LTCGVN (19.06.2014)
Nói đến nhìn là nói đến mắt. Có
nhiều loại ánh mắt: Hiền từ, dữ tợn, thật thà, gian xảo, ngây thơ, đểu cáng,...
Mắt cũng có nhiều dạng: Tròn, đen, xanh, nâu, to, nhỏ, đẹp, xấu,...
Ánh mắt có thể “nói” nhiều thứ. Người ta thường ví von: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Chính “cửa sổ” đó có thể tiết lộ nhiều
thứ. Ca dao so sánh:
Con lợn mắt trắng thì nuôi
Những người mắt trắng đánh
rồi đuổi đi
Như chuyên gia khoa tâm lý học, tiền nhân còn “bật mí” thế này:
Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái
buôn chồng người
Do đó mà người ta cần tỉnh táo mà “chọn mặt gởi vàng”. Cuộc sống luôn
có những chuyện bất ngờ, bất ngờ ở nhiều dạng. Có những việc làm giản dị mà vĩ
đại, có những con người vô danh tiểu tốt nhưng vẫn có cách sống anh hùng. Đó là
những người sống tốt. Quả thật, đời người cần lắm tình yêu thương!
Báo chí đưa tin: Hai cháu Hằng 9 tuổi và Oanh 8 tuổi (ở xã Lộc Khánh,
Lộc Ninh), nhà nghèo nên phải đi nhặt phân trâu. Hai cháu ra bờ ao rửa tay thì
chúa Hằng trượt chân té xuống nước, cháu Oanh thấy vậy liền nhảy xuống cứu bạn,
vì cả hai không biết bơi và vì ao sâu nên cả hai đều chết đuối. Thương tâm biết
bao! Chắc hẳn cháu Oanh biết mình không biết bơi, nhưng khi nhìn thấy bạn sắp chết chìm nên vẫn xả thân cứu bạn.
Ở thị xã Bảo Lộc, H. đang uống cà-phê và thấy một thanh niên sàm sỡ với
cô gái bán quán, H. không thể cầm lòng vì trái tai gai mắt nên anh ra ngăn cản.
Nhưng một nhóm thanh niên xông vào hành hung và đâm H. chết. Cái chết của Hải
tưởng như vô lý nhưng lại rất ý nghĩa và nhân bản. Đã và đang có những “Lục Vân
Tiên” ở khắp nơi, nhưng vẫn không triệt hết những kẻ gian tà!
Trong khu phố nọ chỉ có vài gia đình Công giáo, có một phụ nữ thường
xuyên đi lễ. Có lần đứa cháu ngoại khóc vì bị đứa trẻ khác chọc ghẹo. Chị ta
“nhảy” ra xỉa xói và la lối đứa trẻ kia thậm tệ. Thực ra cũng tại lỗi nhiều ở
đứa cháu ngoại của chị ta. Rồi lần khác, chị ta cãi nhau với một phụ nữ khác.
Phụ nữ kia chỉ to tiếng nhưng không dùng những từ ngữ “khó nghe”, còn chị ta
vừa lớn tiếng át người kia vừa dùng những từ ngữ tục tĩu và thô bỉ, nghe mà
rùng mình. Tôi đẩy cửa ra xem sao rồi đóng cửa lại. Không hiểu sao bỗng dưng chị
ta giảm cường độ và âm độ. Quả thật, lần thứ hai tôi chứng kiến và nghe cách
nói của chị, tôi phải tự đặt một dấu hỏi lớn: “Người
Công giáo mà có thể xử sự như vậy ư?”.
Sống tốt vừa dễ vừa khó. Sống tốt không chỉ là tránh điều xấu mà còn phải tích cực làm điều tốt. Không có dịp sai phạm chưa
hẳn là người tốt, có dịp sai phạm mà không vi phạm thì mới thực sự là người
tốt. Có qua lửa mới biết vàng thật hay giả. Lòng tốt và đạo đức có hệ lụy với
nhau. Lòng tốt rất cần trong cuộc sống dù có thể bị người khác nhìn thấy… “lạ”!
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: “Sống trong đời sống cần
có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi!” (Để
Gió Cuốn Đi).
Mạnh Tử xác định: “Ngẩng lên không hổ với
trời, cúi xuống không thẹn với người, đó là điều vui sướng”. Người vui sướng là người
hạnh phúc, thanh thản, tất nhiên vì người đó sống tốt. Sống thật thì chẳng sợ
gì cả!
Người ta thường nói “thẳng thắn thật
thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”. Vì thế, “lương tâm
không bằng lương tháng”. Đó là một thực-tế-buồn, rất có thể là một phần do suy
thoái đạo đức, ảnh hưởng nhiều thứ – dù ai cũng “nhân chi sơ tính bản thiện”. Tầm
nhìn của người ta cũng dễ bị “thu hẹp” vì ích kỷ và “biến tướng” vậy. Do đó mà
luôn phải tỉnh thức!
Người ta chưa xác định câu: “Xin
hãy dạy con tôi chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong thi cử” có
phải của cố tổng thống Hoa kỳ Abraham Lincoln hay không. Nhưng dù thế nào
thì câu đó vẫn tuyệt vời, dù đó là của ai. Người Việt cũng có câu: “Thà chết
vinh hơn sống nhục”. Xã hội có nhiều loại người, nhưng tóm gọn 2 loại
chính: Trung thực và lọc lừa, dĩ nhiên mỗi loại có mức độ rất khác nhau.
Sống trung thực sẽ “mất” sự gần
gũi, thân thiện, thiếu thoải mái,… nhưng “được” những cái vô giá: Sự khâm phục,
nể trọng, quý mến,… Dám sống trung thực là điều không dễ. Những người sống
trung thực thường cảm thấy “cô đơn”, lạc lõng giữa xã hội phức tạp. Người ta có
xu hướng “an phận”, ai sao mình vậy, không dám đấu tranh vì Chân-Thiện-Mỹ, chỉ
cần hai chữ “bình an”. Xưa nay, trong mọi lĩnh vực: Xã hội, tôn giáo, chính trị,
giáo dục,… những người dám thể hiện tính trung thực, nói thẳng nói thật, không
xu nịnh là “hàng hiếm”. Người dám trung thực cũng phải đấu tranh tư tưởng rất
nhiều, vì “nói thì dễ mà làm thì khó”, rất cần phải có lòng dũng cảm, dám sống
“trong” dù đời “đục”. Đó là tầm nhìn sâu sắc, xa và rộng.
Trong cuộc sống, đối với bất kỳ
lĩnh vực nào cũng vậy. Dám làm thì phải dám chịu. Không gì hơn là “cứ là chính
mình”. Đó là một dạng trung thực. Người ta có thể che mắt người khác nhưng
không thể giấu giếm được chính mình. Sống trung thực, MẤT thì có MẤT,
mà ĐƯỢC thì vẫn ĐƯỢC. Theo tôi, cái ĐƯỢC nhiều nhất là tâm hồn mình thanh
thản, dù người khác có thể không muốn “gần gũi” mình, chẳng qua là họ ngại và tự
thẹn thôi.
Lịch sử thế giới đã và đang cho
chúng ta thấy những tấm gương trung thực, dù người đó có thể bị người khác “xa
lánh”, nhưng thời gian sẽ cho người ta biết câu trả lời chính xác nhất.
Viết bài thơ QUAN TÂM, thi sĩ Katherin
N. Davis nói:
Hãy dùng thời gian để làm
việc
Là con đường dẫn đến thành
công
Hãy dùng thời gian để suy
xét
Tư tưởng phân biệt những
con người
Hãy dùng thời gian để vui
chơi
Đó là hạnh phúc thời xuân
trẻ
Hãy dùng thời gian đọc tất
cả
Để phong phú hóa cuộc đời
ta
Hãy dùng thời gian để giúp
đỡ
Hạnh phúc chính là biết sẻ
chia
Hãy dùng thời gian để mơ ước
Cho lòng thanh thoát tới
ngàn xa
Hãy dùng thời gian để hài
hước
Niềm vui xóa dấu vết âu lo
Hãy dùng thời gian để
thương mến
Đó là ý nghĩa cả đời ta
Thiết tưởng đó là tầm nhìn trong
sáng và tích cực mà tất cả chúng ta, không trừ ai, đều phải cố gắng đạt tới. Tầm
nhìn liên quan đôi mắt. Tốt hay xấu có thể sinh ra bởi mắt nhìn.
Kinh Thánh cho biết: “Ông Gia-cóp nhìn nét mặt ông La-ban và thấy
rằng, đối với mình, cha không còn như xưa nữa” (St 31:2). Sau đó, Thiên
Chúa bảo ông về quê cha đất tổ. Ông Gia-cóp sai người đi gọi bà Ra-khen và bà
Lê-a ra ngoài đồng, đến chỗ đàn chiên dê của ông.5 Ông nói với họ: “Tôi thấy rằng nét mặt của cha các bà đối với
tôi không còn như xưa nữa; nhưng Thiên Chúa của cha tôi đã ở với tôi.6 Chính
các bà biết rằng tôi đã phục vụ cha các bà bằng tất cả sức lực của tôi.7 Cha
các bà đã đánh lừa tôi, và đã đổi công xá của tôi mười lần, nhưng Thiên Chúa đã
không để cho ông ấy làm hại tôi” (St 31:5-7).
Tầm nhìn cũng được Chúa Giêsu nhắc
tới trong một Mối Phúc: “Phúc thay ai có
tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Chúa
Giêsu rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mc 3:34). Chúa Giêsu ngó quanh
để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó (Mc 5:25-34). Có lần một thanh niên đến gặp
Chúa Giêsu, Ngài đã “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21).
Có nhiều cách nhìn, nhưng có một
cách nhìn nguy hiểm, như cách nhìn mà Chúa Giêsu cảnh báo: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người
ấy rồi” (Mt 5:28). Và Ngài so sánh thẳng thắn: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt
mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục” (Mt
18:9; Mc 9:47).
Ánh mắt cần có “tia” yêu thương.
Khi nhìn thấy những người khốn khổ, Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương. Mù lòa mắt
thường là điều khốn khổ lắm, nhưng mù lòa tâm linh là điều khốn nạn lắm. Hãy bắt
chướng anh mù cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa: “Xin cho con nhìn thấy được” (Mc 10:51).
TRẦM
THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét