Washington DC – Không thấy bất cứ chỉ dấu nào cho thấy cuộc khủng hỏang ở Biển Đông giữa Việt nam và Trung Cộng sẽ được giải quyết trong tương lai gần sau 3 cuộc họp tại Hà Nội ngày 18/06/2014 của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Ông Dương, người phụ trách về vấn đề biên giới và lãnh thổ của Chính phủ Trung Cộng là viên chức cao cấp nhất được gửi đến Việt Nam kể từ khi Bắc Kinh, vào ngày 02/05/2014, kéo giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 đặt vào bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Từ đó, phát ngôn viên Bộ Ngọai giao, báo chí và các chuyên viên về Biển Đông và chủ quyền lãnh thổ của hai nước đã đua nhau tranh luận, nhưng đôi khi cũng đã sử dụng những ngôn ngữ “xấu xa nhất” để lăng mạ nhau.
Nhưng khi Bộ Ngọai giao Việt Nam xác nhận tin Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì sang Việt Nam để nói chuyện về vụ giàn khoan HD 981 thì quan tâm của dư luận được tập trung vào chuyến đi quan trọng này.
NÓI MỘT ĐÀNG LÀM MỘT NẺO
Tuy nhiên, chỉ trước một ngày (17/06/2014) nguyên Bộ trưởng Ngọai giao Dương Khiết Trì đến Hà Nội thì Cục hải sự Trung Cộng (State Oceanic Administration,SOA) đã công bố quyết định di chuyển giàn khoan dầu thứ 2 từ vùng đảo Hải Nam xuống phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, rất gần với hai tỉnh Qủang Bình và Hà Tĩnh mặc dù hai bên Việt-Trung vẫn còn đang thương thuyết về quyền khai thác.
Các báo Việt Nam dịch tin từ trang Web của Cục Hải sự Trung Quốc công bố ngày 17/6/2014 nói rằng: “Trang web Cục Hải sự TQ dẫn thông tin từ cục Hải sự Hải Nam hôm 17/6 cho hay, tàu kéo Đức Gia đang kéo giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) từ vị trí có tọa độ 17°38 vĩ độ Bắc 110°12.3 vĩ độ Đông tới vị trí có tọa độ 17°14.1 vĩ độ Bắc 109°31 vĩ độ Đông trên Biển Đông.
Giàn khoan này dự kiến di chuyển từ ngày 18-20/6. Giàn khoan Nam Hải số 9 có chiều dài tổng cộng 600 m và tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ.” (Báo VietnamNet, 19/06/2014)
Theo các báo Việt Nam thì: “Điểm đến của giàn khoan này nằm trong khu vực cửa Nam vịnh Bắc Bộ và còn gần bờ biển Việt Nam hơn cả giàn khoan Hải Dương 981. Đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải.” (báo Petro Times, 19/06/2014)
Nhìn trên bản đồ thì thấy vị trí gìan khoan Hải Nam 9 sẽ đối diện với hai Tỉnh Qủang Bình và Hà Tĩnh.
Ngòai ra, trừ cuộc điện đàm và đối thọai căng thẳng giữa Bộ trưởng Ngọai giao Việt Nam Phạm Bình Minh với ông Dương Khiết Trì ngày 06/05/2014, bốn ngày sau khi giàn khoan HD 981 được đặt vào vùng biển Việt Nam, Trung Cộng đã từ chối mọi đề nghị nói chuyện cấp cao hơn với Việt Nam.
Bắc Kinh cũng đã gửi Công hàm cho Liên Hiệp Quốc tố cáo Việt Nam gây hấn và trưng ra một số bằng chứng của Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng ở Hòang Sa và Trường Sa. Trong số bằng chứng này có lời nói của Thứ trưởng Ngọai giao Ung Văn Khiêm, Bản đồ quốc tế, Sách giáo khoa Địa lý lớp 9, và đặc biệt là Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạn Văn Đồng.
Cho đến thời điểm ông Dương Khiết Trì có mặt tại Hà Nội, vẫn chưa thấy Chính phủ Việt Nam đưa ra “Tuyên bố chính thức” nào để bác bỏ các lập luận của Trung Cộng vì, theo lời Tiến sĩ Trần Công Trục nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì: “Những tài liệu mà Trung Quốc đã trích dẫn này là có thật.”(trích báo Giáo dục Việt Nam ngày 14/06/2014)
“Tuy nhiên”, ông Trục nói, “nội dung của các tài liệu này cụ thể ra sao và giá trị pháp lý của chúng như thế nào? Đó là những câu hỏi cần được phải làm sáng tỏ trên tinh thần thật sự khách quan, trung thực, cầu thị…:
Thứ nhất, xin nói về hình thức của các tư liệu này:
Tài liệu đầu tiên mà Trung Quốc thường xuyên nêu lên trong tất cả các lập luận về cái gọi là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng thừa nhận “chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa, Nam Sa”. Thực chất đây chỉ là bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho cố Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 có liên quan đến Tuyên bố quy định về chiều rộng lãnh hải 12 hải lý của CHND Trung Hoa; hoàn toàn không phải là “Công hàm” như phía Trung Quốc đã nhấn mạnh.
Các tài liệu khác như Sách giáo khoa địa lý lớp 9, Tập bản đồ thế giới…thực chất đây là những tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu, học tập…
Ngoài ra, còn có một số nội dung khác đã được trích dẫn chủ yếu là những cuộc trao đổi, phát biểu cá nhân của một số cán bộ ngoại giao trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.”
Nhưng đó chỉ là quan điểm riêng của Tiến sĩ Trần Cộng Trục, không phải là “lập trường chính thức của Chính phủ Việt Nam”.
Việt Nam cũng chưa thi hành “kế họach kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận đã sẵn sàng từ lâu ,như Phi Luật Tân đã làm, để bảo vệ chủ quyền biển đảo ? Sự thiếu cương quyết và không minh bạch này này đã khiến cho dư luận trong nhân dân có nghi vấn phải chăng Việt Nam đã bị “há miệng mắc quai” với Trung Cộng bởi những cam kết chính trị, hay chủ quyền lãnh thổ trong qúa khứ với Bắc Kinh, hoặc vì không muốn gây hấn qúa đà để tránh mất lòng nước láng giềng đã giúp đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc chiến “chống Pháp gìành độc lập” và “chống Mỹ xâm lăng Việt Nam Cộng hòa” ?
Có lẽ vì thế mà trong các cuộc nói chuyện với ông Dương Khiết Trì, hai bên đã có sự “kiềm chế phải chăng” và tỏ ra “ hy vọng dè chừng” để không đến nỗi phải “chia tay nhau”. Hai bên cũng tỏ ý muốn kiềm chế tối đa hiểm họa chiến tranh và cùng kêu gọi tiếp tục thảo luận để “ổn định tình hình” ở Biển Đông.
XINHUA VIẾT GÌ?
Tuy vậy, khi nhìn các ảnh chụp phổ biến thì thấy ngay tính khẩn trương, căng thẳng và bực bội đã hiện trên mặt của ông Phạm Bình Minh cũng như cách “gượng cười” của các ông Trọng, Dũng và họ Dương
Bản tin chính thức của Bộ Ngọai giao Việt Nam viết rằng: “ Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tổ chức cuộc hội đàm Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt. Hai bên đã trao đổi ý kiến thẳng thắn và sâu rộng về quan hệ Trung-Việt cũng như tình hình trên biển hiện nay.”
Thêm một lần nữa, ông Phạm Bình Minh đã: “Khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”
Thêm một lần nữa, ông Phạm Bình Minh đã: “Khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”
Về phiá ông Dương Khiết Trìthì cũng: “ Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.”
Vậy đó là “lập trường thế nào”?
Theo Tân Hoa Xã (Xinhua) viết từ Hà Nội thì Dương Khiết Trì đã nói thẳng với ông Phạm Bình Minh những điều như “ra lệnh phải tuân thủ”:”Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan.
Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn.”
Lời nói của họ Dương rõ ràng đã nhắc lại “lập trường bất di bất dịch” của Trung Cộng:
1) Chống mọi khả năng “quốc tế hoá” xung đột giữa Việt Nam và Trung Cộng vì Bắc Kinh không muốn nước khác xía vào chuyện riêng của hai nước Việt-Trung để dễ dàng khống chế và bẻ gẫy các lập luận của Việt Nam về chủ quyền biển đảo. Trung Cộng đã thành công trong chiến lược chia rẽ khối 10 quốc qia Đông Nam Á (ASEAN) để cho khối này không chính thức có Tuyên bố chung ủng hộ Việt Nam hay Phi Luật Tân trong các tranh chấp với Trung Cộng.
2) Đòi Việt Nam phải chấm dứt hoạt động của các tầu Cảnh sát biển, tầu Kiểm ngư và tầu cá quanh vùng giàn khoan HD 981 để cho Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm dầu khí. Nói cách khác, Dương Khiết Trì yêu cầu Việt Nam phải nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng ở vùng biển mà Việt Nam cho là của mình, trong khi không điếm xỉa đến các vụ tầu Trung Cộng đâm, va và húc chìm tầu cá Việt Nam.
3) Dương Khiết Trì cũng yêu cầu Việt Nam hãy vì “đại cục” ( hay “việc chung của hai nước” ) mà “cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng” . Nhưng hướng nào ? Hay là họ Dương muốn ám chỉ đến cái bẫy của Bắc Kinh đã giăng ra từ thời Đặng Tiểu Bình gọi là “gác tranh chấp để cùng khai thác” tài nguyên của Việt Nam ở Biển Đông?
Bản tin của Xinhua còn viết, theo bản Tiếng Việt của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa thì: “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam trân trọng tình hữu nghị truyền thống hai nước, mong tiếp tục duy trì và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, sẵn sàng nỗ lực cùng Trung Quốc, cải thiện và phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam sẵn sàng tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai nước về xử lý thoả đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước, tránh để cho các vấn đề này quấy nhiễu toàn cục của quan hệ hai Đảng và hai nước, sẵn sàng tiếp tục duy trì sự trao đổi mật thiết với Trung Quốc về tình hình trên biển hiện nay, quản lý và kiểm soát tình hình căng thẳng, giải quyết thoả đáng các vấn đề liên quan, tỏ rõ với bên ngoài rằng hai nước Việt-Trung có khả năng giải quyết bất đồng bằng phương thức hoà bình.”
TRỌNG-DŨNG-DƯƠNG
Sau hi họp với ông Minh, họ Dương còn gặp Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tại cuộc họp với Dương Khiết Trì, Thông tấn xã Việt Nam cho biết Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã: “ Khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc; mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước; đánh giá cao về những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt-Trung trong những năm gần đây.”
Tuy nhiên ông Trọng cũng đã: “Nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng Năm đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực.”
Và, lần đầu tiên kể từ khi xẩy ra vụ gián khoan HD 981, ông Tổng Bí thư đảng CSVN mới đưa ra lời “khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.”
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cũng: “ Khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam; mong muốn hai bên tiếp tục bàn bạc để làm giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, cùng nỗ lực giữ gìn cục diện quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định.”
Tại cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Dương Khiết Trì, Bộ Ngọai giao Việt Nam đã lập lại nội dung gần giống như những ý kiến của ông Trọng đã nói với họ Dương. Nhưng ông Dũng còn nói với ông Dương: “Trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của mình, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, luôn coi trọng việc giữ gìn, tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển giữa Việt Nam – Trung Quốc.”
Ông Dũng cũng yều cầu “Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước….Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, một lần nữa: “Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng và chưa bao giờ thay đổi phương châm hữu nghị trong quan hệ với Việt Nam. Đối với vấn đề tranh chấp trên biển, ông Dương Khiết Trì nêu lại lập trường của Trung Quốc.”
Đáng chú ý là trong cả 3 cuộc nói chuyện, hai bên đều không nhắc đến phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt của Trung Cộng trao cho Việt Nam, tiếp theo sau Hội nghị bí mật ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Cộng) năm 1990 giữa hai Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh và Giang Trạch Dân, đó là: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”
Trước đây, trong tất cả các cuộc họp lãnh đạo cấp cao đôi bên thì phiá Việt Nam luôn luôn, như một thông lệ không thể thiếu, nhắc đến phương châm này trong diễn văn hay khi phát biểu để làm vui lòng khách Trung Cộng !
Nhưng trong cuộc nói chuyện với ông Nguyễn Tấn Dũng thì ông Dương Khiết Trì đã trực tiếp trả lời cho những phê phán từ phiá Việt Nam cho rằng phía Trung Cộng đã “nuốt lời”, sau vụ giàn khoan HD 981.
Ông Dương bảo ông Dũng: “Trung Quốc coi trọng chưa bao giờ thay đổi phương châm hữu nghị trong quan hệ với Việt Nam.”
Ngòai ra cũng không hề thấy phiá Việt Nam phản đối hay chất vấn tại sao, cùng thời gian với hoạt động của giàn khoan HD 981 thì Trung Cộng đã khẩn trương biến 6 trong số 8 đá ngầm chiếm của Việt Nam ở Trương Sa năm 1988 thành các “đảo nhân tạo” để mở rộng tầm kiểm soát chủ quyền bất hợp pháp ?
Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Trung thì Trung Cộng đã xây “đảo nhân tạo” trên các bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Gaven, Su Bi, và Châu Viên
Như vậy, nếu đem so với hành động “nói không đi đôi với làm” và những lời “gay gắt” ông Dương Khiết Trì nói như ra lệnh cho ông Phạm Bình Minh thì sẽ thấy họ Dương đã đến Hà Nội để “chơi Game mua thời gian” với hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng để cho giàn khoan HD 981 tiếp tục tự do hoạt động chứ không phải tính chuyện rút đi, hay chấm dứt chủ trương bá quyền và bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh./.
Phạm Trần
(06/014)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét