Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Chuyện về nền giáo dục trong bóng tối




Bài phỏng vấn đã được đăng trên Báo Sinh Viên Việt Nam: CHUYỆN VỀ “NỀN GIÁO DỤC TRONG BÓNG TỐI”.  Xin chân thành cảm ơn NCS. Phạm Nguyễn Qúy (Nhật), ThS. Lê Thị Minh Hiếu (Phần Lan), J. T. (Phần Lan, sinh viên), L. P. (Phần Lan, giáo viên), … đã chia sẽ nhiều ý kiến thú vị về vấn đề học thêm, dạy thêm.

CHUYỆN VỀ “NỀN GIÁO DỤC TRONG BÓNG TỐI”

Trung tâm Nghiên cứu giáo dục so sánh thuộc Đại học Hồng Kông vừa công bố nghiên cứu “Shadow Education: Private Supplementary Tutoring and Its Implications for Policy Makers in Asia”. Theo nghiên cứu này, ngành công nghiệp dạy thêm, còn gọi là “giáo dục trong bong tối” (Shadow Education) ít chú ý đến hỗ trợ học sinh học thêm mà chú trọng hơn vào cạnh tranh và tạo ra các thang bậc. Với không ít người, việc này được coi là một hình thức của tham nhũng. SVVN có cuộc trao đổi với TS. Lê Văn Út (tốt nghiệp tiến sĩ Toán học tại Đại học Oulu, Phần Lan) về chuyện này:


NỒI CƠM CHÍNH, NỒI CƠM PHỤ

Theo anh, tại sao lại có chuyện học thêm, khi ta đã có học chính khóa?

TS. Lê Văn Út: Theo tôi nghĩ, học thêm là một nhu cầu vừa hữu hình vừa vô hình của học sinh. Nó hữu hình ở chỗ: bên cạnh việc học chính khoá, học sinh có nhu cầu bổ sung kiến thức vì có thể trên lớp họ không thể theo kịp chương trình hoặc họ có nhu cầu học nâng cao thêm so với chương trình chính khoá.
Tuy nhiên, việc học thêm đôi khi cũng vô hình. Do áp lực điểm số và áp lực thi cử nên phụ huynh và học sinh xem giải pháp “học thêm” như là một “cứu cánh” không thể thiếu. Ngoài ra, có lẽ cũng phải kể đến áp lực từ phía giáo viên lên chính học sinh của họ.

Các nhà nghiên cứu đã ví nền công nghiệp học thêm là “Shadow Education” (giáo dục trong bóng tối). Với kiểu “chơi chữ” này, chắc hẳn tính chính danh của việc học thêm là “có vấn đề”, thưa anh?

TS. Lê Văn Út: Chắc chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi gần đây dư luận xã hội bàn nhiều về vấn đề dạy thêm. Một số hệ lụy của vấn đề học thêm, dạy thêm cũng đã được nêu ra. Theo tôi, nếu việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu hữu hình như đã nêu thì chúng ta không thể xem hoạt động này là “giáo dục trong bóng tối”, không đáng bị lên án.
Ngược lại, nếu việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ những nhu cầu vô hình thì tính chính danh của những hoạt động này rõ ràng là có vấn đề.

Hệ thống học thêm (thứ được sinh ra từ hệ thống trường lớp chính thức) lại quay lại tác động tiêu cực đến chính hệ thống đã sinh ra nó. Vậy tại sao hệ thống trường lớp chính thức không thể ngăn chặn nó?

TS. Lê Văn Út: Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất tế nhị. Nó xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Cũng có thể là do chương trình học quá tải, cũng có thể là do đồng lương của giáo viên chưa phù hợp, hay có thể là do quản lí về mặt vĩ mô chưa được tốt, .v.v. Nói gì thì nói, tôi thấy rất đáng tiếc là nền giáo dục đã bị thương mại hóa. Một khi người ta vì lợi nhuận (và có thể chưa phi pháp) thì việc ngăn chặn là hết sức khó khăn. Lúc đầu, có thể xuất phát từ những nhu cầu hữu hình nên người ta tổ chức dạy thêm, học thêm; nhưng khi những hoạt động này bị biến tướng thành dịch vụ cho các nhu cầu vô hình như đã nêu thì chúng đã tạo nên những nhức nhối cho toàn xã hội.
Lương giáo viên thấp cũng có thể là một nguyên nhân. Giáo viên có thể nhờ vào việc dạy thêm để cải thiện thu nhập, nhưng cái khổ là đôi khi họ lại vô tình (cũng có khi cố ý) lẫn lộn giữa việc công và việc tư nên việc dạy thêm có thể bị biến tướng.

Thưa anh, qua quan sát nền giáo dục VN, anh nghĩ nền công nghiệp dạy thêm đang như thế nào?

TS. Lê Văn Út: Tôi có cảm giác việc dạy thêm ở Việt Nam đã vượt rất xa việc phục vụ những nhu cầu hữu hình như đã nói. Không ít giáo viên đã xem thu nhập từ dạy thêm là “nồi cơm chính” của họ, mà thực tế cũng đúng vì giáo viên rất khó sống được bằng lương. Tuy nhiên, từ “nồi cơm chính” nhiều giáo viên lại chọn đây là cách làm giàu (hay làm kinh doanh) luôn nên vấn đề trở nên rất trầm trọng.

HỌC HỎI GÌ TỪ PHẦN LAN?!

Theo anh, làm thế nào để giảm thiểu được tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan?

TS. Lê Văn Út: Tôi nghĩ những người làm quản lí bậc giáo dục phổ thông sẽ có trả lời chính xác cho câu hỏi này. Tuy nhiên, theo suy nghĩ cá nhân của tôi thì vấn đề lương giáo viên có thể là vấn đề cốt lõi. Nếu lương thấp quá thì giáo viên không thể an tâm cho công việc của họ, và việc họ làm thêm bằng chính năng lực của mình (như dạy thêm) là khó tránh khỏi. Một khi lương giáo viên không quá thấp và họ có thể nuôi sống họ và gia đình thì chắc không khó để thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm. Tôi có biết một số trường trung học phổ thông dân lập ở Việt Nam trả lương khá cao cho giáo viên của họ và nhà trường yêu cầu giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài trường cho chính học sinh của mình.
Tôi nghe nhiều giáo viên, học sinh phàn nàn về chương trình quá tải, áp lực thi cử, v.v… Do đó, không thể không học thêm, dạy thêm! Nếu sự thật là thế thì tôi nghĩ nhà trường có thể tổ chức phụ đạo cho học sinh ngay tại trường. Nên chăng có một mức học phí bổ sung phù hợp cho việc học phụ đạo để giáo viên dạy phụ đạo có thể cải thiện được thu nhập?
Ngoài ra, thực hiện xã hội hoá giáo dục thông qua các chương trình bồi dưỡng văn hóa phổ thông trên truyền hình, internet cũng có thể là giải pháp cần thiết.

Anh đã từng giảng dạy và sinh sống ở Phần Lan, đất nước được coi là có nền giáo dục tốt nhất thế giới, anh thấy họ có kinh nghiệm gì trong chuyện này?

TS. Lê Văn Út: Đây là vấn đề rất thú vị. Như chúng ta đã biết, kết quả PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của Phần Lan trong các năm gần đây đều cao, có năm dẫn đầu thế giới. Phần Lan được xếp hạng gần như cao nhất ở cả ba lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học trong tất cả các cuộc khảo sát kể từ năm 2000, ngang hàng với các quốc gia kì cựu như Hàn Quốc và Singapore. Nhiều chuyên gia giáo dục và nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã tìm đến Phần Lan để tìm hiểu những “bí mật” thành công của nước này. Tôi cũng đã rất tò mò về vấn đề này, đến nỗi một số bạn bè Phần Lan trêu tôi là “gián điệp” của Việt Nam!
Về vấn đề học thêm, dạy thêm thì thật ra là có ở Phần Lan. Cụ thể, học sinh Phần Lan có thể được phụ đạo ngoài các lớp chính khoá nếu họ không theo kịp chương trình. Việc phụ đạo này thường đến trước các kỳ thi quan trọng. Học sinh không phải trả phí cho việc học phụ đạo này, nhà trường trả thêm lương cho giáo viên tham gia dạy phụ đạo. Bên Phần Lan, nói đến học là hoàn toàn miễn phí nên việc tổ chức dạy thêm tại nhà của giáo viên như ở Việt Nam là không thể.
Bên cạnh đó, giáo viên ở Phần Lan, tuy khó có thể làm giàu, nhưng họ có thể sống được bằng lương và cũng có thể nuôi thêm gia đình của họ, nên việc dạy thêm để lấy tiền của học sinh chắc là chưa cần thiết.
Một chi tiết quan trọng là chương trình học ở Phần Lan được thiết kế sao cho học sinh tất cả các trình độ khác nhau có thể theo kịp. Nếu học sinh nào gặp khó trong học tập thì họ có thể được xếp học ở những nhóm nhỏ với những giáo viên đặc biệt.

Chắc hẳn cách dạy và cách học ở Phần Lan có khá nhiều điều hay, thưa anh?

TS. Lê Văn Út: Đúng vậy. Cách dạy, cách học ở Phần Lan cũng cần đặc biệt quan tâm. Học sinh không bị học nhồi, học vẹt. Giáo viên thường yêu cầu học sinh làm bài tập ở nhà ít hơn và thu hút họ tham gia nhiều trò chơi sáng tạo hơn. Họ cho học sinh giỏi kèm học sinh kém. Đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, Phần Lan không có bài kiểm tra chuẩn hóa, ngoại trừ duy nhất kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học mà tất cả học sinh đều phải tham gia để kết thúc chương trình phổ thông trung học. Giáo viên được đào tạo để đánh giá học sinh của mình bằng các bài kiểm tra do chính họ tự soạn.
Phần Lan quan tâm đến việc tạo ra sự bình đẳng, sao cho mọi học sinh đều có cơ hội, hơn là chạy theo thành tích. Do việc trở nên xuất sắc trong học thuật không phải là một vấn đề ưu tiên hàng đầu ở Phần Lan, mà họ đã tạo ra một nền học thuật xuất sắc thông qua các chính sách về sự bình đẳng. Ở Phần Lan, không có “bệnh thành tích” trong giáo dục nên giáo viên, phụ huynh và học sinh ít bị những áp lực vô hình.
Ở Phần Lan, nếu phát hiện giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà để thu tiền của học sinh của họ, thì ngay lập tức sẽ bị đuổi việc, nhưng những trường hợp này dường như không có. Ở đây, không thể có chuyện dạy thêm bên ngoài, chỉ dạy phụ đạo trong trường, chứ không phải tại nhà riêng của giáo viên. Và cũng không thu phí gì được của học sinh, thứ nhất giáo dục là miễn phí, thứ hai mọi khoản tiền thu đều bị đánh thuế. Tôi nghĩ những cách làm của Phần Lan rất đáng để các nước khác tham khảo.

Xin cảm ơn anh!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)
—————-
==================
TRÊN BÁO SINH VIÊN VIỆT NAM
***
***
CHUYỆN VỀ “NỀN GIÁO DỤC TRONG BÓNG TỐI”
Trung tâm Nghiên cứu giáo dục so sánh thuộc ĐH Hồng Kông vừa công bố nghiên cứu “Shadow Education: Private Supplementary Tutoring and Its Implications for Policy Makers in Asia”. Theo nghiên cứu này, ngành công nghiệp dạy thêm, còn gọi là “giáo dục trong bóng tối” (Shadow Education) ít chú ý đến hỗ trợ học sinh học thêm mà chú trọng hơn vào cạnh tranh và tạo ra các thang bậc. Với không ít người, việc này được coi là một hình thức của tham nhũng. TS Lê Văn Út (tốt nghiệp tiến sĩ Toán học tại ĐH Oulu, Phần Lan) chia sẻ cùng Sinh Viên Việt Nam.
“Nồi cơm” chính, “nồi cơm” phụ
Theo ông, tại sao phải học thêm, khi học sinh đã có các buổi học chính khóa?
Khach moi (TS Le Van Ut).jpeg
Học thêm là một nhu cầu vừa hữu hình, vừa vô hình của học sinh. Nó hữu hình ở chỗ, bên cạnh việc học chính khóa, học sinh có nhu cầu bổ sung kiến thức vì có thể trên lớp họ không thể theo kịp chương trình hoặc họ có nhu cầu học nâng cao thêm so với chương trình chính khóa. Tuy nhiên, việc học thêm đôi khi cũng vô hình. Do áp lực điểm số và áp lực thi cử nên phụ huynh và học sinh xem giải pháp “học thêm” như là một giải pháp không thể thiếu. Ngoài ra, có lẽ cũng phải kể đến áp lực từ phía giáo viên lên chính học sinh của họ.
Các nhà nghiên cứu đã ví nền công nghiệp học thêm là “Shadow Education” (giáo dục trong bóng tối). Với kiểu “chơi chữ” này, chắc hẳn tính chính danh của việc học thêm là “có vấn đề”, thưa ông?
Chắc chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi gần đây, dư luận xã hội bàn nhiều về vấn đề dạy thêm. Một số hệ lụy của vấn đề học thêm, dạy thêm cũng đã được nêu ra. Theo tôi, nếu việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu hữu hình như đã nêu thì chúng ta không thể xem hoạt động này là “giáo dục trong bóng tối”, không đáng bị lên án. Ngược lại, nếu việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ những nhu cầu vô hình thì tính chính danh của những hoạt động này rõ ràng là có vấn đề.
Hệ thống học thêm (thứ được sinh ra từ hệ thống trường lớp chính thức) lại quay lại tác động tiêu cực đến chính hệ thống đã sinh ra nó. Vậy tại sao hệ thống trường lớp chính thức không thể ngăn chặn nó?
Đây là một vấn đề rất tế nhị. Nó xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Cũng có thể là do chương trình học quá tải, cũng có thể là do đồng lương của giáo viên chưa phù hợp, hay có thể là do quản lý về mặt vĩ mô chưa được tốt… Tôi thấy rất đáng tiếc khi nền giáo dục đã bị thương mại hóa. Một khi người ta vì lợi nhuận (và có thể bất hợp pháp) thì việc ngăn chặn là hết sức khó khăn. Lúc đầu, có thể xuất phát từ những nhu cầu hữu hình nên người ta tổ chức dạy thêm, học thêm nhưng khi những hoạt động này bị biến tướng thành dịch vụ cho các nhu cầu vô hình như đã nêu thì chúng đã tạo nên những nhức nhối cho toàn xã hội.
Lương giáo viên thấp cũng có thể là một nguyên nhân. Giáo viên có thể nhờ vào việc dạy thêm để cải thiện thu nhập nhưng cái khổ là đôi khi họ lại vô tình (cũng có khi cố ý) lẫn lộn giữa việc công và việc tư nên việc dạy thêm có thể bị biến tướng.
Quan sát nền giáo dục Việt Nam, ông nghĩ “nền công nghiệp dạy thêm” đang như thế nào?
Tôi có cảm giác việc dạy thêm ở Việt Nam đã vượt rất xa việc phục vụ những nhu cầu hữu hình như đã nói. Không ít giáo viên đã xem thu nhập từ dạy thêm là “nồi cơm chính” của họ, mà thực tế cũng đúng vì giáo viên rất khó sống được bằng lương. Tuy nhiên, từ “nồi cơm chính” nhiều giáo viên lại chọn đây là cách làm giàu (kinh doanh) luôn nên vấn đề trở nên rất trầm trọng.
Học hỏi từ nền giáo dục hàng đầu
Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu được tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan?
Có lẽ, những người làm công tác quản lý (bậc giáo dục phổ thông) sẽ có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi thì vấn đề lương giáo viên có thể là vấn đề cốt lõi. Nếu lương thấp quá thì giáo viên không thể an tâm cho công việc của họ và việc họ làm thêm bằng chính năng lực của mình (như dạy thêm) là khó tránh khỏi. Một khi lương giáo viên không quá thấp và họ có thể nuôi sống họ và gia đình thì chắc không khó để thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm. Tôi biết một số trường trung học phổ thông dân lập ở Việt Nam trả lương khá cao cho giáo viên của họ và nhà trường yêu cầu giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài trường cho chính học sinh của mình.
Tôi nghe nhiều giáo viên, học sinh phàn nàn về chương trình quá tải, áp lực thi cử… Do đó, không thể không học thêm, dạy thêm! Nếu sự thật là thế thì tôi nghĩ, nhà trường có thể tổ chức phụ đạo cho học sinh ngay tại trường. Nên chăng có một mức học phí bổ sung phù hợp cho việc học phụ đạo để giáo viên dạy phụ đạo có thể cải thiện được thu nhập?Ngoài ra, thực hiện xã hội hóa giáo dục thông qua các chương trình bồi dưỡng văn hóa phổ thông trên truyền hình, Internet cũng có thể là giải pháp cần thiết.
Ông đã từng giảng dạy và sinh sống ở Phần Lan, đất nước được coi là có nền giáo dục tốt nhất thế giới, ông thấy họ có kinh nghiệm gì trong chuyện này?
Đây là vấn đề rất thú vị. Như chúng ta đã biết, kết quả PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của Phần Lan trong các năm gần đây đều cao, có năm dẫn đầu thế giới. Phần Lan được xếp hạng gần như cao nhất ở cả ba lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, trong tất cả các cuộc khảo sát kể từ năm 2000. Nhiều chuyên gia giáo dục và nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã tìm đến Phần Lan để tìm hiểu những “bí mật” thành công của nước này.
Về vấn đề học thêm, dạy thêm thì thật ra, nó vẫn có ở Phần Lan. Cụ thể, học sinh Phần Lan có thể được phụ đạo ngoài các lớp chính khóa, nếu các em không theo kịp chương trình. Việc phụ đạo này thường đến trước các kỳ thi quan trọng. Học sinh không phải trả phí cho việc học phụ đạo này, nhà trường trả thêm lương cho giáo viên tham gia dạy phụ đạo. Bên Phần Lan, nói đến học là hoàn toàn miễn phí nên việc tổ chức dạy thêm tại nhà của giáo viên như ở Việt Nam là không thể.
Bên cạnh đó, giáo viên ở Phần Lan, tuy khó có thể làm giàu nhưng họ có thể sống được bằng lương và cũng có thể nuôi thêm gia đình của họ, nên việc dạy thêm để lấy tiền của học sinh chắc là chưa cần thiết.Một chi tiết quan trọng là chương trình học ở Phần Lan được thiết kế sao cho học sinh tất cả các trình độ khác nhau có thể theo kịp. Nếu học sinh nào gặp khó trong học tập thì họ có thể được xếp học ở những nhóm nhỏ với những giáo viên đặc biệt.
Chắc hẳn cách dạy và cách học ở Phần Lan có khá nhiều điều hay, thưa ông?
Học sinh không bị học nhồi, học vẹt. Giáo viên thường yêu cầu học sinh làm bài tập ở nhà ít hơn và thu hút họ tham gia nhiều trò chơi sáng tạo hơn. Họ cho học sinh giỏi kèm học sinh kém. Đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, Phần Lan không có bài kiểm tra chuẩn hóa, ngoại trừ duy nhất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà tất cả học sinh đều phải tham gia để kết thúc chương trình. Giáo viên được đào tạo để đánh giá học sinh của mình bằng các bài kiểm tra, do chính họ biên soạn.
Phần Lan quan tâm đến việc tạo ra sự bình đẳng, sao cho mọi học sinh đều có cơ hội, hơn là chạy theo thành tích. Do việc trở nên xuất sắc trong học thuật không phải là một vấn đề ưu tiên hàng đầu ở Phần Lan, mà họ đã tạo ra một nền học thuật xuất sắc, thông qua các chính sách về sự bình đẳng. Ở Phần Lan, không có “bệnh thành tích” trong giáo dục nên giáo viên, phụ huynh và học sinh ít bị những áp lực vô hình.
Cũng tại đất nước Bắc Âu này, nếu phát hiện giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà để thu tiền của học sinh, thì ngay lập tức sẽ bị đuổi việc nhưng những trường hợp này dường như không có. Tôi nghĩ những cách làm của Phần Lan rất đáng để các nước khác tham khảo.
Xin cảm ơn ông!

Lê Ngọc Sơn (thực hiện)
http://www.svvn.vn/vn/news/giaoduc/4965.svvn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét