Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

NGÀY 24. THÁNG 6 - LỄ KÍNH MỪNG SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ

NGÀY 24. THÁNG 6 - LỄ KÍNH MỪNG SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ

I-SAI-A 49,1-6; CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ 13, 22-26; LU-CA 1,57-66.80

Tên Và Sứ Mạng Của Thánh Gio-An



Qủa theo phong tục của người xưa, nhất là trong nền văn hóa của người Do Thái, thi khi đứa bé được mở mắt chào đời là một biến cố vui mừng cho gia đình. Một biến cố quan trọng, ghi dấu trong đời của một con người; cũng là một niềm rạng rỡ cùng vinh dự trọng đại và một hạnh phúc chan hòa của cha mẹ. Lẽ thường trong ngày vui đó thì họ hang bà con làng xóm quay quần bên con trẻ, rồi họ chờ đợi cha mẹ đặt tên hay gọi tên cho con mình.Thôi thì họ hàng bà con luân phiên chúc mừng khi tên con trẻ đưọc gọi lên. Song hôm nay, có lẽ việc đặt tên cho con trẻ không quan trọng như xưa kia. Tuy nhiên chúng ta vừa mới đọc qua bài Tin Mừng nói đến sự đặt tên cho con trẻ, là có tầm mức hệ trọng dường nào đối với người Do Thái, và đây là một bắng chứng.

Theo như ngày nay, thì ngưòi ta hay chọn một cái tên đơn giản kém phần quan trọng để đặt tên cho con mình. Trái lại, theo Thánh Kinh cũng như các nền văn minh xưa kia, thì người ta không thể tùy tiện đặt tên cho con trẻ bất cứ cái tên nào cũng được. Thực thế, ai ai cũng biết tên thánh Chúa Giê-su có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, và tên Thánh Phê-rô được gọi tên cho tông đồ Si-mon, có nghĩa là “Đá”, và trên Đá đó Chúa Giê-su xây Giáo Hội Ngài. Do thế, những tên được gọi trong Thánh Kinh luôn biểu thị ý nghĩa của một cuộc sống, một ơn gọi. Bởi từ ý đó, tên của thánh Gio-an muốn nói là “Yahvé tỏ lòng thương xót” hoặc “Thiên Chúa ban ơn”, thì tất cả tên của gia đình này nói lên Tin Mừng mới. Chẳng hạn như tên ông Da-ca-ri-a nghĩa là “Thiên Chúa nhớ lại” và tên Ê-li-sa-bét muốn nói là “Thiên Chúa đã hứa”. Chúng ta thấy mỗi nhân vật nói đây đều mang một tên riêng. Và tên ấy là một lời hành động mà chính Chúa Trời là Tác Nhân. Vì thế, Gio-an có nghĩa “Thiên Chúa tỏ lòng thương xót”, là một cái tên được tóm lại cái lịch sử cứu độ, nhờ đó cái tên này của con ôngDa-ca-ri-a sẽ mang cái tên thật tốt đẹp. Chúng ta nhớ lại có lần Chúa Giê-su đã nói về thánh Gio-an Tẩy Giả cho đám đông quần chúng hay rằng : “thực vậy, Ta nói cho các nguơi hay, tất cả các con trẻ do người phụ nữ sinh ra, sẽ không có ai cao trọng hơn Gio-an” (Mát-thêu11,11).

Thế đó, qua bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Sử Lu-ca tỏ cho chúng ta thấy một niềm vui lớn lao khi con trẻ sinh ra, và tạo sự ngạc nhiên cho mọi người lúc cha mẹ ngài đã già khụ mà vẫn có con. Hơn nữa, cha ngài dược khỏi bị câm vào ngày ngài được cắt bì, để rồi họ hàng bà con làng xóm khi đến dự lễ phải kinh ngạc thốt lên “trẻ nhỏ này sẽ ra như thế nào?” (Lu-ca1,66). Có nghĩa có bàn tay Thiên Chúa ở với thánh Gio-an và thánh nhân sẽ làm gi sau này… Trở về trước đó, chúng ta thấy Thiên Thần báo tin cho ông Da-ca-ri-a về sứ mạng cao cả mà Gio-an sẽ thực thi là “con ông sẽ đưa nhiều người Do Thái trở về cùng ThiênChúa là Thiên Chúa của họ. Con ông sẽ đi trước mặt Chúa với tinh thần của Tiên Tri Ê-li-a” (Lu-ca 1,16-17). Bởi vậy, thánh Gio-an là sự gạch nối cuối cùng của Cựu Uớc, và tập trung ở thánh nhân những khát mong tốt đẹp của dân Do Thái, là dân tộc đuợc Chúa tuyển chọn, để rồi qua thánh nhân người ta chờ mong các sự việc sẽ đến để hoàn thành chương trình cứu độ của Chúa Trời. Do đó mà thánh Gio-an loan báo việc đến của Chúa Giê-su, và thánh nhân chuẩn bị cùng sửa soạn cho các tâm hồn biết đón nhận Chúa. Tất cả đời sống của thánh nhân, mọi công việc của thánh nhân đều quy hướng về Đấng cao cả và lớn hơn thánh nhân. Nói tóm lại, thánh Gio-an là vị Tiền Hô của Chúa Giê-su. Có nghĩa ngài có bổn phận chuẩn bị, loan báo cho ngày Chúa đến.

Đẹp thay qua bài Tin Mừng đã tường thuật cho chúng ta biết về thánh Gio-an cùng vai trò Tiên Hô của Chúa Giê-su. Tiên khởi, chúng ta thấy thánh Gio-an sống một đời khắc khổ tu luyện ở trong sa mạc (ta cũng hiểu rằng sa mạc là nơi đặc biệt tạo sự găp gở giữa Thiên Chúa và con người). Để rồi từ sa mạc đó, thánh nhân hướng về quần chúng và kêu gọi một lời khẩn thiết cho sự hoán cải đời sống của người Do Thái. Thánh Gio-an nói với họ “thời gian gần kề, hãy dọn đường cho Chúa, hãy sữa sọan lối đi cho Chúa, hoặc hãy san phẳng nẻo đi để đón Chúa” (Mát-thêu 3,3; Lu-ca 1,4). Chúng ta thấy thánh nhân sử dụng ngôn ngữ bóng bảy và đầy hình ảnh, hầu khuyên răn dân chúng phải quay hướng lòng mình về Thiên Chúa, là Đấng đang đến. Qủa thánh Gio-an biết đánh thức lương tâm của dân chúng, và cho những ai biết hối cải, thì được nhận lãnh phép rửa trong nước tại sông Gio-đan. Vì thế mà thánh nhân dưọc nhận lãnh cái tên là Tẩy Giả. Hơn nữa, lòi nói mạnh bạo của thánh Gio-an Tẩy Giả đã có sức thu hút quần chúng, và trong đám đông nghe đó đã chọn thánh nhân như vị Thầy tư tuởng. Do thế thánh Gio-an đã có một số môn đệ theo mình, tuy nhiên các môn đệ đó thánh nhân không giữ cho riêng mình. Trái lại, thánh nhân dẫn họ đến cùng Chúa Giê-su, và ta thấy việc làm của thánh Gio-an không muốn lôi kéo và giữ lại gì cho mình. Song thánh nhân thường đưa họ đến cùng Thiên Chúa, là Đấng cứu độ và Con Chiên của Thiên Chúa, để rồi thánh nhân giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác. Tất cả các công việc của thánh Gio-an đếu có một mục đích hướng về Đấng đến từ Thiên Chúa. Bởi thế với các môn đệ của mình, thánh Gio-an tuyên bố rõ ràng mình không phải là Đấng Cứu Độ, cũng không phải là Ê-li-a. Thánh nhân chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Như lời thánh nhân xác thực “tôi không phải là Đấng Ki-tô, song tôi là kẻ được sai đến trước Ngài. Và đó là niềm vui và đầy đủ của tôi vậy. Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gio-an 3,28-30). Để rồi cuối cùng vì lời nói thẳng can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy vợ của anh mình, mà tên bạo vương này bỏ tù thánh nhân, rồi thì chặt đầu thánh nhân một cách thảm thương” (Mát-thêu 14,3-10).

Phải chăng vai trò và sứ mạng của Thánh Gio-an Tẩy Giả là vai trò và sứ mạng của Giáo Hội và của mọi người Kitô hữu chúng ta ? Nhất là Giáo Hội Việt Nam đang sống trong cảnh xem thường đạo đức cùng luân lý. Thật vậy Giáo Hội muốn nói với con người thòi đại nay, như thánh Gio-an đã nói vơi họ xưa kia “ở giữa các ngươi có một Đấng cao trọng mà các nguơi không nhận ra”. Qủa thực các sách Tin Mừng đều nhắc lại vai trò của thánh Gio-an Tiền Hô, thì Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta tôn vinh vai trò đặc thù của thánh nhân. Có nghĩa sứ mạng của thánh Gio-an luôn là hiện tại hóa, và thánh nhân luôn mãi là mẫu guơng của những nhân chứng hùng hồn của Chúa Giê-su. Chúng ta biết rằng bước theo chân Thánh Gio-an, thì người Kitô hữu được mời gọi thực thi cái nhiệm vụ làm Ngôn Sứ như thánh nhân. Vậy thì trong sứ mạng Ngôn Sứ của thòi đại nay muốn nói gì với chúng ta?

Tiên khởi, chúng ta hiểu thời đại nào Thiên Chúa cũng cần đến lòng nhiệt thành của các ngôn sứ, để Ngài gửi các ngôn sứ đó đến với nhân loại hầu nói lên tiếng nói của Ngài, để cho nhân loại biết ý muốn, chương trình và kế hoạch của Ngài cho mỗi thời đại. Vì Thánh Thần Thiên Chúa luôn đổi mới mọi sự, để thích ứng cho hoàn cảnh, tâm thúc, nảo trạng mỗi thời đại mỗi thay đổi của con người. Do thế hơn bao giờ hết, là thời đại chúng ta, con người đang sống với một nên văn hóa sự chết, văn hóa phi nhân : như ở các nước cộng sản và các chế độ độc tài thì thường đàn áp, bỏ tù đày đọa dân chúng và các tiếng nói đối lập một cách bất công cùng tàn bạo. Hoặc như nạn bắt cóc mua bán trẻ con và phụ nữ để bán các cơ phận của thân thể, và làm nô lệ tình dục cho một số con buôn hưởng lợi đồng tiền bất chính. Cũng như nạn diệt các thai nhi một cách dã man, và bóc lột sức lao động của cac công nhân và trẻ em một cách vô nhân đạo, thì vai trò ngôn sứ của chúng ta, là phải can đảm gióng lên tiếng nói bênh vực lẻ phải, chống lại bất công cúng can ngăn các hành vi tội ác vô luân của xã hội loài người, đã xúc phạm đến nhân vị và chống lại Thiên Chúa tỏ tường. Và ở giữa một thế giới chia rẻ, hận thù, chiến tranh, vô thần, nhiều người đau khổ, lo âu, hoài nghi, thất vọng, sống không có lý tưởng và định hướng vv., thì chúng ta càng cần phải rao giảng một Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu, một Chúa Giê-su Phục Sinh, là niềm hy vọng và sức sống cho con người, và Chúa Trời không bao giờ bỏ rơi con người hay thế giới chúng ta đang sống. Qủa thật Thiên Chúa muốn sống và hiện diện với con người ở giữa lòng thế giới này. Do đó để cho Chúa Gìê-su được hiện diện thực ở thế giới này, thì không gì bằng rằng, chúng ta bắt chước Thánh Gio-an luôn đưa tay chỉ cho thiên hạ biết Chúa, và cho những ai đang sống trong tội lỗi biết hối cải về cùng Thiên Chúa, hầu họ nhận được ơn tha thứ và ơn cứu độ của Ngài.

Qủa thực Thánh Gio-an Tẩy Giả là mẫu gương sáng chói cho mọi người Ki-tô hữu, biết ý thức được ơn gọi của mình, để làm nhân chứng cho Chúa Ki-tô. Và để có hiệu qủa, đòi hỏi chúng ta phải có lòng khiêm hạ như thánh nhân. Nhờ thế, chúng ta mới là những vị tiền hô bởi ánh sáng, bởi chân lý và con đường, mả dẫn đưa mọi người đến với Chúa Ki-tô, nguồn cội cứu rỗi và sự bình an của con người.

Sau hết, qua Thánh Lễ này chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đả ban cho chúng ta và nhân loại Thánh Gio-an Tẩy Giả, như thánh nhân mỗi người chúng ta cũng có giá trị trước thánh nhan Chúa. Hơn nữa, chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta và Giáo Hội, hầu mang ơn cứu độ của Ngài đến hết với mọi người trên trái đất này.Thiên Chúa cũng chờ chúng ta trở nên những vị Tiền Hô của Chúa Giê-su cho các anh chị em chúng ta. Amen!

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng, 
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét