Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Tháng các linh hồn: nói về ngưỡng cửa sự chết




Người ta vẫn nói: « sinh ký tử quy ». Một điều chắc chắn là ai ai cũng phải đối diện với sự chết. Chỉ có điều nó có thể đến sớm với người này mà lại trễ đối với người khác. Thông thường thì người cao niên gần với ngưỡng cửa của sự chết hơn. Ở vào độ tuổi ấy, họ phải tìm cách sống chung với gánh nặng của tuổi tác và bệnh tật. Đặc biệt là điểm hẹn giờ C có thể đến với mình bất cứ lúc nào. Chính vì thế, người cao tuổi luôn luôn lo lắng cho bản thân có được điều kiện sống tốt nhất cho quãng thời gian cuối đời.

Ngay từ khi còn sung sức, nhiều người đã nghĩ đến việc tích góp để lo cho tuổi già. Người ta thực sự có lý khi làm việc này, vì lúc đó sức khỏe giảm sút, không còn làm việc được nữa, và nhất là việc chi trả cho nhà hưu quá cao. Tại Pháp, bình thường những ai muốn nương mình nơi đây thì mỗi tháng phải có ít nhất 3000 euros. Những ai có con cái thì số tiền này được chia đều cho mỗi người để đóng góp. Những ai không có con cái thì giao lại nhà cửa của mình cho nhà hưu và mình sẽ được chăm sóc cho đến hết đời.

Phải nói rằng điều kiện sinh hoạt tại các nhà hưu dưỡng tư nhân rất chu đáo. Người ta được đáp ứng « theo nhu cầu » và « được nghỉ ngơi » 24/24 và 7 /7. Có đội ngũ bác sĩ và y tá để theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Có một nhóm người làm bếp và dọn dẹp phòng ốc. Cũng có cả nhân viên lo về thẩm mỹ như cắt tóc. Lại có cả những người thiện nguyện đến để phụ trách về mảng vui chơi giải trí. Bữa ăn sáng, những ai không xuống nhà ăn thì có người mang đến tận phòng. Còn bữa ăn trưa người nào đi lại không được thì có nhân viên lên tận phòng để đưa xuống nhà ăn.

Thế nhưng có không ít người không muốn vào nơi đây, bởi vì cho rằng một khi đặt chân đến nơi này là chỉ còn việc chờ chết. Quả vậy, hầu như tuần nào cũng có người qua đời. Trong bữa ăn nhiều cụ ăn không nổi thì bị ói và để đồ ăn dư thừa trên bàn. Có những người mắc bệnh Alzheimer đi đi lại lại một cách vô thức. Có những cụ chỉ nhớ được một kỷ niệm trong quá khứ. Mỗi lần đi thăm nhà hưu và trao Mình Thánh cho những ai muốn rước lễ thì bản thân có gặp một cụ bà kể đi kể lại tượng Đức Mẹ và cây Thánh Giá trong phòng là món quà rước lễ lần đầu năm 1925. 

Thành ra có những người về già quyết tâm ở lại nhà mình cho dù mức độ chăm sóc sức khỏe không được tươm tất, thậm chí chấp nhận tạm trụ tại nhà và thường trú tại bện viện nhưng không muốn sống trong các nhà hưu là để tránh nhìn những cảnh tượng trên. Tuy nhiên dù muốn dù không thì ở đâu cũng đều phải chết. 

Mỗi năm, tại Pháp có hàng trăm đám an táng được cử hành tại một giáo xứ vùng quê. Một phần trên địa bàn này có nhiều nhà hưu, phần khác những người chết tại thành phố muốn được an táng tại quê nhà, nên dễ hiểu vì sao tại lại có nhiều đám an táng. Số người chết thuộc mọi lứa tuổi và mọi thành phần. Có người chết già nhưng cũng có người chết trẻ. Có cái chết bất ưng nhưng cũng có cái chết do bệnh tật. Có cái chết tự nhiên, nhưng cũng có cái chết do tai nạn hay tự tử. Số người tham dự nghỉ thức an táng lên đến hàng trăm, nhưng cũng có đám vỏn vẹn chỉ có hai người. 

Một cái nhìn mang dáng vẻ thế tục là càng những người chết trẻ, hay bị bệnh hiểm nghèo, thậm chí là tự tử thì mọi người tham dự đông vì cảm thấy xót xa cho số phận kém may mắn. Trong khi đó, những người sống lâu và chết tự nhiên thì lại không có nhiều người tham dự. Một phần có thể hiểu là vì người quá cố không còn nhiều bạn bè cùng tuổi còn sống, và nếu còn thì cũng không đủ sức để đi tham dự. 

So với các buổi cử hành bí tích hôn phối hay rửa tội, trong nghi khi cử hành nghi thức an táng thì các thành viên trong gia đình và số người tham dự được Lời Chúa đánh động hơn. Khi con người rơi vào cảnh bế tắc và cảm thấy không còn chỗ dựa, thì lúc đó sức mạnh của Lời Chúa được thể hiện, và trở nên nguồn ủi an và nâng đỡ những ai sầu khổ.

Xét cho cùng cuộc đời thật vắn vỏi. Tác giả Thánh Vịnh nói rằng đời người « có mạnh giỏi cũng chỉ là tám mươi ». Về phần mình, thánh Phanxicô Khó Khăn nghiệm thấy « chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời ». «Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài » (Kn 3, 1). Xin cho mỗi người dám sống cho đến chết và đừng như đã chết ngay khi còn đang sống.

Ngày 28 tháng 11 năm 2012

Lm. Vũ Tiến Tặng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét