Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Thế nào là phản động?


LTCGVN (29.04.2013)  – Hà Nội – Nhân kỷ niệm 38 năm, ngày Việt Nam thống nhất Bắc-Nam thành một quốc gia. Sự kiện này đáng ra là một niềm vui vĩ đại, nhưng thực tế 38 năm qua lại cho thấy đây là một sự kiện buồn. Nếu một số người cho rằng những người lật đổ cố tổng thống Ngô Đình Diệm đã không có một chính sách gì đúng đắng để đẩy dân Miền Nam vào tay Cộng sản, thì những người Cộng sản khi nắm quyền chỉ thi hành chính sách trả thù và trục lợi.
Họ luôn dùng “chiếc mũ phản động” để đội lên đầu bất kỳ ai không đủ sức chịu đựng sự bất công đến nghiệt ngã do họ gây ra, hoặc những ai dán công khai chỉ ra những gian dối ngụy trang dưới các khẩu hiệu hay chiêu bài “độc quyền yêu nước” của họ.
Vào tháng 10. 2012, luật sư Nguyễn Văn Đài đã viết bài “Thế nào là phản động?”, để chỉ rõ bản chất ấn đề. Đây là một bài viết có nghiên cứu đối chiếu, xứng đáng là một tư liệu quý để chúng ta tham khảo.

VRNs xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến với quý vị.
———
Từ “phản động” nghĩa là tất cả những gì đi ngược lại hay trái với quy luật của tự nhiên và xã hội.
Khái niệm “phản động” trong lĩnh vực chính trị xã hội được hiểu là khi các chính phủ, tổ chức, đảng phái chính trị, cá nhân có đường lối, chính sách, tư tưởng, cương lĩnh hoạt động đi ngược lại xu thế dân chủ và tiến bộ xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Các đảng cầm quyền, chính phủ cố níu kéo và duy trì chế độ chính trị lạc hậu, phi dân chủ. Họ tuyệt đối hóa quyền lực của một cá nhân hay một đảng. Họ khinh thường các giá trị của quyền con người. Họ biến nhân dân thành đối tượng, công cụ để họ thỏa mãn về quyền lực và của cải. Họ sử dụng cả hệ thống chính trị, luật pháp, và truyền thông để chống lại và đàn áp những tổ chức, cá nhân đấu tranh dân chủ và bảo vệ nhân quyền.Trong các nước có chế độ chính trị độc tài hoặc độc đảng toàn trị, cụm từ “phản động” và “thế lực thù địch” được chính quyền sử dụng để chụp mũ, qui kết, ám chỉ những người, những tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội. Chính quyền cũng sử dụng từ “phản động” và “thế lực thù địch” để chụp mũ và qui kết cho những người có tư tưởng, quan điểm đối lập với đảng cầm quyền. Những người lên tiếng phê phán, chỉ trích đảng cầm quyền trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh,…
Để vô hiệu hóa cũng như cô lập những người hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Đồng thời làm mất đi sự ủng hộ của những người dân còn thiếu thông tin dẫn đến hiểu sai về việc đấu tranh của những người yêu nước. Các chính quyền độc tài và độc đảng toàn trị thường sử dụng quyền lực và các phương tiện truyền thông độc quyền của họ để tuyên truyền, vu khống và gọi những tổ chức và những người dân yêu nước là “phản động” và “thế lực thù địch”.
Trong thực tiễn của lịch sử thế giới, có những cá nhân, đảng phái chính trị mà ban đầu mang bản chất cách mạng, có công lao trong việc đem lại độc lập cho quốc gia. Nhưng khi nắm được quyền lực đã trở nên tham nhũng, thoái hóa, biến chất và không chịu từ bỏ những tư tưởng độc tài, độc đảng lạc hậu để tiếp thu những tư tưởng dân chủ, tiến bộ. Do đó những nhà lãnh đạo, đảng cầm quyền này dần dần trở thành đảng phản động, và họ đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Họ sử dụng bộ máy an ninh, cảnh sát, nhà tù để đe dọa, uy hiếp người dân nhằm duy trì quyền lực cùng với bản chất phản động của họ.
Một ví dụ điển hình đó là Robert Gabriel Mugabe, tổng thống Zimbabwe, ông nổi tiếng bắt đầu thập niên 1960 và được nhân dân châu Phi coi là anh hùng đấu tranh cho độc lập dân tộc. Ông đã nhận thức sai lầm rằng Chúa trao cho ông quyền lực thì không ai có thể đoạt lại được. Từ đó dẫn đến nạn tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém. Nhân dân đã nổi dậy để chống lại ông, để bảo vệ quyền lực của mình ông đã dùng quân đội để giết hại 20000 người vào năm 1998. Trong những năm sau này chế độ do ông lãnh đạo còn giết hại nhiều người khác. Năm 2008, Nữ hoàng Anh đã tước danh hiệu hiệp sĩ đã phong cho ông vào năm 1994. Chính phủ nhiều nước đã chỉ trích gay gắt chế độ của Mugabe, nhiều nước coi chính quyền của ông là bất hợp pháp. Người bạn thân thiết của ông là cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã nhiều lần khuyên ông từ chức để giữ lại một chút danh tiếng. Còn nhân dân Zimbabwe coi ông là tên phản động số một cần phải bị lật đổ.
Để hiểu rõ thế nào là phản động và thế lực thù địch với nhân dân, chúng ta cần phải xem xét kỹ từ bản chất bên trong cho đến những biểu hiện ra bên ngoài của một chế độ chính trị xã hội, đảng cầm quyền, hay một chính phủ.
Trong Thánh Kinh cho biết “…Không có cây lành lại nào sinh quả độc; không có cây độc nào lại sinh quả lành; vì xem quả thì biết cây. Không ai hái trái vả nơi bụi gai, hay trái nho nơi bụi tật lê. Người tốt do lòng chứa điều thiện mà sinh ra điều thiện; kẻ xấu do lòng chứa điều ác mà sinh ra điều ác; bởi đầy dẫy trong lòng nên miệng mới nói ra.”
Ở những quốc gia mà do những đảng chính trị mang bản chất phản động nắm quyền thì chúng ta nhận thấy như sau:
Thứ nhất, mọi giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn. Những kẻ bất chính, bất lương và gian ác thì nắm quyền lực, chiếm chỗ của những người công bình, chính trực. Những kẻ lưu manh, xấu xa thì khoác áo công quyền. Họ nhân danh Nhà nước, pháp luật để sách nhiễu, bắt giữ, xét xử và cầm tù những người đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Thứ nhì, tham nhũng trở thành quốc nạn, nó diễn ra ở khắp mọi nơi từ địa phương đến trung ương. Từ nơi kín đáo, riêng tư cho đến công khai trên các tuyến đường giao thông.
Thứ ba, hệ thống, bộ máy quản lý kinh tế yếu kém dẫn đến tham nhũng, lãng phí tài sản của nhân dân, của quốc gia. Hệ thống tư pháp lạc hậu dẫn việc xét xử oan sai, công lý được đem ra mua bán, trao đổi. Hệ thống hành chính, thủ tục hành chính chồng chéo, không minh bạch dẫn đến tình trạng sách nhiễu người dân.
Thứ tư, nạn tham nhũng và vô trách nhiệm của chính quyền đã dẫn đến tình trạng tài nguyên thiên nhiên, rừng bị tàn phá và khai thác cạn kiệt. Môi trường sống, không khí trong các đô thị bị ô nhiễm xếp hạng nhất thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của hàng chục triệu người dân.
Thứ năm, những đảng phản động nắm quyền vô trách nhiệm, không đủ khả năng, năng lực để kiểm soát những loại hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm độc hại, kém phẩm chất được sản xuất trong nước cũng như nhập lậu. Họ cũng yếu kém về trí tuệ cũng như tầm nhìn trong qui hoạch, kiến trúc và xây dựng đô thị.
Cuối cùng, chúng ta so sánh trong lĩnh vực nhân quyền để thấy rõ hơn bản chất phản động của một chế độ chính trị. Ở các quốc gia do các đảng mang bản chất phản động cầm quyền thì các quyền con người trong lĩnh vực chính trị bị hạn chế hay tước bỏ hoàn toàn như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Khi người dân phê phán hay chỉ trích những sai trái của chính quyền thì bị qui kết chống lại nhà nước và bị cầm tù. Người dân không được quyền làm báo chí tư nhân mà báo chí do đảng phản động độc quyền. Khi người dân thực hiện quyền hội họp, biểu tình ôn hòa thì bị sách nhiễu, bị tước đoạt quyền tự do, đem đi giam giữ mà không xét xử. Khi người dân thực hiên quyền lập hội, lập đảng thì bị qui kết hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Còn ở các quốc gia dân chủ tiến bộ thì người dân được tự do thành lập các tờ báo, báo chí trở thành công cụ quyền lực của nhân dân để giám sát hoạt động của chính quyền. Người dân được tự do hội họp, tự do biểu tình ôn hòa. Người dân có quyền tự do tham gia hoặc thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị.
Qua thực tiễn ở các chế độ độc tài và độc đảng ở Đông Âu trước đây và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi hiện nay. Chúng ta thấy rằng “các thế lực thù địch và phản động” đã bị chính quyền chụp mũ trước đây. Khi cách mạng dân chủ thành công thì đã chứng minh rõ ràng đó là những lực lượng cách mạng chân chính và tiến bộ. Họ đã tiến hành các cuộc cách mạng dân chủ đem lại quyền lực, quyền làm chủ đất nước về cho nhân dân. Thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng dân chủ văn minh. Các chế độ độc tài và độc đảng sau khi bị thay thế và công khai tất cả các thông tin về họ thì mọi người dân đều nhận thấy bản chất của các chế độ đó đều hết tàn bạo và mang bản chất cực kỳ phản động.
Chính quyền phản động thường biến nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước thành công cụ để phục vụ cho lợi ích phi pháp của họ đó là nhân dân phải lao động cực khổ trong các nhà máy, trên các công trường, hầm mỏ, đồng ruộng, trên các ngư trường đánh bắt hải sản để làm tiền và nộp thuế cho ngân sách quốc gia nhưng đã bị các từng lớp quan chức tha hóa chi tiêu lãng phí, tham nhũng và vơ vét của cải của nhân dân thành của riêng. Để dễ dàng thực hiện những hành vi phi pháp đó mà không bị nhân dân trừng phạt thì các chính quyền phản động phải duy trì quyền lực tuyệt đối của mình để kiểm soát mọi mặt của đời sống xã hội. Họ xây dựng hệ thống pháp luật, hệ thống các cơ quan tư pháp và hệ thống chính quyền nhằm hạn chế tối đa các quyền con người, vô hiệu hóa các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
Các chế độ chính trị phản động muốn duy trì bóng tối bao trùm lên cả dân tộc để che đậy những hành vi tội ác của họ. Nhưng các lực lượng dân chủ và tiến bộ xã hội lại mang ánh sáng tới để xua tan bóng tối đang đè nặng lên dân tộc, và quét sạch đi mọi tội ác.
Nhận diện được bản chất thực sự ai là phản động? Ai là thế lực thù địch với nhân dân? Và ai là dân chủ, tiến bộ là rất cần thiết. Các đảng phản động, chế độ phản động, chính phủ phản động cho dù khéo léo che đậy đến đâu đi nữa, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị nhân dân nhận diện. Nhân dân và các lực lượng dân chủ, tiến bộ sẽ loại bỏ các đảng phản động ra khỏi đời sống chính trị xã hội để xây dựng một quốc gia với thể chế chính trị dân chủ và tôn trọng các quyền con người.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Nguồn: http://vietnamhumanrightscommitte.wordpress.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét