Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Tình hình Trung Quốc sau Đại hội 18


LTCGVN (26.11.2012)- Sài Gòn - Hầu giúp quý độc giả và thính giả hiểu hơn về Đại hội 18 đảng cộng sản Trung Quốc vừa qua, qua cái nhìn của một tổng bí thư của một đảng của người Việt tại một nước tự do. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn sau, giữa Thomas Việt, VRNs, với Ông Lý Thái Hùng, tổng bí thư Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng. Theo tinh thần chấp nhận tiếng nói đa nguyên, chúng tôi rât hoan nghênh sự chấp nhận mời phỏng vấn của các đảng phái hay đoàn thể khác đang hoạt động trong và ngoài nước Việt Nam.
Mời quý vị theo dõi.

Thomas Việt: Chào Ông Lý Thái Hùng, như Ông biết Trung Quốc vừa tổ chức đại hội 18 đảng cộng sản, tất nhiên qua đại hội này đảng csTQ bầu lại Thương Vụ Bộ Chính Trị. Hầu giúp quý thính giả hiểu hơn về đại hội 18 vừa qua và hướng đi có thể của Ban Thương Vụ Bộ Chính Trị đảng CSTQ với chính hơn 1 tỷ dân Trung Quốc và chính sách đối ngoại với các lân Bang trong đó có Việt Nam chúng ta.  Với cái nhìn của một tổng bí thư của một đảng người Việt tại một nước tự do thì Ông có những nhận xét gì về Đại Hội 18 vừa qua của đảng Cộng sản Trung Quốc không thưa Ông?
Lý Thái Hùng: Thông thường, đại hội của một đảng chính trị thường thu hút sự chú ý của dư luận vào hai vấn đề then chốt: Nhân sự lãnh đạo và Chính sách phát triển. Đối với Đại hội 18 cũng như nhiều đại hội đảng trước đó của đảng Cộng sản Trung Quốc đã mất đi sự chú ý nhiều của dư luận vì hai điều quan tâm nói trên đã được tiết lộ hay nói chung là công khai hóa từ hơn nửa năm trước đó.  Lý do dễ hiểu là các chế độ độc tài thường dựa vào nguyên tắc lãnh đạo tập thể qua sự “đồng thuận” giữa các phe nhóm để chia quyền lực cai trị, tránh sự xung đột gây bất lợi cho sự nắm quyền của đảng.

Do đó, dư luận thế giới đã không chờ đợi khác hơn về thành phần lãnh đạo mới: Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường, cũng như việc chế độ tiếp tục chính sách tăng trưởng kinh tế và không hề đá động gì đến nhu cầu cải tổ chính trị. Tuy nhiên, có hai điều sau đây xảy ra trước đại hội 18 đã làm thay đổi thế quân bình giữa các phe quyền lực trong Thường vụ bộ chính trị, bộ phận lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước Trung Quốc.
Một là vụ Bạc Hy Lại, cựu Bí thư Trùng Khánh bị bắt giữ hồi tháng 2/2012 và bị loại ra khỏi đảng vào tháng 9/2012 đã làm cho phe khuynh tả theo tư tưởng Mao đang phát triển thì bị khựng lại và mất khá nhiều ảnh hưởng trong đại hội 18 vừa qua.
Hai là vụ Nhật báo New York Times vào ngày 25/10 đã mô tả chi tiết về của cải và các ảnh hưởng của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo như một đế chế kinh doanh nhiều tỷ Mỹ Kim trong xã hội Trung Quốc. Sự kiện tờ New York Times tiết lộ gia đình họ Ôn đã thu mua cổ phiếu của công ty bảo hiểm Ping An, có trị giá 2,2 tỷ Mỹ Kim, hai tuần lễ trước khi đại hội 18 khai diễn, là một đòn tấn công thâm độc vào phe nhóm cải cách đứng đầu bởi Ôn Gia Bảo.
Hai biến cố này, vô hình chung đã giúp cho phe bảo thủ tăng cường thế và lực mà cụ thể là “thái thượng hoàng” Giang Trạch Dân đã khuynh loát đại hội 18 như “bố già” Đặng Tiểu Bình trước đây.  Đa số những nhân vật được Bộ chính trị chọn vào Thường vụ bộ chính tri lần này đều thuộc khuynh hướng bảo thủ, trong đó có 4 nhân vật được coi là chịu nhiều ảnh hưởng của họ Giang đó là Tập Cận Bình, Du Chí Thanh, Lưu Vân Sơn và Trương Đức Giang.

Thomas Việt: Việc hai nhân vật cấp tiến là Uông Dương và Lý Nguyên Triều không được bầu vào ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, mà đa số là nhân sự liên hệ đến ông Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư được Đặng Tiểu Bình đưa lên lãnh đạo sau vụ Thiên An Môn. Phải chăng TQ đang đi trở lại khuynh hướng bảo thủ sau khi xảy ra vụ Bạc Hy Lai?
Lý Thái Hùng: Theo những tiết lộ của báo chí Phương Tây thì danh sách 7 nhân sự được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị đại hội 18 phải có sự đồng ý của Giang Trạch Dân trước khi công bố. Do đó, việc hai nhân vật:  Uông Dương, bí thư Tỉnh Quảng Đông, và Lý Nguyên Triều, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng, thuộc khuynh hưởng cải cách và được Thủ tướng Ôn Gia Bảo ủng hộ, nhưng đã không được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị, cho thấy là họ Giang có nhúng tay vào sự sắp xếp này.
Đây cũng là điều dễ hiểu vì lãnh đạo Bắc Kinh đã bị chấn thương khá lớn vụ Bạc Hy Lai dám đi ngược dòng cải cách, cổ xúy phong trào nhạc đỏ của thời cách mạng văn hóa thập niên 60 để phát triển nhóm tả khuynh theo tư tưởng Mao. Nhóm tả khuynh này nếu thành công sẽ đe dọa quyền lợi của đại đa số giới lãnh đạo đã và đang cầm quyền trong 3 thập niên mở cửa kinh tế.  Do đó, việc chọn đi theo khuynh hướng bảo thủ là an toàn nhất cho lãnh đạo Bắc Kinh khi mà tình trạng tham nhũng và cách biệt giàu nghèo trong xã hội đang ở mức báo động. Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Kinh có thành công hay không trong việc chọn lựa này còn tùy thuộc vào hai yếu tố:
Một là có tiếp tục giữ được mức tăng trưởng kinh tế liên tục trong 5 năm tới đây như 20 năm vừa qua để tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 như ông Hồ Cẩm Đào đưa ra trong ngày khai mạc đại hội 18 hay không.  Điều này rất khó duy trì khi mà mô hình xuất khẩu sang hai thị trường Mỹ và Âu Châu đang suy thoái trầm trọng.
Hai là có tiếp tục giữ được sự đồng thuận tập thể lãnh đạo như nhiều năm qua khi mà phe bảo thủ dưới sự khuynh loát của họ Giang đang tìm cách triệt hạ nhóm khuynh tả theo Mao và giảm thiểu quyền lực của phe cải cách. Đây là một thách đố lớn cho Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường khi phải đối đầu cùng một lúc hai phe có tầm ảnh hưởng lớn trong đảng: nhóm đảng viên nghèo (tả khuynh theo Mao) và  nhóm đảng viên giàu có (phe cải cách của họ Ôn).

Thomas Việt: Với sự thay đổi hàng loạt một số tướng lãnh quân đội trước đại hội đảng, cũng như khuynh hướng bảo thủ chiếm đa số trong Bộ chính trị, liệu TQ dưới triều đại Tập Cận Bình sẽ tiếp tục chèn ép các lân bang có Việt Nam chúng ta và bành trướng biển Đông hay không?
Lý Thái Hùng: Sự chèn ép các nuớc lân bang và bành trướng biển Đông là chính sách bá quyền của Bắc Kinh đã được Mao vạch ra từ năm 1950 mà thế hệ lãnh đạo nào cũng phải thi hành. Chèn ép và xâm lấn lân bang vừa là bản chất của một đế chế có tham vọng bá chủ toàn cầu và muốn qua mặt Hoa Kỳ về kinh tế vào năm 2025, vừa do nhu cầu đói tài nguyên và giải quyết nạn nhân mãn của Trung Cộng.
Vì thế,  người Việt Nam và các dân tộc tại Đông Nam Á sẽ phải đối diện với sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Sự kiện Bắc Kinh cho in bản đồ hình lưỡi bò trên Hộ Chiếu hiện nay là một chỉ dấu “điên cuồng” của chế độ trong việc bành trướng và khống chế biển Đông bằng mọi giá của họ.

Thomas Việt: Ông nhận định ra sao về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong 5 năm tới khi TQ được lãnh đạo bởi Tập Cận Bình với một ban thường vụ bộ chính trị đi theo khuynh hướng bảo thủ?
Lý Thái Hùng: Khi thế hệ lãnh đạo Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường chọn đi theo khuynh hướng bảo thủ, khước từ mọi thay đổi về chính trị sẽ là chỗ dựa tốt cho lãnh đạo Hà Nội để tiếp tục chính sách đàn áp phong trào dân chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ khó yên với Bắc Kinh nếu không im lặng và hợp tác với Bắc Kinh trong việc khai thác biển Đông theo chủ trương của Bắc Kinh. Đây là thế tiến thoái lưỡng nan của Hà Nội trong sự quan hệ với Trung Quốc hiện nay và mai sau.
Trên bề mặt, Cộng sản Việt Nam núp dưới cái gọi là 16 chữ vàng để cố giữ hòa khí và tránh né các xung đột gây tổn thương cho hai bên. Tuy nhiên, CSVN thật sự rất lo sợ sự bành trướng và khống chế của Trung Quốc; vì họ biết rằng đi với Trung Quốc có ngày mất tất cả khi làn sóng chống Trung Quốc của người dân bùng vỡ trong một ngày không xa.
Nói tóm lại, quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội dưới thời Tập Cận Bình sẽ không có những thay gì lớn lao và Cộng sản Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc khống chế về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa và lãnh thổ như những năm vừa qua.

Thomas Việt: Theo cách nhìn của Ông thì các tổ chức hay các phong trào dân chủ tại các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ phải hay nên làm gì trong thời gian 5 năm tới?
Lý Thái Hùng: Thưa anh, hơn lúc nào hết sự liên kết giữa các phong trào dân chủ của những dân tộc có cùng mục tiêu tranh đấu cho sự tự do, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay vô cùng khẩn cấp và quan trọng. Qua sự liên kết này mới giúp tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng thế giới cho các nỗ lực tranh đấu của người Trung Hoa, Việt Nam, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ sớm đạt kết quả tốt đẹp.
Sự kiện chính giới Nhật Bản hỗ trợ việc thành lập Liên minh Dân chủ hóa Á Châu vào tháng 11 năm 2011, quy tụ sự tham gia của các phong trào dân chủ tại Trung Quốc, Miến Điến, Nội Mông, Duy Ngô Nhĩ, Việt Nam và Bắc Triều Tiên là bước khởi đầu quan trọng của nỗ lực liên kết này. Mặc dù Liên Minh này còn đang trong giai đoạn xây dựng nhưng nhờ sự ủng hộ của bà Aung San Suu Kye và Đức Đạt Lai Lạt Ma nên Liên Minh đang trong thời kỳ  phát triển rất khả quan. Chúng tôi hy vọng là Liên Minh này sẽ tạo một nền tảng liên kết tốt cho các dân tộc Trung Quốc, Việt Nam, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ hầu đẩy mạnh các nỗ lực tranh đấu ngay tại Trung Quốc và Việt Nam trong 5 năm tới.

Thomas Việt: Cảm ơn và chúc bình an Ông Lý Thái Hùng
Chúc bình an
Thomas Việt, VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét