Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Nhân quyền VN 2012 (7): Quyền lao động bị vi phạm



Sài Gòn – Mặc dù đã là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (TCLĐQT) từ năm 1980, và đã đã phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế về lao động của TCLĐQT,[1] VN vẫn tiếp tục vi phạm quyền của người lao động trong năm 2012 trên bình diện pháp luật và nhất là trong thực tế, đặc biệt trong lãnh vực quyền thành lập nghiệp đoàn và quyền đình công.

1. Vi Phạm Quyền Của Công Nhân Trong Luật Lệ Lao Động
Hiến Pháp 1992 đã tước bỏ quyền công đoàn của người lao động khi trao độc quyền thành lập công đoàn cho một tổ chức ngoại vi của ĐCSVN là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN).[2] Trước đòi hỏi chính đáng của công nhân được biểu hiện qua số lượng đình công kỷ lục trong năm 2011,[3] và nhất là trước áp lực của thế giới sau khi được thu nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2012 VN đã tu chính Luật Lao động 1994 và Luật Công đoàn 1990. Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, và Luật Lao động có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2013.

Tuy đã được tu chính, cả hai bộ luật bộ luật này vẫn giữ nguyên vị thế và chức năng của công đoàn như là một một tổ chức ngoại vi của ĐCSVN.[4] Việc thành lập các tổ chức công nhân ngoài TLĐLĐVN là vi phạm pháp luật. Luật Lao Động 2012 cũng dự liệu những điều kiện hạn chế để vô hiệu hóa quyền đình công của công nhân. Điều 210 quy định muốn cuộc đình công hợp pháp thì phải “do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.” Tuy nhiên  thực tế thì chưa bao giờ TLDLĐVN tổ chức đình công.[5]  Điều 213 quy định, “Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.” Tuy nhiên, trong thực tế không ai có thể tổ chức cuộc biểu quyết, và không ai có thể đi vòng công ty để lấy chữ ký, vì làm vậy là sẽ bị bắt giam. Chính ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN cũng phải thừa nhận rằng những điều kiện nầy rất khó khả thi.[6]  Điều 215 dự trù những trường hợp đình công bị coi là bất hợp pháp khi tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
Nghị Định Chính Phủ 122/2007/NĐ-CP chi tiết hóa các trường hợp đó trong danh sách bao gồm những kỹ nghệ hoặc những công ty liên hệ đến “quyền lợi quốc gia.”  Danh sách này không những chỉ có hàng không, xe lửa, mà còn có cả những công ty môi trường, công ty cấp thoát nước, và công ty hoạch định đô thị. Mẫu số chung của các kỹ nghệ và công ty này là có chủ là ĐCSVN hoặc viên chức đảng.
Trong cuộc thương thảo hiện nay về Thoả Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TransPacific Partnership Free Trade Agreement), nhà nước CSVN luôn tìm cách chống lại điều khoản cho phép có nghiệp đoàn độc lập do Hoa Kỳ đưa ra; mặc dù điều khoản nầy được sự hổ trợ của Tổ chức Công đoàn thế giới – ITUC và 7 tổ chức công đoàn lớn ở các nước thành viên TPP.[7]
Liên hệ đến giới hạn tuổi lao động, mặc dù đã tham gia Công ước 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc, và Công ước 182 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Luật Lao Động 2012 cho phép các chủ nhân có quyền mướn trẻ em ngay cả dưới 15 tuổi,[8] miễn sao các công việc đó không nằm trong danh mục do BLĐ-TB&XH quy định.[9] 

2.Vi Phạm Quyền Lao Động Trong Thực Tế Sinh Hoạt
Ngoài việc tìm cách nghiêm cấm việc hình thành các công đoàn độc lập và ngăn chặn mọi cuộc đình công bằng pháp chế,trong năm 2012 VN đã vi phạm quyền của người lao động bằng nhiều cách khác, nổi bật nhất là
-          Người lao động tiếp tục bị bốc lột
-          Nhà nước tiếp tục chính sách lao động cưởng bách
-          Nhà nước tiếp tục chính sách xuất khẩu lao động bằng mọi giá.
-          Người đấu tranh cho quyền của người lao động tiếp tục bị đàn áp

A. Người Lao Động Tiếp Tục Bị Bốc Lột
Số lượng các vụ đình công tự phát trong năm 2012 giảm bớt đáng kể so với năm 2011 nhưng quy mô lại lớn hơn; nhiều vụ có từ 500 đến 1.000 người tham gia.[10] Theo nhận xét của nhiều nhà quan sát, việc giảm sút số vụ đình công trong năm 2012 so với năm trước không phải vì công nhân thỏa mãn hơn với công việc hoặc sự đối xử của chủ nhân, nhưng chính là vì tình hình kinh tế khó khăn, có được việc làm là may mắn, công nhân không có chọn lựa nào khác hơn.[11] Cũng như những năm trước, nguyên nhân cơ bản dẫn đến đình công là do các chủ xí nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội đối với công nhân, bao gồm vấn đề tiền lương, tiền thưởng, giờ làm việc, giờ nghỉ, an toàn vệ sinh lao động v.v. Theo Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN thì “Qua nghiên cứu, có 80% cuộc đình công là đòi tăng lương, 20% đòi giảm tăng ca, tăng bữa ăn, phụ cấp. Tính ra, một công nhân ở Hà Nội, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà, tiền điện, nước… họ sẽ không đủ sống.”[12]
Không những chỉ lo cho đồng lương không đủ sống, hàng ngày người lao động còn phải ái ngại về sự an toàn của bửa cơm trưa tại xưởng làm. Việc công nhân ngộ độc thực phẩm tập thể tại các xí nghiệp đã trở thành mối lo ngại thường trực của bản thân người lao động và gia đình. Báo chí đã nói đến hàng ngàn trường hợp như vậy trong năm 2012.[13] Trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty Hansoll Vina ở tỉnh Bình Dương vào tháng 9/2012 có đến cả ngàn công nhân lâm nạn.[14]
Đã thế, người công nhân phải làm việc trong những điều kiện thiếu an toàn. Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động thuộc BLĐ-TB&XH, trong năm 2012, số vụ tai nạn lao động và số nạn nhân được thống kê đều tăng so với năm 2011. Cụ thể, năm 2012 đã xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 606 người chết, 6.361 người bị thương. So với năm trước, số tai nạn tăng 881 vụ, số nạn nhân tăng 813 người, số vụ có người chết tăng 48 vụ, số người chết tăng 32 người, số người bị thương nặng  tăng 156.[15] Cũng cần lưu ý đến những trường hợp “trốn” báo cáo tai nạn mà theo ông Cục trưởng Cục An toàn Lao động lên tới gần 95% doanh nghiệp.[16] Về lý do số tai nạn lao động tăng, chính Bộ trưởng BLĐ-TB&XH cũng phải thừa nhận rằng, “nguyên nhân tai nạn lao động cao trước hết là do chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong các phương án để bảo vệ điều kiện lao động, đảm bảo an toàn.”[17]
Trong năm 2012, các vụ đình công lên cao điểm vào những tháng gần Tết vì liên hệ đến việc chủ nhân không trả lại món tiền vay được mệnh danh là “tiền thưởng Tết.”[18] Thật ra đây là một kỹ thuật bóc lột của giới chủ nhân. Mỗi tháng họ giữ lại 1/12 tiền lương, dùng số tiền rất lớn này như một món nợ không tính tiền lời, rồi ngay trước Tết thì trả lại món nợ này, chủ gọi việc trả món nợ đó là cho “tiền thưởng Tết”, hoặc văn vẽ hơn, là “lương tháng thứ 13.” Một số chủ không trả nợ vào tháng gần Tết tạo nên làn sóng đình công. Một điểm đáng chú ý là nếu ai nghỉ việc trước Tết thì mất trọn gói số tiền chủ “mượn” của mình. Để đánh giá con số này, thử tính: Nếu một công ty có 1.000 người nghỉ việc trong năm, và trong năm đó trung bình mỗi người làm nửa năm trước khi nghỉ, thì công ty đã không những được công nhân cho vay không lời mà còn bỏ túi số tiền tương đương với tiền lương trong 1 năm của 500 người.
B. Nhà Nước Tiếp Tục Chính Sách Lao Động Cưởng Bách
Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng tất cả trại tù và các trại tập trung cải huấn, và ngay cả một số trung tâm giáo dục lao động xã hội ở VN đều là trại lao động khổ sai. Trong năm 2011, tệ nạn lao động cưỡng bức tại VN đã được dư luận thế giới chú ý qua bản phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) với tựa đề “Quần đảo Cai nghiện: Lao động cưỡng bức và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ma túy ở miền nam VN,”[19] (The Rehab Archipelago: Forced Labor and Other Abuses in Drug Detention). Bản phúc trình đã vạch rõ mặt thật của những trại tập trung mang mỹ từ “trung tâm cai nghiện” mà bản chất là những trại tập trung lao động cưỡng bức những người nghiện ma túy với mục đích kiếm lời. Theo báo cáo của BLĐ-TB&XH, trong năm 2012 cả nước có 121 trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội và 20 trung tâm quản lý sau cai do Nhà nước quản lý, hiện đang quản lý và tổ chức cai nghiện cho 37.605 người.[20]
Tháng 7 năm 2012, tổ chức HRW lại đưa ra một báo cáo mới với tựa đề “Tra tấn nhân danh trị liệu: Vi phạm nhân quyền tại VN, Trung Quốc, cam Bốt, và Lào” (Torture in the Name of Treatment: Human Rights Abuses in Vietnam, China, Cambodia, and Lao PDR). Theo tài liệu nầy thì điều mà các chính quyền liên hệ gọi là lao động trị liệu (labor therapy) thực chất chỉ là lao động cưỡng bức.[21]  Hiệp Hội Nhân quyền Quốc tế (IGFM) có trụ sở ở Đức trong tháng 7/2012 đã khởi động chiến dịch tẩy chay sản phẩm hột điều do các trại lao động cưỡng bức tại VN.[22]Theo báo cáo của IGFM thì trại giam Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ở miền Nam VN, với khoảng 7.000 tù nhân là nơi sản xuất chính của công ty xuất khẩu hạt điều Bình Thanh. Công ty này thuộc sở hữu của Quân đội VN. Một số cựu tù nhân chính trị đã cho IGFM biết họ bị ép làm việc mỗi ngày lên đến 32 kg hạt điều hạng B. Nếu từ chối làm việc hay không đạt mục tiêu sản xuất, thì họ bị đưa vào biệt giam.
Ngày 2-2-2012, anh Vũ Văn Tĩnh, một học viên Pháp luân Công ở Sài Gòn bị bắt đưa vào trại Bảo trợ Xã hội Chánh Phú Hoà, thuộc huyện Bến Cát, Bình Dương. Theo lời của anh Tĩnh tường thuật với một số bạn bè vào thăm thì anh phải làm việc 17 giờ một ngày, luôn có người canh giữ và “về hình thức thì đó là một trại bảo trợ, nhưng bên trong lại nhốt người. Họ chẳng bảo trợ gì cả mà chỉ cưỡng bức người ta lao động.”[23]
Một khía cạnh khác của lao động cưỡng bức là tình trạng trẻ em bị ngược đãi và bị bắt làm việc trong những điều kiện nguy hiểm. Cho dù nhà nước, với sự trợ giúp của các cơ quan bảo vệ thiếu nhi quốc tế, đã có tham vọng đưa ra dự án chấm dứt tệ trạng trẻ em lao động trong vòng 4 năm (2010-2015),[24] hàng triệu thiếu nhi vẫn còn phải làm việc để gia tăng lợi tức cho gia đình. Một số vừa làm vừa tiếp tục đến trường, số lớn hơn ở nông thôn không còn biết đến sách vở là gì. Các em phải làm việc cực nhọc như đứa ở cho nhà giàu, buôn thúng bán bưng tại các nơi công cộng, bán vé số, đánh giày. Tuy nhiên cũng có em phải làm việc trong những cơ xưởng sản xuất thủ công hay may mặc. Vào tháng 9 năm 2012 chính quyền Hoa Kỳ đã thêm tên VN vào danh sách 74 quốc gia có những trẻ em có khi chỉ được 5 tuổi đã phải bị lạm dụng trong lao động cưỡng bức hay buôn người. Theo tài liệu nầy hai lãnh vực nghề nghiệp sử dụng trẻ em tại VN là may mặc và làm gạch.[25]
C. Nhà Nước Tiếp Tục Chính Sách Xuất Khẩu Lao Động Sai Lầm
Có khoảng nửa triệu người lao động được nhà nước đưa đi lao động ở ngoại quốc như Mã Lai, Đài Loan, các nước Trung Đông. Nhiều người trong số họ là nạn nhân của việc buôn người, bị bóc lột bởi các công ty môi giới mà chủ là cơ quan nhà nước hoặc các viên chức của họ. Thông thường thì các công ty môi giới này tìm đến những làng nghèo khổ, hứa hẹn rằng sẽ được hợp đồng lao động tốt, rồi khi đưa họ đến phi trường ngoại quốc thì tịch thu hộ chiếu rồi giao cho chủ. Khi người lao động biết được rằng các điều khoản về lương cao là nói láo thì đã muộn, không có hộ chiếu và không có tiền để quay về được. Các bản hợp đồng giữa công ty môi giới và người lao động có điều khoản là khi đi tới nơi thì người lao động “không được gia nhập công đoàn” và “không được đình công.” [Chúng tôi có thể cung cấp bản sao của hợp đồng lao động nếu được yêu cầu]. Một phần không nhỏ những nạn nhân nầy đã trở thành con mồi cho nạn buôn người.  [Xem thêm ở phần Nạn Buôn Người trong báo cáo nầy]
D. Người Đấu Tranh Cho Quyền Của Người Lao Động Tiếp Tục Bị Đàn Áp
Song song với việc độc quyền tổ chức nghiệp đoàn, ngăn cấm đình công, nhà nước thẳng tay đàn áp những cá nhân và phong trào đấu tranh cho quyền lợi người lao động và quyền thành lập công đoàn độc lập. Kể từ năm 2006, đồng thời với các cuộc đình công nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Miền Nam, một số cá nhân đã liên kết với nhau đòi hỏi chính quyền cải thiện cuộc sống của người lao động và nhất là đòi hỏi quyền thành lập công đoàn không thuộc nhà nước như đã được quy định bởi Luật Quốc Tế Nhân Quyền, và phù hợp với các tiêu chuẩn luật lao động quốc tế. Một số người đấu tranh cho quyền lởi của người lao động hàng đầu vẫn còn bị giam tù như ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm tù giam), ông Đoàn Huy Chương và cô Đỗ Thị Minh Hạnh (7 năm tù giam). Thân nhân của những tù nhân lương tâm trên thông báo rằng cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị công an đánh vào mặt nhiều lần nên bị điếc tai; và ông Đoàn Huy Chương bị công an đánh liệt 2 ngón tay. Họ phải ngủ dưới đất và cạnh tù nhân có bịnh AIDS hoặc bịnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Trong năm 2012, số người tranh đấu cho quyền lao động bị bắt và kết án tù vẫn gia tăng, và tội danh mà nhà nước thường gán cho họ là “tuyên truyền chống phá nhà nước” hoặc “lợi dụng dân chủ.” như các trường hợp:
  • Ông Phan Ngọc Tuấn bị kêu án tù 5 năm trong phiên xử phúc thẩm ngày 29-8-2012 vì rải truyền đơn tố cáo công ty Nam Thành quỵt lương và tiền bảo hiểm sức khỏe của công nhân.[26]
  • Nhà tranh đấu cho dân oan Lê Thanh Tùng bị 5 năm tù qua phiên xử ngày 10-8-2012.[27]
  • Ba nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi nông dân là ông Nguyễn Kim Nhàn, Đỗ Văn Hoa và Đinh Văn Nhượng bị án 4 đến 5,5 năm ngày 16-7-2012.[28]
  • Bà Hồ Thị Bích Khương, một người tranh đấu cho ‘dân oan’,  bị kêu án 5 năm trong phiên xử phúc thẩm ngày 30 tháng 5 năm 2012.[29] 
Mạng lưới nhân quyền Việt Nam

[1] VN đã phê chuẩn 22 Công ước của TCLĐQT, trong đó có 5 Công ước cơ bản (C.29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, C.100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ , C.111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, C.138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc, và C.182 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất)  (Nguồn: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, “Công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam đã phê chuẩn,”http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/75/newsid/55722/seo/Cong-uoc-cua-To-chuc-lao-dong-quoc-te-ILO-Viet-Nam-da-phe-chuan/language/vi-VN/Default.aspx  (Truy cập 21-1-2013)
[2] Điều 10 Hiến Pháp 1992: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
[3] VOA, “Đình công tại Việt Nam tăng kỷ lục trong năm 2011,” http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-strike-01-12-2012-137172793/914048.html  (Truy cập 12-2-2013)
[4] Điều 1 Luật Công đoàn 2012: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”
[5] VnExpress.net, “Cán bộ công đoàn chưa dám tổ chức đình công,” http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2006/07/3b9ebff9/  (Truy cập 12-2-2013)
[6] Tiền Phong Online, “Cho phép đình công để bảo vệ công đoàn,” http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/574966/Cho-phep-dinh-cong-de-bao-ve-cong-doan-tpp.html  (Truy cập 10-11-2012)
[7] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, “Dự thảo Chương lao động trong đàm phán Hiệp định TPP – Thách thức lớn cho Việt Nam?” http://trungtamwto.vn/tpp/du-thao-chuong-lao-dong-trong-dam-phan-hiep-dinh-tpp-thach-thuc-lon-cho-viet-nam  (Truy cập 14-2-2013)
[8] Điều 163 Luật Lao động 2012: “Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.
“Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.”
[9] Điều 164 Luật lao động 2012: “Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.”
[10] VnExpress.net, “200.000 người tại TP HCM có nguy cơ thất nghiệp,” http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/01/200-000-nguoi-tai-tp-hcm-co-nguy-co-that-nghiep/  (Truy cập 25-1-2013)
[11] Báo Tây Ninh Mobile, “Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội: Sẽ giải quyết việc làm cho 20.530 lao động,” http://m.baotayninh.vn/newsdetails.aspx?newsid=43267  (Truy cập 21-12-2012)
[12] Tiền Phong Online, “Cho phép đình công để bảo vệ công đoàn,” http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/574966/Cho-phep-dinh-cong-de-bao-ve-cong-doan-tpp.html  (Truy cập 10-11-2012)
[13] Lao Động, “Công nhân liên tục bị ngộ độc: Ai chịu trách nhiệm?” http://laodong.com.vn/Cong-doan/Cong-nhan-lien-tuc-bi-ngo-doc-Ai-chiu-trach-nhiem/86101.bld  (Truy cập 12-1-2013)
[14] Tuổi Trẻ Online, “Hàng ngàn công nhân Bình Dương ngộ độc thực phẩm,” http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/513484/hang-ngan-cong-nhan-binh-duong-ngo-doc-thuc-pham.html  (Truy cập 12-1-2013)
[15] Dân Trí, “Năm 2012 đã xảy ra gần 7 nghìn vụ tai nạn lao động, làm 606 người chết, hơn 6.300 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản lên tới 11 tỷ đồng,” http://dantri.com.vn/xa-hoi/gan-7000-vu-tai-nan-lao-dong-trong-nam-2012-701227.htm  (Truy cập 28-2-2013)
[16] Ibid.
[17] VnExpress.net, “Tai nạn lao động tăng do sử dụng máy móc lạc hậu,” http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/12/tai-nan-lao-dong-tang-do-su-dung-may-moc-lac-hau/  (Truy cập 21-1-2013)
[18] Việt Báo Online, “Đình Công Xảy Ra Nhiều Nơi Vì Bớt Lương, Quên Tiền Tết; Tổng kết Sài Gòn 2012: Có 103 Trường Hợp Đình Công, Đa Số Vì Nợ Lương…,” http://vietbao.com/D_1-2_2-282_4-202009/  (Truy cập 2-2-2013)
[19] Human Rights Watch, The Rehab Archipelago: Forced Labor and Other Abuses in Drug Detention, Tháng 9 2011.
[20] Lao Động, “Một năm tăng thêm gần 13.000 người nghiện ma tuý,” http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Mot-nam-tang-them-gan-13000-nguoi-nghien-ma-tuy/82666.bld  (Truy cập 9-2-2013)
[21] Human Rights Watch, Torture in the Name of Treatment: Human Rights Abuses in Vietnam, China, Cambodia, and Lao PDR. Tháng Bảy 2012.
[22] IGFM, “Boykott gegen Blut-Cashewnüsse aus Vietnam – “Weiße Liste” deutscher Firmen,”http://www.igfm.de/Vietnam-Boykott-gegen-Blut-Cashewnuesse.3211.0.html  (Truy cập 25-1-2013)
[23] RFA, “Học viên Pháp luân Công bị cưỡng bức lao động?” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/falun-gong-report-labor-abuse-02222012074817.html  (Truy cập 17-1-2013)
[24] Tạp chí Cộng Sản, “Về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em,” http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2009/766/Ve-cong-tac-bao-ve-va-cham-soc-tre-em.aspx  (Truy cập 11-2-2013)
[25] United State Department of Labor, 2012 List of Goods Produced by Child or Forced Labor, September 2012.
[26] BBC, “Y án với ông Phan Ngọc Tuấn,”http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/08/120829_phanngoctuan_appeal.shtml  (Truy cập 21-12-2012)
[27] RFA, “Nhà dân chủ Lê Thanh Tùng bị tuyên án 5 năm tù giam,” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/activ-got-5years-08102012055837.html  (Truy cập 21-12-2012)
[28] FRI, “Bắc Giang: Y án với 3 người bị kết tội “tuyên truyền chống Nhà nước,” http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121102-bac-giang-y-an-tu-doi-voi-ba-nguoi-bi-buoc-toi-tuyen-truyen-chong-nha-nuoc  (Truy cập 21-12-2012)
[29] RFA, “Phiên phúc thẩm xử bà Hồ thị Bích Khương và mục sư Nguyễn Trung Tôn,”http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/appeal-court-kh-pastor-ton-05302012191022.html  (Truy cập 21-12-2012)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét