đây là một cải tổ đã được bắt đầu từ thời ĐGH Phaolô VI mà điểm đặc biệt nhất là việc hủy bỏ văn phòng “Cổ Động Đức Tin” (Promotor fidei) hay thường được gọi là văn phòng “Biện Hộ Cho Quỷ” (Devil’s Advocate), chuyên tìm những lý do để ngăn cản hay từ chối tiến trình phong thánh. Có lẽ cũng nhờ vậy mà sau đấy việc phong thánh trong Giáo Hội đã gia tăng rất nhiều, nhất là các thánh tử đạo ở Á Châu, trong đó có 117 Thánh Tử Đạo và Chân Phước Andrê Phú Yên của Việt Nam. Tông hiến còn xác định bốn giai đoạn cần thiết cho việc phong thánh như trên.
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, của chúng ta đang chờ để được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong là Đấng Đáng Kính hay còn được gọi là “Anh hùng trong Nhân Đức (Heroic in Virtue). Đúng vậy, Bộ Phong Thánh sẽ duyệt xét kỹ càng về các nhân đức của ĐHY Thuận lúc còn sinh thời, những nhân đức thần học như Tin, Cậy, Mến và những nhân đức cốt yếu như Khôn Ngoan (Prudence), Công Minh (Justice), Can Đảm Chịu Đựng (Fortitude) và Tiết Độ (Temperance). Vì chưa phải là bậc Hiển Thánh nên Đấng Đáng Kính chưa có “Lễ Kính” (Feast day), không được lấy tên ngài để đặt tên cho các nhà thờ v.v… nhưng các thiệp cầu nguyện (prayer cards) có thể được in, đồng thời các tín hữu cũng được khuyến khích cầu nguyện để phép lạ có thể xảy đến, qua lời bầu cử của ngài, như một dấu chỉ của Ý Chúa về việc tôn phong ngài là Chân Phước và sau đó là Hiển Thánh.
TRƯỜNG HỢP CỦA TỔNG GIÁO PHẬN NEW ORLEANS, LOUISIANA
Tôi Tớ Chúa, ĐHY Nguyễn Văn Thuận, đã có cơ duyên rất tốt đẹp với tổng giáo phận New Orleans thuộc tiểu bang Louisiana. Khởi đi từ năm 1996, lúc ấy đức đương kim Tổng Giám Mục của TGP New Orleans, Gregory M. Aymond, còn là Linh Mục Giám Đốc đại chủng viện Notre Dame. Cha Giám Đốc Aymond đã theo dõi gương can đảm đến anh hùng của ĐHY Thuận từ những tháng ngày ngài còn bị chính phủ Cộng Sản Việt Nam giam cầm, hành hạ; nên khi có “cơ hội” ngài đã minh bạch tỏ lòng ngưỡng mộ và quý mến của mình đối với vị “Anh Hùng Trong Nhân Đức” bằng cách quyết định trao tặng ĐHY Thuận văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự của đại chủng viện. Sau này, khi được vinh thăng Hồng Y, Đức Thuận đã viết thơ cho Đức Aymond, lúc đó cũng đã được vinh thăng Giám Mục, rằng: “Bây giờ, trong số các ‘sinh viên tốt nghiệp’ từ đại chủng viện Notre Dame, New Orleans, đã có người gia nhập hàng Hồng Y của Giáo Hội…”
Tháng 7 vừa qua, Đức TGM Aymond đã bay qua Roma để dự lễ kết thúc cuộc điều tra cấp địa phận của ĐHY Thuận (the Closure of the Diocesan Inquiry). Sau khi trở lại New Orleans, ngài đã khuyến khích các linh mục gốc Việt, nhất là các LM đang chăm sóc mục vụ cho 5 nhà thờ Việt Nam - thuộc hai giáo xứ Nữ Vương Việt Nam và thánh Agnes Lê Thị Thành - phát động và cổ võ việc cầu nguyện xin ơn phép lạ qua lời bầu cử của ĐHY Thuận. Ngài còn cho phép các nhà thờ thu tiền lần thứ hai để yểm trợ tiến trình phong Chân Phước cho ĐHY Thuận. Nhân cơ hội, các giáo dân có lòng, mà đa số là những thương gia gốc Việt trong tổng giáo phận, đã tự động đứng lên chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc gây quỹ cho công cuộc chính đáng này.
Hiện nay, tất cả các cuộc thu tiền lần thứ hai và gây quỹ đã quy về một mối, tuy nhiên ban tổ chức vẫn gặp một khó khăn khá tế nhị: Ngân khoản quyên góp được nên gửi về đâu và cho ai? Đức Tổng Aymond đã có giải pháp chính đáng và theo đúng nguyên tắc của Giáo Hội: Tất cả ngân khoản quyên góp được sẽ gửi về tòa Tổng Giám Mục; kế đó, tòa TGM sẽ chuyển về tòa Khâm Sứ (Office of the Nuncio) ở thủ đô Washington D.C., tòa Khâm Sứ sẽ chuyển đến văn phòng của tiến trình phong chân phước cho ĐHY Thuận ở Roma.
Trường hợp rất đặc biệt của TGP New Orleans nên được xem như một “mô hình” cho các cuộc khuyến khích cầu nguyện và vận động tài chánh cho tiến trình phong Chân Phước của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Việc vận động cho Chân Phước Andrê Phú Yên cũng như hai Tôi Tớ Chúa Marcel Văn và Phaxicô Trương Bửu Diệp cũng nên được linh động và dàn xếp theo từng địa phương và địa phận.
Linh mục và giáo dân gốc Việt khắp nơi trên thế giới có thể dùng mô hình vận động này trong giáo phận của mình. Ở thời buổi thông tin bùng nổ ngày nay, chỉ cần một cuộc điện đàm giữa các vị chủ chăn là mọi việc đều trở nên minh bạch và sòng phẳng.
LM. PHAOLÔ NGUYỄN VĂN TÙNG
(Tài liệu tham khảo: Catholic Encyclopedia và nhiều trang mạng liên hệ đến đề tài).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét