Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Học hỏi nội dung kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 của HĐGMVN


Sài gòn -  Để triển khai việc học hỏi, chia sẻ Thư nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam (VRNs) xin mạn phép trình bày lại dưới dạng hỏi đáp, với ước mong người dân “thuộc nằm lòng”, đồng thời ý thức sâu xa hơn để thực hiện theo tinh thần các vị chủ chăn mời gọi.
1.      Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của HĐGMVN được gửi đến cho những ai?
Thưa: Được gửi đến cho Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1992, tại số 37, Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội và nhân dân cả nước.

2.      Bản góp ý Dự thảo sửa đổi Hp 1992 của HĐGMVN gồm mấy phần?
Thưa: Gồm 3 phần chính:
-          Quyền con người
-          Quyền làm chủ của nhân dân
-          Thi hành quyền bính chính trị
QUYỀN CON NGƯỜI
3.      Quyền con người được bàn đến trong nội dung kiến nghị sửa đổi Hp 1992 của HĐGMVN được trình bày thế nào?
Thưa: Quyền con người phải được tôn trọng, hiểu đúng, bảo vệ và được bảo đảm theo pháp luật.
4.      Quyền con người theo quan điểm của HĐGMVN được trình bày trong Bản kiến nghị như thế nào?
Thưa: Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng.
-          Phổ quát vì: của tất cả mọi người, thuộc mọi thời, mọi nơi đều được hưởng quyền đó.
-          Bất khả xâm phạm vì: xâm phạm là tước đoạt phẩm giá làm người.
-          Bất khả nhượng vì: không ai được phép tước đoạt những quyền đó của người khác.
5.      Ai trao quyền bính chính trị cho nhà cầm quyền?
Thưa: Chính nhân dân trao cho.  
6.      Quyền bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền để làm gì?
Thưa: Để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để ban phát cách tùy tiện như hiện nay.
7.      Để quyền con người được Nhà nước và Xã hội thừa nhận, được tôn trọng và bảo đảm theo Hiến pháp (Hp ) và Pháp luật ( Đ.15), HĐGMVN yêu cầu cần làm sáng tỏ điều gì?
Thưa: Hp cần xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.
8.      Đâu là những mâu thuẫn và bất hợp lý trong Bản Hp 1992?
Thưa: Đảng cầm quyền là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng ( Đ.4), như thế thì làm sao có thể hiểu và thực thi quyền tự do ngôn luận, sáng tạo văn học, nghệ thuật bởi vì tư tưởng đã bị đóng khung cố định trong một chủ thuyết.
Làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bởi lẽ chủ nghĩa Mác- Lenin tự thân là chủ nghĩa vô thần cộng sản.
Cho nên, hiện nay những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho nhân dân tùy lúc, tùy nơi chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng.
9.      Dựa trên những mâu thuẫn và bất hợp lý đó, HĐGMVN đề nghị những gì?
Thưa: Các ngài nêu lên 5 đề nghị.
Thứ 1: Hp cần xác định rõ mọi người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền.
Thứ 2: Lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành Xã hội Việt Nam.
Thứ 3: Cần nêu rõ nội dung quyền được sống, không được phép tước đoạt sự sống của người khác từ lúc thành thai cho đến khi chết. Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của mình, miễn là không làm tổn hại đến sự sống của người khác.
Thứ 4: Nêu rõ quyền tự do ngôn luận, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình.
Nêu rõ quyền tự do tôn giáo, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân VN.
Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách, sát nhập… Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế…
QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN
10.  Đâu là quyền làm chủ của nhân dân?
Thưa: Chính nhân dân là chủ thể của quyền bính chính trị.
Chính nhân dân trao việc thi hành quyền bính này cho những người có năng lực và tâm huyết mà nhân dân bầu ra làm đại diện cho chính họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào.
Khi và chỉ khi để cho nhân dân thực hiện được các quyền trên thì mới có Nhà nước pháp quyền “của dân do dân và vì dân”.
11.  Một xã hội muốn đạt đến dân chủ, văn minh và lành mạnh phải làm gì?
Thưa: Hãy để nhân dân tự do ứng cử.
Hãy để người dân bầu chọn được những đại diện mà họ tín nhiệm qua việc bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng.
Hãy để nhân dân có quyền đánh giá năng lực của những đại diện họ đã bầu và khi cần để người dân có quyền thay thế những đại diện đó.
12.  Để thực thi quyền làm chủ của nhân dân, HĐGMVN đề nghị thế nào?
Thưa: các ngài nêu lên 4 đề nghị:
Thứ 1: Hp cần làm nổi bật quyền làm chủ của nhân dân không chỉ là trên lý thuyết và giấy tờ nhưng cần phải được thể hiện trong những điều khoản cụ thể của Hp, và phải được thi hành trong thực tế. Vì hiện nay, công nhân, nông dân và trí thức là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong XH, trong khi bản Dự thảo lại khẳng định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức” (Đ.2).
Thứ 2: Chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua bầu chọn, nên trong Hp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào (Đ.4)
Thứ 3: Hp hiện nay chỉ công nhận quyền sử dụng đất, không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Chính điều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, Hp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Thứ 4: Hp phải tôn trọng quyền tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp, của mọi công dân, không phân biệt thành phần xã hội, sắc tộc tôn giáo…
THI HÀNH QUYỀN BÍNH CHÍNH TRỊ
13. Việc thi hành quyền bính chính trị ở Việt Nam trong những năm qua thực hiện thế nào?
Thưa: Không có sự độc lập chính đáng của mỗi bên ( lập pháp, hành pháp, tư pháp), chưa vì công ích toàn xã hội, dẫn đến tình trạng lạm quyền, và lộng quyền gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo đức.
14.  Nguyên nhân nào làm cho Việt Nam đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển?
Thưa: Nguyên nhân chính là không có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. Điều này thể hiện rõ ngay trong nội dung của Hp 1992, và Dự thảo vẫn tiếp tục đường lối cứng nhắc như thế.
15.  Đâu là những mâu thuẫn trong vai trò thi hành quyền bính chính trị của Hp 1992?
Thưa: Mâu thuẫn ở chỗ: Điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” trong khi Điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là“là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”.Vậy ai lãnh đạo ai. Quốc hội chỉ là công cụ của đảng cầm quyền. Chính vì thế cho nên, việc người dân đi bầu các đại biểu Quốc hội chỉ là thứ dân chủ hình thức.
16.  Bản Dự thảo có chương nào và điều nào nói về Tổng bí thư đảng cầm quyền không?
Thưa: Không.
17.  Vậy thì tại sao trong thực tế Tổng bí thư nắm quyền hành cao nhất theo bản Dự thảo: đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Đ.4)?
Thưa: Vì hiện nay đảng ở trên luật pháp, ngoài luật pháp và không lệ thuộc luật pháp.
18.  Nếu đảng cầm quyền đã lãnh đạo Nhà nước và Xã hội như hiện nay thì có cần đến Quốc hội và Tòa án không?
Thưa: Nếu đảng cầm quyền đã lãnh đạo Nhà nước và Xã hội thì không cần đến Quốc hội và Tòa án nữa!
19.  Từ những mâu thuẫn và bất cập trong vai trò thi hành quyền bính chính trị đã nêu trên, HĐGM VN đã đề nghị thế nào?
Thưa: Các ngài nêu lên 3 đề nghị:
Thứ 1: Xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là“cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, do dân bầu ra và đại diện đích thực của nhân dân chứ không là công cụ của một đảng cầm quyền nào cả.
Thứ 2: Xác định tính độc lập và quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền này cách độc lập và hiệu quả.
Thứ 3: Luật hóa sự kiểm soát của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quyết định cụ thể.
KẾT LUẬN
20.  Những nhận định và góp ý sửa đổi Hp 1992 của HĐGMVN nhằm mục đích gì, mong ước điều gì?
Thưa: Nhằm mục đích góp phần xây dựng Hp cho hợp lý và hợp lòng dân. Mong ước người dân tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hp phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững.
 PV. VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét