Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

[Video]: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23 - 29/11/2012 - Công Nghị Tấn Phong 6 vị tân Hồng Y




1. Công Nghị Tấn Phong cho 6 vị tân Hồng Y


Biến cố nổi bật trong tuần qua là Công Nghị Tấn Phong cho 6 vị tân Hồng Y diễn ra tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Bẩy, 24 tháng 11.


Đây là lần thứ hai trong năm nay, Đức Thánh Cha bổ nhiệm các vị Hồng Y mới. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 18 tháng 2, ngài đã tấn phong cho 22 vị tân Hồng Y trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.


Trong lần bổ nhiệm này, 6 tân Hồng Y thuộc 6 quốc gia khác nhau và lần đầu tiên không có vị Hồng Y nào là người Ý hay Âu Châu. Các vị được tấn phong là người Mỹ, Ấn độ, Phi Luật Tân, Nigeria, Li Băng và Colombia. 


Kính thưa quý vị và anh chị em,


Trong phiên họp cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới diễn ra hôm 27 tháng 10, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng sở dĩ ngài tuyên bố triệu tập Công Nghị vào ngày 24 tháng 11 năm nay để bổ nhiệm thêm 6 Hồng Y mới “là để bổ túc cho công nghị ngày 18 tháng 2 năm nay, trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng, với một cử chỉ nói lên tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, chứng tỏ rằng Giáo Hội là Giáo Hội của mọi dân tộc, nói mọi ngôn ngữ, và luôn luôn là Giáo Hội của Lễ Hiện Xuống; không phải Giáo Hội của một đại lục, nhưng là Giáo Hội hoàn vũ.”


Trong số 9 ngàn người hiện diện trong buổi lễ tấn phong có hơn 80 Hồng Y, 60 Giám Mục và đông đảo thân nhân và tín hữu của các vị tiến chức.


Có 4 phái đoàn chính thức về dự lễ: phái đoàn nước Li Băng do Tướng Michel Sleiman, hiện là Tổng Thống nước này dẫn đầu, cùng với phu nhân, và đoàn tùy tùng gồm 500 người từ Li Băng đến dự lễ. 


Phái đoàn Phi Luật Tân do Phó Tổng Thống Jejomar Binay và đoàn tùy tùng hướng dẫn, không kể hàng ngàn tín hữu Phi Luật Tân trong và ngoài nước. 


Phái đoàn Ấn độ do giáo sư Kurien, Chủ tịch Quốc hội cùng đi với đoàn tùy tùng. 


Phái đoàn Nigeria do Thượng nghị sĩ David Mark hướng dẫn.


2. Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tấn phong Hồng Y


Trong bài huấn dụ sau bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã đặc biệt giải thích về đặc tính Công Giáo của Giáo Hội và sứ mạng của Hội Thánh. Tuy sứ mạng của Chúa Giêsu, trong cuộc sống trần thế, giới hạn vào dân tộc Do Thái, vào những con chiên lạc của Nhà Israel, nhưng sứ mạng ấy ngay từ đầu đã nhắm mang lại cho tất cả mọi dân tộc ánh sáng Tin Mừng và đưa mọi dân tộc vào Nước Chúa.


Chúa Giêsu sai Giáo Hội của Ngài không phải chỉ đến với một nhóm, nhưng là đến với toàn thể nhân loại, để tập họp họ lại trong đức tin, trong một dân tộc duy nhất. Vì thế Giáo Hội là Công Giáo, là phổ quát.


Sau khi giải thích ý nghĩa tính chất Công Giáo, đặc tính phổ quát của Giáo Hội, Đức Thánh Cha áp dụng đặc tính này vào Hồng Y đoàn. Ngài nói:


“Cả Hồng Y đoàn cũng được đặt trong đường hướng và viễn tượng hiệp nhất và phổ quát của Giáo Hội: Hồng Y đoàn biểu lộ sự đa diện, vì diễn tả khuôn mặt của Giáo Hội phổ quát. Đặc biệt qua công nghị này, tôi muốn nêu bật rằng Giáo Hội là Giáo Hội của tất cả mọi dân tộc, vì thế Giáo Hội được biểu lộ trong các nền văn hóa khác nhau của các đại lục. Đó là Giáo Hội của Lễ Hiện Xuống, qua các tiếng nói khác nhau, cùng xướng lên bài ca hòa hợp duy nhất dâng lên Thiên Chúa hằng sống.


Các tân Hồng Y đại diện cho các giáo phận khác nhau trên thế giới, từ ngày hôm nay được liên kết với Giáo Hội Rôma theo một danh nghĩa rất đặc biệt, và qua đó, củng cố các mối liên hệ tinh thần nối kết toàn thể Giáo Hội, được Chúa Kitô làm cho sống động, và được xiết chặt quanh Người Kế Vị Thánh Phêrô. Đồng thời, nghi thức hôm nay diễn tả giá trị tột đỉnh của lòng trung thành. Thực vậy, anh em đáng kính, trong lời tuyên thệ anh em sắp thực hiện, có ghi những lời đầy ý nghĩa sâu xa về tinh thần và về đặc tính Giáo Hội. ‘Tôi hứa và thề từ bây giờ và mãi mãi, bao lâu tôi còn sống, luôn trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn vâng phục Hội Thánh Rôma Tông Truyền”. Và khi nhận mũ đỏ, anh em sẽ được nhắc nhở rằng mũ này có nghĩa là ‘Anh em phải sẵn sàng hành xử can đảm, đến độ đổ máu đào, để làm cho đức tin Kitô được tăng trưởng, để dân Chúa được yên hàn”. Và nghi thức trao nhẫn có kèm theo lời nhắn nhủ: ‘Anh em hãy biết rằng tình yêu của anh em đối với Giáo Hội được củng cố qua tình yêu mến dành cho vị Thủ lãnh các Tông Đồ”.


Kính thưa quý vị và anh chị em,


Tiến chức đang bước lên để đón nhận Mũ và Nhẫn Hồng Y từ tay Đức Thánh Cha là Đức Tân Hồng Y James Michael Harvey, người Mỹ, năm nay 63 tuổi. Trong các buổi tiếp kiến giữa Đức Thánh Cha với các Giám Mục trên thế giới đi dự adlimina, chúng ta thường thấy ngài đi bên cạnh Đức Thánh Cha vì ngài là Trưởng Phòng Quản Gia Phủ Giáo Hoàng. Vài ngày trước, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ngài là Giám Quản Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Đây là một trong bốn Đại Thánh Đường tại Rôma.


Vị tiếp theo là Đức Thượng Phụ Béchara Boutros Rai, Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite tại Li Băng. Năm nay ngài 72 tuổi. 


Trong tiếng vỗ tay của anh chị em tín hữu Ấn Độ, Đức Thượng Phụ Baselios Cleemis Thottunkal, Giám Mục Trưởng Giáo Hội Trivandrum Siro Malankaresi của Ấn Độ đang tiến đến trước Đức Thánh Cha. Ngài là vị tân Hồng Y trẻ nhất. Năm nay ngài mới 53 tuổi.


Thưa quý vị và anh chị em,


Tiến chức tiếp theo là Đức Tân Hồng Y John Olorunfemi Onaiyekan, năm nay 68 tuổi. Ngài là Tổng Giám Mục di Abuj của Nigeria. 


Tiếp đến là Đức Cha Ruben Salazar Gomez, Tổng Giám mục thủ đô Bogotá của Colombia.


Giữa tiếng vỗ tay vang dội của hàng ngàn người Phi Luật Tân hiện diện trong Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Cha Luis Antonio Tagle, năm nay 55 tuổi, Tổng Giám Mục Manila Phi Luật Tân, đang tiến đến trước Đức Thánh Cha.


Thưa quý vị và anh chị em,


Quá cảm động, Đức Tân Hồng Y Antonio Tagle đang khóc trước mặt Đức Thánh Cha. Với nụ cười và cái nhìn trìu mến, Đức Thánh Cha đang nói vài lời khích lệ ngài. 


Giải thích với các ký giả sau đó,


Đức Tân Hồng Y Phi Luật Tân nói: “Tôi vốn dễ khóc lắm. Biến cố này quá lớn đối với tôi”.


Với việc tấn phong diễn ra hôm Thứ Bẩy vừa qua, Hồng Y đoàn có 211 vị thuộc 66 quốc gia, gồm 117 vị người Âu, 55 vị Mỹ châu, 20 vị Á châu, 18 vị Phi châu và 1 vị Úc châu. Tổng cộng có 91 vị trên 80 tuổi và 120 vị dưới 80 tuổi.


3. Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ


Trước khi bước sang Năm Phụng Vụ mới với Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, hôm Chúa Nhật vừa qua Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ.


Lúc 9.30 sáng Chúa Nhật 25 tháng 11, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ với các vị tân Hồng Y tại Đền Thờ Thánh Phêrô.


Sau khi Đức Thánh Cha xông hương bàn thờ và an tọa, Đức Hồng Y James Michael Harvey người Mỹ, tân giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, đã đại diện các tân Hồng Y cám ơn Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm các vị làm Hồng Y. Ngài nói: “Khi đón nhận từ tay Đức Thánh Cha vinh dự của tước vị Hồng Y, chúng con quyết tâm trở thành những người kiên trì thực hiện công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng trong tinh thần trách nhiệm, với sự nâng đỡ của ơn thánh Chúa”. 


4. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật


Sau khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật với sáu tân Hồng Y, Đức Thánh Cha đã hướng dẫn buổi đọc kinh Truyền Tin. Dịp này, ngài đã lên tiếng kêu gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho các vị tân Hồng Y.


Đức Thánh Cha nói:


"Tôi mời gọi mọi người cầu nguyện cho sáu vị tân Hồng Y mới được tấn phong hôm qua. Xin Chúa Thánh Thần củng cố đức tin và đức ái và đổ đầy hồng ân thiêng liêng trên các ngài, để các ngài có thể chu toàn trách nhiệm và dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô và Vương Quốc của Ngài. "


Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh tầm vóc phổ quát của Giáo Hội, vì trong số các tân Hồng Y không có ai là người châu Âu.


Đức Thánh Cha nói:


"Những thành viên mới của Hồng Y Đoàn tiêu biểu cho chiều kích phổ quát của Giáo Hội. Họ là các mục tử của các Giáo Hội tại Li Băng, Ấn Độ, Nigeria, Cô-lôm-bi-a, Phi Luật Tân và một trong số các vị từ lâu đã phục vụ ngay tại Tòa Thánh. "


Với hàng ngàn anh chị em tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi họ chào đón Chúa trong cuộc sống của mình.


Đức Thánh Cha nói:


"Vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua, Hội Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng quyền chủ tể vũ trụ của Đấng Cứu Thế Phục Sinh và cầu nguyện cho Vương Quốc của Ngài được trị đến. Cầu chúc bình an của Chúa Kitô luôn luôn ngự trị trong tâm hồn anh chị em.


5. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Tân Hồng Y James Harvey làm Giám Quản Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành.


Tại Rôma có 4 đại thính đường là Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Đền thờ Thánh Phêrô, Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và Đền Thờ Đức Bà Cả.


Hôm thứ Sáu 23 tháng 11, một ngày trước Công Nghị tấn phong Hồng Y, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục James Harvey làm Giám Quản Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành thay thế cho Đức Hồng Y Francesco Monterisi năm nay 78 tuổi, vừa được bổ nhiệm là thành viên trong Bộ Giáo Sĩ hôm 24 tháng 10 vừa qua.


Đức Tân Hồng Y James Harvey sinh ra tại Milwakee, Wisconsin vào ngày 20 Tháng Mười năm 1949. Cho đến hôm thứ Sáu vừa qua, ngài đã giữ chức trưởng phòng quản gia Phủ Giáo Hoàng được 14 năm.


Được thụ phong linh mục vào năm 1975, Đức Tân Hồng Y Harvey cũng đã phục vụ trong ngoại giao đoàn và tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.


6. Tổng Thống Haiti cám ơn Đức Thánh Cha


Hôm 22 tháng 11, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Haiti Michael Joseph Martelly để thảo luận về những thách thức mà quốc gia vùng Caribbean này phải đối diện sau những tàn phá bởi thiên tai và nghèo đói.


Tổng thống Haiti đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng về những công tác nhân đạo Giáo Hội đã thực hiện tại đây sau trận động đất tấn công vào hòn đảo này hồi tháng 1 năm 2010, giết chết đến hơn 200.000 người. Sau trận động đất kinh hoàng đó, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi tất cả các tổ chức Công Giáo giúp xây dựng lại đất nước này.


Hai tháng trước, Đức Giáo Hoàng một lần nữa lại yêu cầu các cơ quan Công Giáo trợ giúp cho quốc gia Caribbean nhỏ bé này, vì hậu quả của cơn bão Sandy.


Trước khi được bầu làm Tổng Thống, ông Martelly là một nhạc sĩ nổi tiếng tại Haiti. Vì thế, ông Martelly đã tặng Đức Giáo Hoàng một cây đàn trang trí đầy mầu sắc. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tặng lại vị Tổng Thống nhạc sĩ một bức tranh điêu khắc bằng đồng với hình ảnh của Quảng trường Thánh Phêrô. 


Sau buổi tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống Martelly cũng đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.


7. Các Kitô hữu phải nói về Thiên Chúa như thế nào?


Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 28 tháng 11, Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin bằng cách giải quyết một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để các Kitô hữu đề cập đến Thiên Chúa với bạn bè đồng nghiệp và gia đình của họ?


Đức Thánh Cha nói:


"Anh chị em thân mến, tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin giờ đây chúng ta hãy xem xét vấn đề là chúng ta nên nói như thế nào về Thiên Chúa cho những người đương thời của chúng ta, trao đổi về đức tin Kitô như là một đáp trả trước khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người. Điều này có nghĩa là đưa Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô đến với những người nam nữ của thời đại chúng ta.


Điều đó có nghĩa là lặng lẽ và khiêm tốn làm chứng mỗi ngày cho cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng. Đây là Tin Mừng của Thiên Chúa Đấng yêu thương thế gian, Đấng đã xích lại gần với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô đến độ hy sinh trên Thập giá. Người cũng là Đấng mà trong biến cố Phục Sinh mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và lời hứa của sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta: qua sự quan tâm yêu thương của Ngài trước những vấn nạn, những cố gắng và nhu cầu của con người, Ngài dẫn họ đến với Chúa Cha.


Trong nghĩa vụ đưa Thiên Chúa đến với những người đương thời của chúng ta, các gia đình đóng một vai trò đặc biệt, vì trong các gia đình đời sống đức tin được sống hàng ngày trong niềm vui, sự tha thứ, đối thoại và tình yêu. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đã mạc khải về sự cao trọng của chúng ta như những người đã được cứu chuộc bởi tình yêu và đã được Chúa gọi, từ trong Giáo Hội của Ngài, để canh tân thành phố của nhân loại, để nó có thể trở thành thành phố của Thiên Chúa.


8. Vatican mở cửa cho các khách mời của sáu vị tân Hồng Y


Hôm thứ Bẩy 24 tháng 11, Tòa Thánh đã mở rộng cửa chào đón các khách mời của sáu vị hoàng tử mới của Giáo Hội.


Các cuộc viếng thăm xã giao đã diễn ra tại hành lang Ducall và Regia Sala, hai trong số các cấu trúc trang trí công phu nhất trong Điện Tông Tòa. Gần hai giờ, các vị tân Hồng Y mới đã chào đón và chụp hình lưu niệm với các thân hữu và anh chị em tín hữu đến chúc mừng.


9. Đức Thánh Cha chào đón thân quyến của các vị tân Hồng Y.


Hôm thứ Hai, 26 tháng 11, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với thân quyến của các vị tân Hồng Y tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục. 


Các vị tân Hồng Y đã giới thiệu các thành viên trong gia đình và các thân quyến của mình với Đức Giáo Hoàng.


10. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 12


Kính thưa quý vị và anh chị em,


Mỗi tháng Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trên thế giới cùng hiệp ý cầu nguyện với ngài. Trong tháng Mười Hai khi chúng ta trông chờ Chúa đến trong mùa Vọng và hân hoan chào đón mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người và cư ngụ giữa chúng ta, Đức Thánh Cha đặc biệt nhớ đến những người di dân vì “chính Chúa cũng đã là một người dân viễn xứ, Chúa cũng đã là một người dân di cư, Chúa đã lang thang không một nơi trú ngụ, Chúa đã một thời rày đây mai đó”.


Ý cầu nguyện chung: Xin cho tất cả những di dân trên toàn thế giới có thể được người dân điạ phương đặc biệt là các cộng đồng Kitô hữu chào đón với lòng quảng đại và tình yêu đích thực.


Ý truyền giáo: Xin cho Chúa Kitô là ánh sáng cho nhân loại. Chúa Kitô đã tỏ mình ra cho nhân loại qua ánh sáng chiếu tỏa từ Bethlehem. Xin cho ánh sáng ấy được tiếp tục phản ánh qua diện mạo của Giáo Hội của Người.


11. Brazil chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh


Kính thưa quý vị và anh chị em,


Trong Mùa Vọng, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican sẽ hân hạnh gởi đến quý vị và các bạn những hình ảnh Giáng Sinh tại các nước trên thế giới.


Tuần này, Mai Hương xin được bắt đầu với những hình ảnh Giáng Sinh tại Brazil, là nơi sẽ diễn ra Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ từ ngày 23 tháng Bẩy đến 28 tháng Bẩy năm tới. Đất nước với dân số 199 triệu 320 ngàn người đang có những hoạt động chuẩn bị ráo riết cho biến cố trọng đại này.


Theo thống kê mới nhất vừa diễn ra hồi tháng Bẩy vừa qua, 73.6% dân số Brazil theo Công Giáo và 15.4% theo Tin Lành. Nghĩa là những cố gắng để chặn đứng làn sóng người Công Giáo bỏ đạo để theo Tin Lành xem chừng như vẫn nhiều gian nan. 


Thánh lễ đầu tiên diễn ra trên miền đất này là Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh năm 1500 cử hành bởi một linh mục Bồ Đào Nha là người đã theo chân những người đi tìm những miền đất mới. Năm mươi mốt năm sau đó, giáo phận đầu tiên đã được thành lập.


Là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, người Brazil mừng lễ Giáng Sinh với nhiều truyền thống độc đáo của Bồ Đào Nha trong đó có việc làm những máng cỏ rất lớn. 


Do khí hậu nóng nực, ông già Noel không mặc trang phục như thường thấy nhưng mặc một áo lụa mỏng màu đỏ. 


Thánh lễ Giáng Sinh được người Brazil gọi là “Missa do Galo”. Galo có nghĩa là gà trống. Sở dĩ gọi như thế vì thánh lễ Giáng Sinh thường kết thúc vào lúc 1h sáng, lúc gà bắt đầu gáy.


12. Đức Thánh Cha kêu gọi cải tiến tình trạng các nhà tù trên thế giới


Hôm 22 tháng 11, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với một nhóm các quản trị viên nhà tù, là những người giám sát việc quản lý các nhà tù tại Châu Âu. Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng công lý không thể là cớ để biện minh cho sự thiếu tôn trọng phẩm giá của các tù nhân.


Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng án tù, không nên chỉ là một thứ hình phạt nhưng phải là cơ hội cải huấn với một định hướng rõ rệt là nhằm đưa các tù nhân trở lại với đời sống bình thường trong xã hội.


Đức Thánh Cha nói:


Nhu cầu bắt buộc một người tù phải trải qua một quá trình trong trại giam để phục hồi chức năng và trưởng thành là một nhu cầu chính đáng của xã hội, nếu nó nhằm giành lại một con người có thể đóng góp cho thiện ích chung của xã hội, và làm giảm khả năng tù nhân tái phạm và do đó gây nguy hiểm cho xã hội. "


Bộ trưởng Tư pháp Italia là bà Paola Severino, đã chào đón Đức Giáo Hoàng thay mặt cho cả nhóm. Bà nói rằng các biểu tượng Kitô giáo được tìm thấy trong những trại giam, thực sự giúp các tù nhân.


Bà Paola Severino nói:


"Giữa một phòng giam trơ trọi, một bàn thờ hoặc một cây thánh giá, có thể tạo ra một cảm giác bình an."


Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha đã yêu cầu các vị giám đốc nhà tù hãy chăm sóc cho các tù nhân và cho phép các hoạt động tôn giáo trong nhà tù.


13. Các tu sĩ dòng Phanxicô dùng công nghệ thông tin mới để triển lãm cuộc đời Thánh Phanxicô thành Assisi


Du khách đến với Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô thành Assisi sẽ kinh ngạc với một cuộc triển lãm công nghệ cao về cuộc sống của vị thánh, cũng như sự phong phú về văn hóa và nghệ thuật tại Assisi. Cuộc triển lãm theo loại hình này được gọi là Franciscan Media Library nghĩa là thư viện truyền thông Phanxicô - toạ lạc tại tầng dưới của Vương Cung Thánh Đường.


Tại đây, du khách sẽ có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời của vị thánh và lịch sử của Dòng Anh Em Hèn Mọn. Thư viện có hơn 1.000 hình ảnh, 700 hồ sơ, các phim tài liệu về cuộc đời của thánh Phanxicô, và cuộc sống hàng ngày của các tu sĩ của ngài.


14. Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Li Băng


Một ngày trước Công Nghị tấn phong Hồng Y, hôm thứ Sáu 23 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã có buổi tiếp kiến dành cho Tổng thống Li Băng là tướng Michel Suleiman, người dẫn đầu phái đoàn Li Băng tham dự lễ tấn phong Hồng Y cho Đức Thượng Phụ Béchara Boutros Rai. 


Trong buổi tiếp kiến, hai vị đã nhắc lại những kỷ niệm trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Li Băng 2 tháng trước đó. 


Tổng thống đã tặng Đức Thánh Cha một bức ảnh cổ về Đức Mẹ rất nghệ thuật, cũng như album các hình ảnh của chuyến thăm của Đức Thánh Cha.


15. Làm thế nào để tham dự buổi triều yết chung của Đức Giáo Hoàng


Mỗi tuần vào ngày thứ Tư hàng ngàn tín hữu thực hiện theo cách của họ để đến Vatican nghe bài huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi triều kiến chung. 


Nếu thời tiết đẹp, buổi triều yết chung sẽ diễn ra ngoài trời, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng nếu trời mưa hoặc lạnh, cuộc gặp gỡ này thường được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, bên trong Vatican.


Một tín hữu hành hương cho biết:


"Mọi người ở đây đều rất trật tự. Không ai vội vã, xô đẩy. Mọi người đều rất tốt bụng. "


Đức Thánh Cha trình bày bài huấn dụ bằng tiếng Ý, sau đó ngài tóm tắt lại bằng ít nhất tám ngôn ngữ khác nhau như tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và gần đây cả bằng tiếng Ả rập.


Thông thường, khoảng 8,000 đến 10,000 người tham dự buổi tiếp kiến chung. Để làm nổi bật giữa đám đông, họ mang theo các loại cờ xí, các băng rôn hoặc thậm chí hát cho Đức Giáo Hoàng.


Muốn tham dự buổi triều yết chung quý vị và anh chị em cần phải viết thư về Phủ Giáo Hoàng khoảng mười ngày trước trong đó nêu rõ số lượng vé cần thiết, địa chỉ gửi thư, số điện thoại và tên của những người hoặc nhóm tham dự. Vé tham dự là miễn phí.

VietCatholic Network

0 nhận xét:

Đăng nhận xét