Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Điều mới lạ


Sài Gòn – Con người luôn ưa thích những điều “mới”, mà điều gì mới thì thường đồng nghĩa với “lạ”. Tình trạng “mới” liên quan động thái thay đổi, từ ngoại tại tới nội tại. Người ta sửa soạn nhà cửa mỗi khi Tết đến, đó là thay đổi bề ngoài. Người ta chuẩn bị tinh thần bằng cách tĩnh tâm mỗi dịp đại lễ hoặc dịp quan trọng của đời người, đó là thay đổi bề trong. Phương diện nào cũng có tầm quan trọng nhất định và cần thiết, nhưng thay đổi nội tại là điều khó!
Thấy nhiều sự lạ, người ta gọi ông Banaba là thần Dớt, gọi ông Phaolô là thần Héc-mê, và nói hai ông là “thần linh mặc lốt người phàm”. Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành Đéc-bê và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14:22). Quả thật, kinh nghiệm cuộc đời cho chúng ta biết: Không có nụ cười nào mà không có nước mắt, không có hạnh phúc nào mà không có đau khổ, không có sự thành công nào mà lại không có thất bại.

Khi hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành, hai ông đã “tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 13:46-47). Tự giúp mình trước rồi trời sẽ giúp, tự làm mới chính mình rồi Thiên Chúa sẽ cho đạt mục đích.
Tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145:8-9). Cũng vậy, ngày nay chúng ta đã quen với cách nói “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”. Vì thế, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, và nói lên rằng: Triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang (Tv 145:10-12).
Chắc chắn không ai như Thiên Chúa, không một thần linh nào có thể so với Ngài: “Triều đại Ngài thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn. Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (Tv 145:13). Thiên Chúa đầy uy quyền và dũng lực nhưng lại là Thiên Chúa đầy nhân hậu và xót thương.
Chàng trai trẻ Gioan kể lại thị kiến: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21:1-2). Tất cả đều mới, người làm cho mới không ai khác hơn là chính Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Rồi Thánh Gioan nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:3-4). Tất cả đều đổi mới, từ thể lý đến tinh thần. Tuyệt vời biết bao!
Chính Đấng ngự trên ngai đã xác nhận: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:5a). Rồi Người bảo Thánh Gioan những điều quan trọng: “Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật. Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta. Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai” (Kh 21:5b-8).
Những lời này rõ ràng, và đồng thời xác định hệ lụy của việc đổi mới hoặc không đổi mới. Thiên Chúa minh định sự cần thiết của việc đổi mới, canh tân hoặc tái tạo. Vật chất còn cần tiểu tu, trung tu hoặc đại tu, tất nhiên tinh thần cũng vậy!
Đêm xưa năm ấy, khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói những lời từ biệt với các môn đệ còn lại: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 10:31-32).
Chúa Giêsu tha thiết nhắn nhủ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy” (Ga 10:33). Lúc đó chẳng ai hiểu được Ngài muốn nói gì, có thể có người còn cho Ngài là “bị chạm dây”. Nhưng tất cả đều diễn biến đúng như điều Ngài đã nói.
Cuối cùng, Chúa Giêsu nhắn nhủ điều đặc biệt nhất: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 10:34-35).
Hoàn toàn mới, mới thật. Vì Cựu ước dạy và cho phép người ta “trả đũa” những điều người khác làm cho mình: “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21:24; Lv 24:20), thậm chí là “mạng đền mạng” (Đnl 19:21). Còn “luật mới” của Chúa Giêsu là “tha bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22), là phục vụ (Mc 10:45), là thương xót (Mt 18:1; Lc 10:29-37; Lc 15:4-31). Đó là dấu hiệu để nhận biết ai là môn đệ đích thực của Đức Kitô.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết can đảm và tự nguyện thực thi “luật mới” mà Đức Kitô đã truyền dạy, đồng thời sẵn sàng thay đổi từ trong ra ngoài càng ngày càng hoàn thiện hơn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét