Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Niềm vui Đức Tin


LTCGVN (09.11.2012)


Lòng tin của con người ngày nay trong khắp lĩnh vực từ  kinh tế chính trị cho đến tôn giáo hầu như đang kéo  theo nhau đến chỗ sụp đổ. Mở TV, đọc báo phần thời sự quốc tế, quốc nội đâu đâu cũng chỉ thấy người ta lường gạt, âm mưu hãm hại lẫn nhau. Sự hãm hại ấy dù ở quy mô quốc gia hay cá nhân  tất cả đều xuất phát bởi cùng một nguyên nhân đó là do không có niềm tin. Bởi không tin nên ai cũng dè chừng thủ thế để rồi điều gì phải đến sẽ đến. Chiến tranh là điều không thể tránh khỏi khi người ta cứ tổ chức hết đợt tập trận này đến đợt  tập trận khác. Sửa soạn chiến tranh ắt có chiến tranh chứ không phải như câu ngạn ngữ Latinh nói  “ Muốn có hòa bình thì phải sửa soạn chiến tranh” ( Si vis pacem para bellum). Để có hòa bình thì điều kiện trước hết là phải xây dựng được niềm tin cho nhau. Có niềm tin thì có tất cả, ngược lại không có niềm tin thì hòa bình chỉ là ảo vọng. Tại sao ? bởi vì thực chất của hòa bình không thể  ngoài Tâm mà có. Tâm mình có Hòa thì mới Bình được với người. Hòa tức là hòa ái thương yêu, còn Bình là bình đẳng vô phân biệt. Mục đích của tôn giáo là để đem lại hòa bình  đích thực cho con người và đây cũng chính là sứ mệnh  cao cả của Đạo Chúa “ Mọi sự đều ra từ ĐCT, Ngài đã nhờ  Đức Kito mà khiến chúng ta hòa lại với Ngài và giao cho chúng ta chức dịch giải hòa” ( 2C 5, 18).


Đạo Chúa là Đạo Giải Hòa và sự giải hòa ấy chỉ có thể thực hiện qua trung gian duy nhất là Đức Giesu Kito. Lý do là bởi sự  hòa ấy là  hòa lại với Đấng Thiên Chúa ở nơi mình. Muốn làm hòa với  người nào thì cố nhiên cần phải …biết  về người ấy, không biết  mà muốn làm hòa là điều  bất khả. Cũng vậy muốn giải hòa được với Thiên Chúa thì  cần phải…biết Ngài là Đấng nào. Mặc dầu vậy ngoại trừ Đức Kito phàm nhân chúng ta không một ai nhận biết Thiên Chúa “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con, ngoài  Con và người nào mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22)

  Có biết mới có thể làm hòa, thế nhưng về cái sự biết  Thiên Chúa ấy hoàn toàn không giống như cái biết sự vật. Biết sự vật là cái biết của khái niệm. Chúng ta nói mình biết cái nhà nhưng cái gọi là…nhà đó chỉ là một khái niệm, một tên gọi. Người ta chỉ thực sự …biết cái nhà là nhà khi sống trong thực tại nhà tức  ngủ nghỉ, ăn uống tắm giặt tiếp khách v.v….ở trong đó. Cùng một ý nghĩa như thế chúng ta chỉ có thể nhận biết  Thiên Chúa khi nào sống với Ngài trong thực tại Ngài Là. Sống đây tức là Biết và Biết cũng tức là Sống. Hiểu như thế thì duy chỉ  Đức Kito mới Biết có nghĩa là sống với Thiên Chúa của thực tại, còn phàm nhân chúng ta thì không. Bởi không biết nên hết thảy đều sống trong mê lầm = thật lại cho là giả, giả lại lấy làm thật. Một khi đã sống trong sự đảo điên giả thật, thật giả như thế  thì đức tin chân thật không thể tồn tại. 

Ngày nay hơn bao giờ hết đức tin tôn giáo hầu như biến mất để nhường chỗ cho  dị đoan mê tín tràn ngập. Trong  cuốn sách có tựa “ Tiến tới một nước Pháp ngoại giáo” ( Vers une France paienne) đức cha Hippolyte giám mục giáo phận Clermont đã nêu lên những con số và sự kiện rất đáng bi quan về tình trạng Giáo hội Pháp “ Tại những nơi tưởng rằng đạo giáo dần dần biến mất, người ta lại thấy xuất hiện hoặc tái xuất hiện những hình thức  đạo giáo mới mà theo đức cha  Hippolyte thì đôi khi rất xa lạ với Kito giáo. Thí dụ nghề nói toán chiêm tinh thành công lớn. Doanh số của các nhà  bói toán là hai mươi tỷ france, trong khi ngân quỹ của Giáo Hội Pháp chỉ có năm tỷ  france….Người ta cũng kéo đến với các buổi cầu cơ gọi hồn hay giao lưu với người chết. Theo đức hồng y Daneels thì không cứ gì nước Pháp, cả Âu Châu cũng đều như thế” ( Tb Cg& Dt số 1238/ 1999).

Tại sao Âu Châu từ nhiều thế kỷ trước vốn là cái nôi của Đạo Công Giáo  mà nay lại đến nỗi sa đọa vào con đường dị đoan mê tín như vậy ? Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do tôn giáo đã không thể đi vào cuộc sống. Đang khi đó tôn giáo đích thực phải là con đường tâm linh đưa đến  sự gặp gỡ làm hòa với Đấng ở nơi mình “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức  là đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giesu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9).

Thiên Chúa là Đấng nội tại hằng hữu nhưng nào có ai hay ai biết.  Quả thật  không biết nhưng nhờ vào lòng tin và bước theo sự dẫn dắt của Đức Kito, chúng ta có thể gặp gỡ được với Thiên Chúa. Tin theo Đức Kito mục đích là để tìm kiếm Đấng vốn ở nơi mình và cũng chỉ trong sự tìm kiếm ấy mới khiến cho cuộc sống của mỗi người trong chúng ta biến đổi. Nói cách khác cùng với sự tìm kiếm ấy như lời đức Benedicto XVI nói sẽ làm cho tôn giáo đi vào đời sống “ Chúng ta tự hỏi = Đức tin có thực sự là sức mạnh biến đổi cuộc sống hay không ? Hay nó chỉ là một trong  những yếu tố ( mà cũng chẳng quan trọng gì )chứ không phải là yếu tố bao trùm cuộc sống ? Qua những bài giáo lý Năm Đức Tin này chúng ta muốn làm một cuộc hành trình để củng cố hoặc tìm lại niềm vui đức tin không phải là một cái gì xa lạ, tách rời khỏi đời sống thực tế nhưng chính là linh hồn của cuộc sống” ( Nguồn Tinvui – Đức Thánh cha bắt đầu loạt bài huấn giáo về Năm Đức Tin).

Đức tin chỉ có thể gắn với cuộc sống nếu  đó là của mỗi cá nhân. Trái lại không thể có một thứ đức tin …chung chung  bên ngoài con người. Tuy nhiên đức tin vừa là của mỗi người nhưng đồng thời cũng là của toàn thể Dân Chúa, bởi hết thảy chúng ta đều có chung ơn gọi làm Con Chúa “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha của mọi người. Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6).

Ơn gọi làm Con Chúa là ơn trọng đại không chỉ dành cho thời Tân Ước nhưng đã có ngay từ trong buổi đầu Cựu ước khi tổ phụ Abraham vâng lệnh Thiên Chúa ra đi về Miền đất hứa “ Vả Đức Giehova có phán cùng Apram rằng = Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến Xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi”( St 12, 1 -2). Tổ phụ Apraham đã vâng lệnh ra đi mà chẳng hề biết  cái Xứ phải đến ấy thế nào  chỉ vì ông đã rất mực tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa. Chính bởi lòng tin mạnh mẽ như vậy nên đã trở thành tổ phụ của những kẻ  có đức tin “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin nấy đều là con cái của Ap raham” ( Gal 3, 7).

Vì đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa mà Apraham đã trở thành tổ phụ những kẻ tin. Điều ấy chứng tỏ đức tin của tổ phụ  xưa kia  cũng như của chúng ta ngày nay  là một không khác, nếu khác thì đâu phải tổ phụ ? Đức tin là một, vậy nếu tổ phụ tin vào lời hứa thì chúng ta cũng vậy, cũng tin vào lời hứa. Tuy nhiên có sự khác biệt  giữa đức tin của Dân Chúa thời Cựu với thời Tân Ước thế này. Một đàng là tin vào lời hứa của Chúa Giehova sẽ cho vào Đất hứa Canaan, một đàng tin vào lời hứa của Đức Giesu Kito cho vào  Nước Thiên đàng đời đời “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó” ( Ga 14, 2 -3).

Chúa đã bảo chứng lời hứa ấy bằng cái chết  cứu chuộc nhưng đồng thời Ngài cũng đòi buộc mỗi người  chúng ta cần phải hết lòng tìm kiếm.

I/-   Con  đường  tìm  kiếm 

Đức Kito hôm qua hôm nay và cho đến muôn đời vẫn  y nguyên  là một ( Dt 13, 8) và cố nhiên chân lý mà Ngài đem đến cho nhân loại cũng chỉ có thể là một. Thế nhưng tùy từng đối tượng mà Đức Kito có cách truyền đạt khác nhau. Với đa phần dân chúng Ngài sử dụng dụ ngôn để rao giảng Nước trời “ Vậy nên Ta nói cùng chúng bằng thí dụ vì họ xem mà không thấy, lắng mà không nghe cũng chẳng hiểu chi” ( Mt 13, 13). Còn với các Tông Đồ thì Ngài nói thẳng ( trực chỉ ) về Cha cho họ” Giờ đến Ta chẳng còn nói cùng các ngươi bằng dụ ngôn nữa nhưng sẽ nói tỏ tường về Cha” ( Ga 16, 25). Dù cách gián tiếp bằng dụ ngôn hay trực chỉ thì thực tại mà Đức Kito truyền đạt vẫn thuộc nội tâm con người và để có thể nhận  biết  và sống với thực tại  TÂM ấy Chúa đòi buộc  chúng ta cần phải hết lòng tìm mới gặp. 

Người đời ai cũng có những mối lo, người nghèo thì vất vả sớm hôm lo cho cái ăn cái mặc, người giàu lại lo địa vị danh giá chức quyền nọ kia. Đã lo thì phải khổ và những mối lo của con người chung quy cũng không thoát ra ngoài bốn quy luật sinh lão bệnh tử. Hễ có sinh thì ắt có tử, thế nhưng về cái sự…tử này xét cho cùng cũng chẳng có chi đáng sợ. Cái đáng sợ nhất không phải là chết nhưng là chết rồi đi đâu ? Có thi sĩ người Ba Tư nói rằng triết học là bản thảo có ba trang, lúc đem đi in thì lại làm lạc  đâu mất trang đầu và trang cuối. Ba trang ấy là ba câu hỏi = con người sinh bởi đâu ( nhân sinh hà tại ) sống trên đời để làm gì ( tại thế như hà ) và chết rồi đi đâu ( hậu thế như hà ) Đánh mất trang đầu và trang cuối có nghĩa triết học không thể giải quyết được vấn đề sinh và tử  của con người. Bởi không giải quyết được vấn đề sinh tử, tử sinh thế nên cũng chẳng thể biết con người sống trên đời này để làm gì.!!!

Nguyên nhân khiến triết học thất bại  là vì vấn đề của nó đã đặt sai ngay từ đầu. Đáng lẽ thay vì con người trong ba câu hỏi đó  thì phải là “ Tôi” = tôi bởi đâu sinh ra, sống trên đời này để làm gì và chết rồi đi đâu ? Một khi đã đặt câu hỏi cho …con người như thế  thì triết học sẽ chẳng bao giờ  có thể giải quyết được vấn đề sinh tử. Tại sao ?  bởi  vì “ Con người”  ở đây chỉ là một thứ khái niệm. Đã là khái niệm thì làm gì có sinh có tử ?. Tóm lại toàn bộ triết học, kể cả thần học  sẽ không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề  sinh tử  tức đi vào đời sống,  bởi lẽ đây là vấn đề  hoàn toàn  chỉ trong phạm vi của mỗi cá nhân. Tôi có nhận ra nỗi khổ sinh tử của chính tôi thì mới lo sao cho thoát khỏi khổ ấy, còn nếu không thì sẽ ở mãi trong khổ mà không biết là khổ. Đức Kito là Đấng thấu suốt nỗi khổ đau nhân thế, vì vậy Ngài mới truyền dạy chúng ta con đường thoát khổ “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ có lo chi cho ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 33 -34).

Toàn bộ những nỗi lo lắng khổ đau của con người  sở dĩ có là do đã tìm không đúng chỗ để tìm.  Thử hỏi cứ lo đi tìm những cái giả thì sao có được cái thật ? Giàu sang danh vọng chức quyền là  cái bả vinh hoa  lừa dối, nhắm mắt xuôi tay là hết, vậy mà người ta lại cứ dẫm đạp lên nhau để hòng kiếm nó cho bằng được. Cứ lo tìm những cái chỉ làm cho mình khổ đau thì làm sao không khổ ? Bài bạc ma túy gian dâm ngoại tình là những thứ chết người vậy mà lại cứ như những con thiêu thân lăn xả vào thì làm gì không khổ ? Đức Kito truyền dạy trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời bởi vì đó là thực tại vĩnh hằng toàn là sự vui sự sáng “ Không phải bởi tay người ta làm ra, nghĩa là không thuộc cõi thụ tạo này” ( Dt 9, 11)

Nước Trời không thuộc cõi thọ tạo tức thế gian này nhưng lại ở trong Tâm  mỗi người ( Lc 17, 20 -21). Đức Kito truyền cho ta  hết lòng tìm kiếm Nước Trời thì nước  cần tìm kiếm ấy chính là nước nội tại này đây chứ chẳng phải bất cứ một cõi nào khác. Tìm kiếm những cái ở bên ngoài là những thứ người đời ham chuộng  như tiền tài danh vọng chức quyền thật ra chẳng dễ chút nào, cũng phải lao tâm khổ trí lắm mới được nhưng được rồi thì lại chẳng ra chi, nhắm mắt xuôi tay là hết. Trái lại điều Chúa truyền dạy tìm kiếm thì chỉ cần từ bỏ mình đi là được và được vĩnh viễn, bởi chưng điều cần tìm ấy chẳng ở đâu xa ngoài bản tâm mình.

II/-   Con  đường  từ  bỏ

Có thể nói sống đức tin là sống cuộc hành trình ra đi và hành trình ấy  đã khởi sự  với tổ phụ Apraham khi ông vâng lời ra đi “ Bởi đức tin Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin người kiều ngụ trong xứ đã hứa như trong xứ lạ, ở trong trại với Isaa và Giacop là kẻ đồng thừa thọ một lời hứa với mình” ( Dt 11, 8 -9). Xứ các tổ phụ tin rằng mình sẽ được nhận lãnh là đất Canaan. Thế nhưng Đất hứa ấy thật ra chỉ là hình bóng của Nước trời mà đức Kito có sứ mạng rao giảng khi thời cơ đến “  Thời đã mãn, Nước ĐCT đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng ( Mc 1, 15).

Ở đây ta thấy Chúa nói Nước Trời đã đến gần đồng thời kèm theo hai điều kiện = một là sám hối tội lỗi mình, hai là tin vào Tin Mừng. Hai việc này liên quan mật thiết với nhau, có sám hối  mới thực lòng tin.  Trái lại không có sám hối thì lòng tin ấy chỉ là vu vơ…Sở dĩ sám hối và lòng tin quan hệ với nhau là bởi Nước Trời mà Đức Kito rao giảng là một thực tại mầu nhiệm vượt thoát khỏi mọi suy tư lý luận của con người. Với một mầu nhiệm lớn lao như thế thì chỉ đức tin mới có thể nhận biết. Tuy nhiên đức tin nhất thiết cần phải đi dôi  với sám hối bởi vì sám hối làm cho tâm trở nên ngày càng trong sạch. Tâm trong sạch là điều kiện để đức tin nảy nở ngược lại tâm ô nhiễm thì đức tin bị che lấp. Nước Trời ở trong tâm ta  ví thể như viên ngọc quý bị vùi lấp…Nước đục khiến cho ta không thể ..thấy được ngọc, muốn thấy thì phải làm sao cho nước lặng trong. Nước đục chính là tội lỗi, nó khiến ta không thể nhận biết thực tại mầu nhiệm vốn vẫn hằng hữu ở nơi mình.

Sám hối cần thiết để đức tin tăng trưởng, thế nhưng đức tin như Thánh Giacobe nói cần có việc làm, nếu không thì nó sẽ chết ( Gc 2, 17 ). Việc làm của đức tin đó chính là sự từ bỏ “ Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai con gái hơn Ta cũng không đáng cho Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo thì chẳng đáng cho Ta” ( Mt 10, 37 -38). Chúa không nói không được yêu mến mẹ cha con cái nhưng là không được yêu hơn Ngài. Tại sao thế ? Bởi vì con đường mà Chúa muốn chúng ta theo là đường giải thoát. Bao lâu còn có tình cảm luyến ái thì bấy lâu vẫn còn bị giam hãm trong vòng thế tục. Một khi đã theo Chúa thì phải dứt khoát “ Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngó lại đàng sau thì không xứng với Nước Đức Chúa Trời”( Lc 9, 62 ). Sự dứt khoát trong tình cảm như thế là điều rất khó nhưng còn khó gấp bội khi phải từ bỏ tri kiến tức những sở học mà mình đã hấp thụ qua con đường học vấn, sách vở. Đối với thế gian thì tri kiến là sự khôn ngoan nhưng với Thiên Chúa đó chỉ là mê muội khờ dại “ Vì sự khôn ngoan của thế gian này đối với ĐCT là sự ngu dại. Như có chép rằng Ngài khiến kẻ khôn ngoan mắc quỷ kế của họ” ( 1C 3, 19 -20 ).

Quỷ kế tức kế hoặch  của quỷ và kế này  đã được …giăng ra ngay từ nguyên thủy khi rắn Satan cám dỗ nguyên tổ “ Hai người chẳng có chết đâu, nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái đó mắt mình mở ra sẽ như ĐCT biết điều thiện điều ác” ( St 3, 4 -5) Đã gọi là quỷ kế thì hẳn nhiên nó phải cực kỳ tinh vi xảo quyệt. Thiên Chúa là Đấng Vô Phân Biệt “ Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ công chính cùng  kẻ bất chính” ( Mt 5, 45). Vậy mà rắn Satan lại bảo mắt hai người sẽ mở ra như…Đức Chúa Trời,  biết ( phân biệt ) điều thiện điều ác.? Cái biết của lý trí là cái biết của sự phân biệt, chính cái biết ấy đã làm cho con người xa cách Thiên Chúa, không thể nhận biết Nước Trời ở nơi mình. Do bởi lý trí tức khôn ngoan thế gian không thể nhận biết Nước Trời nên Đức Kito mới nói “ Ta nói cùng các ngươi, hễ ai chẳng nhận lấy Nước ĐCT như một trẻ nhỏ thì hẳn chẳng  vào được đó” ( Lc 18, 17 ).

Để  nên như trẻ nhỏ thì phải bỏ đi mọi thành kiến cũng như những thứ triết học, thần học mà mình đã tiếp thu với biết bao tài trí nỗ lực. Bỏ đi như thế quả là điều hết sức khó khăn nhất là với những con người đã mang danh  nhà nọ nhà kia v.v… Thế nhưng nếu không như vậy thì  không có cách chi vào được Nước Trời.  Là người có đạo mà lại không vào được Nước Trời thì thật  uổng mất công ơn cứu chuộc của Chúa biết bao “ Lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì ? “ ( Mt 16, 26 ).

Trà Cổ - Tháng  Các Linh Hồn - 2012
Phùng  Văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét