LTCGVN (29.06.2014)
Ngày 29 tháng 6, Phụng Vụ Hội Thánh mời gọi
chúng ta cùng lúc tôn kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là hai
cột trụ của Hội Thánh phổ quát Chúa Kitô, và theo Truyền Thống, Hội Thánh không
bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính và biết ơn đối với hai
chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, vừa đồng thời là một lời tuyên xưng long trọng
về một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền.
Thánh Phêrô có tên gốc là Simon, làm ngư phủ
người Galilê, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Thánh Phaolô có tên là Saolê,
người Do Thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá,
có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô, họ
đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Phêrô bị bắt và được cứu cách lạ lùng: "Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã
sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và
khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải chịu" ( Cv 12, 11 ).
Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông
Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này: "Còn Thầy,
Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy
sẽ xây Hội Thánh của Thầy"
( Mt 16, 18 ). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây
dựng Đức Tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng
đá lấy từ Phêrô. Thánh Phaolô là
"dụng cụ ưu tuyển" để mang
Tin Mừng đến cho các dân tộc.
Thánh Phêrô, người đánh cá miền Galilê, ít
học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi
đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa, sẽ có trách nhiệm
củng cố anh em trong Đức Tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô ( x. Mt 16,
13 – 19 ).
Còn Thánh Phaolô là người Pharisêu sốt sắng,
có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa
hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Người còn sống. Nhưng ông gặp Đức Kitô Phục Sinh với
biến cố ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô trở nên Tông Đồ của ơn cứu rỗi đến từ
Đức Tin ( x. Cv 9, 1 – 22
).
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi
khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh
gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm Tông Đồ không biết mỏi mệt của
dân ngoại ( x. Cv 9, 1 – 22
). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề
nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp
nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã
bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã
ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi
đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa
con người đi vào hướng mới.
Chúa Giêsu đã chọn một số môn đệ
mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một
mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại
diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói: "Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời" ( Mt 16, 19 ). Không phải một cá nhân, nhưng
cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.
Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng
dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả
nhất của Đức Tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh "Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy" ( Mt 16, 17 ). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên
dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân
Chúa.
Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, ngài
không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu
và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và
chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã
nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng: "Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao
giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết
đến" ( 2 Tm 4,
17 – 18 ).
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh
liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. "Này anh Simon, anh có mến Thầy không ?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy" ( Ga 21,16 ). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung
sống, vì Người là "Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" ( Gl 2, 20 ). Phaolô đã không
ngần ngại khẳng định: "Không gì có
thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô" ( Rm 8, 35.39 ).
Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền
giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù ( x. Cv
5, 40
), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết ( x. 2
Cr 11, 23 – 28 ); "Tôi
mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu" ( Gl 6, 1 – 7 ).
Cả hai vị Thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu
mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn ( x. Ga 21, 18 ),
chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém
đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế ( x. 2 Tm 4, 6 ). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vatican;
Thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và
Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và
Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng
mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với Đức Tin đã lãnh
nhận.
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ,
xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét