LTCGVN (04.10.2013)
Được tin Sài Gòn có 1 con đường mới, rất rộng, rất đẹp mà thấy mừng quá! Nhưng cảm giác có chút gợn khi thấy cái tên "Phạm Văn Đồng". Không biết các bạn nghĩ sao, còn tôi thấy thật lạ. Lạ vì không biết có khi nào những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc,... cũng trở thành danh nhân để được đặt tên đường không nhỉ? Đem những cắc cớ ấy vào ghi vài dòng tản mạn chia sẻ chơi.
Chẳng hiểu căn cứ theo tiêu chí nào để "người ta" đặt tên những con đường? Nếu tính là danh nhân, hay người có công với dân tộc, với đất nước thì tiêu chí "có công" là như thế nào? Ai sẽ phán xét: lịch sử, nhân dân hay nhà cầm quyền?
Những anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi, Quang Trung... đã được lịch sử ghi nhận, được nhân dân thành kính tôn thờ. Hay những danh nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An,... được người người ngưỡng mộ, kính yêu,... tên của họ đã là niềm tự hào của dân tộc Việt.
Các vị ấy đều được lịch sử ghi nhận và nhân dân một lòng tôn kính!
Còn những Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... có chắc sẽ được lịch sử ghi nhận, được nhân dân kính yêu và tôn thờ không? Một công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng sẽ được lịch sử ghi là công hay tội? Những người lãnh đạo cải cách ruộng đất là tội đồ hay anh hùng?
Năm 1945, hàng loạt phố tên Pháp đã được đổi dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, sau khi Nhật đảo chính Pháp.
Liệu rằng tới đây sẽ có rất nhiều con đường ở Việt Nam cũng được đổi tên?
Liệu rằng thế hệ lãnh đạo hiện nay có cơ hội để được ghi tên vào 1 con đường nào đó hay không? Nếu có, không biết con đường nào sẽ mang tên Nguyễn Tấn Dũng? Nếu điều đó xảy ra và nghệ sỹ Kim Chi còn sống, liệu bà có đi trên con đường mang tên Nguyễn Tấn Dũng hay không?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét