Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Phiên tòa xử 2 nhạc sĩ nhìn dưới góc độ pháp luật Việt Nam


LTCGVN (24.11.2012) – Sài Gòn – Đọc bài “Việt Khang: Bởi vì tôi là người Việt Nam” trênwww.chuacuuthe.com, ghi lại diễn tiến phiên tòa xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình tại tòa án Thành phố, những ai am hiểu pháp luật đều rất bức xúc với tình trạng vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) nghiêm trọng của ông Vũ Phi Long thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, Viện kiểm sát TP.HCM, và công tố viên.
Mở đầu, tác giả viết: “8 giờ sáng ngày 30.10.2012 tôi đến Tòa án Sài Gòn để tham dự phiên tòa xử hai nhạc sĩ yêu nước. Trong sân tòa dày đặc công an chìm nổi. Tôi ước lượng cũng phải đến 300-500 tên. Ngoài ra còn có xe chữa cháy, xe cứu thương và xe bít bùng đậu trong khu vực tòa. Thỉnh thoảng lại có môtô cảnh sát giao thông và 113 chạy vào sân tòa rồi lại chạy ra. Không khí sân tòa ngột ngạt và căng thẳng như sắp sửa xảy ra khủng bố.
Lực lượng công an chìm nổi được bày ra đây lấy cớ để giữ gìn an ninh trật tự nhưng thực chất là để ngăn chặn người dân đi tham dự phiên tỏa công khai. Vì thế mà tác giả mô tả: “Trong sân tòa xuất hiện một số nhóm người là thân nhân và bạn bè của hai nhạc sĩ. Có mấy ca viên của ca đoàn xóm 7-8 nhà thờ Kỳ Đồng. Khuôn mặt ai cũng có vẻ căng thẳng, không phải vì thân nhân của họ sắp sửa bị tòa kết án bất công mà vì họ đang đứng trong một rừng cảnh sát, nguy hiểm ập đến với họ bất cứ lúc nào.

“…Vòng kiểm soát thứ hai đặt tại cửa chính của tòa, công an thu hết điện thoại và các thiết bị điện tử của những người đến tham dự, sau đó còn bắt tôi qua một cửa điện tử kiểm soát vũ khí như ở sân bay.
Trong phòng xử có hơn 20 người tham dự trong đó phân nửa là chị em phụ nữ trong vai “diễn viên quần chúng”. Những người tham dự khác đông hơn, kể cả thân nhân của hai bị cáo ngồi tại sảnh chính, theo dõi phiên tòa qua màn hình. Trong phòng xử, sảnh xem truyền hình trực tiếp và hành lang đầy nhóc an ninh chìm nổi, với những cặp mắt soi mói, rình rập đến tất cả mọi cử động ánh mắt của những người tham dự.”
Điều 131 Hiến pháp qui định: “TAND xét xử công khai, trừ trường hợp theo luật định", và Điều 18 BLTTHS qui định: "Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai." Và khoản 4 Điều 178 BLTTHS buộc "Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ... Xử công khai hay xử kín". 
Như vậy Luật định rõ những trường hợp nào xử kín và tham dự phiên tòa là QUYỀN của mọi người dân. Ngay cả xử kín thì khi tuyên án cũng phải công khai.
Mọi hành vi ngăn chặn công dân tham dự phiên tòa xử công khai là xâm phạm quyền công dân được pháp luật bảo hộ. Điều 74 Hiến pháp qui định: "Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.
Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.
Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác" Và: "Trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm
1. Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức." (Điều 25 BLTTHS).
Ngoài ra hành vi tạm giữ điện thoại của những người được vào dự phiên tòa là vi phạm Điều 73 Hiến pháp: "Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật." Và Điều 7, 8 BLTTHS quy định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.
Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.
Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.”
Theo Điều 126 Hiến pháp: "Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ… bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân." Và Điều 1 Luật Tổ chức TAND khẳng định: "Trong phạm vi chức năng của mình, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ… bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.”
Và Viện Kiểm sát thì: "Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này." (Điều 23 BLTTHS).
Thế mà chính ở những nơi "cao cả" như vậy, người ta chà đạp trên pháp luật, coi thường quyền công dân...
“…Trong phần mở đầu phiên tòa, luật sư Hải yêu cầu tòa triệu tập giám định viên; luật sư Miếng yêu cầu tòa cho công bố các bài hát tại phiên tòa do chứng cứ là các tác phẩm âm nhạc nên cần phải có cái nhìn toàn diện và khách quan.
Về yêu cầu của luật sư Hải, thẩm phán Vũ Phi Long nói đã gửi giấy triệu tập hai giám định viên nhưng do luật sư Hải gửi yêu cầu quá trễ nên các giám định viên đang nghỉ phép, không thể mời được. Tuy nhiên bản Kết luận giám định của họ vẫn có giá trị làm căn cứ để xét xử trong vụ án này.
Về điểm này, khoản 1 Điều 193 BLTTHS qui định: "Người giám định tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập." Và "Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án " (khoản 3 Điều 61 BLTTHS). Thế mà TA - nếu đúng vậy - đã triệu tập mà Giám định viên không thèm đến là không tôn trọng pháp luật thì kết quả giám định của người không tôn trọng pháp luật có giá trị hay không? Bởi vì nguyên tắc đầu tiên của thực hiện giám định tư pháp là tuân thủ pháp luật (Điều 3 Pháp Lệnh GĐTP và Luật GĐTP- Luật này có hiệu lực 1/1/2013). Việc “nghỉ phép” nếu có của giám định viên theo như ông thẩm phán Vũ Phi Long nói có quan trọng hơn việc ông phải tôn trọng pháp luật hay không?
Về yêu cầu của luật sư Miếng, thẩm phán nói không thể đáp ứng trong khuôn khổ của một phiên tòa, tất cả đều phải căn cứ vào bản Kết luận giám định.
Tòa, mà cụ thể là thẩm phán Vũ Phi Long, đã vi phạm Điều 214 BLTTHS: "Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa.
Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan." Điều này quan trọng vì "Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà...". Tất cả những bản Kết luận giám định nếu không thẩm tra tại phiên Tòa thì làm sao Nghị án và tuyên án được?
Tranh luận với luật sư, đại diện Viện Kiểm sát nói việc bắt giữ người là nghiệp vụ của công an, Viện không can thiệp, “án tại hồ sơ” nên Viện vẫn xác định ngày anh Bình bị bắt là 21.09.2011 (sự thật là ngày 19.09.2011-PV)
Ôi Trời ơi! Viện Kiểm sát có nhiệm vụ giám sát việc thực thi pháp luật mà trả lời vô pháp như vậy. Chẳng trách vì sao việc bắt giữ người trái pháp luật của cơ quan công an xảy ra hằng ngày trên đất nước này.
… Tranh luận với luật sư, đại diện Viện Kiểm sát không đi vào từng phần, chỉ nói chung là bị cáo đã nhận tội rồi, Viện đã vận dụng pháp luật “không sai” cho mọi đối tượng trong vụ án, bị cáo vẫn vi phạm khoản 2 Điều 88.
Ở đây Viện kiểm sát TP.HCM đã vi phạm Điều 218 BLTTHS: “Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến... Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị KSV phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa". Cần luu ý Điều 218 này: "Chủ tọa phiên Tòa không được hạn chế thời gian tranh luận..."
Tranh luận với luật sư Hải, kiểm sát viên lại “vận dụng pháp luật” nói bản Kết luận giám định chỉ dùng để tham khảo, trước Tòa bị cáo đã cúi đầu nhận tội. Mới lúc đầu nói bản Kết luận giám định là căn cứ để kết tội bây giờ nói ngược lại.
Việt Khang lại bị thẩm phán yêu cầu thẩm vấn lại. Thẩm phán công bố bản cung của Việt Khang do an ninh điều tra lập: “Việc mời 3 người vào mạng chat là để phát triển lực lượng.
Liên quan đến điều này, khoản 2 Điều 208 BLTTHS qui định: "Chỉ được công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra trong những trường hợp sau đây:
a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa có mâu thuẫn với lời khai của họ tại Cơ quan điều tra;
b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa;
c) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết." Và: "Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận" (Điều 219 BLTTHS) Không rõ ông thẩm phán Vũ Phi Long có theo đúng qui định này hay không?
“…có hai ông Tây đến bắt tay hai vị luật sư. Một vị nói tiếng Việt: “Chúng tôi đã theo dõi hết tất cả. Cám ơn hai luật sư. Các luật sư làm việc rất tốt nhưng tòa kết án không tốt (ông lắc đầu tỏ vẻ thất vọng). Buồn thật là buồn! Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về vụ này.
Đúng như điều ông Tây nói: “Tòa không tốt”. Thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa đã hành xử hoàn toàn trái pháp luật. Thế mà ông vẫn lạnh lùng tuyên một bản án bỏ túi 10 năm cho 2 nhạc sĩ chỉ vì họ sáng tác mấy bài hát kêu gọi lòng yêu nước.
Tại Việt Nam hiện nay những phiên tòa vi phạm pháp luật vẫn nhan nhản diễn ra hàng ngày. Phiên tòa phúc thẩm xử nhà giáo Đinh Đăng Định ở Đăk Nông ngày 21/11/2012 cũng y như vậy. Chắc chắn phiên tòa xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành sẽ diễn ra ở TP. Vinh sắp tới cũng chỉ do một thẩm phán bù nhìn điều khiển, vì ông không bao giờ thực thi đúng chức năng “cầm cân nẩy mực” mà nhân dân đã đóng thuế để trả lương cho ông.
PV. VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét