Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Tâm tình Tháng Sáu

LTCGVN (01.06.2014)

“Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa”. Đó là sở thích “không giống ai” được mô tả trong ca khúc “Tháng Sáu Trời Mưa” của Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ thơ của Thi sĩ Nguyên Sa. Trong đó còn có câu “thề độc” thế này: “Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng Sáu”.
Mưa luôn làm cho lòng người bỗng lạ. Có lẽ Tạo Hóa đã “cài đặt” phần cứng như vậy. Dù không có “máu” nhạc sĩ và không có “tâm hồn” thi sĩ, người ta vẫn khả dĩ cảm thấy tháng Sáu có điều gì đó rất khó tả, hầu như không thể lý giải. Vâng, tháng Sáu vô thường quá chừng!

Ngày xưa, khi còn tuổi nhỏ, những chiều mưa luôn làm tôi thích thú. Thích thú không chỉ được tắm mưa mà còn được đi bắt cá ngoài đồng ruộng. Có khi chạy vào rừng tìm những tổ chim để bắt chim mẹ đang ấp trứng, chỉ cần tay không cũng bắt được vì trời mưa to nên chim mẹ rúc đầu vào cánh và không nghe thấy tiếng chân người bước tới gần. Lạnh run người, lạnh tím môi, thế mà vẫn khoái chí. Mẹ tôi không la rầy mà chỉ nói: “Con dầm mưa rồi bệnh đấy”. Thật giản dị với niềm vui tuổi thơ ngày ấy…
Tháng Sáu là mùa hè. Nghĩa là học sinh được nghỉ học, được vui chơi thỏa thích, được tung tăng khắp cánh đồng bao la, không hề phải đi học thêm hoặc học hè. Tuổi thơ tôi giản dị, đơn sơ, mộc mạc, chân chất, nhưng đượm đầy chất quê hương. Mùa hè ngày xưa thật trọn vẹn. Đúng như Nhạc sĩ Thanh Sơn mô tả: “Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương” (Nỗi Buồn Hoa Phượng).
Học sinh ngày nay không được hưởng mùa hè trọn vẹn vì phải đi học hè. Ngày khai giảng cũng không còn đúng ý nghĩa, vì chưa hết hè đã phải đi học trước, khó có thể cảm thấy sự nô nức trong không khí khai trường, thậm chí có những em còn cảm thấy “mệt mỏi”. Ngày xưa, học sinh nhỏ chúng tôi hoàn toàn thư thái vào mùa hè, và rồi lại thực sự háo hức trong ngày khai trường, đúng nghĩa khai trường. Và cảm giác đó ngày nay vẫn còn trong tôi mỗi dịp hè hoặc khai trường.
Tôi còn có sở thích đứng nhìn mưa qua cửa sổ. Dòng suy nghĩ cũng chảy trào như mưa vậy. Mưa reo như tiếng nhạc, mưa tí tách như tiếng thơ. Mưa cũng biết vui, biết buồn, biết chia sẻ với con người. Mưa vui với người vui, mưa buồn với người buồn. Mưa gội mát cỏ cây và xoa dịu cõi lòng.
Mưa rơi vào mọi nơi, không phân biệt nơi nào, dù nơi đó sang trọng hay thấp hèn, sạch sẽ hay dơ bẩn, thơm tho hay hôi thối, bằng phẳng hay gập ghềnh, rừng sâu hay núi non hiểm trở, đất phì nhiêu hay khô cằn,… Mưa cũng tưới gội mọi người, không phân biệt ai, dù người đó tốt hay xấu. Đó là bài học hòa đồng và yêu thương của mưa. Tuyệt vời quá!
Với tôi, tháng Sáu còn có nhiều điều đặc biệt khác. Ngày mồng 4, mẹ mất; ngày 16, cha mất; dĩ nhiên là khác năm. Thế là đứa-trẻ-tôi-đã-lớn hoàn toàn mồ côi! Không có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn mất cha mẹ. Mồ côi cha là một lần mồ côi, mồ côi mẹ là bảy lần mồ côi. Nỗi buồn bã và cô đơn tăng lên gấp bội.
Thật may là tháng Sáu có những áng mây bay trôi lờ lững trên vòm trời xanh biếc, màu thiên thanh làm dịu ánh mắt, và tháng Sáu cũng có những cơn mưa làm dịu cái nắng hè oi ả, đủ sức gội mát lòng người!
Cảm ơn những hạt mưa
Cho đồng thôi hạn hán
Ngàn cây xanh tươi thắm
Người gieo hạt ước mơ
Quả thật, tháng Sáu thực sự vô thường. Với tôi, người được may mắn là người Công giáo, có niềm tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, tin Đức Giêsu nhập thể, chịu khổ nạn và phục sinh để cứu độ tôi, tháng Sáu còn vô thường hơn. Tháng Sáu vô thường vì là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là nơi tôi có thể trút mọi gánh nặng theo Lời Ngài đã hứa (x. Mt 11:28-30), và là nơi đã tuôn trào dòng Máu và Nước để nhiều tội nhân được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, bằng chứng là tội nhân đầu tiên được hưởng Ơn Cứu Độ là tướng cướp Dimas (người trộm lành cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu). Đúng như Ngài đã hứa: “Khi Tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12:32). Thật hạnh phúc cho phàm nhân chúng ta!
Xin cảm tạ những Cơn-Mưa-Tình-Yêu, những Cơn-Mưa-Thánh-Linh, những Cơn-Mưa-Hồng-Ân của Thiên Chúa. Laudetur Jesus Christus! Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!

TRẦM THIÊN THU

Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét