Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

HÃY ĐẾN MÀ XEM !

LTCGVN (16.06.2014)

HÃY ĐẾN MÀ XEM !
Có lần nghe người ta nhận định. Người Việt mình khi còn trẻ thì lo làm việc, tiêu tốn thời gian, không chú ý đến sức khỏe, khi về già bắt đầu bỏ hết mọi sự để lo cho sức khỏe. Có thể không đúng với chung chung mọi người, nhưng rất đúng đối với tôi. Những năm gần đây khi khối lượng công việc dồn dập, sức khỏe của tôi suy giảm, bác sĩ đã nhắc tôi về những biện pháp để bảo toàn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và duy trì thể lực. Một vài căn bệnh xuất hiện, tôi lúng túng một thời gian, may thay kịp kinh nghiệm rằng tập thể dục mỗi ngày, kết hợp với dinh dưỡng sẽ giúp cho mình vượt qua bệnh tật và tỉnh táo đối phó với những căng thẳng của cuộc sống.

Kiên trì với việc tập thể dục mỗi ngày là một điều khó, nhiều người mua sắm đủ thứ dụng cụ để tập, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì chán nản và buông xuôi. Tôi nghiệm ra là ý chí chứ không phải phương tiện, vì thế tôi sử dụng ý chí để luyện tập chứ không tùy thuôc vào phương tiện. Ở đâu cũng tập được, miễn là thu xếp có 15 phút làm nóng, 1 giờ chạy bộ tại chỗ, nửa giờ nghỉ ngơi trước khi tắm rửa để tiếp tục công việc. Tôi dùng cách xem phim để 1 giờ chạy bộ tại chỗ trôi nhanh. Sở dĩ tôi phải chạy tại chỗ vì khi chạy ra ngoài chỉ riêng chuyện chào hỏi người quen thôi cũng hết giờ !
Phim ảnh để phục vụ luyện tập nên tôi phải thật dễ dãi mà xem, không đòi hỏi nghệ thuật cao, chấp nhận những hạt sạn trong quá trình theo dõi, xuê xoa với chính mình để khỏi rơi vào bực dọc. Thế nhưng nhiều phim cũng cuốn hút ghê lắm, kỹ thuật làm phim luôn là ê a ở đầu tập rồi sẽ tạo hấp dẫn vào cuối tập, đôi khi làm mình nôn nóng phải theo dõi tiếp tập sau ra sao. Những thước phim tình cảm ướt át, những cuộc tình bi lụy, lắm khi cũng làm ray rứt lòng mình. Thường đề tài tình yêu đôi lứa được khai thác triệt để, những éo le nghiệt ngã, những thổn thức dày vò của những trái tim biết yêu và khao khát yêu. Có khi tác giả xây dựng những nhân vật vì yêu nên bí lối cùng đường, vì yêu nên cuộc sống không tìm được lối thoát.
Bài Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay có câu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài…” ( Ga 3, 16 – 18 ). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cha giáo dạy tôi, ngài nhấn mạnh: chữ “ban” cùng nghĩa với chữ “thí”, chữ “nộp”. Xem ra Thiên Chúa bi lụy mối tình dành cho chúng ta một cách quá quắt, ấy vậy, chẳng là bỏ 99 con chiên để rong ruổi tìm bằng được con chiên lạc đó sao, hàng ngày vẫn là một lời “đây là mình Thầy bị nộp vì anh em” vang vọng trong mọi ngôi Giáo Đường. Nhưng mối tình say đắm ấy không bị bí lối cùng đường, nhưng mở ra cho chúng ta con đường sống và sống dồi dào “để ai tin vào Ngài thì được sống đời đời”.
Ngay từ khi còn bé tôi đã bị cuốn hút vào ánh mắt của Đức Mẹ trong bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ánh mắt tha thiết yêu thương lạ kỳ, hẳn rằng người họa sĩ vẽ bức chân dung ấy đã phải bỏ ra nhiều ngày giờ để chiêm ngắm tình yêu của Mẹ, phản ánh tình yêu của Thiên Chúa. Tha thiết, say đắm, xót thương, quảng dại, ân cần, bao dung… Tôi đã chơi trò chơi một mình với Mẹ bằng cách di chuyển đến nhiều vị trí trong căn phòng để thấy ánh mắt ấy cứ đăm đăm theo dõi mình, không vị trí nào làm mình xa rời ánh mắt của Mẹ.
Lớn lên bôn ba mọi nẻo đường đời, sóng gió gian nan càng làm tôi nhận ra ánh mắt yêu thương đó phủ kín đời mình hơn. Khi còn sinh hoạt trong giới sinh viên Công Giáo trước năm 75, tôi là con cái của các cha Dòng khác, nhưng khi quyết định dấn thân đời tu, tôi gia nhập DCCT, tôi hiểu lý do tại sao rồi. Có lần gặp lại vị tuyên úy sinh viên cũ, ngài trêu tôi là “cậy mít sinh trái xoài !” Vì tôi tướng tá khá nặng nề nên tôi chơi chữ lại với ngài: “Cha ơi ! cây xoài sinh… trái mít chứ !”
Tôi lãnh sứ vụ Linh Mục vào ngày 26 tháng 6. Thánh Lễ đầu tiên của cuộc đời cử hành với tư cách là chủ tế đúng ngày lễ Mẹ Hằng Cứu Giúp ( 27 tháng 6 ). Biến cố trùng hợp này làm tôi xác tín rằng mình “mắc nợ” Mẹ Hằng Cứu Giúp quá nhiều, món nợ nhân duyên xuyên suốt cuộc đời.
Tôi viết những dòng chữ này khi cả Nhà Dòng đang rộn ràng với các chương trình mừng lễ Mẹ, xin mời mọi người… “hãy đến mà xem”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT
Theo EPHATA 614

0 nhận xét:

Đăng nhận xét