Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

CHÍNH TRỊ VÀ ĐẠO ĐỨC



Đúng một năm sau sự kiện 11/9 tại Mỹ, vào ngày 11/9/2002 trung tướng Lưu Á Châu khi ấy là chính ủy bộ đội không quân quân khu Thành Đô đã có bài nói chuyện dành cho các cấp cán bộ từ tiểu đoàn trưởng trở lên để bàn về mối tương quan giữa Dân Chủ và Đạo Đức trong đó ông kịch liệt phê phán thái độ thiếu đạo đức của một bộ phận người dân Trung Quốc “ Vụ 11/9 năm ngoái là sự việc có thể khảo nghiệm trình độ đạo đức của dân ta nhất. Hôm nay vừa đúng tròn một năm sự kiện ấy. Vụ 11/9 tuy không thể thay đổi thế giới nhưng đã thay đổi nước Mỹ. Đồng thời thế giới sau ngày ấy khó thể trở lại trước sự kiện này. Khi xảy ra vụ 11/9 có người bạn gọi điện thoại cho tôi nói = sinh viên ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa đang khua chiêng gõ trống. Tôi bảo đội tuyển bóng đá quốc gia Trunbg Quốc còn chưa lọt vào vòng sau kia mà, phải đến mồng 7/10 đội TQ mới đấu trận cuối cùng với đội Liên Hiệp Vương Quốc A Rập, nếu thắng thì sẽ lọt vào danh sách dự World Cup. Một lúc sau mới biết thì ra sinh viên TQ đang chúc mừng việc Tòa Tháp Đôi Mỹ bị đánh sập” ( Nguồn Tuanvietnam. Net 20/6/2014 – Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức ).

Đối với sinh viên dẫu sao cũng được kể là tinh hoa dân tộc đã vậy, còn các nhà báo có nhiệm vụ phô diễn bộ mặt quốc gia thì sao ? “ Báo chí nước ngoài đưa tin = Hồi ấy có một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Mỹ khi thấy hình ảnh tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới bị đánh sập các thành viên đoàn nhà báo này bất giác vỗ tay. Đây là một dạng ngấm văn hóa. Điều đó không thể trách, bọn họ đã không thể kiềm chế được bản thân” ( Nguồn Tuanvietnam. Net Tướng Trung Quốc đã dẫn ).

Cái dạng…ngấm văn hóa vui mừng vỗ tay trước nỗi đau của người khác theo Lưu Á Châu nó là thứ văn hóa truyền thống của giai cấp phong kiến xưa kia “ Người Trung Quốc xem cảnh giết người khác không ai không vui mừng phấn khởi. Giai cấp thống trị cố ý đem người ta ra giết hại nơi đông người. Kẻ bị thống trị thì hưởng thụ tại nơi đông người cái cảm giác khoái trá của kẻ thống trị. Nhất là khi xử tử bằng kiểu tùng xẻo, kéo dài ba ngày, người xem đông nghìn nghịt” ( Nguồn Tuanvietnam.Net Tướng Trung Quốc đã dẫn ).

Bởi nguyên nhân nào mà ông tướng không quân được biết tới như một nhà văn có tiếng, chủ nhân của nhiều giải thưởng văn học lại có thể nhận định văn hóa truyền thống Trung Quốc một cách lệch lạc như vậy ? Theo tôi đó là vì ông ta đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của học thuyết Duy Vật Mác Xít. Chính do nơi ảnh hưởng nầy mà Lưu Á Châu đã cho rằng “ Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Hegel từng nói Trung Quốc không có triết học. Tôi cho rằng mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào. Nhà tư tưởng tôi nói là những người như Hegel, Socrate, Plato những nhà tư tưởng ấy có cống hiến to lớn đối với tiến trình văn minh nhân loại. Lão Đam ( Lão Tử ) bạn nói là nhà tư tưởng phải không. Chỉ dựa vào Đạo Đức Kinh 5000 chữ mà có thể làm nhà tư tưởng ư ? Đấy là chưa nói Đạo Đức Kinh có vấn đề. Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng ? Thế hệ chúng ta xem xét ông thế nào ? Tác phẩm của ông bị xem xét ra sao ? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục. Cái mà ông cung cấp là tất cả xoay xung quanh quyền lực. Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là một tôn giáo rởm. Nếu là tín ngưỡng thì là tín ngưỡng rởm. Nếu là triết học thì đó là triết học của xã hội quan trường hóa. Xét trên ý nghĩa này thì Nho học có tội với người Trung Quốc” ( Nguồn Tuanvietnam. Net.Tướng Trung Quốc….đã dẫn ).

Phê phán cả Lão Tử lẫn Khổng Tử cho rằng hai con người này không có cống hiến gì cho văn minh nhân loại giống như các triết gia tây Phương = Hegel, Socrat, Plato…Điều ấy chứng tỏ đầu óc của ông tướng này đã…ngấm nặng ý hệ Duy Vật đến nỗi xổ toẹt toàn bộ di sản văn hóa không những chỉ riêng của Trung Hoa mà còn của cả nhân loại. Với việc chối từ này chúng ta cũng không lạ gì với việc mà ông ta nêu lên những tệ hại của cái gọi là văn hóa truyền thống mà thực chất là của Trung Quốc nói riêng và của các chế độ CS nói chung trong thời hiện đại.

Những tệ hại được nêu lên ấy đại khái như là “ Thuật Ngụy Biện “. Ngụy biện chẳng qua là sự nói dối. Có thể nói chế độ CS là tập đại thành của dối trá. Giáo sư Trần Phương cựu phó thủ tướng, cựu bộ trưởng Bộ Nội Thương ( 1981 – 1982 ) cựu ủy viên Trung ương Đảng đã được BGH trường Phan Chu Trinh mời đến nói chuyện với các giáo viên của trường nhân dịp ông vào công tác tại Đà Nẵng ( 1987 ) “ Nhưng mà hôm nay nói ra để nói rõ rằng chúng ta có rất nhiều cái mơ hồ và chính vì cái mơ hồ trong tư tưởng đó cho nên cương lĩnh đầy rẫy những cái sai. Ông nói CNXH mà ông không hiểu nó là cái chi cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì. Ông nói là nền dân chủ XHCN mà ông cóc hiểu dân chủ XHCN khác cái dân chủ tư sản là cái gì…” ( Nguoilotgach. Blogspot 20/10/2013 – Chúng ta tự lừa dối chúng ta và chúng ta lừa dối người khác).

Đã tự lừa dối mình thì không có cách chi không lừa dối người khác và hậu quả của sự lừa dối ấy tất nhiên chỉ có thể đưa đến sự tàn nhẫn bất công. Xã hội Trung Quốc và những xã hội CS khác ngay cả khi đã chối bỏ nó như LB Nga hiện nay cũng vẫn chịu ảnh hưởng rất nặng của chủ nghĩa duy vật và độc tài. Một khi đã nhiễm óc duy vật rồi thì chỉ còn biết có mình, coi người khác hoàn toàn như những đối tượng để khai thác trục lợi. Lợi dụng được thì gọi nhau là đồng chí. Ngược lại thì trừ khử giết hại không thương tiếc. Đã biết bao chứng cớ về sự thanh toán nhau trong các chế độ độc tài mà ai cũng biết. Đối với những con người đã nhiễm óc duy vật rồi thì không gì mà không làm miễn sao có lợi ( bất chính ) cho mình. Từ cái thói chỉ biết có lợi cho mình ấy mà người ta đã nhẫn tâm làm hại người khác nhưng không có một chút mặc cảm lương tâm nào.

Trung Quốc với chế độ CS hiện nay là một quốc gia đứng đầu thế giới trong lãnh vực sản xuất đồ giả và những thứ độc hại khác từ sữa, đồ chơi cho trẻ em cho đến thực phẩm nhiễm hóa chất đủ loại. Tư tưởng phát xuất ra hành động, chủ trương theo đuổi một chủ nghĩa xấu như duy vật thì hậu quả xấu làm sao có thể tránh được = Nạn tham nhũng tràn lan không có cách chi diệt trừ. Nạn phá hủy môi trường càng ngày càng dữ dội đến nỗi ngay như thủ đô Bắc Kinh đã phải nâng mức báo động đỏ về ô nhiễm không khí hàng năm nhiều đợt, đợt sau luôn nặng hơn đợt trước !!!.

Với những hậu quả nhãn tiền như thế, người ta cũng muốn sửa sai, đổi mới đấy thế nhưng không thể được. Việc đổi mới giống như việc đánh bùn sang ao chỉ thêm ngầu đục. Cũng trong lần nói chuyện tại trường Phan Chu Trinh ngày ấy GS Trần Phương nói sự đổi mới của chế độ là bất khả ngay cả với ông TBT Đảng “ Cho nên có khi cái hôm mà có đồng chí hỏi tôi về đồng chí Lê Duẩn người ta nói là tại sao anh ca tụng anh Lê Duẩn là một người biết nghe như thế mà anh ấy không thể đổi mới được ? Tôi trả lời thế này = Anh Lê Duẩn tuy cũng là người rất là tỉnh táo đấy nhưng ông ấy cũng nằm trong một hệ thống tư tưởng mà ông không thoát ra được. Ông không thoát được bởi vì thế này. Chính ông Lê Duẩn đi họp cái hội nghị 57 hội nghị 60. Ông ấy là những người thiết kế ra cái hệ tư tưởng của cái hệ thống XHCN thế giới này. Nó đấy, cho nên tôi nói thật với các anh đó khi năm 86 chúng ta đổi mới thì ông mới chịu cái sức ép của thực tế là ông không thể nào không theo cơ chế thị trường được. Ông phải chịu nhưng ông chưa kiểm điểm cái tư tưởng của ông đâu” ( Nguồn nguoilotgach.blogspot 30/10/2013 GS Trần Phương…)

Chưa kiểm điểm bởi vì ông Lê Duẩn chưa nhận thức được cái sai của CNCS ở chỗ nào. Trái lại tướng Lưu Á Châu có lẽ bởi từng là giáo sư thỉnh giảng của ĐH Stanford nên mới sùng thượng Mỹ hầu vạch ra cái hướng sửa sai cho nước mình. Trước hết ông ca ngợi chế độ bầu cử “ Không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta lớn đến cấp nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không có quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có cương vị, có cương vị thì không có đầu óc. Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh anh lên. Nhờ thế một là họ không mắc sai lầm, hai là họ ít mắc sai lầm ba là mắc sai lầm thì có thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai” ( Nguồn Tuanvietnam.Net 20/6/2014 Tướng Trung Quốc ).

Ưu điểm của thể chế dân chủ Mỹ chính là ở chỗ việc tranh cử của các ứng cử viên ( Tổng thống ). Tranh cử nói cho dễ hiểu thì nó không khác gì việc thi đua mà giám khảo lại chính là các cử tri. Ở đây ta thấy dường như lá phiếu của người dân sẽ quyết định ai sẽ là người lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên sự thực thì không phải vậy, đằng sau cái việc tranh cử bầu cử đó còn ẩn chứa biết bao điều khuất lấp, nào là những kỹ thuật dàn dựng nói xấu bôi tro trát chấu nhau, nào là mua phiếu, hứa hẹn chức vụ béo bở cho những cổ động viên nhiều tiền nhiều thế lực v.v…

Mặc dầu vậy tất cả những mờ ám ấy chưa phải là vấn đề. Điều quan yếu nhất trong các thể chế dân chủ chính là việc phổ thông đầu phiếu căn cứ trên đa số tức ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử. Cũng do nơi căn cứ vào đa số ấy mà người ta đã thay thế chất lượng bằng số lượng. Chất lượng ở đây gồm bởi những con người có nhận thức, có óc phán đoán, họ biết điều gì thực sự là cần cho quốc gia dân tộc v.v..Còn số lượng tức cái đám đông mù quáng chỉ biết đòi hỏi làm sao đáp ứng được những nhu cầu thiết thực cho đời sống = công ăn việc làm, an sinh xã hội, diệt trừ tham nhũng v.v…Người tranh cử nào chẳng muốn thắng cử. Bởi vậy nhất định phải nhắm đến cái đám đông hỗn tạp kia bằng những lời hứa sao cho lọt tai họ…

Cố nhiên việc tranh cử, bầu cử tại các quốc gia dân chủ có nhiều điểm vượt trội so với chế độ CS. Thế nhưng suy cho cạn lẽ thì đời sống con người chẳng lẽ chỉ hạn cuộc trong những nhu cầu của xác thân hữu hạn này sao ? Bao lâu còn hạn cuộc như thế thì dù cho CS hay dân chủ sẽ vẫn còn đối xử với con người như không phải con người nếu không muốn nói như câu ngạn ngữ La Mã cổ thời “ Người là lang sói với người”. Đối xử với con người như không phải con người thì không bao giờ có thể có được đạo đức. Tại sao ? Bởi con người dù xuất hiện dưới bất cứ hình thức chủng tộc giai cấp nào nó cũng mang nơi mình phẩm chất vô cùng cao quý. Phẩm chất ấy Đạo Phật gọi là Phật tính, là Viên Giác tính. Còn Đạo Chúa gọi là Thiên Chúa tính, Thượng Đế tính, Hình Ảnh Thiên Chúa, Con Thiên Chúa Hằng Sống v.v…

Chính trị theo cái nghĩa cao quý nhất như tên gọi của nó chẳng những phải đem lại an cư lạc nghiệp cho muôn nhà mà còn phải tạo cho con người có được thuận lợi tối đa trong việc thực hiện tâm linh tính của mình. Sở dĩ chính trị cần làm điều ấy bởi vì cứ bình tâm suy nghĩ mà xem tất cả rồi sẽ qua đi, nào những nền văn minh, những đế quốc những chế độ đủ loại nay có còn gì đâu hay chỉ là một ánh chớp trong vô biên bất tận ? Không còn mà vẫn còn và cái còn ấy chính là cái nghiệp mà mỗi người đã tạo lấy cho mình “ Ta sẽ tùy công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo ứng” ( Kh 2, 23 )./.

Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét