Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Hơn 20 vụ tìm đến Văn phòng Công lý Hòa bình DCCT Sài Gòn trong tuần đầu tiên


Sài Gòn – Sau tuần đầu tiên, từ ngày 8 đến 13/4/2013, Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn đã tiếp nhận hơn 20 vụ việc người dân đến nhờ Văn phòng hướng dẫn. Dưới đây là nhận định của Văn phòng đối với các vụ việc này:
I. Các hồ sơ khiếu nại về đất đai đã có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 trước ngày 1/7/2012:
Các hồ sơ này chiếm đa số. Thực sự Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn có chút lúng túng trong việc hướng dẫn. Bởi, Luật Khiếu nại, tố cáo (KN, TC) năm 1998, được sửa đổi, bổ sung năm 2004 và năm 2005 (hết hiệu lực từ ngày 1/7/2012). Những lần sửa đổi, bổ sung đều mở rộng quyền của người dân hơn. Tuy nhiên, một phần do người dân không biết Luật, một phần do cơ quan NN không thực hiện đúng Luật làm cho người dân không biết để thực hiện quyền của mình, dẫn đến các hồ sơ này đến nay không thể được xem xét, giải quyết vì hết thời hiệu…

Ví dụ: Luật KN, TC 1998 qui định: Lần giải quyết tiếp theo (lần 2) nếu là quyết định giải quyết cuối cùng thì ghi rõ vào Quyết định và người khiếu nại không được khởi kiện nữa. Năm 2005, Luật KN, TC được sửa đổi, bổ sung qui định: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải ghi rõ “quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”, đồng thời qui định thay cụm từ “quyết định này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” bằng cụm từ “quyết định này là quyết định có hiệu lực thi hành”. Nhưng lại qui định thời hạn khởi kiện chỉ 30 ngày/hoặc 45 ngày nếu ở vùng sâu vùng xa. Trên thực tế, các Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (Vụ ông Nguyễn Văn Long và tất cả các vụ việc khác) đều vẫn ghi trong Quyết định là “Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” và không hề ghi “quyền khởi kiện…” nên người dân không biết, để rồi chỉ cần quá 30 ngày – như trên thực tế hiện nay của các vụ việc Văn Phòng (VP) tiếp nhận – đều có văn bản trả lời là “Đã là QĐ cuối cùng…”; “hết thời hiệu…” và từ chối giải quyết. Đây có lẽ là một trong những nguyên do gây nên “làn sóng dân oan” hiện nay.
Các hồ sơ loại này có:
1)      Bà Lê Thị Nguyệt ở huyện Châu Thành, Tiền Giang: “xin giúp cho tôi lấy lại nhà và đất bị lấy làm QL1A và đường cao tốc… bị đẩy ra đường…, không có một cơ quan ĐCSVN nào giải quyết, mà còn bị đánh đập…” (có QĐ giải quyết lần 2 năm 2009);
2)      Bà Trần Thị Hoàng ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang: “… bị một hệ thống cán bộ đại diện cơ quan pháp luật bao che bà Kỷ cướp đất, nhà tôi… không giải quyết, tôi bức xúc đi khiếu nại thì bỏ tù tôi hai năm tội gây rối trật tự công cộng…” (có QĐ giải quyết lần 2 năm 2009);
3)      Bà Nguyễn Thị Hai ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang: “Yêu cầu đền đúng giá và đền đủ số đo…” (có QĐ giải quyết lần 2 năm 2007);
4)      Bà Đỗ Thị Huyên ở huyện Châu Thành, Tiền Giang: “Yêu cầu đền đất … cấp tái định cư cho 8 đứa con một lô đất… Đất bồi thường chỉ có 99.000 đ/m2 trong khi Nghị định qui định là 1.250.000 đồng … Gia đình liệt sỹ”. (có QĐ giải quyết lần 2 năm 2008);
5)      Bà Phạm Thị Huệ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương: “Gia đình tôi là gia đình có công với đất nước này, mà để chúng tôi đi kêu oan khốn khổ bần cùng…” (có QĐ giải quyết lần 2 năm 2009).
Các trường hợp trên, VP chỉ có thể hướng dẫn, giải thích rõ các hạn chế theo qui định pháp luật và giúp soạn thảo lại đơn (nếu có yêu cầu) để gửi VP Chính phủ, Tổng Thanh Tra NN, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng,… đề nghị xem xét đối với các trường hợp rõ ràng oan sai. Cũng có thể gửi đơn đến Đoàn Đại biểu Quốc Hội địa phương để yêu cầu Đại biểu thực hiện các quyền chất vấn, giám sát… cơ quan NN.
II. Các trường hợp khác:
6)      Bà Đỗ Thị Ngọc Nguyên ở Long Khánh, Đồng Nai: “Nhà bị cưỡng chế đập sập, tài sản hợp pháp bị thu giữ… Bị ghép tội “gây rối trật tự công cộng” ở tù 6 tháng 6 ngày oan ức… Đơn gửi 4 năm không được giải quyết”.
          Trường hợp này, VP hướng dẫn:
-      Đối với “khiếu nại” bị tù oan: Do bà Nguyên bị Tòa án Tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm tuyên phạt 6 tháng 6 ngày tù giam (bằng thời gian tạm giam), nên nay Bà chỉ có thể làm đơn gửi Chánh Án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu kháng nghị Bản án PT của Tòa Long Khánh theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nếu có đủ căn cứ kháng nghị. Việc kháng nghị, trong trường hợp này, là không có thời hạn, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. VP yêu cầu Bà bổ sung hồ sơ để làm đơn nếu Bà yêu cầu.
-      Đối với khiếu nại liên quan đến việc UBND Tỉnh cấp GCN QSD đất cho Ban quản lý Chợ Long Khánh và bán đấu giá cho Công ty Hồng Hà xây nhà liền kề: Trụ sở tiếp công dân của Trung Ương Đảng và NN đã có văn bản mới nhất ngày 28/3/2013 nêu rõ: “Vụ việc trên ngày 8/11/2012 Trụ sở tiếp công dân… cùng đại diện UBND Tỉnh thống nhất UBND Tỉnh thành lập tổ công tác để tiếp tục rà soát và tổ chức đối thoại các nội dung khiếu nại của công dân trong tháng 12/2012 có kết quả trả lời công dân, nhưng đến nay công dân trình bày vụ việc vẫn chưa được đối thoại, giải quyết…”. VP có thể hỗ trợ – theo ủy quyền – để gặp UBND Tỉnh yêu cầu tổ chức đối thoại, giải quyết theo lời hứa ngày 8/11/2012.
7)      Bà Trần Ngọc Anh ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu: “Tố cáo chính quyền và CA đảng cs và quân đội chiếm đoạt đất gia đình tôi 5,2 ha và 294 hộ dân… họ còn dùng roi điện đánh tôi và nhiều người… vu khống là phản động… đánh phải nhập viện,… ra VPCP bị trưởng phòng tiếp công dân dùng lời lẽ thô tục, đánh, bóp cổ… bỏ tù 15 tháng… Trưởng phòng tiếp công dân – ông Hoàng Như Hải còn rủ chị Trần Thị Hài tỉnh Bình Dương ra đánh tay đôi”. Hồ sơ có Quyết định GQKN của Tỉnh từ năm 2001, nhưng năm 2008, 2009 vẫn có các văn bản UBND Tỉnh, Thanh tra Tỉnh đang giải quyết. VP có thể làm lại Đơn – dựa trên hồ sơ – cho Bà Anh (nếu Bà yêu cầu). Lưu ý, Bà Anh soạn Đơn gửi Hội đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc,… Hội Nhân quyền Quốc tế, Đồng bào trong và ngoài nước…;
8)      Bà Nguyễn Thị Huệ ở Cai Lậy, Tiền Giang: “yêu cầu đền đúng và đền đủ số đo”. Hồ sơ không có đủ tài liệu để xem xét việc “đền bù không đúng giá, không đúng đo đạc”. VP cần yêu cầu bổ sung Giấy CN QSD đất, Quyết định bồi thường…;
9)      Bà Võ Thị Trịa ở Thủ Dầu Một, Bình Dương: “Đòi đất với diện tích trên 6.600 m2 đã được sử dụng từ năm 1949 đến nay”. VP yêu cầu Bà cung cấp hồ sơ;
10)    Ông Đỗ Quang Thanh ở TP. Buôn Ma Thuột có con là Đỗ Quang Thiện bị khởi tố hành vi: Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. VP hướng dẫn Ông Thanh nên đến VP Luật sư ở Buôn Ma Thuột nhờ giúp đỡ cho đỡ tốn chi phí đi lại. Vì các yêu cầu của Ông như sao chụp hồ sơ bệnh án của người bị hại, LS có thể giúp đỡ Ông (Ông bị Bệnh viện từ chối cung cấp) hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con Ông. Cần lưu ý, do Thiện bị khởi tố khi chưa đủ 18 tuổi (người chưa thành niên) nên nếu không yêu cầu LS thì cơ quan tố tụng cũng yêu cầu LS chỉ định cho Thiện.
11)    Bà Nguyễn Thị Kim Liên – con Liệt sỹ – ở Thủ Dầu Một, Bình Dương: “Tố cáo khẩn cấp: Bị Công ty Biconsi và những vị lãnh đạo thoái hóa biến chất, đã câu kết với nhau và đứng bảo vệ cho Công ty Biconsi cướp đất, phá nhà của chúng tôi,… chiếm dụng đất công, lấp kênh rạch để san lấp mặt bằng, phân lô bán nền,…”. Trong hồ sơ có Thông báo số 277/TB-UBND của UBND Tỉnh Bình Dương đề ngày 1/9/2011 có nội dung: “Nay, UBND Tỉnh thông báo chấm dứt giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Liên” và “Đề nghị các cơ quan truyền thông (Báo, Đài) và chính quyền địa phương thông báo rộng rãi Thông báo này”. Trong khi Thông báo này đề Kính gửi Bà Nguyễn Thị Kim Liên …. Thông báo số 277/TB-UBND của UBND Tỉnh Bình Dương ngày 1/9/2011 về cả hình thức và nội dung đều hoàn toàn không phù hợp qui định pháp luật về giải quyết khiếu nại nên không có hiệu lực. VP hướng dẫn Bà Liên làm đơn tố cáo hoặc khiếu nại, hoặc có thể khởi kiện tại Tòa án – sau khi nghiên cứu lại hồ sơ.
12)    Bà Hồ Bạch Lang ở Quận 6, Sài Gòn: Kiện UB bồi thường giải phóng mặt bằng. Chưa có hồ sơ, tuy nhiên theo trình bày, vụ việc đã được Tòa án xử Phúc thẩm ngày 22/1/2013. Trường hợp này nếu có phải tiến hành thủ tục Giám đốc thẩm. VP đề nghị Bà cung cấp Bản án sơ thẩm và phúc thẩm cùng hồ sơ kèm theo (nếu có).
13) Ông Hoàng Vĩnh Khuyến, ông Hoàng Vĩnh Luân và bà Kim Cúc ở quận 3: cho bà Trang vay nợ. Ngày 9/3/2012, bà Cúc nhờ ông Hoàng Vĩnh Khuyến và ông Hoàng Vĩnh Luân tới nhà bà Trang để đòi tiền. Tại đây, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Ông Dũng (chồng bà Trang) cầm dao tấn công ông Luân. Ông Khuyến thấy vậy liền xông vào khống chế ông Dũng thì con dao rớt trúng chân Bố bà Trang gây thương tích nhẹ. Mặc dù cả hai gia đình không thưa kiện nhau nhưng chiều hôm đó, công an phường nơi Bà Cúc cư trú mời các Ông Khuyến, Luân và Bà Cúc lên lấy lời khai. Bà Cúc được cho về, còn Các Ông Khuyến và Luân vẫn bị giữ ở phường. Chiều 10/3/2013, Công an đưa các Ông Khuyến và Luân lên quận lấy lời khai, sau đó cho về. Một tháng sau, ngày 10/4/2013, Công an quận mời bà Cúc lên làm việc (có giấy mời). Công an bắt bà làm đơn tố cáo bên kia, cho bà số điện thoại và nói sau này sẽ liên lạc qua điện thoại. Sáng 12/4/2013, Công an gọi điện thoại hỏi sao không làm đơn tố cáo, đưa ra lời lẽ đe dọa nhằm bắt bà phải làm đơn tố cáo. Nhưng gia đình bà không muốn làm đơn tố cáo.
VP hướng dẫn bà nếu không muốn tố cáo (hoặc khởi kiện?) thì không làm vì đó là quyền của mình; và bà cũng không cần phải gọi điện cho công an. Công an mời làm việc phải có văn bản. Mời qua điện thoại thì không buộc phải có mặt.
VP. Công lý – Hòa bình
Nguon: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét