Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Vài nét “Nổi bật” trong Cuộc đời của Ba Thế hệ Cộng sản (Phần 2)



b- Friedrich Engels (1820--1895):

Ông Engels được xem là cộc trụ thứ hai của lý thuyết Cộng sản. Ông ta xuất thân từ một gia đình giàu có, kinh doanh về sản xuất bông vải ở Đức và có thêm vài nhà máy kỷ nghệ khác, thậm chí có phần hùn làm ăn ở London, thuộc đạo Tin Lành. Tuy thế, cậu ấm Engels không hoàn tất được bậc Trung học. Vào năm 1841, lúc được 21 tuổi, chàng công tử phải thi hành nghĩa vụ quân sự như là một công dân Phổ nhưng chỉ có một năm. Đó là lúc, chàng công tử Engels được huấn luyện quân sự ở thủ đô Berlin trong Đội pháo Ngự lâm, và có dịp gia nhập nhóm tả phái Hegel, mang khái niệm vô thần, chống lại đạo Tin Lành của gia đình mình.


(Friedrich Engels lúc khoảng 22 tuổi, vào năm 1842,
khi vừa mới đến Manchester, Anh Quốc)

Sau khi được gia đình bóc khỏi quân đội vào năm 1842, chàng công tử Engels được gởi đến nhà máy sợi ‘Ermen and Engels’ thuộc khu Victoria, có phần hùn lớn của gia đình, ở thành phố Manchester, Anh Quốc. Cũng là lần đầu tiên, anh ta gặp Karl Marx lúc đó là 24 tuổi, lớn hơn anh ta 2 tuổi, tại Pháp trong khi trên đường đến Anh Quốc. Trong hai năm ở đó và sau nầy, khi trở lại Anh Quốc, anh ta sống chung với cô gái Ái Nhĩ Lan tha hương cầu thực, Mary Burns, nhưng không bao giờ thành hôn chính thức vì cả hai đồng tình trên quan điểm chống lại việc tổ chức cưới hỏi kiểu trưởng giả. Theo như tác giả Roy Whitfield trong bài nghiên cứu “The Doube Life of Friedrich Engels” (“Cuộc đời Hai mặt của Friedrich Engels”) có cơ sở chứng minh của mình, cho là cô bé Mary Burn có thể đã là nữ công nhân trong nhà máy đó từ lúc 9 tuổi, và sau đó đến năm 18 tuổi (1941), cô ta cùng người em gái Lydia Burns 14 tuổi xin làm việc nhà cho một họa sĩ. Kế đó, vào năm 1843, hai chị em Ái Nhĩ Lan vào giúp việc nhà cho Friedrich Engels. Trong 20 năm làm vợ, phụ giúp thâu thập tài liệu, lo việc nhà, tuy nhiên, cô Mary Burns gần như là một bí mật trong quan hệ với nhà kỷ nghệ tư bản Engels. Trong bài viết “Engels, Friedrich [Frederick] (1820–1895), businessman and revolutionary leader” (“Friedrich Engels (1820--1895), nhà Kinh doanh và là người Lãnh đạo Cách mạng”) của Gareth Stedman Jones trên Oxford Dictionary of National Biography (Tự điển Oxford về Tiểu sử Dân tộc) cho biết:

“Ở thành phố Brussels, Bỉ, vào năm 1847, thí dụ, một chứng nhân ghi nhận rằng cô Mary không được nhận biết bởi bà Marx; tương tự thế, vào năm 1851, trong trao đổi thư từ với ông Marx, ông Engels vẫn nhắc đến chính mình như là người độc thân. Cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy là một trong hai chị em họ Burns từng được giới thiệu với gia đình ông Marx” 

Sau khi Mary Burns mất vào năm 1863, lúc 40 tuổi, Karl Marx được cho biết. Và “Trên mặc khác, ông Engles cảm thấy đau đớn trong sâu thẩm khi ông Marx chỉ bảy tỏ sự đáng tiếc qua loa về cái chết của cô Mary trong bức thư van xin tài chánh cho gia đình mình”

Bài viết “How Friedrich Engels’ Radical Lover Helped Him Father Socialism” của Mike Dash có nhắc đến một đoạn nguyên văn của ông Marx như sau:

“Đó là điều rất ư khó khăn đối với anh, vốn là người đã có căn nhà với cô Mary, được tự do và đã rút ra khỏi tất cả sự nhơ nhớp của con người”.

Và ông Engels đã trả đủa lại trong sự tức giận:

“Bao gồm những người quen biết thuộc hạng phàm phu tục tử, đã cho tôi thấy, trong khoảnh khắc nầy vốn đã đánh vào tôi một cách thâm sâu, sự cảm thông và tình bạn nhiều hơn những điều mà tôi mong đợi. Anh bạn tìm thấy khoảnh khắc nầy thích hợp để trưng bày sự vượt trội của trí tuệ lạnh lùng của bạn”. 

Sau đó, ông Engels công khai sống người em gái, Lydia Burn, với tên riêng là Lizzie cho đến khi cô ta qua đời vào năm 1878, lúc 51 tuổi. Trong 15 năm làm vợ, cô ta cũng không thành hôn chính thức với ông Engels; mãi đến khi cô Lizzie sắp mất trên giường bệnh, ông ta đành chìu lòng người vợ phá bỏ những nguyên tắc Cộng sản để thỏa mãn ao ước cuối cùng của cô ta là được chính thức thành hôn với ông ta.

(Lydia “Lizzie” Burns vào khoảng năm 1865, lúc 38 tuổi, công khai 
sống chung với ông Engels từ lúc 36 tuổi, 1863, và chỉ được tuyên 
bố chính thức cưới hỏi vào lúc 51 tuổi trong vài giờ trước khi qua 
đời trên giường bệnh vào năm 1878 vì tinh thần Cộng sản cực đoan 
của Friedrich Engels được thâm nhiễm từ Karl Marx)

Trên thực tế, chàng công tử Engels của thập niên 1840s rất phong lưu như trong bài viết “Marx’s Illegitimate Son” của vị Giáo sư Lý thuyết Chính trị, Terrell Foster Carver, trích dẫn từ Marx and Engels, Collected Works (London: Lawrence & Wishart, 1975--2004), qua lá thư của Friedrich Engels viết cho Karl Marx vào năm 1847 từ Paris:

“Điều thiết yếu tuyệt đối là anh bạn ra khỏi thành phố Brussels buồn chán một lần và đến thủ đô Paris, và về phần của tôi, tôi có sự khao khát rất nhiều đi chè chén no say với anh bạn. Nếu tôi có thu nhập là 5.000 quan Pháp, tôi sẽ không làm gì cả ngoại trừ tự làm vàtiêu khiển cho chính mình với những người phụ nữ cho đến khi tôi rã rời. Nếu không có những người phụ nữ Pháp nào, cuộc đời sẽ không đáng sống. Nhưng miễn là có những ả bán hoa, thật là hay và tốt đẹp biết bao!”

Trong bài viết “Feminist friend or foe?” (“Người bạn hay Kẻ thù của Phái nữ ?”) của Tristram Hunt, vốn là người ủng hộ Đảng Lao động, nhận xét về ông Engels như sau:

“Cuộc đời của Friedrich Engels, một người Mác-xít làm chủ nhà máy, là một trong những điều cực kỳ tự mâu thuẫn riêng biệt là khi điều đó liên quan đến vấn đề nữ quyền. Ông ta là một nhà xã hội chủ nghĩa vốn là người lên án việc sử dụng những gái mại dâm như là “việc bóc lột hữu hình nhất một việc trực tiếp tấn công thể chất giai cấp vô sản bởi giai cấp trưởng giả”, nhưng rồi ông ta thường xuyên thụ hưởng những dịch vụ của họ. Ông ta đòi hỏi vấn đề nữ bình, nhưng không thể chịu nổi người bạn chia sẻ thuộc những phụ nữ có tinh thần cao cả. Ông Engels là một kiến ​​trúc sư có trí tuệ về nữ quyền xã hội chủ nghĩa, và là người phân biệt giới tính theo kiểu cách lỗi thời”.

Bài viết “Engels, Friedrich [Frederick] (1820–1895), businessman and revolutionary leader” của Gareth Stedman Jones, có đoạn: 

“Từ tháng 11/1850 đến tháng 7/1869, ông Engels đã làm việc đầu tiên như là một nhân viên và sau đó (từ năm 1861) như là một người có phần hùn trong công ty ‘Ermen và Engels’, những nhà sản xuất bện sợi bông ở thành phố Manchester. Thu nhập của ông ta tăng từ khoảng 100 bảng Anh cho mỗi năm vào đầu thập niên 1850s đến khoảng 3.000 bảng Anh trong năm 1869. Trong suốt giai đoạn nầy, ông Engels đã kéo dài một cuộc sống hai mặt rất tinh vi. Như là một người Anh Quốc đại diện của công ty gia đình, ông ta duy trì chỗ ở tại trung tâm thành phố Manchester và tham gia vào lối sống của tầng lớp quý tộc trong kinh doanh của thành phố. Ông ta là một thành viên của Câu lạc bộ Albert và Manchester Athenaeum, cưỡi ngựa trong cuộc săn của Hội Săn bắn Cheshire, và bảo trợ Học viện Schiller”.

Câu lạc bộ Albert là nơi tụ tập của giai cấp trung lưu gốc Đức kinh doanh về bông sợi trong thành phố Manchester nơi bùng nổ kỷ nghệ hóa và là trung tâm trao đổi về bông sợi vào thế kỷ 19. Manchester Atheneaum là một xã hội dành cho “sự tiến triển và tỏa rộng kiến thức” trong một tòa nhà sang trọng, có thư viện, nơi giải trí, ăn uống, hội họp, v.v. của giai cấp quý tộc. Hội Săn bắn Cheshire là hội của những thành viên quý tộc thích cưỡi ngựa cùng đàn chó trong những cuộc săn bắn những con cáo. Học viện Schiller là một tổ chức gồm những nhà tư tưởng về chính trị và kinh tế quốc tế.

Và bài viết “Engels, Friedrich [Frederick] (1820–1895), businessman and revolutionary leader” của Gareth Stedman Jones trên Oxford Dictionary National Biography, cho biết chi tiết hơn:

“Sau khi Peter Ermen đã về hưu vào năm 1853, vai trò người hùn vốn giữa Godfrey Ermen và Frederick Engels thâm niên đã được làm mới lại. Dưới một hợp đồng 9 năm tiến hành từ tháng 6/1855, ông Engels, người trẻ hơn, hưởng được lợi ích một cách đáng kể. Từ 263 bảng Anh trong mỗi năm vào năm 1855, phần thu nhập của ông ta tăng lên 1.059 bảng Anh đến năm 1859”.

Cuộc sống hai mặt của ông Engels: một mặt là đời sống càng lúc càng trưởng giả hơn từ mức lương cơ bản 100 bảng Anh và 7.5 lợi tức từ phần hùn của gia đình, lên khoảng 263 rồi lên đến 3.000 bảng Anh, sau đó về hưu non vào năm 1869, lúc 49 tuổi với số tiền 12.500 bảng Anh so với mức lương của một nam công nhân nhà máy hảng dệt của ông ta là khoảng 36 bảng Anh theo như bài viết “Living and working conditions” trên bbc.co.uk. Và một mặt là những hoạt động đấu tranh cho giai cấp vô sản, bị bóc lột trong khi chính đời sống trưởng giả mà ông ta đang hưởng thụ lúc bấy giờ, cũng không khác gì sự bóc lột trên giai cấp đó. Sự bóc lột đó được san sẻ cho gia đình Karl Marx trong suốt thời gian còn lại của ông ta ở Anh Quốc khi nhận lấy phần tiền chu cấp hàng năm từ ông Engels để sinh sống mà cả gia đình Marx không cần phải lao động nhưng lại có cuộc sống khá hơn so với giai cấp lao động lúc bấy giờ. 

Riêng về vấn đề đứa con hoang của người quản gia Helene Demuth trong gia đình Marx, có người nghi ngờ rằng tác giả chính là ông Engels, vì ông ta từng là một công tử phong lưu, có nhiều quan hệ với những ả bán hoa ở Pháp từ hạng sang đến bình dân. Như trong bài viết “How Friedrich Engels’ Radical Lover Helped Him Father Socialism” của Mike Dash, đưa ra bài nghiên cứu thuộc bậc Tiến sĩ của Belinda Susan Webb vào năm 2012, có tựa đề “Mary Burns”, thuộc tư liệu của Đại học Kingston không được ấn hành, trong sự nghi ngại rằng người vợ không chính thức của ông Engels, Mary Burns, là một ả bán hoa hạng bình dân mà ông ta đã gặp vài lần trước đây:

“Belinda Webb chú ý rằng người ta cho biết Mary Burns từng bán những trái cam tại Hội trường Khoa học của thành phố Manchester và ‘việc bán cam’ đã từng là cách nói bóng gió cho việc có liên quan đến trong vấn đề trao đổi tình dục”. 

Cách viết của người Anh Quốc khi đề cập đến một ả bán hoa ngụ ý là ả bán cam vốn có xuất xứ từ câu chuyện có thật, nổi tiếng của nàng Nell Gwynne bán cam tại Hí viện Drury Lane, sau nầy trở thành tình nhân của vua Charles II từ năm 1670 đến cuối đời của ông ta. 

Vì thế, sự nghi ngờ rằng ông Engels là người cha của đứa con hoang kia, cũng có thể có cơ sở. Tuy nhiên, nếu xét rằng chàng công tử Engels có thừa tiền trong cuộc sống phong lưu của mình, thì một Helene Dumuth chưa hẳn là điều khao khát của ông ta, vả lại ông ta đã có Mary Burns trước đó. Ông Engels đôi khi ghé thăm và đàm luận với ông Marx, riêng ông Marx hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà. Vì vậy, cơ hội tiếp xúc với Helene Dumuth của ông Marx nhiều hơn ông Engels, nhất là những khi bà Marx vắng nhà, chạy tìm thêm tiền phụ giúp. Hơn nữa, trong những thời gian sống với Mary Burns, hai người không có con và ngay cả lúc sống công khai với Lydia Burns, cũng không có con. Điều đó cho thấy là dường như ông Engels không có khả năng truyền giống, ngoại trừ Karl Marx vốn là người đã chứng minh khả năng của mình qua một gia đình gồm 7 người con.

Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trên trang marxists (tiếng Việt) hoặc (tiếng Anh) “Manifesto of the Communist Party” của Frederick Engels vào năm 1848 cũng do Karl Mark gợi ý trước và đưa ý kiến trong Phần II: Giai cấp Vô sản và Chủ nghĩa Tư bản, trang 43, nói về những biện pháp sẽ có thể áp dụng chung chung trong những quốc gia tiến bộ nhất. Mục thứ 3 là “Bãi bỏ tất cả quyền thừa kế”. Tuy nhiên, ông Engels lại viết di chúc để lại quyền thừa kế một phần nào đó trong tài sản cá nhân cho 3 đứa con của Karl Marx. Đối với những người Cộng sản trên khắp mọi nơi, mục thứ 3 nầy hoàn toàn không được áp dụng vì điều đó thực sự đụng chạm rất lớn đến quyền lợi cá nhân của những người Cộng sản mà đáng lý ra, theo chủ thuyết Cộng sản: tất cả tài sản thừa kế đều phải sung công vào xã hội, vì tài sản đó như là lợi tức thặng dư không do chính những người thừa kế tạo ra bằng sức lao động, đưa đến sự giảm năng xuất và ảnh hưởng đến giá cả thị trường kinh tế. Tương tự như ông Engels đã lý luận về việc bãi bỏ gia đình và quyền tư hữu trong tác phẩm “Nguồn gốc của Gia đình, của Chế độ Tư hữu, và của Nhà nước” trên trang marxists (tiếng Việt) hoặc (tiếng Anh) “The Origin of the Family, Private Property and the State” của Frederick Engels vào năm 1884 mà qua đó trong bài viết (dưới dạng pdf) “Marx, Engels, and the Abolition of the Family” (“Marx, Engels, và việc Bãi bỏ Gia đình”) của Richard Weikart trên trang csustan.edu (California State University, Stanislaus) của Đại học California thuộc phân khoa Lịch sử ở thị trấn Stanislaus, phê bình và phân tích rất tỉ mỉ về vấn đề bãi bỏ gia đình. Ngay cả Karl Marx, mặc dù trên lý thuyết là ủng hộ quyền tự do lựa chọn bạn đời nhưng chính ông ta can thiệp trực tiếp vào việc cô gái út, Eleanor Marx, yêu thương một người khá lớn tuổi hơn cô ta và chưa có thu nhập vững chắc cho cuộc sống. 

Ông Engels là người luôn tỏ ra chống đối mạnh mẽ việc tổ chức đám cưới mà ông ta, và Karl Marx, cho là kiểu cách của giới trưởng giả. Ba cô gái còn lại của ông Marx không tổ chức cưới hỏi hoặc nhờ tu sĩ chứng giám, ngoại trừ trường hợp của ông Engels nhằm thỏa nguyện cho người vợ sắp chết và trường hợp của ông Marx nhằm làm vui lòng bên vợ. Tuy nhiên, những người Cộng sản về sau, từ Lenin, Stalin, và những con cái của họ, ngay cả những người Cộng sản ở nước khác như Việt Nam, Trung Hoa hiện nay lại ưu thích tổ chức đám cưới theo kiểu cách của giới trưởng giả và càng lúc càng phô trương lớn hơn giới trưởng giả tư bản chính hiệu.

(Tượng đài Marx-Engels tại Dinh thự Cộng hòa, Đức, 
với hàng chữ chung quanh bên dưới: “wir sind unschuldig” 
(“Chúng tôi Vô tội”) vào ngày 29/07/1991)




_________________________________
Những tài liệu tham khảo:

Friedrich Engels (1820--1895):

1- Trên trang en.wikipedia, “Friedrich Engels”; “Manchester Athenaeum”; “Schiller Institute”.

2- Bài viết trên jewishcurrents “Ab. Cahan Meets Friedrich Engels” của Yankl Stillman, vào ngày 1/12/2008.

3- Tác phẩm “The Frock-Coated Communist: The Revolutionary Life of Friedrich Engels” của Tristram Hunt.

4- Bài nghiên cứu “The Double Life of Friedrich Engles” của Roy Whitfield.

5- Bài viết “Engels, Friedrich [Frederick] (1820–1895), businessman and revolutionary leader” của Gareth Stedman Jones trên Oxford Dictionary National Biography.

6- Bài viết trên smithsonianmag “How Friedrich Engels’ Radical Lover Helped Him Father Socialism” của Mike Dash vào 1/08/2013.

7- Bài viết trên theguardian “Feminist friend or foe?” của Tristram Hunt (người ủng hộ Đảng Lao động, và là dân biểu sau nầy) vào ngày 29/04/2009.

8- Bài viết trên bbc.co.uk “Living and working conditions” 

9- Tác phẩm “Nguồn gốc của Gia đình, của Chế độ Tư hữu, và của Nhà nước” trên trang marxists (tiếng Việt) hoặc (tiếng Anh) “The Origin of the Family, Private Property and the State” của Frederick Engels vào năm 1884.

10- Bài viết (dưới dạng pdf) “Marx, Engels, and the Abolition of the Family” của Richard Weikart trên trang csustan.edu (California State University, Stanislaus).

11- Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trên trang marxists (tiếng Việt) hoặc (tiếng Anh) “Manifesto of the Communist Party” của Frederick Engels vào năm 1848.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét